Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Châu Âu thay đổi lập trường với Damas để giải quyết tận gốc xung đột Syria ?

SYRIA-CRISIS 5

Một bức chân dung của ông Bachar al-Assad trong một cuộc triển lãm nói về chiến tranh Syria, tổ chức tại Damas 03/2015 - REUTERS /Omar Sanadiki

Cuộc khủng hoảng di dân chủ yếu đến từ Trung Cận Đông hiện nay đang đặt cộng đồng quốc tế trước yêu cầu cấp bách giải quyết tận gốc của vấn đề là tiêu diệt quân thánh chiến Nhà nước Hồi giáo ở Trung Cận Đông, đưa Syria thoát khỏi cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 4 năm nay.

Trong bối cảnh đó, lập trường đối với chế độ của Bachar al Assad đang là một thách thức cho các nước châu Âu.

Liên tiếp trong những ngày qua, các nước Pháp, Anh rồi đến Úc lần lượt tuyên bố sẵn sàng mở rộng không kích lực lượng Nhà nước Hồi giáo sang Syria.

 Quyết định tưởng như là logic đó lại rất khó khăn. Trên bàn cờ chiến sự hỗn loạn ở Syria, bên cạnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo còn có chế độ Damas của Tổng thống Bachar al-Assad, vẫn được một số nước phương Tây coi như là những cái gai cần phải nhổ.

Sự chuyển hướng chiến lược cần thiết trong cuộc chiến chống lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo đang kéo theo một sự thay đổi lập trường của một số nước châu Âu đối với Tổng thống Syria Bachar al-Assad.
Nhiều khả năng thương lượng hay thậm chí cộng tác với chế độ Damas đã được gợi lên gần đây.

Dù không công khai tuyên bố nhưng nhiều lãnh đạo ở châu Âu trong phạm vi nội bộ đã tính tới việc đã lúc phải nói chuyện với chế độ Damas về cuộc chiến tiêu diệt Tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Từ trước tới giờ Pháp vẫn tránh không muốn tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria, vì lo ngại chế độ Damas càng được củng cố sức mạnh, trong khi Paris vẫn giữ lập trường loại bỏ Bachar al- Assad là điều kiện tiên quyết cho giải quyết khủng hoảng ở Syria.

Thông báo của Tổng thống Pháp François Hollande hôm 07/09 vừa qua về việc Pháp sẵn sàng mở chiến dịch không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria phải chăng đánh dấu một bước ngoặt về thái độ của Paris với chế độ Bachar al-Assad ?

Chưa có gì để khẳng định điều đó, nhưng rõ ràng nếu nhìn rộng sang các nước châu Âu, người ta đã ghi nhận thấy có thay đổi cách nhìn về vai trò của Damas trong cuộc chiến chống kẻ thù chung, lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo.

Ngoại trưởng Áo, trong chuyến công du Teheran hôm qua (08/09) đã nhận định rằng Tổng thống Syria Bachar al-Assad và các đồng minh, tức Nga và Iran, phải phối hợp vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Lập trường này ngay lập tức đã được Madrid tán đồng qua tuyên bố của Ngoại trưởng Tây Ban Nha cũng đang ở thăm Teheran rằng : « Cần phải đàm phán với Bachar al-Assad về ngừng bắn ».

Vẫn tỏ quyết tâm phải thay đổi chế độ Damas, nhưng có vẻ như lập trường của Paris với Bachar al Assad đang được điều chỉnh.

Tổng thống François hôm thứ Hai vừa qua, chẳng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi chế độ ở Syria bằng giải pháp chính trị có sự bàn thảo của các tác nhân liên quan, trong đó không thể thiếu Nga và Iran.

Iran, từ sau thỏa thuận hạt nhân, trở lại là một tác nhân quan trọng trong các vấn đề khu vực.

Trong cuộc xung đột Syria, Teheran vẫn giữ lập trường bất di bất dịch bảo vệ chế độ Bachar al-Assad.
Hôm qua, Tổng thống Iran khẳng định để giải quyết khủng hoảng ở Syria thì trước tiên là ổn định, sau đó mới là dân chủ.

Ông Rohani tuyên bố : « Bước đầu tiên là chấm dứt tắm máu và vãn hồi sự ổn định từng phần để người tị nạn trở về nhà họ ».

Tổng thống Iran, nhấn mạnh là ưu tiên hiện nay là tấn công các nhóm khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang kiểm soát nguồn dầu mỏ của Syria đem bán lấy tiền chi cho các cuộc thảm sát của chúng.

Là đất nước Hồi giáo theo hệ phái Shia, từ đầu cuộc khủng hoảng Syria đến nay, Iran không ngần ngại hỗ trợ chế độ Damas về tài chính cũng như quân sự.

Một đồng minh khác không chấp nhận lật đổ chế độ Damas là Matxcơva.
Từ vài ngày qua, nhiều thông tin về những dấu hiệu gia tăng hiện diện quân sự của Nga tại phía tây bắc Syria, đang khiến các nước phương Tây không khỏi lo ngại.

Sau bốn năm đất nước Syria chìm vào xung đột đẫm máu, đẩy hàng triệu người dân bỏ nhà cửa chạy tị nạn khắp nơi, rơi vào những thảm cảnh tang thương.
Quốc tế vẫn bất lực không triệt hạ được quân thánh chiến Nhà nước Hồi giáo, cũng như không tìm được một giải pháp chính trị nào cho Syria.

Khủng hoảng Syria vẫn là một bài toán không lời giải, bởi vì các bên liên quan đều theo đuổi những lợi ích riêng cho dù đến lúc này ai cũng nhìn thấy kẻ thù chung là quân thánh chiến Nhà nước Hồi giáo.


Switch mode views: