main billboard

 


Một lần nào

Cho tôi gặp lại em

Nghe em nói

Tôi vui một lần…. (*)

Cô đứng yên, hai tay khoanh trước ngực, mái tóc bay rối tung theo gió. Màu chiều trải một vạt vàng óng ánh trên mặt hồ, nhấp nhô theo những cơn sóng lượn. Xa tắp bờ bên kia có một cụm cù lao xanh ngát bóng cây, chia hồ nước thành hai dòng chảy về phía xa tít chân trời. Thi thoảng có vài cánh chim chao chác liệng lưng chừng, rồi khuất mù cuối chân mây.

Ngần ấy thứ, như những tạo tác tuyệt vời của thiên nhiên, đã làm cô mê đắm ngay lần đầu phát hiện nơi này. Ba buổi chiều rồi, cô đã thả bộ từ nhà con gái đến đây, với một AirPods trên tai, lặng lẽ đắm mắt vào cõi riêng mình, cho đến khi hoàng hôn phủ xuống.

– Di… Là Di đó, phải không?

Một tiếng kêu ngập ngừng vang lên từ phía sau. Cô giật mình ngoảnh lại. Tim cô như đập nhanh hơn một chút khi nhìn thấy người đàn ông trước mặt.

– Tuân !

Đôi mắt sau làn kính cận như sáng bừng lên. Anh buông vội chiếc xe đạp thể thao, phóng những bước chạy về phía trước.

– Không ngờ lại gặp Di nơi đây.

– Thật tình cờ quá phải không Tuân… Tuân…

May quá, suýt nữa thì cô đã buột miệng nói ra cái biệt danh mà bọn con gái vẫn gán ghép cho tên lớp trưởng đáng ghét.

Anh tiếp lời:

– …Tuân đít chai .

Cả hai, không hẹn mà cùng cười khi nhớ lại chuyện xưa.

Chẳng biết có oán thù gì từ kiếp trước, mà bọn con gái chuyển từ trường nữ sang, đã không ưa bọn con trai trường bạn. Ngược lại, bọn con trai lớp chuyên cũng chả ưa gì bọn “di dân” đó. Mang tiếng là “ăn nhờ ở đậu”, mà đã cướp ngay chức lớp phó học tập trong lần bầu bán đầu năm. Chưa dừng ở cú knock out 1-0, tuần kế tiếp con nhỏ lớp phó lại đại diện bọn con gái, tặng thêm cho tên lớp trưởng một cú nữa, nâng tỉ số lên 2-0.

Lỗi cũng là của Tuân. Đêm trước vì ham đọc cho hết bộ “Thần điêu đại hiệp”, mà quên mất bài tập toán về nhà. Chuyện cũng chẳng có gì, nếu nhỏ Di lớp phó bỏ qua trong buổi kiểm tra vở đầu giờ. Khi nhỏ đứng trước bàn Tuân, gõ cây thước cốp cốp như ra lệnh, Tuân ngỡ nhỏ sẽ nể tình “trưởng bối” mà lờ đi. Nhưng không, nhỏ lướt nhìn quyển vở với phần bài tập bỏ trống của Tuân, và thản nhiên cầm lấy chiến lợi phẩm đặt lên bàn thầy, trước vẻ mặt hả hê của bọn con gái. Mối thù này không chỉ riêng Tuân, mà còn là của bọn con trai, khi bị thầy phê bình:

– Thầy thất vọng với nam sinh lớp mình quá. Lớp trưởng mà còn như thế.

hoang hon ben clarks hill lake

Bảo Huân

                                                                                    -oOo-

– Vậy mà mình lại đối diện nhà nhau chứ.

– Ừ, đúng là “oan gia ngõ hẹp” mà.

Anh gật gù:

– Khi phát hiện nhà hàng xóm mới dọn đến là nhà Di, tôi đã hậm hực lắm, đi kể liền với lũ bạn. Bàn tới bàn lui, mới thấy trong cái rủi có cái may. Cả bọn tận dụng ngay địa hình lý tưởng đó để lên kế hoạch phục thù.

Cô ngạc nhiên:

– Phục thù à?

Anh bối rối:

– Cái sẹo trên trán Di đó.

– ….?

– Biết Di hay ngồi đàn trên balcon buổi tối, cả bọn con trai ém binh sau mấy chậu cây trên sân thượng nhà tôi, rồi… rồi… giương ná bắn sang.

Cô bất giác đưa tay sờ lên trán:

– Trời ơi, lúc đó một viên sỏi trúng ngay đây, làm Di đau đến phát ngất.

Anh xót xa:

– Nghe tiếng Di hét lên, cả bọn hoảng hốt chạy nhanh xuống lầu. Đêm đó tôi không ngủ được. Chờ mãi hai hôm mới thấy Di đi học lại. Muốn đến xin lỗi Di mà ngại không dám.

Cô hóm hỉnh:

– À, thì ra đây là lý do Tuân cứ lẽo đẽo đạp xe theo Di hoài làm Di bực mình muốn chết. Có lần, giờ chơi, Di và nhỏ Linh lẻn tới bãi xe, lén xì lốp xe của Tuân cho bõ ghét.

– Di cũng ác thật.

Cô cười nhe chiếc răng khểnh:

– Di sẽ còn ghét Tuân dài dài nếu không có chuyện xảy ra. Lần đó xe Di bị hư. Mà, hôm ấy mưa lớn lắm. Tuân dừng lại đổi chiếc xe đạp cho Di, rồi giục Di về trước. Chao ơi, Tuân anh hùng ghê!

Đã bao nhiêu lần anh nghe qua những lời khen chê. Nhưng sao lời khen từ cô bạn nhỏ ngày xưa, về một câu chuyện xa xưa, vẫn làm anh ngượng ngùng như thời mới lớn.

Những kỷ niệm bỗng hiện về tựa dòng chảy qua câu chuyện giữa hai người.

– Hôm sau khi vừa vào trường, cả lớp đã phát hiện ra hai chiếc xe đổi chủ, bèn làm ầm lên. Báo hại tôi bị Di giận lây không nhìn mặt. Làm ơn mắc oán mà!

Cô bật cười:

– Kỳ chết được.

Anh nhìn nụ cười với chiếc răng khểnh. Nụ cười đã theo anh suốt cả tháng năm dài trong nỗi nhớ.

– Tôi thì không nghĩ thế.

Giọng anh rất nhẹ, thoảng như hơi thở.

Cô bối rối vờ như không nghe thấy và nhìn về phía ánh dương chói lọi phía chân trời. Những sắc màu lung linh rực rỡ như đang bừng lên trước khi khép lại một ngày.

– Khi đó tôi chỉ mong tối đến, sau khi vội vội vàng vàng làm xong bài vở, để chạy tót lên sân thượng hòa nhạc với Di.

– Trời ơi, Tuân thổi kèn harmonica dở dễ sợ.

Anh nheo mắt:

– Còn Di đàn guitar cũng dở dễ sợ.

– Vậy là chúng mình đã làm phiền hàng xóm với chương trình âm nhạc kinh hoàng.

Tiếng cười cả hai vang lên thật hồn nhiên.

– Bây giờ Di vẫn còn đàn chứ?

– Không. Còn Tuân?

– Lâu rồi tôi cũng không chơi harmonica nữa.

Cô bồi hồi nhớ lại:

– Giữa năm lớp 12, khi Tuân bị gọi đi “nghĩa vụ quân sự” phải nghỉ học nửa chừng, thì khoảng vài tháng sau nhà Di cũng vượt biên. Sang đây rồi, cuộc sống nhiều thay đổi, Di không có thời gian cho sở thích riêng mình.

hoang hon ben clarks hill lake1

Cô hạ giọng rất nhỏ:

– Với lại, mỗi khi nhìn thấy cây đàn guitar, bỗng dưng Di lại thấy buồn.

– Suốt thời gian qua, cho dù vô vọng, tôi vẫn mong gặp lại Di.

Anh nhìn cô, ánh mắt đăm đắm, thiết tha:

– … Để nói cho Di biết, tôi đã tìm Di mòn mỏi… Từ khi đi “nghĩa vụ” trở về, và, cả thời gian sau này nữa.

Mỗi khi nhìn thấy một mái tóc, một bóng dáng thân quen, tôi lại vội vã đuổi theo, rồi ngỡ ngàng thất vọng.

Đôi mắt cô long lanh như chứa đầy nước dưới lòng hồ:

– Cảm ơn Tuân.

– Di còn nợ tôi một tiếng “Anh” đó. Tôi lớn hơn Di một tuổi, nhớ không?

Cô giấu nỗi buồn trong tiếng cười:

– Với Di, con trai mà học chung lớp cùng con gái thì phải gọi là chị nhé.

Nhặt một viên sỏi, anh vươn người quăng thật xa, ngỡ chừng có thể trút hết nỗi buồn:

– Thôi, xí xóa cho nhau đi. “Trả nợ một đời không hết tình đâu”… (**)

Gió chiều nay nhiều quá làm bụi vương vào mắt cô cay mù. Cô buộc lại mái tóc:

– Di về nhé.

– Để tôi đưa Di một đoạn.

– Thôi, Di thích thả bộ dọc theo bờ hồ. Với lại, nhà cũng gần đây mà.

Anh đưa tay bắt lấy tay cô:

– Di vẫn mơ mộng như ngày nào. Vậy, mai gặp nhau nhé.

Cô lắc đầu:

– Mai Di bay sớm rồi. Di ở chơi với con gái hơn tuần. Đã đến lúc trở về.

Anh thảng thốt:

– Chúng ta sẽ giữ liên lạc với nhau chứ?

Cô lắc đầu, nghẹn lời.

Họ đứng trong yên lặng. Chỉ có tiếng sóng ầm ào khua trong không gian im ắng.

Dường như sự nuối tiếc những tình cảm trong sáng lẫn những tháng năm tươi đẹp chẳng thể nào còn tìm thấy lại, như một tảng đá to đang đè nặng trên ngực mỗi người, nén lại thành hơi thở dài buôn buốt. Cảm giác như họ là hai con tàu lướt qua nhau trong đêm, đủ để cảm nhận được sự hiện diện của nhau, nhưng không bao giờ dừng lại để tiếp cận. Mỗi người có một phần đời riêng, một cuộc sống riêng.

Nhẹ nhàng, anh siết chặt những ngón tay cô trước khi buông rời mãi mãi. Một nụ cười buồn bã hiện trên khóe môi:

– Tạm biệt nhé, cô bạn nhỏ.

Cô nhìn anh lần cuối, thì thầm lời chia tay:

– Tạm biệt nhé, Tuân.

Ánh mắt hai người chạm vào nhau một thoáng. Và lặng lẽ, họ cùng hướng về phía hoàng hôn. Ánh sáng cuối cùng của ngày đang lướt qua dưới đường chân trời, dần dần mờ nhạt rồi chìm khuất. Dù chỉ trong khoảnh khắc, vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên đã choáng ngợp lòng người, ghi dấu mãi khôn nguôi.

Lặng lẽ, cô quay lưng bước. Những bước chân xào xạc trên lá, xa dần, xa dần cuối con dốc mờ mờ tối.

Anh nhìn theo dáng cô. Như bao nhiêu năm trước anh đã dõi theo cô từ hành lang lớp học. Hình như hôm nay nhiều gió lắm. Không biết gió từ lòng hồ thổi lên hay từ ký ức xa xăm bỗng chợt thoảng về…

BC (SC)

(*) Một lần nào cho tôi gặp lại em (Vũ Thành An)

(**) Xin trả nợ người (Trịnh Công Sơn)