Họ không thể làm công việc “thanh cha, thanh mẹ, thanh dì” một cách nghiêm chỉnh được. Vì làm đứng đắn thì cả “đảng ta” cùng bị thiệt, tội gì!
Hôm qua, nhật báo Nhân Dân (ở Hà Nội) mới loan tin ông Nguyễn Phú Trọng, với tư cách “Trưởng Ban Chỉ Ðạo Trung Ương phòng chống tham nhũng” đã ký một Quyết định (số 17), với tham vọng sẽ thúc cho đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành công việc chống tham nhũng “tốt hơn.” Quyết định này thành lập bảy đoàn công tác để đi kiểm tra, giám sát các vụ án tham nhũng “nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.”
Bảy đoàn công tác rất có bề thế. Hai ủy viên Bộ Chính Trị sẽ phụ trách đi điều tra ở các địa điểm nặng nhất, là Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng. Năm người ủy viên Trung Ương Ðảng phụ trách đi thanh kiểm các nơi khác, người nào cũng nằm trong cái “Ban Chỉ Ðạo Trung Ương” của ông Trọng. Riêng ông Nguyễn Bá Thanh, người từng được ông Trọng cất lên làm Trưởng Ban Nội Chính sẽ đi “làm việc tại Bộ Công An, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao;” đó là những cơ quan ở trung ương xưa nay vẫn phụ trách việc chống tham nhũng; để hy vọng biết tại sao họ mấy chục năm trời nay họ chống tham nhũng vẫn không xong!
Trước đó một ngày, ông Nguyễn Phú Trọng đã đã ban hành kế hoạch (số 16) liệt kê những thứ ông định làm để chống tham nhũng. Ðại khái, họ thấy cần phải “phát hiện các hạn chế, yếu kém... nhằm nâng cao hiệu quả,” trong “trong công tác đấu tranh chống tham nhũng hiện nay” rồi “kịp thời chấn chỉnh” để “củng cố lòng tin của nhân dân.” Ðọc hết cái quyết định thì thấy nó đúng là văn chương của đảng Cộng sản, người ngoài không bắt chước được. Nó chỉ toàn những khẩu hiệu tuyên truyền đã từng được lập đi lập lại; ý tứ cũng đại khái giống như lâu nay họ vẫn nói, nói sa sả từ nửa thế kỷ đến giờ.
Nếu quý vị đảng viên cộng sản nào vẫn còn tin rằng đảng của họ muốn chống tham nhũng thật, thì chắc họ phải băn khoăn tự hỏi tại sao mình đã hô khẩu hiệu chống tham nhũng hàng ngàn lần, hô đến mỏi cả miệng mà vẫn cứ phải tiếp tục hô mãi? Hô đến bao giờ mới ngưng? Tại sao cái ung nhọt tham nhũng nó cứ phồng lên, càng ngày càng bốc mùi hôi thúi chịu không thấu?
Chúng tôi xin giúp quý vị tìm ra một lời giải đáp, nhân mới có một bài nghiên cứu của một giáo sư Ðại Học Hamburg bên Ðức là ông Berno Buechel. Bài nghiên cứu, cộng tác với Eike Emrich, và Stefanie Pohlkamp, tựa là “Không ai vô tội;” nhằm tìm hiểu về hiện tượng dùng thuốc tăng cường sức mạnh (doping) trong các môn thể thao (Nobody's innocent: the role of customers in the doping dilemma). Hiện tượng chích thuốc kích thích này rất phổ biến, ai cũng biết, ai cũng than phiền nó làm mất giá trị các cuộc đấu. Các tổng hội thể thao đều tuyên bố muốn ngăn ngừa, muốn trừ khử, nhưng không thành công. Chẳng khác gì các đảng cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam nói họ muốn trừ tham nhũng vậy. Có người bảo chính khán giả hâm mộ có thể làm áp lực chấm dứt tệ trạng này, nhưng Buechel bác bỏ ý kiến đó.
Berno Buechel đã sử dụng một ngành trong toán học là “Lý thuyết Trò chơi” (Game Theory) để nghiên cứu vai trò của các đấu thủ, (ông tốt nghiệp Viện Toán học Kinh tế - Institute of Mathematical Economics từ Ðại Học Bielefeld ở Ðức).
Ông đã dùng câu chuyện “Ngụ ngôn hai người tù” (prisoner's dilemma) rất nổi tiếng để tiên đoán rằng không đấu thủ thể thao nào muốn ngưng nạn dùng thuốc kích thích. Một đấu thủ nghĩ rằng nếu mình không chích, để tăng cường sức lực trước khi vào trận đấu, thì thằng khác chúng nó vẫn chích. Vậy tại sao mình lại không chích, nếu bị bắt thì cả hai cùng bị như nhau? Cũng giống như trong chuyện ngụ ngôn, người tù này quyết định thú tội vì nghĩ dù anh kia nó thú tội hay không, mình thú tội vẫn được lợi hơn.
Cũng dùng phương pháp đó, Buechel xét đến những “người tù” khác, một “trò chơi, game” khác. Ông xét tới vai trò của các đấu thủ và của các thanh tra vẫn khám nghiệm họ; vẫn giống hai người tù trong câu chuyện ngụ ngôn. Nếu các đấu thủ nghĩ rằng khi bị khám nghiệm thế nào người ta cũng biết mình chích thuốc, thì họ sẽ ngưng không chích nữa. Nhưng kết quả các cuộc khám nghiệm không bao giờ đúng 100% như vậy. Cho nên, họ trở lại với lý luận: Nếu mình không chích thì thằng kia nó vẫn chích!
Nhưng các thanh tra làm việc do các hội thể thao trả tiền. Nếu họ khám nghiệm nghiêm ngặt thì họ phải thấy nhiều trường hợp vi phạm hơn; mà trong nhiều môn thể thao hầu như đấu thủ nào cũng chích cả. Vậy thì các tổng hội thể thao chính họ có muốn bắt các thanh tra làm việc chặt chẽ hơn không? Theo quyền lợi của chính họ, các tổ chức thể thao cũng không muốn cho các thanh tra làm việc hữu hiệu. Trước hết, vì muốn khám nghiệm chặt chẽ hơn sẽ tốn tiền hơn. Quan trọng hơn nữa, vì lo mất khách! Nếu khán giả nhìn thấy ở đâu cũng chích choác thì họ sẽ chán không muốn coi các trận đấu võ hay các cuộc chạy đua, đua xe đạp nữa hay đấu bóng nữa! Khán giả mà chán thì số tiền thu của các hội thể thao sẽ xuống, các người lãnh đạo sẽ không lãnh những món lương cao như hiện nay nữa! Tốt nhất, cho khám nghiệm qua loa, lâu lâu bắt được một vụ cho nó đẹp, chứ không nên để cho người ta thấy chỗ nào cũng đầy những con sâu, có khi cả nồi canh toàn sâu là sâu! Trong tình trạng đó, các đấu thủ thấy tốt nhất là cứ chích: Nếu mình không chích thì thằng khác nó vẫn chích!
Ðọc tóm tắt kết quả bài nghiên cứu của Berno Buechel chúng ta ngửi thấy ngay cái gì quen quen. Nó nhắc mình nhớ đến những chiến dịch chống tham nhũng triền miên của các đảng cộng sản khắp thế giới. Họ không thể làm công việc “thanh cha, thanh mẹ, thanh dì” một cách nghiêm chỉnh được. Vì làm đứng đắn thì cả “đảng ta” cùng bị thiệt, tội gì! Bảy đoàn thanh tra, chứ ngàn đoàn thanh tra cũng thế thôi! Chẳng qua là một đòn phép để phe này hất cẳng phe kia, triệt hạ đối thủ để nâng phe mình lên! Nếu đảng cộng sản trừ được tham nhũng thì các môn thể thao cũng trừ được nạn chích choác!
Nghe như vậy thì chán đời quá! Nhưng may mắn, Berno Buechel có đề nghị một giải pháp hy vọng ngăn ngừa nạn chích thuốc kích thích. Vẫn dùng toán học theo lối Game Theory, ông chứng minh rằng nếu thay đổi “cơ cấu thông tin” (the information structure) thì có hy vọng chấm dứt được tình trạng chích choác trong thể thao. Ông đề nghị kết quả của tất cả các cuộc khám nghiệm phải được công bố, dù kết quả là có chích thuốc (positive) hay không (negative); dù nặng hay nhẹ.
Buechel chứng minh, bằng toán học, rằng “nếu chính sách thông tin trong sáng về các các cuộc khám nghiệm được thiết lập, thì các môn thể thao sẽ hết nạn chích choác;” vì quyền lợi của chính những người tham dự trong “trò chơi” khám nghiệm! (If transparency about doping tests is established, then there is a doping-free equilibrium).
Berno Buechel chắc cũng nghĩ đến chuyện tham nhũng, khi ông kết luận bài nghiên cứu của mình với nhận xét: Cuộc nghiên cứu này có thể dùng để ấn định chính sách bài trừ nạn chích thuốc, cũng như các hành động gian lận khác” (This has practical implications for the design of anti-doping policies, as well as for other situations of fraudulent activities).
Bây giờ thì chúng ta hiểu tại sao nửa thế kỷ chống tham nhũng của đảng Cộng sản Việt Nam không làm nên cơm nên cháo gì cả. Thiếu thông tin trong sáng, đầy đủ và trung thực.
Nhưng làm cách nào để cho đảng cộng sản thiết lập một “cơ cấu thông tin trong sáng?”
Chỉ có một cách, là họ phải xóa bỏ chế độ độc tài chuyên chế. Khi người dân được tự do bầu cử chọn người cầm quyền, khi mọi người được tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do làm blog, tự do biểu tình, vân vân, thì dù đảng nào nắm quyền cũng phải dần dần trong sáng hơn. Lúc đó nói chuyện chống tham nhũng sẽ dễ dàng hơn!
Cho nên, nếu quý vị đảng viên cộng sản muốn cứu đảng và cứu nước, thì phải có hành động đủ mạnh mẽ để cho cái đảng của quý vị thay đổi. Một hành động đủ mạnh mẽ, tạo được một cơn kích xúc (shock) là quý vị hãy rủ nhau tự giải phóng khỏi ách chuyên chế. Phải có một hành động tập thể, của hàng ngàn người, dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê Nin và con đường chuyên chính vô sản, từ bỏ cái chế độ hủ nát hôi thối hiện nay. Nhiều đảng viên đã phê phán, đã “phản biện” hàng chục năm nay rồi, chẳng đi tới đâu cả. Hôm nay là ngày giỗ Trung Tướng Trần Ðộ. Ông là một người đi tiên phong chống các chính sách của đảng, rồi bị đảng gạt bỏ ra ngoài, bị trục xuất từ hơn mười năm trước. Ðến lúc ông chết, những vòng hoa có chữ “thương tiếc” đều bị cắt bỏ. Cái dấu “bị đảng trục xuất” là một huy chương gắn trên quan tài ông. Những đảng viên hiên giờ đang nhìn thấy cảnh thối nát của đảng phải bật lên lời phẫn uất; họ muốn tự mình từ bỏ đảng hay là chờ tới ngày cũng bị trục xuất? Nếu hàng ngàn người cùng tuyên bố bỏ đảng một lúc thì hàng trăm ngàn đảng viên khác sẽ theo.
Có như vậy nước ta mới thiết lập được một cơ cấu thông tin trong sáng.