main billboard

Nhìn dõi xuống chân mình... rõ ràng một lũ Tàu. ... Bụng ưỡn ẹo, ngoáy mông, ca những lời nhí nhố


Bài trước nói tới công an Hà Nội phá lễ tưởng niệm ngày 17 tháng 2 bằng cách tổ chức nhẩy đầm trước tượng đài Lý Thái Tổ. Trước khi viết ký giả chỉ coi phim đoàn biểu tình và đám công an tháp tùng đi bên bờ hồ Hoàn Kiếm, không coi cảnh nhảy múa. Hôm qua, mới được coi, nhờ một blogger ở trong nước cung cấp cái “link,” cũng truyền trên mạng Bô Xít Việt Nam. Coi một đoạn thôi cũng cảm thấy máu nóng lên. Không thể tưởng tượng người ta có thể tổ chức những màn múa máy như vậy, ngay trước bức tượng vua Lý Thái Tổ, chỉ cốt phá không cho những người yêu nước tới làm một buổi lễ tưởng niệm rất đơn sơ.

nhaymua pha bieutinhNếu buổi lễ tưởng niệm được tiến hành thì có gây ra một biến cố nào nguy hiểm cho chế độ cộng sản hay không? Chắc chắn không. Cùng lắm, những người dự mít tinh có thể hô những khẩu hiệu và trương những biểu ngữ chống Trung Cộng. Nhưng khắp nước Việt Nam ở đâu cũng từng làm như vậy nhiều lần rồi. Cùng lắm, buổi lễ có thể biến thành một cuộc biểu tình, nhưng một trăm người đi biểu tình tuần hành có làm cho chế độ sụp đổ hay không? Công an vẫn thường xuyên len vào các đoàn biểu tình, số công an đông hơn số người tham dự, họ có loa phóng thanh mạnh hơn, bắp thịt mạnh hơn, dễ dàng đàn áp. Tại sao phải cho một đám đàn ông đàn bà tới nhảy múa trước một pho tượng vị vua khai sáng thành Thăng Long để nhẫn tâm làm nhục hàng trăm ngàn người dân và chiến sĩ đã chết trong cuộc xâm lăng của Trung Cộng năm 1979?

Ðoạn phim nhảy múa đã lên Facebook của Thùy Trang, cho thấy cảnh các anh chị em công an nhảy theo một bài hát của nhạc sĩ Hồ Quang Hiếu, tựa là “Con bướm xuân.” Nhưng bài hát này lại phỏng theo một bản nhạc Trung Quốc, mà Thùy Trang cho biết mang tên là Trung Quốc Chính Nghĩa.

Nghe vậy nhiều người Việt càng ngạc nhiên. Tại sao lại nhắc tới “Trung Quốc Chính Nghĩa” trong ngày kỷ niệm Ðặng Tiểu Bình xua 600 ngàn quân sang đánh nước ta? Công an Hà Nội vô cảm đến như vậy hay sao?

Nhà thơ Trần mạnh Hảo đọc tin trên đã phẫn nộ. Ông đặt câu hỏi: “Ðây là Hà Nội hay Bắc Kinh?” trong một bài thơ viết ngày 18 tháng 2 năm 2014: Mà hàng trăm công an chìm canh chừng cho hàng trăm người khiêu vũ.

Họ múa theo nhạc nền bài hát Tàu: Trung Hoa Chính Nghĩa

Các ông các bà cầm quyền và ăn chơi nhảy nhót ơi
Xin các ông bà đừng giết sáu vạn chiến sĩ đồng bào chúng tôi lần nữa
Chúng tôi đã bị giặc Tàu giết ba mươi nhăm năm rồi
Chúng tôi cứ tưởng người chống xâm lăng như chúng tôi mới là chính nghĩa
Hóa ra giặc ngoại xâm ngày ấy nay thoắt thành chính nghĩa, trời ơi!”

Nhưng khi bấm vào cái “link” do blogger Thùy Trang cung cấp, thì không thấy tên bài hát Trung Quốc Chính Nghĩa. Trên màn ảnh là một nữ ca sĩ Trung Hoa đang hát, được giới thiệu là cô Ngô Tú Châu, và đoạn phim mang tựa là “Trung Quốc Kháp Kháp.” Thùy Trang nói đúng, điệu nhạc trong màn công an nhảy múa ở tượng đài Lý Thái Tổ giống hệt trong bài Trung Quốc Kháp Kháp. Nhưng không thấy hai chữ Chính Nghĩa sau cái tên Trung Quốc. Tức là bản nhạc có Trung Quốc, mà không có chính nghĩa. Người mình đọc chữ “Cha Cha Cha” của tiếng Trung Hoa là “Kháp Kháp Kháp.” Tựa đề đoạn phim, hoặc tựa bản nhạc, là “Trung Quốc Cha Cha Cha!”

Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi cũng coi đoạn phim trên. Ông dịch mấy câu do cô Ngô Tú Châu hát, có phụ đề trên màn ảnh (họ phụ đề bằng chữ Hán cho nửa tỷ dân Trung Hoa không nói ngôn ngữ chính thức cũng hiểu được).

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã phỏng dịch lời bài hát như sau: “Cha cha cha, cha cha cha, cha cha cha / Cô gái Trung Quốc xinh đẹp như đóa hoa / Ði trên đường phố chỉ nhìn ngó khắp nơi / Cô nương có đôi môi hồng tươi / Chính lúc nàng ngoảnh lại cất tiếng vui tươi, cha cha cha / Là lúc tiết trời hoan lạc / Chính lúc nàng ngoảnh lại cất tiếng vui tươi cha cha cha / Là lúc thời tiết âu sầu...” Tóm lại, bài nhạc có nói đến Trung Quốc, mà không có gì là chính nghĩa cả! Nhiều đoạn cô ca sĩ đã đổi lời, hát rằng: “Cha cha cha, cha cha cha, cha cha China.” Người Việt nghe có thể hiểu lầm rằng đó là một câu chửi nước China!

Nguyễn Huệ Chi đã tham dự cuộc biểu tình, đã chứng kiến cảnh mà ông thuật lại: “Các 'dư luận viên' múa nhảy xập xình trong buổi sáng ngày 16 tháng 2, 2014 trên quảng trường Lý Thái Tổ ở vườn hoa Chí Linh nhằm ngăn chặn dân chúng mít tinh kỷ niệm ngày mấy chục vạn giặc Tàu do Ðặng Tiểu Bình xua xuống đánh chiếm biên giới Việt Nam 35 năm trước.” Cho nên ông cảm hứng viết một bài thơ “Ðức Vua Trầm Tưởng,” đức vua đây là vua Lý Thái Tổ.

Lý Thái Tổ nhíu đôi mắt lo âu,
Nhìn dõi xuống chân mình... rõ ràng một lũ Tàu.
Bụng ưỡn ẹo, ngoáy mông, ca những lời nhí nhố:
“Cha cha cha, cha cha cha, cha cha cha
Cô gái đẹp trên đường phố, cất tiếng ca vui trong thời tiết âu sầu”
Thi sĩ Nguyễn Huệ Chi tưởng tượng vua Lý Thái Tổ suy nghĩ, đặt câu hỏi:
Thác Bản Giốc chúng ngoạm luôn một nửa,
Ải Nam Quan đã thuộc về lãnh thổ chúng từ lâu.
Núi Lão Sơn chúng chà đi xát lại, chôn sống cả trăm ngàn anh hùng còn sống sót,
Sáu vạn con em mình ngã xuống để giữ vững biên cương Tổ quốc nay mồ mả nơi đâu?
Ấy thế mà giữa cái nơi ta đang ngự trị,
Vẫn cứ vang lên những điệu nhạc quay cuồng rên rỉ:
“Cha cha cha, cha cha cha, cha cha cha.”

Ông Nguyễn Huệ Chi đã giới thiệu bài nhạc là Trung Quốc Cáp Cáp, và trong bài thơ ông đổi thành “Trung Hoa ngáp ngáp!” Người Việt mình thì thấy những tựa đề Trung Quốc Kháp Kháp, Trung Hoa ngáp ngáp, hoặc Cha Cha Trung Hoa đều không hại gì, không đến nỗi tệ như là cái tên Trung Quốc Chính Nghĩa. Tức là Công an Hà Nội không đến nỗi vô cảm, nhẫn tâm đến nỗi hoan hô chính nghĩa của Trung Cộng trong cuộc xâm lăng năm 1979. Mặc dù, một công dân mạng tên là Nam Lê coi đoạn phim công an nhảy múa, đã phê bình họ: “Ðây là hình ảnh những con đười ươi vô cảm, nhảy múa bên tượng đài Lý Thái Tổ.” Một bạn tên Phước Võ viết: “Ðúng là một bọn rác rến, suốt đời trung thành cái sổ hưu!”

Khi coi lại đoạn phim dài dưới một phút, chiếu cảnh công an nhảy múa theo điệu nhạc Cha Cha Trung Hoa, có vài điều đáng ngạc nhiên. Thứ nhất, các vũ công biểu diễn rất lành nghề. Chắc chắn họ đã quen khiêu vũ, có thể họ đã đi nhảy thường xuyên, hoặc ngành công an vẫn tổ chức nhảy đầm với nhau cho vui. Một tình trạng ham vui, vội vã hưởng những thú vui trong khi còn được hưởng. Thứ hai, là ngay trong lúc nhẩy nhót, uốn éo, tay nắm tay, quay lượn bên nhau, mặt mũi các anh chị công an trông vẫn “nghiêm và buồn;” cứ như đang đứng xếp hàng vào lăng bác vậy. Chứng tỏ họ nghiêm chỉnh làm “nghiệp vụ” chứ không hề vui chơi! Có thể họ đang nghĩ tới ông thượng tướng công an đang nằm trong bệnh viện, trong cảnh thập tử nhất sinh. Có thể họ đang nghĩ đến chính bản thân họ, tự so sánh mình với ông thứ trưởng Bộ Công An sắp chết, nếu không chết thì có thể bị đưa ra tòa. Họ có thể đang nghĩ đến “đám cưới chạy tang” của người con ông thứ trưởng; và đang thắc mắc không biết đám cưới thu được bao nhiêu. Bình thường, một đám cưới của nhà quan chức lớn như vậy phải thu về vài ba triệu đô la tiền mặt, năm bẩy chục cái xe ô tô xịn, và hàng ký lô vàng, ngọc, kim cương. Nhưng trong cảnh ông thứ trưởng Bộ Công An đang bị kẹt giữa bệnh ung thư và cuộc tranh giành quyền lực trong Bộ Chính Trị thì đám cưới có thu được theo đúng chỉ tiêu hay không? Còn bao nhiêu người vẫn thành tâm đem tiền bạc đến cúng cho ông thượng tướng, khi biết ông sắp chết, nếu không chết thì sắp mất chức?

Ðó là một tâm trạng đáng thương tâm. Cho nên, có thể đặt tên đoạn phim này là “Nhảy múa nhưng không cười.” Ðây là tâm trạng của các đảng viên cộng sản Nga năm 1989. Họ biết cả chế độ đang bước vào ngõ cụt.