Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Sân bay Trung Quốc ở Trường Sa : Vỏ dân sự nhưng ruột quân sự

fiery cross

Đá Chữ Thập, ảnh chụp qua vệ tinh của CSIS ngày 14/09/2015.
REUTERS/CSIS

Trong những ngày qua, truyền thông Trung Quốc không ngớt nhấn mạnh đến ích lợi to lớn về mặt dân sự của sân bay trên Đá Chữ Thập mà Bắc Kinh đã bắt đầu dùng máy bay dân dụng để thử nghiệm.

Tuy nhiên theo các nhà quan sát, kể cả các chuyên gia Trung Quốc, ngoài mục tiêu dân sự mà Bắc Kinh phô trương, ý đồ và lợi ích quân sự của các công trình này còn quan trọng hơn gấp bội.

Một trong những ví dụ điển hình cho thấy là Trung Quốc đang cố phô trương lợi ích dân sự của sân bay trên Đá Chữ Thập, là bài bình luận ngày 06/01/2016 của Tân Hoa Xã, khoe rằng các chuyến bay thử nghiệm phi đạo trên Đá Chữ Thập là một « bước đột phá trong thám hiểm đại dương đối với toàn nhân loại…

 Sân bay sẽ rất hữu dụng nhờ vị trí thuận tiện trên một rạn san hô ngay giữa một vùng biển rộng lớn, và cũng sẽ tạo điều kiện cho nghiên cứu hàng hải và bảo tồn ».

Đối với tác giả bài bình luận, sân bay này « không mang ý nghĩa phá hoại hòa bình và ổn định khu vực », mà góp phần nâng cao sự an toàn của tàu thuyền qua lại vùng Biển Đông rộng lớn, hỗ trợ công cuộc tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai…

Cơ sở mà Tân Hoa Xã cho là của Trung Quốc, cũng sẽ giúp hạn chế cướp biển, tại một vùng thường bị hải tặc.
Tác giả cũng không quên nêu lên ví dụ về những khó khăn nẩy sinh khi cả khu vực phải lao vào tìm kiếm chiếc phi cơ Malaysia MH370 bị mất tích.

Đối với Tân Hoa Xã, cơ sở trên Đá Chữ Thập có thể giúp giảm đáng kể thời gian cần thiết để cứu hộ đến nơi.

Những ý kiến nêu lên trên đây rất hợp lý, và đã được Bắc Kinh nhắc đi nhắc lại ngay từ đầu năm 2015, khi thông tin về các công trình bồi đắp và xây dựng 7 đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa được tiết lộ.

Việc Trung Quốc dùng phi cơ dân sự để thử nghiệm đường băng trên Đá Chữ Thập, cũng không ngoài mục tiêu nhấn mạnh đến yếu tố dân sự, hòa bình đó.

Tuy nhiên, các lời hô hào về mục tiêu dân sự của các sân bay Trung Quốc tại Trường Sa đã sớm bị phản bác, với các chuyên gia quốc tế nhận định rằng ý đồ quân sự của các công trình sẽ sớm được thể hiện.

Điểm đáng chú ý là ngay cả các chuyên gia Trung Quốc cũng không che giấu mục tiêu quân sự của sân bay trên Đá Chữ Thập, và sau này trên Đá Xu Bi và Vành Khăn.

Người nói rõ ràng nhất về vấn đề này là Tướng về hưu Từ Quang Dụ (Xu Guangyu) trên báo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 08/01/2016.

Nhận xét về sân bay trên Đá Chữ Thập, nhân vật này cho là công trình nói trên sẽ phần lớn phục vụ cho những chuyến bay dân sự, như vận chuyển hàng hóa, cứu trợ, nhưng cũng có thể được máy bay quân sự sử dụng để tuần tra Biển Đông.
 Theo viên tướng Trung Quốc, sớm muộn gì thì máy bay quân sự sẽ cất cánh từ đấy, và có lẽ trong vòng nửa đầu năm nay.

Tướng Từ Quang Dụ nhận định là phi trường thường dùng đón máy bay dân sự có những đòi hỏi chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn là phi trường quân sự, và việc các chuyến bay dân sự đã thử nghiệm phi đạo thành công, cũng có nghĩa là nó cũng phù hợp cho máy bay quân sự, từ chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, cho đến máy bay tuần thám và trực thăng.

Vị tướng Trung Quốc đã về hưu không ngần ngại khẳng định là phi trường ở giữa Biển Đông, như trên Đá Chữ Thập và Vành Khăn sẽ rất có lợi cho an ninh ở Biển Đông, tức là cho an ninh của Trung Quốc, ở Biển Đông.

Switch mode views: