Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Từ Kennedy tới Obama, một nửa thế kỷ liên lạc ngầm với Cuba

obama cuba air force one

Tổng thống Obama ngắm Cuba từ Air Force One.
White House

Nhìn bề ngoài, mối quan hệ Cuba và Hoa Kỳ được thể hiện bằng thái độ thù nghịch với những lời tuyên bố rền như sấm và lệnh cấm vận.

Nhưng đằng sau lại là một thực tế khác với các phái đoàn khảo sát, các cuộc đàm phán bí mật và những cái bắt tay tại sảnh khách sạn, trong phòng chờ ở sân bay và thậm chí tại tòa thánh Vatican.

Một thực tế hiển nhiên là tổng thống Obama mãi đi vào Lịch Sử giữa Hoa Kỳ và Cuba với tư cách là người lật mối quan hệ giữa hai nước sang một trang mới cùng với chuyến công du lịch sử ngày 20-23/03/2016.
Tuy nhiên, ông không phải là vị tổng thống đầu tiên cố gắng cải thiện quan hệ với La Habana.

Trong vòng hơn một nửa thế kỷ, rất nhiều người tiền nhiệm đã tìm cách giải bài toán hóc búa với một từ chỉ đạo : "kín đáo". Vì, dù hai bờ eo biển cách nhau chưa đầy 200 km, quan hệ với Cuba vẫn là chủ đề chính trị nhạy cảm tại Mỹ từ khi Fidel Castro lên nắm quyền vào năm 1959.

Nhờ sự giúp đỡ của các nước thứ ba (Mêhicô, Tây Ban Nha, Brazil, Canada) và rất nhiều nhà trung gian khác (từ cố vấn tới doanh nhân hay nhà báo và nhà văn), những nỗ lực giảm căng thẳng giữa hai nước trong quá khứ đã đánh dấu lịch sử quan hệ Mỹ-Cuba.

Từ Kennedy…

Vào tháng 10 năm 1962 trong thời Chiến Tranh Lạnh, cuộc khủng hoảng tên lửa Nga, hay còn được biết với tên gọi « Khủng hoảng tháng 10 » tại Cuba, suýt biến thành một cuộc xung đột nguyên tử quy mô toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng kết thúc vào ngày 28/10/1962 khi tổng thống Mỹ John F. Kennedy và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant đạt được một thỏa thuận với nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev về việc tháo bỏ các vũ khí tấn công và đưa về Liên Xô dưới giám sát kiểm tra của Liên Hiệp Quốc ; đổi lại Hoa Kỳ đồng ý sẽ không bao giờ xâm chiếm Cuba và thỏa thuận ngầm là sẽ rút các tên lửa Jupiter hạt nhân của Mỹ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhân cơ hội chủ tịch Fidel Castro lúc đó đang giận dữ vì Liên Xô quyết định rút hệ thống tên lửa mà không tham khảo ý kiến của ông, tổng thống John F. Kennedy đã thăm dò khả năng xích lại gần Cuba.
Giáo sư William LeoGrande, thuộc Đại học Mỹ, đồng tác giả cuốn sách Back Channel to Cuba, kể lại : « Kennedy cho rằng đây có thể là cơ hội để đưa Cuba ra khỏi quỹ đạo Xô Viết ».

Vào năm 1963, đích thân tổng thống Mỹ trao cho Jean Daniel, một nhà báo Pháp, một mật thư gửi tới lãnh tụ tối cao Cuba. Nhà báo Pháp, trở thành "sứ giả", gặp cha đẻ của phong trào cách mạng như dự kiến.

Sau này, ông kể, hai nhà lãnh đạo « dường như đã sẵn sàng làm lành ». Nhưng đúng ngày họ định gặp nhau, 22/11/1963, tổng thống Kennedy bị ám sát tại Dallas, bang Texas.
Mọi chuyện đổ bể. Phó tổng thống Lyndon Johnson lên thay tổng thống Kennedy đã không muốn tiếp tục con đường này.

… đến Kissinger, Carter và Obama

Vào giữa thập niên 1970, dưới thời tổng thổng Gerald Ford, ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger bí mật tìm cách bình thường hóa bang giao với Cuba, sau khi hai nước đã cắt đứt hoàn toàn quan hệ vào tháng 01/1961.

Nhưng việc quân đội Cuba tham chiến tại Angola vào năm 1975 để ủng hộ Phong Trào Nhân Dân Giải Phóng Angola (MPLA, hiện đang nắm quyền) gióng hồi chuông chấm dứt nỗ lực này.

Chỉ vài tuần sau khi nhậm chức vào năm 1977, tổng thống Jimmy Carter ra lệnh nối lại quá trình đàm phán để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Trong những tháng đầu tiên, mọi vấn đề, từ tranh chấp lãnh hải, đánh cá, gặp gỡ ngoại giao, đều được tiến hành một cách năng động.

Sau này, chủ tịch Fidel Castro phát biểu : « Tôi luôn đánh giá cao ông Carter, một con người trọng danh dự và đạo đức.
 Ông Carter là một người muốn giải quyết các vấn đề giữa Mỹ và Cuba ». Nhưng thêm lần nữa, nỗ lực ngoại giao lại gặp thất bại vì quân đội Cuba vẫn hiện diện tại châu Phi.

Dưới thời tổng thống George W. Bush, chỉ có một khẩu hiệu : Không nhân nhượng chừng nào Cuba chưa thay đổi chế độ.

Vào mùa xuân năm 2013, tổng thống Obama cho phép nối lại các cuộc đàm phán thăm dò với La Habana.
Cuộc họp đầu tiền diễn ra vào tháng Sáu cùng năm tại Canada. Đích thân đức Giáo hoàng Phanxicô cũng hạ bút khích lệ hai nhà lãnh đạo đi trước một bước.

Vào tháng 10/2013, các phái đoàn đã gặp nhau tại Tòa thánh trước sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo Công Giáo, để đúc kết các điều khoản về bình thường hóa quan hệ.

Ngày 17/12/2014, tuyên bố xích lại gần nhau của hai nước đã khiến toàn thế giới bất ngờ.

Điều ngạc nhiên là không một thông tin nào bị tiết lộ cho báo chí trong suốt 18 tháng đàm phán được giữ bí mật tuyệt đối. Vậy tại sao lại phải giữ bí mật đến như vậy ?
Đó là vì động lực của mỗi bên đã thay đổi.

Theo giải thích của giáo sư LeoGrande, « Trong thập niên 1960 và 1970, đúng thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, các tổng thống Mỹ không muốn tỏ ra yếu thế trước chủ nghĩa cộng sản. Chính vì lý do này mà phó tổng thống Johnson đã không tiếp tục ý định của người tiền nhiệm Kennedy ».

Còn từ những năm 1980 trở đi, sức ảnh hưởng và trọng lượng chính trị của cộng đồng người Cuba tại bang Florida mang tính quyết định. Các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ, đặc biệt là bên phía đảng Dân Chủ, lo ngại rằng chỉ cần nhắc tới việc bắt tay với Cuba sẽ dẫn tới việc mất bang Florida và dĩ nhiên là mất cả Nhà Trắng.

Thu Hằng
Cuba - Hoa Kỳ - Ngoại giao - Lịch sử - Quốc tế

Switch mode views: