Cam Bốt: Một tổ chức lừa đảo qua internet người Hoa bị phá vỡ
- Thứ Bảy, 12 tháng Giêng năm 2013 20:56
- Tác Giả: Phạm Phan / Thanh Hà
Cảnh sát Cam Bốt
AFP
Ngày 05/01/2013 cảnh sát Cam Bốt bắt giữ gần 80 người mang quốc tịch Đài Loan và Trung Quốc thuộc một đường dây làm ăn phi pháp.
Các nghi phạm moi tiền người nước ngoài qua điện thoại và mạng internet. Từ năm 2010 Phnom Penh đã bắt giữ hơn 500 công dân Trung Quốc và Đài Loan có liên hệ với hình thức làm ăn bất chính kể trên.
Tường trình của thông tín viên Phạm Phan từ thủ đô Cam Bốt.
« Theo các dữ kiện do Bộ Nội Vụ trưng ra cho báo chí biết, thì ngày 05/01/2013, dựa theo tin tức hợp tác của chính quyền Trung Quốc, các đơn vị cảnh sát Phnom Penh đã đột kích vào nhiều tư gia do người ngoại quốc thuê mướn để phá vỡ một nhóm tội phạm mà đa số là người Hoa đang trú ngụ nơi đây.
Kết quả, có 77 người Hoa bao gồm quốc tịch Trung Quốc và Đài Loan, cùng một phụ nữ Việt Nam bị bắt giữ tại các quận ở Phnom Penh bao gồm quận Meanchey, Chamkarmon, Tuol Kork và Russey Keo.
Cảnh sát không cho biết cụ thể là có bao nhiêu người Trung Quốc và bao nhiêu người Đài Loan. Riêng một phụ nữ Việt thì là vợ của một người Hoa trong số người bị bắt.
Ông Sok Phal, giới chức cấp cao của cảnh sát Phnom Penh nói rằng, tang vật thu được tại nơi bắt giữ các nghi can bao gồm nhiều máy tính và điện thoại cùng nhiều trang thiết bị điện tử khác.
Ông Sok Phal cho biết, nhóm này có liên hệ với một tổ chức mafia lừa đảo và tống tiền do người Hoa điều khiển đang sống và hoạt động bí mật tại Cam Bốt.
Sự kiện bắt giữ số người Hoa vào ngày 05/01/2013 là vụ bắt giữ thứ năm tính từ năm 2010. Hồi năm 2010, đã có tổng cộng hơn 500 người Hoa bao gồm Trung Quốc và Đài Loan liên hệ tới việc tống tiền, lường gạt qua internet.
Vào năm 2012, cũng đã xảy ra vụ bắt giữ, và 77 người bị bắt ngày 5/1/2013 có liên hệ với nhóm bị bắt năm 2012.
Phương thức hoạt động
Trung Tướng Chhay Sinarith, người đứng đầu Cục An Ninh Nội Vụ thuộc Bộ Nội Vụ Cam Bốt nói, số 77 người Hoa mới bị bắt đã sử dụng một phương pháp được gọi là kỹ thuật thoại trên IP – VOIP (voice over Internet protocol).
Theo cách này, họ dùng điện thoại và mạng internet tại căn nhà thuê mướn ở Phnom Penh để gọi về Hoa Lục, tuy nhiên người nhận cú điện thoại tại Hoa Lục không xác nhận được nguồn gốc cú gọi, thay vào đó là số điện thoại của cảnh sát Trung Quốc hiện lên trên máy người nhận.
Tiếp đến, số người Hoa thực hiện vụ lừa đảo nói trên, sẽ báo cho người nhận cú điện thoại là họ đang nằm trong danh sách bị cảnh sát theo dõi do có vấn đề, do vậy muốn được an thân thì phải trả cho người gọi, tức là người giả danh cảnh sát Trung Quốc, một số tiền được chuyển qua tài khoản được cung cấp.
Theo cảnh sát Phnom Penh thì để thực hiện hoạt động này, số 77 người Hoa mới bị bắt đã có hợp đồng bí mật với cảnh sát Trung Quốc để biết được nhân thân các đối tượng mà họ nhắm vào để lường gạt tiền bạc. Chưa rõ họ đã thực hiện bao nhiêu phi vụ lừa đảo này rồi, và số tiền mà họ cướp được là bao nhiêu. Hoạt động này đã bị truy bắt tại Trung Quốc nên tổ chức lừa đảo qua mạng internet này đã đưa người thâm nhập vào Cam Bốt kể cả lãnh thổ Việt Nam để duy trì cũng như mở rộng hoạt động của họ.
Nguồn tin cảnh sát cũng cho biết, do vì tại Cam Bốt chưa có điều luật xét xử loại tội phạm lừa đảo trên internet, nên số bị bắt giữ sẽ được trả lại cho Trung Quốc và Đài Loan để quốc gia họ giải quyết.
Những vụ trước đây cũng được giải quyết theo chiều hướng như trên. Việc đăng ký sử dụng internet tại Phnom Penh khá dễ nên những người làm ăn bất lương đã lạm dụng. Khi internet phát triển đã giúp cho con người gần nhau hơn và chia xẻ thông tin bổ ích cho cuộc sống. Thế nhưng cũng đẻ ra những thành phần xã hội sống theo một phương pháp mới của thời @ đó là: làm giàu nhanh, vô khám sớm.
Cảnh sát Phnom Penh nói do tình trạng người nước ngoài đến Phnom Penh sống và bị bắt liên quan đến tội phạm lừa đảo ngày càng nhiều, cho nên, việc kiểm tra giấy thông hành và nơi cư trú của họ đã được quan tâm nhiều hơn trước đây.
Trong số những người nước ngoài tới Cam Bốt sinh sống và làm ăn mua bán một cách bất chính thường là người Hoa. Người Hoa gốc Khmer hình thành được một cộng đồng giàu có và nổi tiếng về đức tính cần cù, mua bán lanh lẹ, khôn ngoan. Trong khi đó thì số người đến từ Hoa Lục và ngay cả từ đảo quốc giàu có là Đài Loan lại thường bị bắt tại Cam Bốt về tội lường gạt, tống tiền, hay mua bán ma túy, hoặc làm hàng giả để mau giàu, lời nhiều, bất chấp đến sức khỏe của cư dân địa phương.
Tình hình tội phạm người nước ngoài gia tăng tại Cam Bốt
Hơn 10 năm trước đây, xứ Chùa Tháp nổi tiếng là thiên đường của tội phạm tình dục như đưa các cô gái trẻ từ Việt Nam qua để bán vào ổ chứa, hay người nước ngoài, đa số là da trắng, đến Cam Bốt ăn chơi đồi trụy, nguyên nhân vì Cam Bốt nghèo khó và luật pháp lỏng lẻo.
Hiện nay thì người nước ngoài, đặc biệt là Châu Á, chọn Cam Bốt là điểm đổ quân để hành nghề bất chính qua việc sử dụng internet.
Gần cuối năm 2012, cảnh sát Phnom Penh đã lập được hai công trạng lớn đánh vào bọn tội phạm lừa đảo.
Vụ đột kích thành công thứ nhất, diễn ra vào ngày 11/9, có 114 người mang quốc tịch Indonesia bị bắt giữ với tang vật gồm nhiều máy tính nối mạng để giúp họ thực hiện các vụ cá độ bóng đá, và các trò chơi ăn tiền trên mạng, bất hợp pháp.
Theo cư dân địa phương 114 người Indonesia, bao gồm 90 đàn ông và 24 phụ nữ, có hoạt động dễ nghi ngờ, ban ngày họ ngủ, ban đêm họ thức để “làm việc”.
Thật ra họ đã làm ăn kiểu này từ năm 2010 tại Poi Pet, sát biên giới Thái, nơi có casino quốc tế. Sau đó, họ mở rộng “công cuộc kinh doanh” đến Phnom Penh để nhắm vào đối tượng là cộng đồng người Philippines đang sinh sống làm ăn nơi đây.
Trong số 114 người Indonesia bị bắt trong vụ này, lại chỉ có 25 người mang giấy thông hành, số còn lại không có thông hành, nhưng không biết làm sao họ lại lọt được vào xứ Chùa Tháp sau khi bay qua cả một đại dương. Cảnh sát đã không cho biết con đường nhập cư tài tình của số người Indonesia nói trên.
Cuộc đột kích thứ hai nhắm vào tội phạm diễn ra ngày 21/9, chỉ hơn một tuần sau vụ bắt giữ 114 người Indonesia. Trong vụ thứ hai có tất cả 71 người bị còng tay đưa vào khu tạm giam, trong số đó có 15 người Trung Quốc, 5 người Malaysia, 10 người Indonesia, và 36 người Cam Bốt. 173 máy tính đã bị tịch thu, phương tiện này để họ thực hiện các vụ cá độ bóng đá, đánh bài, các trò chơi ăn tiền bất hợp pháp.
Sự hợp tác giữa hai chính quyền Trung Quốc và Cam Bốt trên nhiều phương diện đã mở đường cho luồng nhập cư của người Hoa Lục tới Cam Bốt, trong số này có cả thành phần bất hảo, chuyên sống bằng nghề lường gạt.
Điều này cũng gây khó chịu cho dân địa phương và là một thách thức cho bộ máy an ninh Cam Bốt.
Tin mới
- Doanh nghiệp nhà nước nợ 60 tỷ đôla - 17/01/2013 04:01
- Tiểu bang New York siết chặt quyền sử dụng súng - 17/01/2013 03:51
- Công ty mạng Trung Quốc phát triển ở VN - 15/01/2013 18:52
- Lãnh đạo VN thăm hỏi Hugo Chavez - 15/01/2013 18:19
- Chống tham nhũng ở Việt Nam là tự sát? - 15/01/2013 06:37
- Thời tiết thay đổi lạ lùng khắp nước Mỹ - 14/01/2013 22:32
- Cựu Ðại Tướng Nguyễn Khánh từ trần, thọ 86 tuổi - 14/01/2013 22:19
- Thiên tài máy tính Aaron Swartz tự tử ở tuổi 26 - 14/01/2013 22:08
- Hàng chục ngàn người Malaysia biểu tình đòi cải tổ hệ thống bầu cử - 12/01/2013 21:06
- Trung Quốc : Lại đình công tại một nhà máy gia công cho Foxconn - 12/01/2013 21:01
Các tin khác
- Hà Nội lập nhóm 'chuyên gia bút chiến,' đối phó 'thế lực thù địch' - 11/01/2013 01:00
- Ông Richardson: Triều Tiên nên ngưng thử hạt nhân, mở rộng internet - 09/01/2013 21:30
- Một triệu người Syria cần lương thực cứu trợ khẩn cấp - 09/01/2013 21:17
- Cambodia sản xuất chiếc xe hơi đầu tiên - 09/01/2013 06:44
- Cải thiện đời sống cho dân nghèo Venezuela, niềm tự hào của Chavez - 09/01/2013 06:20
- Nhật Bản bổ sung hơn 100 tỷ euro cho phục hồi kinh tế - 08/01/2013 23:56
- Cam Bốt điều tra lại vụ quan chức bắn người biểu tình - 08/01/2013 23:29
- Dân Hoa Lục mang tiền mặt vào Mỹ và Canada ngày càng nhiều - 07/01/2013 02:40
- Thổ Nhĩ Kỳ chặn giữ máy bay chở một tấn rưỡi vàng - 07/01/2013 02:07
- Đích thân Putin trao hộ chiếu Nga cho tài tử Pháp Gérard Depardieu - 07/01/2013 00:52