Chính sách quân sự của Trung Quốc tại châu Phi
- Thứ Hai, 02 tháng Bảy năm 2018 20:50
- Tác Giả: Thu Hằng
Trung Quốc có lực lượng quân sự đứng đầu thế giới về quân số, với khoảng 2 triệu binh sĩ.
REUTERS/Stringer
Từ ngày 26/06 đến 10/07/2018, Bắc Kinh tiếp đón nhiều quan chức quốc phòng châu Phi trong khuôn khổ Diễn đàn Trung Quốc-Châu Phi về quốc phòng và an ninh nhằm thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược song phương.
Trang Deutsche Welle tiếng Pháp (26/06/2018) trích một bản báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri), cho biết số lượng vũ khí mà Trung Quốc bán cho châu Phi đã tăng thêm 55% kể từ khi ông Tập Cận Bình lên giữ chức chủ tịch vào năm 2013.
Đáng chú ý trong số vũ khí này có loại súng giống AK-47 có giá rẻ hơn và đang được sử dụng tại một số khu vực căng thẳng như Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Trung Phi và Nam Sudan. Cũng chính tại Nam Sudan, Trung Quốc đã triển khai những chiếc trực thăng Mi-171 đầu tiên do nước này sản xuất.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Triển vọng và An ninh tại châu Âu (IPSE) giải thích :
« Trung Quốc chỉ đứng sau Hoa Kỳ và là nước thứ hai can thiệp sâu vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình.
Đây là lập trường mà Trung Quốc bảo vệ đến mức nước này đã lập căn cứ nước ngoài đầu tiên ở Djibouti với khả năng có thể chứa đến 10.000 người ».
Còn chuyên gia an ninh Emmanuel Dupuy giải thích thêm :
« Trung Quốc đã tham gia vào phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Mali (Minusma).
Ngoài ra, quân nhân Trung Quốc cũng có mặt trong nhiều chiến dịch gìn giữ hòa bình » như tại Congo, Nam Sudan hay Nigeria.
Bắc Kinh « còn muốn hỗ trợ tổ chức Lực lượng đối phó nhanh trước các khủng hoảng (CARIC), được triển khai từ tháng 07/2016 ».
Bán vũ khí… vô điều kiện
Theo nguồn tin của Deutsche Welle, cách đây vài tháng, Trung Phi đã đặt hàng với tập đoàn nhà nước Trung Quốc Poly Technologies nhiều xe thiết giáp, súng máy, lựu đạn và nhiều loại vũ khí khác.
Hoa Kỳ, Anh Quốc và Pháp đã lên tiếng phản đối.
Lý do được tướng Jérôme Pellistrandi, chủ biên tạp chí Quốc Phòng Pháp, nêu lên là « Thiết bị của Trung Quốc tuy chắc chắn, đáng tin cậy về kỹ thuật, nhưng lại được bán cho một số nước bất chấp các vấn đề về quyền lãnh đạo...
Những loại vũ khí này... chắc chắn sẽ không góp phần vào việc tái lập ổn định và an ninh trong vùng ».
Đa số các nhà phân tích không bất ngờ về việc Trung Quốc đa dạng hóa sự hiện diện tại châu Phi. Họ cho rằng, ngay từ năm 1998, Bắc Kinh đã thực hiện chiến lược quân sự được ghi trong Sách Trắng do chính phủ Trung Quốc công bố.
Tài liệu này dường như đã khuyến khích tăng số lượng vũ khí xuất khẩu và xây dựng lực lượng quân sự Trung Quốc ở châu Phi.
Theo chính sách này, vào tháng 07/1999, một cơ quan giống như tình báo đã được thành lập, với việc đưa vào hoạt động 5 văn phòng cấp vùng của bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc tại Ai Cập, Sudan, Nigeria, Angola và Nam Phi.
Năm 2015 như vậy đánh dấu một bước tiến quyết định : các văn phòng đại diện nói trên từ dân sự đã chuyển thành quân sự.
Triển khai lực lượng
Bắc Kinh cũng thường xuyên tái khẳng định cam kết hỗ trợ tài chính cho việc triển khai lực lượng G5 Sahel có nhiệm vụ chống khủng bố thánh chiến chủ yếu ở phía bắc Mali và luôn đe dọa đến vùng Sahara.
Ngoài ra, với khoản đóng góp chiếm đến 10,25% của sở chỉ huy các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc là nước đóng góp ngân sách lớn thứ hai, sau Hoa Kỳ.
Nhưng về mặt quân số, Trung Quốc lại đứng thứ 11, có 2.500 quân nhân tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình ở châu Phi.
Tuy nhiên, Trung Quốc luôn có một đội quân dự bị khoảng 8.000 người, sẵn sàng can thiệp trong khuôn khổ một chiến dịch của Liên Hiệp Quốc.
Tin mới
- Thực hư âm mưu khủng bố đối lập Iran tại Pháp - 04/07/2018 16:02
- Thương Mại : Trung Quốc đánh thuế 34 tỉ đô la hàng Mỹ - 04/07/2018 15:37
- Bắc California: Cháy rừng lớn gần Sacramento - 03/07/2018 16:48
- Facebook rút Hoàng Sa-Trường Sa khỏi bản đồ Trung Quốc - 03/07/2018 16:29
- Pháp phá vỡ âm mưu khủng bố phe đối lập Iran - 03/07/2018 16:14
- Manh nha chiến tranh thương mại: Hậu quả nhãn tiền cho dân Mỹ - 03/07/2018 15:45
- Moon Jae In và Kim Jong Un gặp lại nhau vào mùa thu - 03/07/2018 15:37
- Đức : Merkel nhượng bộ về di dân để cứu chính phủ - 03/07/2018 14:02
- FBI phá vỡ âm mưu khủng bố ngày Lễ Độc Lập, bắt giữ nghi can - 02/07/2018 21:49
- Bolton: ''Đã có kế hoạch phá hủy hạt nhân Bắc Triều Tiên" - 02/07/2018 20:58
Các tin khác
- Đức lại lâm vào khủng hoảng chính trị - 02/07/2018 20:21
- Thương mại: Trump tố "Liên Âu cũng tệ như Trung Quốc" - 02/07/2018 19:25
- World Cup 2018 : Hai cao thủ coi chừng « rớt đài » - 02/07/2018 16:34
- World Cup 2018 : Những quả pénalty tai ác - 02/07/2018 16:25
- Pháp : Vượt ngục ly kỳ bằng trực thăng - 02/07/2018 16:18
- Hải quân hai nước Triều Tiên nối lại kênh liên lạc nóng - 01/07/2018 21:17
- Sri Lanka: Hải quân kiểm soát cảng biển cho Trung Quốc thuê - 01/07/2018 21:09
- LHCA : Thay Bulgari làm chủ tịch luân phiên, Áo chủ trương siết chặt nhập cư - 01/07/2018 19:33
- Nga : Đối lập kêu gọi biểu tình phản đối nâng tuổi về hưu - 01/07/2018 19:27
- Trump sẽ đề cập nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ với Putin. - 30/06/2018 23:28