Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh “không bực cũng chẳng bội, không giận cũng chẳng hờn” mà chỉ “rất thất vọng việc Nga đồng ý cho Snowden tạm trú,”
“Chương trình cuộc gặp được chia làm 2 phần,” bà phát ngôn viên Jen Psaki của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trình bày với mọi người trong cuộc họp báo hàng ngày vào trưa Thứ Tư, mùng 7 Tháng Tám 2013. Buổi sáng là cuộc thảo luận giữa 4 ông, sau đó ăn trưa, đến chiều chỉ có 2 ông ngoại trưởng gặp nhau và khi kết thúc, “đừng trông chờ bản thông cáo chung, chúng tôi chỉ phổ biến một bản thông cáo báo chí.” “Ngắn thôi,” bà Psaki kết thúc lời phát biểu.
Tổng Thống Barack Obama (trái) và Tổng Thống Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Bắc Ireland hồi Tháng Sáu. (Hình: Jewel Samad/AFP/Getty Images)
Ðó là những gì sẽ xảy ra ở thủ đô Washington D.C. sáng hôm nay (Thứ Sáu, mùng 9 Tháng Tám, 2013) trong cuộc họp cấp cao giữa 4 ông, một bên là Ngoại Trưởng John Kerry của Hoa Kỳ và bên còn lại là Ngoại Trưởng Sergei Lavrov và ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu của Liên Bang Nga. Cuộc gặp gỡ vẫn diễn ra sau khi Tổng Thống Barack Obama quyết định không đến Moscow dự thượng đỉnh Nga-Mỹ vào đầu tháng tới như từng dự tính, dù ông vẫn đi St. Petersburg để dự cuộc đàm phán của các nhà lãnh đạo G-20.
Cuộc gặp này mang ý nghĩa gì, một nhà báo hỏi tiếp? “Chúng tôi luôn luôn đánh giá rất cao mối quan hệ giữa 2 quốc gia,” bà Psaki trả lời, “luôn luôn mong mỏi thấy những vấn đề được đưa ra thảo luận sẽ giúp phát triển quan hệ song phương” tức là những vấn đề 2 quốc gia đã thỏa thuận với nhau từ Tháng Sáu vừa rồi khi dàn xếp để 2 nhà lãnh đạo gặp nhau. Trước khi bà đưa ra phát biểu này, một viên chức trong dàn cố vấn chính trị của Tổng Thống Obama đã cho mọi người biết theo đánh giá của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia “chúng tôi không nghĩ là sẽ có tiến triển đủ tốt để tổng thống tham dự thượng đỉnh,” điều đó được mọi người hiểu rằng thượng đỉnh thì không - vì chẳng có lợi ích gì, nhưng cuộc thảo luận cấp thấp hơn vẫn thành hình - cho dù hy vọng đột phá cũng chẳng nhiều.
Chữ “hy vọng” là điều các nhà báo liên tục đặt ra, buộc bà phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần “tôi sẽ không đưa ra dự đoán nào cả” đề nghị mọi người “chờ xem kết quả sẽ đi tới đâu.” Bà nhắc lại mọi chuyện sẽ được đặt trên bàn họp để thảo luận, “kể cả chuyện Edward Snowden” nhưng nói ngay và rất rõ: “Chuyện Snowden không phải là chuyện lớn, không chiếm nhiều thì giờ” của cuộc gặp giữa các nhân vật đang điều hành ngành ngoại giao và quốc phòng Nga-Mỹ.
Bà Psaki không phải là người duy nhất nói điều đó. Suốt ngày Thứ Tư và cả buổi sáng ngày Thứ Năm, các viên chức hành pháp sử dụng đủ mọi phương tiện để trình bày cho giới truyền thông biết không phải vì chuyện Snowden mà tổng thống không đi Moscow dự thượng đỉnh. Trong những cuộc tiếp xúc trực tiếp, qua điện thoại hay bằng email, Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh “không bực cũng chẳng bội, không giận cũng chẳng hờn” mà chỉ “rất thất vọng việc Nga đồng ý cho Snowden tạm trú,” để làm nhẹ những đồn đãi cho rằng chuyện Snowden “là giọt nước làm tràn ly.” Các viên chức Mỹ cũng nói, “Có nhiều chuyện quan trọng hơn rất nhiều, chúng tôi đã cố gắng thúc đẩy Moscow cùng giải quyết nhưng phía bên đó không tỏ thiện chí.”
Những vấn đề thường được các viên chức Mỹ nhắc tới gồm có:
1. Syria: Nga xem đây là cuộc nội chiến, Hoa Kỳ coi đây là cuộc nổi dậy của người dân yêu chuộng tự do, dân chủ. Washington nói sự yểm trợ của Nga đã giúp chính phủ Bashar Al-Assad cơ hội tiếp tục nắm quyền và giết chết chừng 100,000 người trong hơn 2 năm qua. Cả 2 chính phủ Nga và Hoa Kỳ đồng ý với giải pháp thương thuyết để chấm dứt cuộc chiến, và chính phủ Mỹ mong Nga thúc đẩy mạnh hơn nữa, buộc Al-Assad phải ngồi vào bàn hội nghị.
2. Hệ thống phòng thủ phi đạn: Hoa Kỳ muốn dựng hệ thống này để bảo vệ an ninh cho các quốc gia đồng minh NATO trước nguy cơ có thể bị Iran tấn công, Nga tin rằng hệ thống được dựng với mục đích để bao vây Nga.
3. Nhân quyền: Tháng Tư năm nay, Hoa Kỳ quyết định phong tỏa tài sản của 18 viên chức Nga vì đã có những hành động vi phạm nhân quyền. Quyết định được đưa ra sau cái chết của Luật Sư Sergei Magnitsky, người tố cáo những quan chức cảnh sát Nga biển thủ 230 triệu dollars tiền thuế của dân. Ngoài ra, hành pháp, lập pháp Hoa Kỳ cùng với các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền quốc tế đồng loạt lên án việc chính phủ Nga ngăn chận quyền tự do phát biểu của người dân.
4. Ðàn áp xã hội dân sự: sau ngay đắc cử tổng thống, ông Vladimir Putin tìm mọi cách để ngăn chận, không cho các tổ chức xã hội dân sự cơ hội hoạt động. Không những thế, chính phủ Nga còn trục xuất nhân viên làm việc trong Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế (USAID), một tổ chức của chính phủ Mỹ đã có mặt ở Nga trong 20 năm qua để cổ võ dân chủ, phát huy quyền con người. Tổng Thống Putin cho rằng USAID dùng ngân khoản 50 triệu dollars để can thiệp vào chuyện nội bộ của Nga, kể cả việc tìm cách gây cản trở khi ông ra tranh cử.
5. Quyền nhận con nuôi: ông Putin ban hành luật không cho người Mỹ được nuôi trẻ em Nga làm con nuôi, lấy lý do nhiều em sau khi về Mỹ sống đã bị cha mẹ nuôi hành hạ. Thái độ của ông Putin được xem là nhằm trả đũa chuyện chính phủ Mỹ ban hành luật chế tài với những viên chức Nga vi phạm nhân quyền.