Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

COP 22 : Thỏa thuận Khí hậu Paris sẽ có hiệu lực từ 2018

cop22- sinhthai

Một thổ dân Mỹ Latinh biểu tình kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ sinh thái đang bị tàn phá. Ảnh chụp bên ngoài khu hội nghị COP22, Marrakech, Maroc.
Ảnh : REUTERS/Youssef Boudlal

Thượng đỉnh Khí hậu toàn cầu COP 22 tại Maroc bế mạc hôm nay, 18/11/2016. Tối hôm qua, 17/11, COP 22 ra tuyên bố chung Marrakech, kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng nỗ lực nhằm giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C.

Điểm mới của bản tuyên bố là cộng đồng quốc tế nhất trí đẩy sớm thời điểm Thỏa thuận Paris có hiệu lực.

Theo AFP, các nhà thương thuyết của gần 190 quốc gia kết thúc thượng đỉnh Khí hậu mà không có tiến bộ đáng kể nào, ngoài việc quyết định sẽ thực thi Thỏa thuận Paris ngay từ năm 2018, chứ không phải là 2020 như dự kiến.

 Trong bối cảnh ông Donald Trup vừa đắc cử tổng thống Mỹ, việc đẩy nhanh thời hạn thực thi Thỏa thuận Paris có thể coi là một câu trả lời kiên quyết của cộng đồng quốc tế đối với lãnh đạo dân túy Mỹ có quan điểm phủ nhận biến đổi khí hậu.

Một trong các vấn đề chủ yếu của cộng đồng quốc tế hiện nay là huy động được đủ 100 tỉ đô la/năm, kể từ khi thỏa thuận Paris có hiệu lực, để giúp các nước nghèo.

 Các nước đang phát triển một mặt hối thúc các nước giàu nhanh chóng đóng góp, mặt khác, cũng khẳng định rằng chỉ riêng việc thích ứng với biến đổi khí hậu từ nay đến 2030 cũng tốn từ 140 đến 300 tỉ/năm, theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc.
Người phát ngôn của quỹ môi trường Nicolas Hulot nhận xét : “Nhìn chung, các nước giàu đến COP lần này với bàn tay trắng”.

Tại thượng đỉnh lần này, sự phân hóa giữa nhóm nước nghèo và nước giàu lại trỗi dậy, cụ thể về đóng góp tài chính.
Các thương thuyết cấp bộ về vấn đề này trong tuần qua không có kết quả đáng kể.

Theo nữ chuyên gia về khí hậu của tổ chức 3G, Liz Gallagher, “20 tỉ đô la cho năm 2020 cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu (bao gồm hệ thống cảnh báo thời tiết, cơ sở hạ tầng như đê điều, thủy lợi, hệ thống bảo đảm nguồn nước sạch…) là hoàn toàn không đủ”.

Một nhà thương thuyết châu Âu thừa nhận :
 “Các thảo luận (tại COP 22) mang tính xây dựng, nhưng khá là hỗn loạn, và còn nhiều việc phải làm”.
Đại diện của Grenad, nhóm các đảo quốc - các quốc gia chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề nhất - thì có phần lạc quan hơn : “Không có các tiến bộ lớn (…), nhưng ít nhất là thương lượng không rơi vào bế tắc”.

Có một điểm đáng khích lệ nữa là kể từ khi thượng đỉnh khai mạc đến nay, đã có thêm nhiều quốc gia chính thức ký kết Thỏa thuận Paris, trong đó có Anh Quốc ký hôm qua, 17/11, nâng tổng số các nước ký lên 111.

Thượng đỉnh về khí hậu năm tới COP 23 sẽ do quốc đảo Fiji - ở Thái Bình Dương tổ chức.
Đây là lần đầu tiên một tiểu quốc Thái Bình Dương tổ chức sự kiện lớn này.
Do Fiji không có đủ cơ sở hạ tầng, COP 23 sẽ diễn ra tại Bonn, trụ sở của Công Ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu (UNFCCC).

Switch mode views: