Cộng sản không phải bỏ đói tù nhân một bữa, một ngày mà bỏ đói liên tục. Bỏ đói đây không có nghĩa là không cho ăn, mà chỉ cho ăn đủ cho khỏi chết, nên cảm giác đói và thèm ăn theo con người từng lúc vào tận tiềm thức, ám ảnh cả những giấc mơ.
Nhân vật Sinh trong truyện ngắn “Ðói” của Thạch Lam có suy nghĩ: “Trước kia, khi nghe chuyện người ta tranh giành nhau vì miếng ăn, chàng vẫn mỉm cười khinh bỉ. Chàng cho rằng miếng ăn là một sự không đáng kể, chỉ có cái thanh cao trong sạch của linh hồn mới là cần. Nhưng bây giờ, trong cái phút đói này, chàng mới thấy rõ cái cần mạnh mẽ của miếng ăn là thế nào.”
Khi chúng ta chưa xuống đến tận cùng của cái đói, xin đừng vội phê phán những người hạ mình và trở thành hèn hạ vì miếng ăn.
Một người bình thường không thể nào tưởng tượng ra một “con người” - để phân biệt với một con bọ hung - đã ăn những hạt bắp trong bãi phân bò, vì quá đói. Ðó là trường hợp của Shin Dong-hyuk, một người Bắc Hàn, được sinh ra trong trại tù số 14, vượt ngục năm 23 tuổi, đến được đất tự do, kể lại ngoài việc phải ăn tất cả động vật bắt được, vỏ cây, Shin đã từng lượm những hạt bắp trong một đống phân bò để ăn.
(Hình minh họa: Ashraf Shazly/AFP/Getty Images)
Câu chuyện này tuy có phần khắc nghiệt hơn, nhưng không khác các câu chuyện kể của những người tù trong các trại tập trung của Cộng Sản sau Tháng Tư, 1975, vì quá đói đã bắt ăn tất cả con gì “nhúc nhích!”
Chính vì miếng ăn có mãnh lực sai khiến hay đè bẹp ý chí của con người, nên những nhà “chính trị bá đạo” dùng nghệ thuật bỏ đói để hành hạ, khống chế và sai khiến con người. Trong các trại tù tập trung
của chế độ cộng sản trên trái đất này, miếng ăn cũng công dụng như roi điện, chó săn hay dùi cui, nhưng vô tình, mềm mại và êm ái hơn, làm cho con người phải khuất phục.
Lợi dụng yếu điểm này, đối với tù nhân, nghệ thuật bỏ đói để đè bẹp ý chí và sức đề kháng của con người được áp dụng triệt để. Trừ một số nhỏ con người kiên cường và tinh thần thắng được sự đòi hỏi của thể xác, còn lại phần lớn phải chịu khuất phục.
Cộng sản không phải bỏ đói tù nhân một bữa, một ngày mà bỏ đói liên tục. Bỏ đói đây không có nghĩa là không cho ăn, mà chỉ cho ăn đủ cho khỏi chết, nên cảm giác đói và thèm ăn theo con người từng lúc vào tận tiềm thức, ám ảnh cả những giấc mơ. Chúng tôi đã trải qua kinh nghiệm thèm thuồng những món ăn ngày xưa, trong giấc mơ, thấy mình đang ăn một một tô phở, tỉnh giấc, thẹn thùng khi thấy miệng mình vẫn còn nhai nhóp nhép. Bây giờ đang no đủ, chúng ta khó tưởng tượng ra sự việc này, cũng như những ai ở ngoài cuộc, xin đừng vội lên án một chuyện mà quý vị chưa từng có kinh nghiệm trải qua.
Buổi tối Thứ Bảy hôm ấy, cả trại tù được loan báo, ngày mai, Chủ Nhật, tù sẽ được phát mỗi người một chén chè. Thức ăn không đủ, đường và mỡ là hai món cần cho cơ thể, nghe đến hai thứ này, ai mà không thèm.
Theo thường lệ, vào mỗi buổi sáng, tiếng kẻng tù chỉ gióng lên vào lúc 7 giờ sáng để đánh thức tù trở dậy, nếu chúng ta thức giấc vào trước giờ ấy, thì thường cố gắng để dỗ giấc ngủ trở lại, vì không có ăn, người tù chỉ nhờ vào giấc ngủ để bồi dưỡng cho sức khỏe. Nhưng buổi sáng Chủ Nhật hôm ấy, mọi người trong trại tù có thể đã thức giấc vào lúc 5 hay 6 giờ sáng. Thức giấc rồi thì không thể ngủ trở lại được vì tất cả trí óc đang vấn vương vụ chén chè. Không ai nói với ai, nhưng cả đội tù hình như không hẹn mà đều đã thức giấc trong sự im lặng, chỉ nghe tiếng sột soạt của chăn gối hay vật dụng cá nhân, tiếng ho, tiếng dép lẹp xẹp đi về hướng nhà cầu ở cuối “lán.”
Một vài giờ nữa, trại sẽ phát cho mỗi người một chén chè! Một “biến cố” lớn lao như vậy, sắp xẩy ra trong một vài giờ nữa thôi, ai mà vô tâm, thờ ơ đến đỗi có thể nằm ngủ tiếp. Vào lúc ấy, dễ chừng cái tin Trung Cộng đang đánh vào biên giới cũng không quan trọng bằng.
Trong trại tù, những ai yếu đuối vì miếng ăn, giấu một củ khoai, bốc một miếng cơm cháy, nếu vị phát giác, đều bị những người nhân danh đạo đức lên án, chửi rủa không lời. Một tù nhân được cử đi làm thịt trâu ở Ðoàn (đơn vị coi tù) trong lúc xẻ thịt vì đói quá đã bốc một miếng thịt sống bỏ vào miệng, vội nuốt nhưng vì miếng thịt khá lớn, nằm tắc nghẹn trong cuống họng làm cho anh nghẹt thở, mặt tím bầm. Nếu không có những bạn tù tìm cách cấp cứu, người tù này chắc chắn không có ngày trở về miền Nam.
Bọn Cộng Sản coi tù đã thành công trong chính sách khống chế con người bằng miếng ăn. Vì đói người ta đã bỏ quên nhân cách và dĩ vãng trở thành một thằng ăn cắp, tố cáo bạn bè để lấy ân sủng, thêm vài cân thực phẩm hay được thưởng một hai cái phiếu quà.
Không phải chỉ đối với tù nhân mà đối với dân chúng, trong các nước Cộng Sản, “chính sách bao tử” được áp dụng triệt để. Trong những chế độ này không có việc trốn lính, vì trốn lính là chết đói. Thanh niên đến tuổi thi hành “nghĩa vụ quân sự” phải cắt hộ khẩu, không có hộ khẩu thì không có phần gạo, phần khoai. Con đường duy nhất là đi lính để có miếng ăn.
Tuy vậy, đi lính chưa chắc đã được ăn no. Lee Bo, một nữ quân nhân Bắc Hàn nhập ngũ vì hy vọng được ăn đủ, ăn ngon hơn ở nhà, nhưng suốt trong sáu năm tại ngũ, cô chỉ được ăn cơm, kimchi, mì, mà cũng chẳng bao giờ được no.
Lúc bụng đói cồn cào, người ta chỉ nghĩ đến miếng ăn: bát cơm, cái bánh, cục đường, miếng thịt... luôn luôn ám ảnh. Lúc trà dư, tửu hậu, ăn uống chán chê, bên ly rượu hay tách cà phê, thì việc nước, việc nhà, chuyện chính trị bên Ðông bên Tây, người ta mới hào hứng đem ra thảo luận. Giờ đây, chế độ XHCN Việt Nam có lẽ tiếc nhớ thời đại bao cấp đã qua, dân Việt Nam ngày nay phần lớn không còn đói hơn nữa, nên đầu óc mới có thể nghĩ đến chuyện đòi tự do, nhân quyền.
Cái đầu quả là quan trọng, con tim cũng có lý lẽ của nó, nhưng cũng đừng xem thường cái dạ dày, nó có thể biến một anh hùng thành một kẻ ti tiện, một người thương yêu thành kẻ thù, nó có mãnh lực chi phối và thay đổi cả bộ mặt thế giới!