main billboard

Có một điều, chống kẻ thù trước mặt thì dễ, nhưng cảnh giác với bạn bè sau lưng khó hơn. Có khi họ chung một màu áo, một tổ chức, và thường là “đồng” như đồng bào, đồng hương, đồng chí... và có lẽ chúng ta cũng chưa quên bài học đồng minh.


Trong đời sống của chúng ta có những chuyện xảy ra đã lâu, từ vài ba mươi năm qua, những vẫn lẩn khuất đâu đó trong tiềm thức, để một lúc nào đó gợi lại trong trí nhớ hay hiện ra trong giấc mộng. Chúng ta thường không nhớ đến những ngày hạnh phúc, những niềm vui mà những đau khổ, phiền muộn, đắng cay trong đời sống vẫn còn theo đuổi chúng ta cho đến tận cuối cuộc đời.

Ðêm hôm qua trong giấc mơ vào lúc gần sáng, tôi thấy tôi đang ở trong nhà tù cộng sản với niềm vô vọng không biết ngày nào mới được thả về.

tucaitao phimvuotsongCảnh trại tù cải tạo ở Việt Nam trong phim “Vượt Sóng” của đạo diễn Hàm Trần. (Hình chụp qua YouTube)

Thức giấc, giữa không khí yên lặng và an lạc giữa gia đình, ở một xứ tự do, cách xa cái trại tù năm xưa hàng nghìn dặm, đáng lẽ tôi phải thấy mừng vừa thoát ra khỏi cơn ác mộng, mà trái lại cái cảm giác buồn bã từ đó cứ vương vấn trong lòng tôi cho đến lúc trời bừng sáng. Tôi, một người tù lưu lạc xứ người như trăm nghìn người bạn tù khác, chắc hẳn không thể nào thoát ra nổi những ám ảnh như thế trong nhiều năm hay suốt cả cuộc đời mình.

Có điều là sau bao nhiêu năm tù đày và cả cái đất nước tôi đã sống nhiều năm khi ra tù đã mang lại cho tôi nỗi ghê sợ và căm ghét chế độ cộng sản như thế nào, nhưng nếu nói tìm lại một khuôn mặt quản giáo coi tù hay vệ binh nào đã để lại cái ấn tượng khổ đau cho tôi trong suốt những năm tù, thì tôi không tìm ra. Tôi biết họ là những con người cộng sản, xem chúng tôi là kẻ thù, sẵn sàng trấn áp, đe dọa, thậm chí muốn giết chúng tôi, nếu có dịp, vì họ đứng về phía bên kia chiến tuyến, được huấn luyện và tẩy não cho rằng chúng tôi là kẻ thù của họ. Họ là một đám đông như đám đông của chúng tôi, sẵn sàng bắn vào nhau không thương tiếc ở ngoài trận địa, và bây giờ chúng tôi là những người thất trận, phải chịu sự giày xéo, trả thù của những người thắng trận man rợ.

Có điều tôi thấy rằng, những viên đạn bắn thẳng ngoài mặt trận hay cả những hỏa tiễn, đạn đại bác nổ chụp lên đầu quả không nguy hiểm và đau đớn như một lát dao găm đâm vào hông trong tư thế rất gần, hay một viên đạn bắn từ sau lưng của những người không phải là thù mà mang danh nghĩa là bạn, nói rõ, mỹ miều hơn là với danh xưng chiến hữu, đồng đội.

Trong những tháng đầu tiên ở trại tập trung, một ông sĩ quan cùng ngành, cùng đơn vị với tôi, vì nghĩ rằng mình là gia đình “cách mạng,” vì ông có một người chị dâu là đại sứ của “Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” tại Tiệp Khắc nên đã sẵn sàng làm mật báo viên báo cáo lên quản giáo những tư tưởng, hàng động của anh em trong đội. Vào những ngày cuối năm 1975, chưa có chuyện trốn trại, chưa có âm mưu bạo loạn trong nhà tù, nên những chuyện báo cáo chỉ mơ hồ về tư tưởng “không an tâm,” “lơ là lao động,” hay “nhớ nhà.” Chính những buổi lên lớp, qua lời răn đe của quản giáo, chúng tôi biết rõ những cai tù này đã được ai báo cáo. Những lúc nằm gần nhau, cám cảnh xót xa đời tù “một lứa,” với một thằng bạn ngang cấp bậc, cùng chung một đơn vị, còn gì để giấu nhau!

Ra đến đất Bắc, trong thời gian tù miền Nam được các đơn vị quân đội Bắc Việt quản chế, cuộc sống tuy kham khổ nhưng chưa bị đày đọa, gông cùm, sắt máu như khi các trại tù binh miền Nam được chuyển qua cho Bộ Nội Vụ, sau này gọi là Bộ Công An. Dạ dày người tù càng teo tắt thì trí óc càng bị căng thẳng vì những buổi “ngồi đồng” nội bộ, dưới sự giám sát ẩn mặt của những quản giáo, và chủ trì bởi những đội trưởng tín cẩn được cắt đặt bởi cai tù. Chúng tôi đấu tố nhau thẳng tay nhau, anh này lười lao động, người kia lề mề, phát ngôn bừa bãi. Cả một đám “chiến hữu” hầm hè, tưởng như có thể ăn tươi nuốt sống nhau vì một vài lạng sắn ngô để lấy phần từ người khác 13 lạng dồn sang cho anh kia lao động xuất sắc được 17 lạng. Ðội trưởng và phó đội trưởng kế hoạch, một anh ngồi mát, một anh cầm thước đi đo đạc, xem đồng đội ngày xưa như những người tù thực sự và họ đang là người coi tù. Quản giáo, vệ binh, không cần phải ra tay khống chế tù nhân phải làm đạt chỉ tiêu, nạt nộ hay hăm dọa, thay vào đó đã có đội trưởng, đội phó, thi đua làm thay cho cai tù.

Những người này trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, là chiến hữu, đồng đội, sau ngày thất trận cũng mang thân phận những người tù lưu xứ, cùng xuống tàu Sông Hương ra Bắc, tối cũng phải bị lùa vào “chuồng,” nhưng được đặc ân khỏi cầm cuốc cầm rựa, mang ảo tưởng “lao động tốt,” có công với “Cách Mạng” hẳn “được về đoàn tụ với gia đình sớm” như câu kinh nhật tụng mà cai tù ra rả bên tai chúng tôi mỗi ngày. Về sau, khi người tù sắp chết đói thì Cộng Sản ban phát chính sách cho gửi quà, người tù bình thường được một phiếu quà, nhưng bị đội trưởng báo cáo, người tù sẽ mất phiếu quà và đương nhiên những phiếu quà này được chuyển sang cho những người có công “khuyển mã.”

Hơn 35 năm trôi qua, tôi chưa quên được hình ảnh người đội trưởng, một đại úy cùng ngành phục vụ tại trường CTCT Ðà Lạt, đã từ chối không cho tôi khai bệnh, mặc dù suốt đêm qua, tôi đã kiệt lực, sốt vì đuối sức. Ðội phó kế hoạch, là người đi đo đạc, tiếp thu “thành quả lao động” của người tù (hay bạn tù), một cựu đại úy Hải Quân, thì chiều hôm qua đã “nặng mặt” với tôi, vì hố sắn đào không sâu, chưa đạt chỉ tiêu và anh cho biết những kết quả này sẽ được báo cáo lên trưởng trại. Mỗi hố sắn phải có mỗi chiều 8 tấc, sâu 6 tấc. Ðào hố xong, phải ủ phân xanh xuống và sau đó mới gài hòm sắn lên. Ðất xung quanh trại tù Bắc Thái là đất đồi đầy sỏi đá, một nhát cuốc bổ xuống, chạm phải một viên đá, cuốc bật nẩy lên, toàn thân ốm yếu của người tù rung động như bị điện giật, thân thể như tê dại. Người tù đi từ Hoàng Liên Sơn về Bắc Thái, sau bốn năm, đã bắt đầu trơ xương vì đói và làm việc quá sức. Chính vì chế độ hà khắc này, mà một số đội trưởng, thi đua, được thêm quyền lực hay họ nghĩ là được trao quyền lực.

Tôi đã đau lòng chứng kiến ít nhất là hai lần, một ở Bắc Thái và một ở Nghệ Tĩnh, một đội trưởng, cựu trung tá, đá vào bụng một người bạn đại úy phường trưởng, vì cho rằng anh này mang một giỏ khoai không đầy, trước sự chứng kiến im lặng, thỏa thuê của người quản giáo có mặt. Một đội trưởng, thiếu tá tiểu đoàn trưởng khác, đã đánh vào mặt một đồng đội, đồng cấp bậc ngày xưa của mình với lý do là anh này đã “cuốc dối” nghĩa là cuốc lát này lấp lên chỗ đất chưa cuốc. Chính người đội trưởng mẫn cán này cũng đã ra lệnh cho tôi hoàn thành những vồng khoai chưa xong, khi đã có lệnh “thu dụng cụ” (nghĩa là xong buổi lao động) trong khi cả đội đang tập họp chờ đi xuống suối tắm táp, vì làm chưa xong thì chưa được nghỉ! Mỉa mai thay, chính người vệ binh lại ra lệnh cho tôi: “Anh kia, nghỉ đi, vào tập họp!”

Chính vì cái ảo tưởng rồ dại làm tốt được về, mà ở trại tù Bắc Thái, một sĩ quan cao cấp BÐQ đã phải tự vẫn vì không chịu nổi cảnh áp bức, chì chiết của người đội trưởng. Dù họ có sám hối, ăn năn thì những vết dơ đó trong hàng ngũ của chúng ta cũng không bao giờ gột rửa được.

Trong cuốn hồi ký tù “cải tạo” Trại Ðá Bàn của Nguyễn Thanh Ty, tác giả đã kể lại câu chuyện có hai người tù trốn chạy, vệ binh chạy bắn theo nhưng vụng về không trúng. Một người tù, “bạn của chúng ta,” hiến kế, bèn la lên: “Quỳ xuống! Dùng thế bắn quỳ!” Kết quả là người tù chạy trốn bị bắn chết. Tôi không biết về sau, “người hiến kế” có được kẻ thù thưởng một lạng thịt tươi nào không, nhưng nếu anh còn chút lương tri của con người, hẳn những giọt máu của đồng đội này sẽ ám ảnh anh suốt đời.

Cũng như Bùi Ðình Thi ở trại tù Nam Hà, những cựu sĩ quan đã có tội hành hạ anh em chiến hữu trong những trại tù khắc nghiệt của cộng sản, cuối cùng cũng “lọt lưới” lên máy bay đến Mỹ tị nạn cùng với chúng ta.

Có một điều, chống kẻ thù trước mặt thì dễ, nhưng cảnh giác với bạn bè sau lưng khó hơn. Có khi họ chung một màu áo, một tổ chức, và thường là “đồng” như đồng bào, đồng hương, đồng chí... và có lẽ chúng ta cũng chưa quên bài học đồng minh.

Nhiều lúc vô tình, tôi gặp những anh “đội trưởng” đâm vào lưng chiến hữu mà tôi đã kể ở trên, ở một quán cà phê đông người nào đó ở trên đất Mỹ. Phần đông, hình như họ đã quên những gì họ đã làm hay họ giả vờ quên, nhưng với tôi thì không, tôi không bao giờ quên họ, mặc dù thường tôi vẫn bào chữa cho họ, cho rằng chẳng qua vì họ quá yếu đuối. Cả một quá khứ đau đớn hiện ra với tất cả tên tuổi và hình ảnh của những nạn nhân là những bạn tù của tôi. Có lẽ đó là một khuyết điểm của cá nhân tôi, nhưng ở đời, “tiết trực” thì dễ nhưng “tâm hư” mới là khó. Người ta nói nhiều điều có thể tha thứ, nhưng không thể quên.

Nếu quên được thì tôi đã không bao giờ có những giấc mơ thấy mình đang còn ở trong trại tù, như cơn ác mộng đêm qua.