Theo quan điểm của ông Fontaine, “Nga thấy Hoa Kỳ hầu như không có phản ứng mạnh mẽ khi họ đưa quân vào Georgia, và điều đó khiến cho ông Putin tự tin hơn khi đưa quân sang Ukraine,”
Năm năm trước đây trong buổi gặp gỡ đầu tiên với Ngoại Trưởng Liên Bang Nga Sergei Lavrov, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tươi cười nói với người tương nhiệm “tôi có một món quà tặng riêng cho ông.” Món quá đó là cái nút bấm mầu đỏ, trên có ghi chữ “reset” mang ý nghĩa sẵn sàng làm lại, dấu hiệu cho thấy chính phủ Obama muốn xây dựng mối quan hệ ngoại giao tốt hơn với chính phủ Nga, và ngay cả Tổng Thống Barack Obama cũng sẵn sàng xây dựng mối quan hệ thân tình với người lãnh đạo Liên Bang Nga là ông Vladimir Putin.
Binh lính Nga đi vào một căn cứ Nga vừa chiếm của Ukraine ở Perevalnoye, trên bán đảo Crimea, nay thuộc về Nga. (Hình: Filippo Monteforte/AFP/Getty Images)
Chuyện mới xảy ra chỉ vài năm trước, bây giờ hy vọng dường như đã tiêu tan. Ông Richard Fontaine, chủ tịch điều hành Trung Tâm Nghiên Cứu Cho Một Nước Mỹ Mới (The Center For A New America) chẳng ngần ngại nói rằng “mong muốn của chính phủ Mỹ đối với Nga không còn nữa, chuyện 2 bên đồng ý bắt tay làm lại từ đầu đã không thành.” Lý do rất dễ hiểu: “quan hệ Mỹ-Nga đang ở trong giai đoạn kém nhất” sau khi ông Putin đưa quân vào bán đảo Crimea, bất chấp cảnh báo cứng rắn của ông Obama. Mức độ kém tới độ hầu hết các nhà quan sát chính trị đều nói “ngay ở thời chiến tranh lạnh cũng chẳng thấp như bây giờ.” Thấp tới mức ngay chính Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Marco Rubio trong bài bình luận viết cho tờ Politico cũng đưa ý kiến: “Ðã đến lúc phải có một chính sách mới với Nga, đừng nghĩ gì đến chuyện xây dựng quan hệ với ông Putin nữa.”
Ngay cả mối quan hệ tổng thống Hoa Kỳ muốn xây dựng với nhà lãnh đạo Nga cũng không có cơ hội thành hình. Trong những năm gần đây, Washington nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc Kremlin đàn áp đối lập, Tổng Thống Obama ký sắc lệnh lập danh sách chế tài những viên chức Nga tham nhũng, phía Nga thẳng thừng bác bỏ tất cả mọi ý kiến Hoa Kỳ đưa ra về phương cách giải quyết cuộc chiến Syria, không cho người Mỹ được phép nhận con nuôi Nga, ông Putin còn cho người đang bị chính phủ Mỹ truy nã là Edward Snowden tỵ nạn chính trị, để đối lại, tổng thống Hoa Kỳ quyết định không sang Sochi dự lễ khai mạc Olympic Mùa Ðông 2014, chỉ cử một viên chức ở cấp phụ tá ngoại trưởng hướng dẫn phái đoàn đại diện.
Tất cả những điều đó xảy ra trong một quãng thời gian rất nhanh và lỗi nằm về phía Nga, theo giải thích của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ. trong một buổi tiếp xúc với báo chí, bà phát ngôn viên Caitlin Hayden nói rõ “quan hệ Mỹ-Nga gặp trục trặc chỉ vì các hành động mà Nga đã làm” khởi đầu từ chuyện “Nga để yên cho chính quyền Syria của ông Bashar Al-Assad có những hành động tàn ác với dân, đã thế ông ta (Putin) còn không đếm xỉa gì đến dư luận thế giới khi đưa quân can thiệp vào chuyện Ukraine, xem đó là cái quyền của ông ta, không ai được phép ngăn cản hay lên tiếng phản đối.”
Bà phát ngôn viên Hội Ðồng An Ninh nói như thế, nhưng Tòa Bạch Ốc vẫn giữ thái độ thận trọng, hy vọng tìm được một giải pháp chính trị để quan hệ song phương không trở nên tệ hơn. Bằng chứng là trên chương trình “Meet the Press” của đài truyền hình NBC, Ngoại Trưởng John Kerry nói rằng theo ông nghĩ, “đây không phải là lúc để nói rằng mối quan hệ Hoa Kỳ và Nga đang ở chỗ này hay chỗ khác, cũng không nên nói là những hy vọng có thể xây dựng một mối quan hệ với Nga đã chết hay vẫn còn.” Sau lời phát biểu đó, ông Kerry lên đường đi London gặp Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov “với hy vọng phía Nga sẽ lắng nghe tiếng nói của Hoa Kỳ,” theo như một phụ tá của ông Kerry nói với báo chí. Cuộc gặp gỡ kéo dài nhiều tiếng đồng hồ đó không đem lại kết quả cụ thể nào cả, khiến ông Kerry phải than thở với những nhân viên dưới quyền “hình như ông Lavrov không có quyền quyết định gì hết, mọi chuyện vẫn là quyết định của ông Putin.” Sau đó khi trả lời báo chí, ông Kerry mới xác nhận “có những khác biệt giữa hai nước” và “quan hệ song phương đang ở trong giai đoạn đầy khó khăn.”
Dựa vào lịch sử, các nhà phân tích cho rằng quan hệ Washington-Moscow gặp khó khăn ngay từ khi Tổng Thống George W. Bush lên nhậm chức hồi năm 2001, và xuống tới mức thấp nhất hồi Tháng Tám 2008 khi Nga đưa quân vào Georgia để ủng hộ lực lượng dân quân South Ossetia và Ankhazia muốn tuyên bố độc lập. Vài tháng sau đó Ông Bush rời Tòa Bạch Ốc, ông Obama lên nhậm chức với ước mong dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Liên Bang Nga. Theo quan điểm của ông Fontaine, “Nga thấy Hoa Kỳ hầu như không có phản ứng mạnh mẽ khi họ đưa quân vào Georgia, và điều đó khiến cho ông Putin tự tin hơn khi đưa quân sang Ukraine,” bất kể quyết định của ông khiến quan hệ song phương “đang ở mức thấp sẽ xuống mức thấp hơn nữa,” kể cả chuyện “hành động của ông ta sẽ đầy 2 nước vào chỗ phải đương đầu với một cuộc chiến tranh lạnh mới, trong lúc vẫn chưa xóa bỏ được những nghi kỵ còn sót lại sau thời chiến tranh lạnh cũ.”
“Sự thật là cuộc chiến tranh lạnh mới đã khởi đầu, nhưng mọi người không chịu nhìn nhận chỉ vì họ không thấy những điểm giống như cuộc chiến tranh lạnh đầu tiên.” Ðại Sứ Yakobashvili của Georgia ở Hoa Kỳ nói với nhật báo The New York Times. Từng đảm trách vai trò phó thủ tướng lúc Nga đưa quân vào Georgia, ông Yakobashvili nhắc lại “ông Putin từng bảo sự tan rã của Liên Xô là tai họa lớn nhất của thế kỷ 20” do đó, “ông ta tự tin là có trách nhiệm phải xây dựng lại thời vàng son của Nga, tự tin là có trách nhiệm phải mở rộng thế lực” để Nga trở thành một cường quốc như thời trước đây. Ông cũng kể thêm ngay từ khi ông Putin làm tổng thống, “đã có nhiều nhà quan sát lên tiếng báo động, cho rằng ông Putin đang muốn xây dựng một liên minh thân Nga để đối phó không chỉ với Hoa Kỳ mà đối phó ngay cả với Liên Minh Âu Châu (EU) nằm sát bên cạnh.”
“Ðiều đó hoàn toàn đúng,” là câu trả lời của chiến lược gia Steven Bucci của Viện Nghiên Cứu The Heritage Foundation. “Ông Putin lo âu khi thấy uy thế chính trị của Nga đang giảm, cách dễ làm nhất là dùng sức mạnh quân sự lấn áp những nước láng giềng để mở rộng bờ cõi,” điển hình là chuyện Georgia hồi giữa năm 2008 và ở Ukraine cách đây chỉ một tuần lễ. Ông Bucci bảo thêm kể từ bây giờ, “chúng ta đã bước vào một giai đoạn quan hệ mới với Nga,” chưa biết kết cuộc sẽ ra sao “nhưng điều chắc chắn là chỉ thấy toàn khó khăn và đối đầu, chạm trán đang chờ ở phía trước.”
Kết quả cuộc thăm dò do CNN/ORC International thực hiện hồi tuần trước cho thấy 69% người Mỹ xem Nga là hiểm họa của quốc gia, gần phân nửa nói điều họ lo âu nhất là một cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ bắt đầu, và 40% sợ hãi mỗi khi nghĩ đến chuyện có thể một cuộc chiến nguyên tử sẽ xảy ra.