Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trump thắng cử: Liệu Trung Quốc kéo được ASEAN ra khỏi quỹ đạo Mỹ?

Malai- tau


Thủ tướng Malaysia Najib Razak gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh tại Bắc Kinh, ngày 03/11/2016.
REUTERS/Jason Lee

Tương lai kế hoạch hình thành một nền hòa bình liên Mỹ (Pax Americana) có thể được quyết định tại chính châu Á, nơi được coi là trung tâm kinh tế của thế kỷ XXI.

Trên đây là nhận định của nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Oliver Stuenkel, thuộc Quỹ Fundação Getúlio Varga (Brazil), được đăng trên website The Conversation (15/11/2016).

Việc tiếp tục duy trì trật tự hòa bình này còn phụ thuộc đáng kể vào khả năng của Washington chứng tỏ họ là một tác nhân quan trọng trong vùng, bất chấp sự trỗi dậy của Trung Quốc.
 Và hơn hết, Hoa Kỳ vẫn là lực lượng đảm bảo an ninh cho nhiều quốc gia láng giềng của Trung Quốc, như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nếu có thể buộc các nước láng giềng chấp nhận vai trò thủ lĩnh trong vùng (kể cả chấp nhận những yêu sách chủ quyền tại Biển Đông), thì Bắc Kinh có thể làm giảm đáng kể ảnh hưởng của Mỹ tại một khu vực có hơn một nửa dân số toàn cầu sinh sống.

Mong muốn này của Bắc Kinh không có gì là đáng ngạc nhiên.
Không một quốc gia nào mang tham vọng trở thành đại cường lại có được vị thế và sự tôn trọng bằng cách nhường trách nhiệm đảm bảo an ninh đối với các nước sân sau của mình cho một nước nằm ngoài khu vực.

Sáng kiến của Trung Quốc và đòn trả đũa của Mỹ

Để nhận được sự ủng hộ trong vùng, Trung Quốc đã tung hàng loạt sáng kiến mang tính biểu tượng cao để lôi kéo các nước láng giềng vào việc thành lập các định chế, như Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á (AIIB), Hội nghị thượng đỉnh về Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (Conference on Interaction and Confidence Building Measures in Asia, CICA) và xây dựng các hành lang kinh tế đi qua Pakistan và Miến Điện dẫn đến Ấn Độ Dương (CPEC).

Các nỗ lực của Bắc Kinh bị chế giễu là “ngoại giao ngân phiếu” và Trung Quốc bị chỉ trích dùng tiền mua bạn bè.
Nhưng nếu thành công, mọi cố gắng của quốc gia Đông Á này sẽ giúp hình hành một châu Á mà Trung Quốc là trung tâm (Sinocentric Asia) ngày càng lớn mạnh.

Dự án tham vọng nhất của Trung Quốc là “Con đường Tơ lụa mới”, còn được gọi là “Một Vành Đai Một Con Đường”.
Hành lang kinh tế này sẽ chạy xuyên lục địa Á-Âu, không chỉ kết nối Trung Quốc với Trung Đông và châu Âu, mà còn liên kết nước này vào khu vực.

Trung Quốc đầu tư vào sáng kiến “Một Vành Đai Một Con Đường” từ 800 tỉ đến 1.000 tỉ đô la với gần 900 dự án tại hơn 60 nước đối tác.
Dự án của Bắc Kinh đồ sộ đến mức nhiều nhà bình luận so sánh với Kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ vào năm 1948 để giúp châu Âu tái kiến thiết sau Thế Chiến II.

Phản ứng của Hoa Kỳ về các sáng kiến của Trung Quốc được thể hiện trên hai mặt.
Thứ nhất, Washington tìm cách cản trở ngân hàng AIIB bằng cách gây áp lực để các nước khác không gia nhập.

 Thế nhưng, nỗ lực này bị thất bại thảm hại khi Anh Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ, lại là nước đầu tiên phá rào. Hiện nay AIIB có 50 thành viên, trong đó có rất nhiều đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới.

Tiếp theo, Hoa Kỳ xúc tiến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước tham gia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, Úc, New Zealand, Canada, Mêhicô, Chilê và Pêru. Nếu được nghị viện tất cả các thành viên thông qua, đây sẽ là bằng chứng thực tế đầu tiên trong chiến lược “xoay trục sang châu Á” của tổng thống Barack Obama, vốn cho đến nay làm được thì ít mà nói thì nhiều.

Bị gạt ra khỏi TPP, Trung Quốc trả đũa bằng cách xúc tiến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (the Regional Comprehensive Economic Partnership, RCEP) và loại trừ Hoa Kỳ.
Hiệp định này cũng được đánh giá là giúp Bắc Kinh và Tokyo xích gần nhau hơn. Hiệp định RCEP gồm một loạt quy định liên quan đến đầu tư, kinh tế, hợp tác kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp và quản lý chính phủ.

Những đồng minh đặc biệt của Mỹ

Sự tranh giành ảnh hưởng tại châu Á giữa Mỹ và Trung Quốc giải thích tại sao hồi chuông báo động đã ngân lên tại Washington khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố “chia tay” với Mỹ.
Thật vậy, từ khi đắc cử tổng thống Philippines, rất nhiều phát biểu của cựu thị trưởng Davao đã lật lại vấn đề quan hệ đối tác có từ nhiều thập kỷ với Washington.

Một tháng sau, thủ tướng Malaysia Najib Razak đã làm một việc gần như vậy : xích lại gần với Bắc Kinh khi ông thông báo mua các tầu tuần duyên của Trung Quốc.
 Đây là hợp đồng quốc phòng lớn đầu tiên giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh, đồng thời là một tín hiệu đáng chú ý, do Hoa Kỳ cũng kỳ vọng đạt được một thỏa thuận tương tự với Malaysia.

Tất cả những động thái trên rất đáng ngạc nhiên vì cả Philippines và Malaysia đều có tuyên bố chủ quyền với các quần đảo và bãi đá đang có tranh chấp tại Biển Đông.
Washington từng hy vọng sử dụng mối quan hệ căng thẳng tại đây để xây dựng một liên minh trong vùng chống lại Bắc Kinh và gây sức ép quốc tế với Trung Quốc.

Philippines là nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông duy nhất có hiệp ước đồng minh với Mỹ.
Năm 2014, cả hai đối tác đã ký Hiệp định Nâng cao Hợp tác Quốc phòng (The Enhanced Defence Cooperation Agreement, EDCA), cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp cận với năm căn cứ quân sự của Philippines.

Thế nhưng có nhiều lý do giải thích vì sao Philippines và Malaysia lại “rũ áo ra đi”. Lãnh đạo hai nước này có những lý do đặc biệt để ngả về phía Bắc Kinh và lãnh đạo các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực không thể viện dẫn những lý do tương tự.

“Cuộc chiến chống ma tuý” gây nhiều tranh cãi của tổng thống Duterte vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống, buộc Hoa Kỳ phải lên tiếng chỉ trích.
 Còn tại Malaysia, thủ tướng Najib đang bị áp lực sau khi Mỹ điều tra gian lận của quỹ đầu tư nhà nước 1MDB.

Tương lai trong vùng sẽ ra sao ?

Điều quan trọng không nên quên là các phát biểu hùng hồn thân Trung Quốc thông thường không đi đôi với hành động.

Hiện Malaysia đang tập trận chung với Bắc Kinh, nhưng mối quan hệ giữa Kuala Lumpur và Washington vẫn mạnh hơn. Ngoài trường hợp của Bắc Triều Tiên, hai láng giềng của Trung Quốc là Lào và Cam Bốt vẫn gắn bó với Washington hơn là với Bắc Kinh.
 Hơn nữa, người dân ở châu Á vẫn ưa thích Hoa Kỳ hơn Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua số người châu Á mong muốn sáng Mỹ hơn là đến Trung Hoa.

Tuy nhiên, kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm duy trì mạnh mẽ ảnh hưởng chính trị ở châu Á và xây dựng các quan hệ liên minh để kiềm chế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều trở ngại đáng kể.

Trước hết, một số đồng minh của Mỹ không tin tưởng nhau, như trường hợp của Nhật Bản và Hàn Quốc. Và điều này có thể dẫn đến nhiều rắc rối trong hoạt động tập thể, như từng được nêu trong lý thuyết “kẻ hưởng thụ miễn phí” (free-riding) trong quan hệ quốc tế, có nghĩa là những người thụ hưởng từ thành quả chung mà không chịu đóng góp.

Ngoài ra, nhiều nước trong khu vực ngày càng phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Thực tế này cũng làm giảm tinh thần chống đối Bắc Kinh.
 Cho dù nhìn chung, trên nguyên tắc, các nước này dường như chống lại Trung Quốc hơn là ủng hộ, do gần gũi về mặt vị trí địa lý và tham vọng bá quyền trong vùng của Bắc Kinh.

Rất ít khả năng tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump ủng hộ TPP, trong khi đó Trung Quốc luôn đưa ra những “sáng kiến” để kéo các nền kinh tế trong vùng vào quỹ đạo của mình.
Như vậy, rõ ràng thời cơ đang nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh.

Các nước trong vùng có thể chọn một chiến lược tay đôi : vừa duy trì mối quan hệ với Mỹ như một đồng minh bảo đảm an ninh, vừa hưởng lợi từ tiến trình hội nhập kinh tế rộng rãi hơn với Trung Quốc.
 Theo nhận định của nhà nghiên cứu, một vài nước trong số này, như Việt Nam và Philippines, có thể là những bên được hưởng lợi nhiều nhất từ mối quan hệ năng động này, với điều kiện họ phải sử dụng ngay các lá bài đang có.

 Ví dụ, tổng thống Duterte có thể chỉ tìm cách đạt thêm được sự đảm bảo chắc chắn hơn về an ninh từ phía Mỹ, đồng thời vẫn nhận được thêm hỗ trợ từ Trung Quốc.
Tác giả bài viết kết luận trong khi Hoa Kỳ đang phải tập trung vào mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Tây phương và Nga, cũng như tình hình bất ổn vẫn dai dẳng ở Trung Đông, thì tương lai trật tự thế giới lại được quyết định ở các khu vực xung quanh Trung Quốc.

Switch mode views: