Syria : Matxcơva, Damas và Téhéran đồng sàng nhưng dị mộng
- Thứ Tư, 06 tháng Tư năm 2016 20:37
- Tác Giả: RFI
Một cảnh thành phố cổ Palmyra mà quân đội Syria đã chiếm lại. Ảnh 01/04/2016
Reuters
Sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria, nơi mà Iran đã dấn thân từ hơn 3 năm nay bên cạnh quân đội Syria của tổng thống Bachar al- Assad, đã cho phép lật ngược thế cờ, thay đổi tương quan lực lượng, và do đó củng cố thế đứng của chính quyền Damas trong tiến trình đàm phán.
Trong cuộc chiến, chính quyền Syria cũng được Iran giúp đỡ. Có điều là 3 đồng minh - Matxcơva, Damas và Téhéran - không cùng chung một ý đồ.
Bất đồng do đó có thể xuất hiện trên mặt phương pháp cũng như mục tiêu.
Vào lúc chiến sự vẫn dai dẳng tại Syria, đặc sứ Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura đang nỗ lực chuẩn bị cho vòng đàm phán liên Syria kế tiếp tại Genève mà ông hy vọng có thể mở ra vào ngày 11/04/2016.
Theo kế hoạch dự kiến, đặc sứ Liên Hiệp Quốc sẽ lần lượt ghé Mátxcơva, Damas, Ankara, Téhéran và Ryad với mục tiêu thúc đẩy các nước này có biện pháp tích cực giúp cho đàm phán liên Syria tiến triển.
Ông de Mistura đã đến Mátxcơva ngày 05/03, khởi đầu vòng thuyết du mới.
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc đã không ngần ngại nhấn mạnh là Nga đã tạo ra một sức bật thật sự cho một giải pháp chính trị ở Syria.
Trước khi không quân Nga can thiệp ồ ạt vào Syria ngày 30/09/2015, quân đội chính quyền Syria luôn phải trong thế thủ và cứ mất dần các vùng kiểm soát.
Từ tháng 4 đến tháng 8/2015, chế độ Damas đã mất hết tỉnh Idleb phía bắc, ¼ tỉnh Lattaquié, thành phố cổ Palmyra và một phần không nhỏ Deraa.
Ở Alep thì quân đội Syria trong thế yếu đã bị đe dọa, còn chung quanh Damas thì cũng tiến rất là chậm chạp.
Nhưng trong vòng 5 tháng sau đó, quang cảnh đã thay đổi rất nhiều.
Được sự hỗ trợ của oanh tạc cơ và trực thăng chiến đấu Nga bố trí tại căn cứ Hmeimim-Lattaquié, được hàng trăm huấn luyện viên Nga cố vấn, với những thiết bị tối tân (thiết giáp T-90, súng phóng tên lửa, hỏa tiễn địa đối không có hệ thống laser chỉ đường, hệ thống liên lạc tối tân, …) quân đội Syria đã lấy lại thế tiến công trên mọi mặt trận.
Họ đã chiếm lại được hơn 250 ngôi làng và thành phố, chiếm lại toàn bộ tỉnh Lattaquié, bao vây lực lượng nổi dậy ở khu vực đông Alep, tiến quân vào Deraa, Palmyra, ở miền Trung, Cheikh Meskin ở phía nam, Salma và Rabia phía Tây…
Quân đội của tổng thống al- Assad đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Thành công quân sự này có được là nhờ hỏa lực mạnh mẽ được triển khai và sự tham gia tích cực của các đồng minh : Lực lượng Hezbollah Liban và Vệ Binh Cách Mạng Iran, kèm theo các kế hoạch quân sự được chuẩn bị cùng với các cố vấn Nga nằm trong ban tham mưu Syria và một sự phối hợp tốt.
Tuy nhiên nếu trên mặt quân sự có sự phối hợp gần như nhịp nhàng, thì trên mặt chính trị lại khác.
Những bất đồng đã lộ rõ rất sớm giữa Nga và Syria, cũng như giữa Matxcơva và Téhéran trên những mục tiêu mà ba bên đeo đuổi.
Putin "hiếu hòa" còn al Assad "hiếu chiến"
Trong lúc mà Nga vẫn khẳng định không thể có giải pháp quân sự cho khủng hoảng Syria và cuối cùng thì các bên lâm chiến phải ngồi vào cùng một bàn để tìm một giải pháp chính trị, tổng thống Syria al-Assad lại trút bầu tâm sự : « Mục tiêu tối hậu là phải giải phóng toàn bộ lãnh thổ Syria và đánh bại quân khủng bố. »
Tuyên bố của ông al-Assad đã bị Nga đánh giá là một hành động phá hoại nỗ lực ngoại giao giữa Matxcơva và Washington nhằm thúc đẩy một tiến trình chính trị mới.
Nga không che giấu thái độ không hài lòng của mình, và người đại diện của Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Tchorkine, đã phản pháo hôm 18/02/2016 :
« Chúng tôi đã đầu tư nghiêm túc vào cuộc khủng hoảng này về mặt chính trị, ngoại giao cũng như quân sự. Vì vậy, chúng tôi muốn tổng thống Assad quan tâm đến điều đó. »
Trong khi nền ngoại giao Nga nỗ lực hoạt động để làm sống lại các cuộc đàm phán liên Syria, Assad đã ký một sắc lệnh tổ chức bầu cử Quốc Hội vào ngày 13/04/2016.
Quyết định này gây ngạc nhiên cho cả các đồng minh lẫn kẻ thù của chế độ Damas, cũng như các nhà quan sát, nhất là khi các cuộc đàm phán tại Genève sẽ bàn thảo về khả năng phe đối lập tham gia vào chính quyền ở mọi cấp độ.
Sợ rằng các đối thủ cứng rắn viện cớ quyết định của Damas để tẩy chay các cuộc đàm phán Genève, Matxcơva đã phản ứng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, cho biết hôm 24/02/2016 rằng Matxcơva đã nhấn mạnh là cần có một tiến trình chính trị dẫn đến một bản hiến pháp mới và sau đó là các cuộc bầu cử.
Một cuộc hưu chiến quá vội vã
Tuy nhiên, các bất đồng sâu sắc nhất lại là những điều không được phô bày công khai.
Theo những người gần gũi với chính phủ Syria tại Damas, chế độ Syria và đồng minh Iran đã kịch liệt phản đối việc ngừng bắn do Nga đề xuất.
Một viên tướng dự bị trong quân đội Syria, xin giấu tên, đã tiết lộ : « Tại các cuộc họp, các quan chức cấp cao của ba nước xem xét vấn đề ngừng bắn, đã to tiếng với nhau.
Phía Syria và Iran coi thỏa thuận ngừng bắn quá vội vã, vì được đưa ra vào lúc quân đội chính phủ đang trên đà tái chinh phục, đặc biệt là ở vùng Aleppo. Họ đã cho rằng đề nghị của Nga rất phi lý, và không hiểu được động cơ của Matxcơva ».
Syria và Iran đã cố tìm cách lùi việc ngừng bắn một vài ngày để hoàn tất chiến dịch bao vây các khu phố phía Đông Alep trong tay phiến quân, và đánh chiếm hai thành trì cuối cùng của lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Mareh và Aazaz gần biên giới.
Cố gắng này đã vô ích. Nga đã đưa ra quyết định của mình và áp đặt điều đó trên hai đồng minh.
Lệnh ngừng bắn do Matxcơva và Washington bảo trợ đã có hiệu lực từ ngày 27/02/2016.
Nga sau đó đã thành lập tại căn cứ Hmeimim, một « trung tâm đặc trách hoà giải giữa các bên trong cuộc xung đột Syria ».
Trên danh nghĩa, trung tâm này có nhiệm vụ ghi nhận những hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Thế nhưng trung tâm cũng đã thiết lập quan hệ với hàng chục nhóm vũ trang và nhân vật đối lập.
Một thành viên của phe đối lập được chế độ Syria chấp nhận, đã cho biết là ông đã được một sĩ quan Nga mời đến Hmeimim để « thảo luận về tiến trình chính trị. ».
Nhân vật này nói rõ : « Một máy bay trực thăng Nga đã chở tôi đến Lattaquié, nơi tôi đã gặp các quan chức Nga, rồi đưa tôi trở lại Damas.
Nhân viên tình báo Syria vốn theo dõi nhất cử nhất động của tôi đã không dám hỏi tôi bất kỳ điều gì ».
Ankara và Téhéran chống lại chế độ liên bang
Cuộc đàm phán về một giải pháp chính trị cho Syria tại Genève mở ra vào ngày 14/03/2016, nhân dịp này tổng thống Nga Putin đã tạo ra bất ngờ khi thông báo quyết định rút bớt quân ra khỏi Syria.
Nhiều người cho rằng quyết định của ông Putin là một phương tiện gây áp lực lên chế độ Syria, buộc Damas phải nhượng bộ.
Cũng có người khác nhìn thấy đó là một thủ thuật để đàm phán Genève có kết quả thực sự.
Dù sao, với thông báo đó, tổng thống Nga đã khiến cho cả đồng minh lẫn đối thủ của ông bị hụt hẫng, và cho thấy là ông ủng hộ tiến trình ngoại giao, trái với ổng thống Assad, một người chủ trương các giải pháp quân sự.
Nga và Iran cũng không hoàn toàn thuận thảo.
Khi thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố ủng hộ một giải pháp liên bang ở Syria, các nhà lãnh đạo Iran đã không ngần ngại công khai bày tỏ sự bất đồng của họ.
Thậm chí tổng thống Iran Hassan Rouhani còn tiếp đón ngay tại Téhéran đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan Tayyeb, một kẻ thù của Nga.
Mặc dù Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có khác biệt sâu sắc về cuộc khủng hoảng Syria, hai nhà lãnh đạo đã rất quan ngại trước việc ý niệm liên bang lây lan qua nước của họ, vốn có một cộng đồng rất đông người Kurdistan.
Do đó, hai lãnh đạo đã bày tỏ lập trường ủng hộ sự thống nhất lãnh thổ của Syria, và đã quyết định tăng cường các mối quan hệ song phương.
Hơn thế nữa, trong khi Nga đã giảm sự hiện diện quân sự của họ tại Syria, tướng Ali Arasteh, trợ lý sĩ quan liên lạc của Lục Quân Iran, cho biết hôm 04/04/2016 rằng các đơn vị biệt kích Iran thường xuyên được gửi đến Syria trong tư cách là « cố vấn ».
Họ bổ sung cho các đơn vị Vệ Binh Cách Mạng đã có mặt tại Syria.
Tóm lại, Nga, Syria và Iran thực sự là đồng minh với nhau, nhưng mục đích của họ không giống nhau.
Điều này cũng tương tự như trong khối phương Tây, cũng có những bất đồng, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ, các nước vùng Vịnh và châu Âu.
Trong một cảnh quan phức tạp như vậy, giới quan sát nhận thấy là các cuộc đàm phán cho một giải pháp chính trị ở Syria sẽ lâu dài và khó khăn.
Những diễn biến ngoạn mục có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tin mới
- Sao người dân lại bắt Ông Trọng từ chức ??? - 04/05/2016 22:56
- Cá chết hàng loạt ở miền Trung: Vì sao? - 02/05/2016 03:52
- Bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ - 29/04/2016 00:18
- Đảng CH Đang Tự Chiếu Bí - 27/04/2016 17:21
- « Brexit » đe dọa hiệp định tự do mậu dịch Âu-Mỹ - 26/04/2016 23:02
- Tổng Thống Hillary R. Clinton? - 13/04/2016 18:49
- Bình Nhưỡng cố tình lộ tin mật về vũ khí : Hù dọa và tuyên truyền - 13/04/2016 17:15
- Mỹ cố thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Ấn Độ - 11/04/2016 19:34
- Panama Papers : Hoa Kỳ thật sự “trong trắng” ? - 08/04/2016 20:03
- Philippines : Nhân tố thiết yếu trong chiến lược xoay trục của Mỹ - 07/04/2016 20:50
Các tin khác
- Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đọ sức qua xung đột tại Thượng Karabakh - 05/04/2016 22:28
- Đảng Cộng Hòa trong cơn khủng hoảng năm 2016 - 31/03/2016 23:15
- Mỹ chuẩn bị kỹ càng hơn Âu Châu để đối phó với khủng bố - 25/03/2016 22:29
- Nga đương đầu với thánh chiến từ Syria trở về - 25/03/2016 05:39
- Từ Kennedy tới Obama, một nửa thế kỷ liên lạc ngầm với Cuba - 23/03/2016 20:17
- MÙA ĐẢO CHÍNH ĐÃ BẮT ĐẦU - 23/03/2016 16:20
- Bắc Kinh bắt bí Mỹ để Hội Đồng Bảo An giảm trừng phạt Bình Nhưỡng - 22/03/2016 18:47
- Chính sách xuyên suốt của Barack Obama : Đối thoại hiệu quả hơn quân sự - 21/03/2016 16:11
- Hệ Thống Siêu Quyền Lực tại Hoa Kỳ - 20/03/2016 02:36
- Khủng bố Paris : Bốn tháng đào tẩu của nghi can số một - 19/03/2016 23:01