main billboard

 

Tiếng nhạc đang đi điệu bebop. Không khí sàn nhảy đang sôi động vì điệu nhạc và vì phòng nhảy đang vào thời điểm đông khách nhất. Nhi đưa tay làm động tác từ chối kèm theo lời xin lỗi khi một kép trẻ đến mời chị nhảy. Điệu bebop làm chị mệt, mỗi khi nhảy xong điệu nầy chị thường thở dốc, trái tim bệnh hoạn của chị không hợp với điệu nhảy sôi động nầy. Lúc nầy từ hàng ghế dành cho kép nhảy, Duy cũng ngồi yên, hai tay vòng lại vì phòng nhảy hơi lạnh. Mái tóc mới cắt, áo trắng và cặp kính cận làm Duy có vẻ một sinh viên hơn là một kép nhảy. Khi mới theo bạn bè đến nhảy ở vũ trường nầy, Nhi để ý đến Duy vì thấy Duy trông có vẻ hiền lành. Cậu cũng không vồ vập mời khách như những kép nhảy khác. Vũ trường nầy có 6 kép nhảy nhưng nổi đình đám nhất có lẽ là Quân.

Quân khoảng trên 40 tuổi, không còn trẻ như đám kép nhảy đàn em, nhưng bù lại, anh cao to đẹp trai, lúc nào cũng ăn mặc chải chuốt nhất. Quân có nhiều khách ruột thường là các quý bà giàu sang thường bo nhiều tiền nên trông lúc nào cũng có phong cách tự tin pha một chút kiêu hãnh. Thành cũng như Duy – những kép trẻ thuộc loại ít khách hơn. Thành và Duy thường chậm chạp hơn trong việc mời khách. Có lẽ họ ngại khi nhắm chừng khách có thể từ chối.

Nhiều đêm Nhi đến đây nhảy vì nhu cầu giải trí và nhu cầu thể dục theo lời khuyên của bác sĩ. Khiêu vũ rất lợi cho tim mạch và trí não – nhất là những người lớn tuổi như chị. Nhảy xong một bài tango – điệu nhảy mà Nhi rất thích, bài tiếp theo là điệu samba nên Nhi không tham gia. Nhi đến ngồi bên Duy:

– Cô thấy bên kia có một bàn nữ, sao con không mời họ nhảy?

Duy cười hiền:

– Họ kén kép nhảy lắm cô. Con có mời một lần nhưng họ từ chối nên con không mời nữa.

dieu valse mua cu

Bảo Huân

Thì ra là vậy. Có loại khách nhảy kén kép. Có loại không kén kép nhưng lại bo ít tiền nên đến vũ trường thường chỉ ngồi xem người ta nhảy, vì bị kép từ mặt không thèm mời. Kép ở đây cũng như hầu hết kép của các sàn nhảy khác trong thành phố, phần lớn họ hành nghề kép nhảy như một công việc tay trái. Ban ngày có thể họ là tài xế lái xe chở hàng hoặc lái xe cho một giám đốc công ty hoặc một đại gia nào đấy. Cũng có thể họ là một sinh viên nghèo đi làm thêm vào ban đêm để kiếm tiền chi tiêu vào việc học hành. Duy thuộc loại nầy. Một đêm trời mưa to, vũ trường vắng khách, Duy ngồi hí hoáy bấm điện thoại giải trí chờ dứt mưa để ra về. Nhi rủ Duy ra phòng ngoài uống cà phê vì tiếng nhạc ồn ào khó lòng nói chuyện:

– Con có bạn gái chưa?

– Bọn con cũng mới tìm hiểu thôi cô à.

– Sao không dắt bạn gái đi nhảy?

Duy cười nhe chiếc răng khểnh trông ngồ ngộ:

– Cô ấy không biết nhảy đâu cô. Con cũng chỉ học lại từ một anh bạn. Cũng may là con có khiếu nên biết nhanh. Vả lại, đi nhảy để kiếm tiền lại còn dắt bạn gái theo thì còn làm ăn gì được.

– Thu nhập từ việc làm kép nhảy có đủ sống không con?

Duy lắc đầu:

– Như cô thấy đấy. Có hôm phòng nhảy đông khách, có hôm ế ẩm, nhất là vào mùa mưa. Thu nhập bấp bênh lắm. Lại có khi đông khách nhưng phần lớn họ đi có đôi có cặp thì kép nhảy cũng ngồi không.

– Vậy chắc con phải làm thêm một nghề nữa?

Duy xoay xoay ly cà phê trong tay:

– Ban ngày ngoài giờ học con còn phải đi làm gia sư. Tết nầy con cũng không về vì còn phải đi làm thời vụ Tết.

Nói câu nầy mặt Duy buồn buồn. Tự nhiên Nhi xót xa nhớ lại thời sinh viên nghèo khó của mình và Nam cũng từng ở lại thành phố để làm việc vào dịp Tết như Duy bây giờ. Cũng đã mấy chục năm rồi nhưng Nhi vẫn nhớ cái cảm giác hụt hẫng của mình khi nhìn các bạn lần lượt về quê ăn Tết với gia đình, còn mình thì đành lòng ở lại. Ngày ấy không có điện thoại như bây giờ để có thể gọi về nghe tiếng nói của ba mẹ hay các em cho đỡ nhớ. Cũng may là còn có Nam. Nhưng thời gian họ gặp nhau cũng ít. Nhi làm công việc ban ngày, Nam chạy bàn cho một tiệm ăn cả ngày lẫn đêm. Tối giao thừa, hai giờ sáng Nam mới về đến nhà, người phờ phạc mệt nhoài, anh gõ cửa phòng trọ của Nhi lúc Nhi đang ngồi tư lự tưởng tượng ra giờ phút giao thừa ở nhà mình. Nam ôm bờ vai Nhi khi cô rơm rớm nước mắt khóc:

– Thôi mà em. Năm mới khóc là xui cả năm đó nghe. Mai mốt đi lấy chồng không được ăn Tết với ba mẹ cũng khóc sao!

Rồi Nhi và Nam đi lang thang trong đêm trừ tịch, nghe những tiếng động cuối cùng của thành phố nửa đêm về sáng: Tiếng chổi khua sột soạt của những người phu quét đường, tiếng gọi nhau của những người bán hoa Tết đang thu dọn những chậu hoa còn lại, những tiếng than thở và cả tiếng khóc của những người phụ nữ gặp năm bán hoa ế ẩm, tiếng thở mệt nhọc của hai mẹ con người hành khất đang ngủ vặt vẹo trên chiếc ghế đá công viên … Nhi thấy lòng se thắt trước những cảnh đời lầm than, trong đó có những người như cô và Nam. Hai người đi lang thang qua một vũ trường hãy còn mở cửa, tiếng nhạc của một bản valse vọng ra thật quyến rũ tha thiết: “Một dòng sông xanh, một dòng tràn mênh mông, một dòng sầu mấy kiếp, một dòng tình tha thiết…”* Tiếng nhạc dập dìu với những bóng người ôm nhau quay cuồng theo tiếng nhạc trong một thế giới của những người giàu sang. Chỉ cách nhau trong gang tấc đã có hai thế giới hoàn toàn cách biệt: Thế giới của tiếng cười và thế giới của tiếng khóc!

Sinh ra trong một gia đình đông con và khá nghèo, Nhi và các anh em trong gia đình thường ít tham dự vào những cuộc vui của bạn bè. Bởi vì đến đấy người ta thường chưng diện những bộ quần áo đắt tiền chứ không phải là bộ đồng phục hàng ngày đi học. Đến đấy Nhi sẽ thấy cái nghèo của mình không biết che giấu vào đâu. Cho nên dù bạn bè lôi kéo, thậm chí năn nỉ, Nhi cũng từ chối mặc dù rất thích. Tuổi trẻ mà, cuộc vui nào cũng tràn đầy sức hấp dẫn. Có lần vào cuối năm học lớp 12, thời kỳ đó Nhi thầm yêu Dũng – bạn trai cùng lớp con nhà giàu. Khi Dũng tổ chức liên hoan chia tay và tha thiết mời Nhi đến dự trước khi Dũng đi du học nước ngoài, Nhi cũng từ chối. Cô nhớ cái cảm giác đau xót khi chiều hôm đó mẹ sai đi chợ ngang qua nhà Dũng, nghe tiếng nhạc và tiếng bạn bè vui đùa ca hát từ trên sân thượng vọng xuống, cô đã cắn môi để khỏi bật ra tiếng khóc. Nhi cũng nhớ khuôn mặt đứa em trai kế buồn xo khi Tết năm đó được mẹ may cho cái quần tây mới, chiều Ba Mươi dùng bàn ủi than ủi đồ (thời đó còn chưa có bàn ủi điện), vì bàn ủi quá nóng đã cháy sém đến gần rách một vạt nơi ống quần. Nhìn đứa em buồn ngẩn ngơ, Nhi đã ứa nước mắt và thấy mình bất lực. Khi Nhi là sinh viên, đứa em trai kế thi rớt đại học và bỏ học đi làm xa. Nó nói với Nhi: “Em phải đi thật xa chị ạ. Đến nơi không ai biết mình là ai. Ở đây sống mãi trong cảnh nghèo nhục lắm!” Chỉ ít lâu sau, đứa em qua đời vì một tai nạn lao động. Nhi nhớ mãi đôi mắt hé mở của em, dù người thân đã vuốt đến mấy lần em vẫn không nhắm mắt.

Sau nầy cuộc sống đã đổi thay, gia đình Nhi đã vượt qua được cái nghèo, Nhi vẫn đau xót nghĩ đến đứa em trai bất hạnh với những ký ức đau lòng. Những điều mơ ước trước kia tưởng như không thể nào thực hiện được bây giờ thì lại dễ dàng như một cái búng tay.

– Mưa thế nầy chắc không ai đi nhảy đâu, về thôi cô.

– Chạy xe cẩn thận nghen con.

Duy đứng dậy, Nhi nhìn theo bóng dáng mảnh khảnh của chàng trai lao đi trong màn mưa trắng xóa, Duy thường chạy xe thật nhanh vì nhà trọ cách vũ trường hơn 10 cây số. Lúc nầy những kép nhảy khác cũng lục tục ra về. Lúc ngang qua Nhi, Thành – một kép nhảy trẻ – mỉm cười chào. Thành vốn là người miền Tây, gia đình sống bằng nghề nuôi cá hồ. Không may cá chết hàng loạt, nợ nần chồng chất. Ba Thành bán nhà, bán các ao cá vẫn không trả hết nợ, cả nhà chạy lên Sài gòn trốn sự truy nã của các con nợ. Em gái Thành vẫn còn đi học. Thành làm nghề kép nhảy để nuôi gia đình. Thành nói kiếm được đồng nào em cũng gom góp đưa hết cho mẹ. Thành ốm và hơi nhỏ con, đặc biệt bàn tay lúc nào cũng ướt át mồ hôi gây cảm giác khó chịu cho người nhảy cùng. Nhi nhớ Quỳnh – bạn Nhi – có một lần duy nhất nhảy với Thành đã không nén được cảm giác khó chịu, và từ đó Quỳnh đã từ chối những lần Thành đưa tay mời. Nhi thấy ái ngại cho Thành, mặc dù chị cũng không khỏi có cảm giác nhớp nháp nhưng chị vẫn cố nén, vì miếng cơm manh áo của cả gia đình chàng trai nghèo hiếu thảo. Khổ cho Thành là những lần nhảy cặp với những bà già mập mạp. Cả thân hình chàng trai mảnh khảnh nghiêng ngả dưới sức nặng của cả một khối thịt trong những lần “te“ có khi sát đất. Nhi khuyên Thành:

– Gặp những người mập, nhớ “te“ ít thôi. Nguy hiểm lắm.

Thành có vẻ tự tin:

– Cô yên tâm. Con có thế của con.

Một đêm, trong khi đang “te” cùng một người đàn bà mập mạp, Thành đã bị tổn thương cột sống. Em ngã xuống cùng với một tiếng rên lớn. Cả vũ trường rúng động. Tiếng nhạc tắt, đèn bật sáng. Sau khi Thành lên xe cứu thương đi rồi, mọi người vẫn còn bàn tán xôn xao. Hình như không ai còn muốn nhảy nữa. Nhi ngồi lặng đi, dường như những bất trắc bao giờ cũng nhắm vào những người nghèo, như Thành, như đứa em trai của chị ngày nào.

Sau một thời gian dài điều trị, Thành tạm ổn về sức khỏe. Một đêm Thành đến vũ trường, ốm và xanh xao. Em nói nhớ vũ trường nên đến thăm các bạn nhảy. Em cũng cho biết đang học lái xe du lịch để chuyển nghề.

Nhi uống từng ngụm nhỏ tách cà phê đen dù chị biết lát nữa về nhà sẽ khó ngủ. Một người đàn ông ngồi trong góc phòng thỉnh thoảng nhìn về phía Nhi với cái nhìn có ẩn ý. Trực giác phụ nữ ngầm cho Nhi biết điều ấy. Nhưng Nhi đã qua rồi cái tuổi dễ rung động của thời con gái. Nhi biết mặc dù đã lớn tuổi nhưng trông Nhi vẫn còn ưa nhìn hơn những người bạn cùng lứa. Cuộc tình với Nam đã không đi đến một kết thúc tốt đẹp – âu cũng là duyên số. Sau một thời gian khủng hoảng rồi Nhi cũng lấy chồng, cuộc sống cũng tương đối xuôi chèo mát mái. Ngoài 50, chồng đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Nhi cũng đã đảm nhiệm được vai trò của chồng ở công ty. Các con đi du học xa, chị theo bạn bè thỉnh thoảng đi khiêu vũ cho quên nỗi trống vắng. Phụ nữ thành đạt như Nhi có nhiều cơ hội gặp gỡ quen biết nhiều người, cũng có nhiều người đàn ông thấy Nhi sống độc thân nên có ý muốn chắp nối. Người có thành ý cũng có, người muốn lợi dụng cũng có. Nhưng Nhi vẫn thờ ơ mặc dù nhiều khi trong cuộc sống bộn bề, có lúc chị cũng thấy trống vắng, muốn có một bờ vai vững chắc để tựa vào và để… khóc những khi buồn. Nhưng không hiểu sao, bây giờ và trước kia – khi đang chung sống với chồng – hình ảnh của Nam vẫn còn lẩn quất đâu đó trong một nơi khuất nẻo của trái tim chị. Đúng là không thể dùng lý trí để lý giải tình cảm được.

Chồng mất, con đi học xa, Nhi gần như chỉ dựa vào tình cảm của bạn bè để sống. Một lần đi Úc thăm Sa – một người bạn gái thân thiết từ hồi còn học cấp hai, Nhi thấy mừng cho cuộc sống độc thân của Sa. Ly hôn ông chồng người Úc sau mười mấy năm chung sống không có con chung. Sa sống một mình trong một căn nhà nhỏ có 3 phòng ngủ – tài sản Sa được chia sau ly hôn. Một mảnh vườn trồng hoa hồng nho nhỏ trước nhà, sau nhà là một mảnh vườn rộng hơn có nhiều rau cỏ mọc hoang. Nhi hay cắp rổ ra sau vườn hái những loại rau mọc tự nhiên không ai trồng trọt. Nhiều nhất là rau má, một ít cải và rau cần tây. Hai người hí hoáy nấu canh với tôm khô Nhi đem từ Việt Nam sang. Cảm giác ăn rau sạch mọc hoang dã làm Nhi thấy thích thú. Trong vườn còn có những bụi hồng mọc lẫn trong hàng rào, vẫn vô tư nở hoa mặc dù không ai chăm bón.

Sa hay nói với Nhi về người chồng cũ và quãng đời chung sống với ông nầy. Mặc dù đã ly hôn nhiều năm nhưng hai người vẫn sống với nhau như bạn bè, nhà Sa bị hỏng hóc về điện nước hay cửa nẻo, Sa vẫn gọi Nick đến sửa. Thỉnh thoảng họ vẫn đi du lịch với nhau và vô tư ở chung phòng khách sạn. Nhi hỏi Sa: “Vậy thì tại sao phải ly hôn? “Sa nói không thể chịu nổi bản chất keo kiệt bủn xỉn của chồng. Mười mấy năm chung sống Nick bao giờ cũng kẻ “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”, chi li tính toán từng xu trong khi Sa hoàn toàn lệ thuộc kinh tế vào chồng. Sa kể thời còn chung sống, mỗi lần đi du lịch cùng bạn bè, Sa và các bà bạn ghé vào shop nào thì Nick cũng đứng bên ngoài. Trong khi những người đàn ông khác bao giờ cũng vào cùng vợ, để sẵn sàng chi tiền. Cho đến khi mấy ông bạn của Nick thấy kỳ cục đun đẩy Nick: “Nick, vào đi, vào làm bổn phận đàn ông đi mà.” Lúc ấy Nick mới miễn cưỡng bước vào.

Bây giờ đi chơi chung với nhau ai thấy cũng tưởng là một cặp đôi hạnh phúc đưa nhau đi đến cùng trời cuối đất, nhưng họ biết đâu Sa đi đâu cũng phải kè kè quyển sổ ghi chép những khoản tiêu pha chung của hai người để cưa đôi. Vì vậy cuộc chung sống với Nick suốt mười mấy năm Sa xem như một cực hình với một ông chồng vừa bủn xỉn vừa cực kỳ gia trưởng. Thấy Nhi sống độc thân sau khi chồng mất, Sa có ý ghép Nick cho Nhi. Nhi cười:

– Mầy đã không sống được với ông ấy, sao còn muốn ghép cho tao ?

– Thì tao muốn mầy có cơ hội định cư ở Úc ấy mà. Mầy có biết Thanh nó nhiều lần muốn tao làm mai Nick cho nó, nhưng ổng không chịu. Ổng nói bà nầy không có nữ tính, lại vào loại lắm mồm nên ổng không ưa. Nhưng tao biết ổng thích mầy.

Điều nầy thì Nhi biết, không chỉ qua trực giác bén nhạy của phụ nữ mà còn qua những email tỏ tình của Nick viết bằng tiếng Anh. Nhi nói:

– Nhưng tao không thể vì muốn ở Úc mà lấy một người mình không yêu. Vả lại, tao có cuộc sống khá ổn ở Việt Nam nên cũng không muốn qua đây để phải bắt đầu lại mọi chuyện.

Thật ra trong thâm tâm Sa muốn Nhi lấy Nick để giữ quan hệ với người chồng cũ và Sa sẽ không có gì thay đổi, vì Nhi là bạn thân. Ba người vẫn có thể đi chung với nhau, Sa vẫn có thể nhờ Nick trong những công việc mà đôi tay đàn bà không thể làm được.

Khi dọn đến ngôi nhà mới nầy sau khi ly hôn, Sa đâu dám ngủ một mình vì sợ …ma. Những đêm đầu Sa vẫn nhờ Nick đến ngủ ở đây để Sa quen dần, và để thấy được ngôi nhà nầy không có gì đáng sợ vào đêm hôm khuya khoắt. Phụ nữ mà, bao giờ họ vẫn có chút mong manh yếu đuối trong tâm hồn, và người đàn ông bao giờ cũng là chỗ dựa vững chắc. Kiểu như họ tin rằng trong nhà có một người đàn ông thì ma cỏ và ăn trộm cũng nể hơn. Sau khi mọi chuyện đã tạm ổn, Sa thấy dễ chịu hơn trong cuộc sống đơn thân. Muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi, muốn tiếp bạn bè cũng thoải mái, đó là những việc mà trước kia Sa không thể làm được khi còn chung sống với người chồng ích kỷ và keo kiệt. Nói chung là Nhi yên tâm và mừng cho Sa.

Cơn mưa đêm đã hết. Nhi đứng dậy, người đàn ông ban nãy cũng đứng dậy. Đến bên ngoài vũ trường anh đứng nhìn Nhi mở cửa chiếc xe du lịch của mình và phóng đi. Nhi nghĩ đến ngôi nhà trống trải của mình, cũng may còn có một bà cô già không chồng sống với Nhi và một chị giúp việc khá trung thành. Bạn bè nói Nhi có cung nô bộc tốt nên nuôi được người giúp việc lâu như vậy. Ngoài ra Nhi còn có hai con chó rất thân thiết với chủ. Khi Nhi ngủ, hai chú chó nằm bên ngoài cửa phòng, ngoan ngoãn như hai vệ sĩ sẵn sàng bảo vệ bà chủ.

Chiếc xe chạy qua những con đường nhộn nhịp của thành phố về đêm. Một vũ trường đang mở cửa, từ bên trong vẳng ra một điệu valse. Lại cũng là điệu valse của ngày cũ: Bản nhạc “Dòng sông xanh “quyến rũ. Nhi thẫn thờ cho xe chạy chậm với một chút xao động trong lòng. Điệu valse của đêm giao thừa nào xa xưa cách đây mấy chục năm trời xa lơ xa lắc. Nó như một dòng sông trôi qua ký ức Nhi với bao nhiêu say đắm đầu đời, bao nhiêu ước mơ một thuở. Thôi thì cứ đổ lỗi cho số phận là xong hết. Số phận nào biết phân trần hơn thiệt bao giờ!

VHU (Denver – Colorado – USA)

* Dòng sông xanh (The Blue Danube): Bản valse nổi tiếng của Johann Strauss – nhạc sĩ người Áo.