Nhưng các ông này cũng chẳng lo, bởi qua mấy kỳ kê khai tài sản rồi “có chết thằng Tây nào đâu” ...
Một cửa hàng bán gạo như thế này, người dân không thể biết thương hiệu nào sạch và hầu hết không lựa chọn đúng, chỉ… mua liều thôi.
Vào đầu tháng 8-2013 này, các quan chức lo vì đến đầu tháng 9 sắp tới, hầu như tất cả đều “được” hay “bị” kê khai tài sản. Lo trước đi là vừa kẻo nước đến chân chạy không kịp. Chuyện đó xin bàn ở phần sau.
Còn hầu hết người dân VN lại một phen lên ruột vì giá xăng giá điện tăng liên tục khiến gia đình nào cũng méo mặt không biết tương lai sẽ đi về đâu. 3 lần tăng giá xăng, chưa đầy nửa tháng sau giá điện, giá gas lại được tăng tiếp khiến người dân không khỏi hoang mang, lo sợ còn mặt hàng nào sắp tới tăng nữa đây khi mà túi tiền cho chi tiêu sinh hoạt bấy lâu nay đã cạn.
Về tực phẩm thì bất cứ loại thực phẩm nào từ thịt cá đến trái cây, loại nào cũng có độc. Ngay cả gạo và bún phở cũng phát hiện có chất độc hại. Gạo càng trắng càng đáng nghi được tẩy rửa bằng axit oxalit, là chất rất độc tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm như các cơ quan như hội hóa học, Sở Y tế, Sở Công thương cùng các nhà khoa học đã phát hiện. Cả hai loại này đều là thứ không một người nào không dùng hàng ngày. Lâu nay người ta vẫn tưởng tẩm chất độc vào những thứ thực phẩm khác, còn gạo được “tha”. Nhưng bây giờ mới tá hỏa vì cần làm trắng gạo và bún (hoặc những thứ thực phẩm cần phải trắng tinh để câu khách) con buôn gian lận đã không tha bất cứ thứ gì có thể kiếm ra tiền. Nhà nào cũng lo, nhưng chẳng biết làm thế nào hơn.
Khuyến mãi mua gạo hấp dẫn người tiêu dùng, không thể biết có độc hại hay không.
Khuyên dân cũng như không
Các quan khuyên người dân “Trong thời gian chờ đợi cơ quan chức năng kiểm tra, người dân có thể lựa chọn loại thực phẩm an toàn bằng việc tìm đến những điểm kinh doanh có uy tín, nên chọn những loại sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”. Đi mua ký gạo mà phải lựa chọn nơi kinh doanh có uy tín thì mệt thật và thật ra tất cả các nơi bán gạo chẳng có nơi nào chịu nhận là mình không có uy tín cả, nơi nào cũng trưng giá và chất lượng uy tín đầy mình. Có rất nhiều cửa hàng gạo đưa quảng cáo đến từng nhà và cam đoan đưa hàng tận nơi không tính phí nếu mua nhiều còn được khuyến mãi một món quà gì đó. Như mua 10kg gạo tặng 1kg, tặng dầu ăn, thậm chí cả dầu tắm, tặng cả bảo hiểm xe máy, tặng thẻ VIP mua giảm giá… Cứ khuyến mãi tùm lum, chẳng biết anh nào có uy tín hay không, cứ mua liều, ăn liều thôi.
Có vị còn khuyên người dân nên “tự đề phòng”, còn “tự” bằng cách nào không biết. Cho nên nhà nào cũng nhắm mắt ăn liều, chẳng anh nào tránh được cả. Cho nên khuyên dân cũng như không. Người VN nào bây giờ đều cũng hiểu rằng “không liều thì không sống trên đất nước này được”.
Kê khai tài sản, ngoài tươi trong héo
Trong khi đó, vào đầu tháng 8 này, các quan chức VN lại đang lo về vụ kê khai tài sản. Có vẻ như các công tư sở đều bàn tán xôm tụ về chuyện này và ông bà nào là công chức cũng đều đang lo. Nhưng hầu hết là lo ngầm thôi, ngoài mặt tươi cười để chứng tỏ ta là một công chức trong sạch, có gì phải lo, chỉ những thằng giàu nứt đố đổ vách mới toát mồ hôi lạnh. Những ông trót xây nhà siêu lớn, chơi xe siêu sang chềnh ềnh ra trước công chúng mới đáng lo. Nhưng các ông này cũng chẳng lo, bởi qua mấy kỳ kê khai tài sản rồi “có chết thằng Tây nào đâu”, ông thừa sức chứng minh đó là do tài năng kinh doanh của ông, của vợ con ông làm ra, toàn là đồng tiền sạch. Cho nên ngày thường các ông này ít cười, bây giờ lại cố cười nhiều hơn ra cái điều “vô tư như người Hà Nội”. Thật ra là các vị ấy cứ như trái cây Trung Quốc nhập lậu “ngoài tươi trong héo” đấy.
Kê khai tài sản là một vấn đề lớn, một chính sách quy mô ảnh hưởng tới đời sống của toàn dân. Nó góp phần vào việc chống lãng phí và bài trừ tham nhũng. Hai “kẻ thù giấu mặt sau lưng áo các quan” tàn phá quốc gia, làm băng hoại văn hóa, đạo đức con người, làm kiệt quệ sức sống của người dân.
Chống tham nhũng không hiệu quả
Đến nay, ai cũng hiểu được điều này và cũng muốn diệt trừ nó, nhưng bằng cách nào lại là chuyện như đội đá vá trời, không làm nổi hoặc có làm nhưng chưa mang lại kết quả nào đáng kể. Theo cuộc khảo sát 95 quốc gia trên thế giới của Tổ chức Minh bạch Quốc tế về nạn tham nhũng năm 2013 cho biết 30% dân Việt Nam đã phải đút lót nhân viên công quyền. 55% số người được hỏi cho rằng tham nhũng tăng lên. 38% số người tin rằng các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm chống tham nhũng là không có hiệu quả.
VN là một trong số nước tham nhũng cao trên thế giới. Theo chỉ số nhận thức tham nhũng 2012 (CPI) được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố, Việt Nam đứng thứ 123 trong số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ, tụt 11 bậc so với năm ngoái. Việt Nam, Lào và Trung Quốc đã tụt hạng đáng kể trong bảng xếp hạng năm nay. Triều Tiên vẫn tiếp tục là quốc gia tham nhũng nhiều nhất trên thế giới.
Nhìn thấy của chìm của nổi của cả vợ con các quan chức
Từ năm 2007 đến nay, đã 2 lần chính phủ VN ban hành luật phòng chống tham nhũng (PCTN) Năm 2007, Chính phủ VN ban hành Nghị định 37/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành về vấn đề công khai minh bạch tài sản, thu nhập. Sau đó, năm 2011, ban hành Nghị định 68/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Nhưng sau cả hai lần thực hiện, nhiều ý kiến đánh giá việc kê khai tài sản thu nhập như vậy còn hình thức.
Phó Cục trưởng Cục PCTN, Thanh tra Chính phủ Phí Ngọc Tuyển cho biết: “Từ khi thực hiện quy định kê khai tài sản thu nhập (năm 2007) đến nay, chưa có trường hợp nào phát hiện được tham nhũng, nhưng để xử lý người “khai gian” thì đã có”.
Thế nên năm nay lại có Quy định sửa đổi lần nữa nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động này trong phòng, chống tham nhũng và hướng tới mục tiêu xa hơn là kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức. Từ ngày 5 tháng 9 sắp tới, công chức phải kê khai tài sản. Đó là Nghị định Số: 78/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 07 năm 2013 vừa qua.
Quy định lần này xem ra khá chặt chẽ bao gồm nhiều công chức từ cấp thấp nhất là chủ tịch xã, phó trưởng phòng cấp huyện đến cấp cao nhất là các ông đại biểu Quốc Hội cũng đều phải kê khai tài sản. Công an, quân đội, bệnh viện, báo chí, trường học có chức vụ “có thể kiếm tiền được” đếu phải kê khai tuốt. Kê khai luôn cả tài sản của vợ con, tiền gửi trong nước ngoài nước cũng đều phải khai báo.
Tóm lại, rút kinh nghiệm từ 2 lần trước, người làm ra quy định lần này đã “nhìn thấy” của chìm của nổi của các quan chức và buộc phải thật thà khai báo nếu khai gian là… mất chức chứ chưa đi tù vì phải kiểm chứng xem nguồn tài sản có phải do tham nhũng không mới bỏ tù người ta được. Vì nghị định quá dài, tôi không thế tường thuật hết chi tiết ở đây.
Có thể xác định một cách chắc chắn rằng tham nhũng và lãng phí đến nay chính là mối nguy lớn nhất của VN, hơn cả thực phẩm độc hại, hơn cả nạn xâm lược của Trung Quốc. Một cơ thể ốm yếu què quặt làm sao đánh lại được một kẻ thù vừa mạnh vừa thâm độc vừa tàn nhẫn. Vậy trước hết phải làm sạch bộ máy công quyền, lấy lại niềm tin của toàn dân, một niềm tin thực sự chứ không chỉ là sự dối trá, tin ngoài miệng chứ trong lòng đầy bất mãn.
Hãy nhìn sang Singapore, một nơi gần VN nhất, nhiều năm trước tham nhũng cũng hoành hành dữ dội. Nhưng những năm vừa qua, họ đã làm thế nào để diệt tham nhũng có hiệu quả.
3 “bí quyết” giản dị
Trong những năm gần đây, Singapore luôn đứng trong tốp đầu các nước có chỉ số quản lý minh bạch và môi trường đầu tư hấp dẫn nhất trên thế giới. Đó là kết quả của việc tạo dựng một Chính phủ trong sạch và vững mạnh. Để làm được điều đó, thời gian qua, Singapore đã đặt quyết tâm chống tham nhũng lên hàng đầu với việc tăng cường kiểm soát tham nhũng mạnh mẽ, cứng rắn, quyết đoán và quyết liệt thông qua 3 biện pháp rất giản dị sau:
1. Xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch
Singapore quyết định tập trung vào những người đảm nhận chức vụ lớn ở các cơ quan hành chính cấp cao và cho CPIB (Cơ quan điều tra chống tham nhũng), hướng vào mục tiêu mà Chính phủ ưu tiên. Đối với những đối tượng khác, Singapore đơn giản hoá thủ tục, tẩy trừ sự lạm quyền bằng đường lối chỉ đạo được công bố rõ ràng, thậm chí huỷ bỏ nhu cầu cấp giấy phép hoặc phê chuẩn trong những phạm vi ít quan trọng. Mỗi khi gặp khó khăn trong việc kết tội khi truy tố, Singapore siết chặt hơn luật pháp trong lĩnh vực đó.
2. Trả lương tương xứng năng lực
Sự trả công thoả đáng là nhân tố quan trọng đối với chuẩn mực liêm khiết của hàng ngũ những nhà lãnh đạo chính trị và viên chức cao cấp. Việc bảo đảm một mức lương tốt sẽ giảm rất nhiều cơ hội tham nhũng bởi nếu quan chức có lương cao thì họ sẽ không dại gì nhận một khoản tiền hối lộ nào đó để rồi mất đi tất cả.
3. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với tội tham nhũng
Đây là biện pháp quan trọng nhất. Năm 1960, Singapore thay đổi Luật chống tham nhũng đã lỗi thời của năm 1937 và mở rộng định nghĩa về quà cáp để chỉ bất cứ thứ gì có giá trị. Sự sửa đổi này nới rộng quyền lực của các điều tra viên, kể cả quyền bắt giữ, khám xét, thanh tra tài khoản ngân hàng, số ghi tiền gửi ngân hàng của những kẻ bị tình nghi cũng như của vợ, con và nhân viên của họ. Người quản lý thuế thu nhập buộc phải đưa ra những thông tin có liên quan tới bất kỳ ai đang bị điều tra.
Bên cạnh đó, Singapore còn đưa ra mức phạt tù rất nặng đối với tội tham nhũng. Mới đây, ông Soh Kee Hean, Giám đốc Cơ quan điều tra chống tham nhũng của Singapore nói rằng, nếu một công chức tham nhũng ở mức 1 triệu đôla Singapore thì mức hình phạt sẽ là 7 năm tù và phải bồi thường tất cả số tiền mà anh ta đã biển thủ. Nếu không trả lại đủ, thì thời gian tù sẽ tăng lên. Quan trọng hơn: “Chính phủ Singapore khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ quan ngôn luận đưa đầy đủ nhân thân, hình ảnh và hành vi phạm tội của kẻ tham nhũng lên mặt báo, nếu cảm thấy thông tin chưa đủ, các nhà báo sẽ được cơ quan chống tham nhũng cho tiếp cận hồ sơ để bổ sung.
Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng dẫn chứng quyết tâm bài trừ tham nhũng của ông bằng việc thẳng tay cương quyết xử lý cả những đồng sự thân cận có dính líu đến tệ nạn này. Trong đó, nhiều vụ nổi bật gây xôn xao trên báo chí. Ví như vụ ông sa thải, tước bỏ mọi quyền hạn của Bộ trưởng Phát triển quốc gia - Tan Kia Gan, lúc đó là Giám đốc hãng hàng không Malaya, vì ông này mượn tay người khác đòi hoa hồng cho việc mua máy bay Boeing; Quốc vụ khanh của Bộ Môi trường năm 1975 là Wee Toon Boon cũng bị bắt giam và bị kết án 4 năm 6 tháng tù (sau đó được giảm nhẹ còn 18 tháng) vì tội nhận hối lộ. Đặc biệt là trường hợp của Teh Cheang Wan, Bộ trưởng Phát triển quốc gia, sau khi bị phát hiện tham nhũng, nhận hối lộ đã xin được gặp Lý Quang Diệu nhưng ông từ chối với lý do “không thể gặp cho đến khi nào cuộc điều tra kết thúc”. Cuối cùng, Teh Cheang Wan đã tự sát để chuộc lỗi.
Trông người lại ngẫm đến ta, trong việc thẳng tay với tham nhũng VN đã chưa làm được điều vô cùng quan trọng này. Biện pháp quyết liệt thẳng tay với tham nhũng chỉ làm nửa vời càng khuyến khích thàm nhũng mạnh tay thêm. Hãy lấy một vài thí dụ gần nhất.
Bí thư huyện “bảo kê cát tặc” gây thiệt hại hơn chục tỷ đồng được tại ngoại hậu tra
Công an tỉnh Đồng Tháp vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm Sát (VKS) cùng cấp đề nghị truy tố ông Nguyễn Hồng Lâm, Ngô Xuân Cảnh (nguyên Bí thư và Phó bí thư Huyện ủy Hồng Ngự) về tội Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên. Dương Trung Kỉnh (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường) bị đề nghị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cơ quan điều tra, tối 18/10/2012 cảnh sát bắt quả tang 3 sà lan chở theo cần cẩu khai thác cát tại bãi bồi ven sông Tiền thuộc xã Thường Phước Tiền của huyện Hồng Ngự. Tài công xuất trình giấy phép khai thác cát nhưng đã hết hạn từ tháng 10/2011.
Sau khi điều tra, nhà chức trách xác định với vai trò lãnh đạo địa phương, ông Lâm chủ trương cho cấp phó đồng ý để Công ty Ngự Bình thu tiền những phương tiện khai thác cát sông trái phép kéo dài từ tháng 11/2011 đến tháng 8/2012 (mỗi tháng 1 sà lan nộp 30 triệu đồng). Vì vậy, ông Lâm phải chịu trách nhiệm đối với phần tài nguyên bị thiệt hại có tổng giá trị gần 12 tỷ đồng.
Với sai phạm này, nửa năm trước ông Lâm bị đình chỉ chức vụ. Đầu tháng 6 Công an Đồng Tháp khởi tố ông này cùng cấp phó và lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường nhưng cả 3 được tại ngoại hầu tra!
Còn sự thiệt hại của người dân sao không tính?
Trước quyết định này, hầu hết người dân huyện Hồng Ngự đều ngạc nhiên và bất bình. Bạn Quangbacky đã viết: “Khi xác định được trách nhiệm làm thiệt hại tài sản, tài nguyên của nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đó là điều đương nhiên. Trường hợp trên đã xác định thiệt hại 12 tỷ đối với tài sản của nhà nước, vậy còn thiệt hại của người dân khi khai thác cát làm sạt lở dẫn đến thiệt hại về hoa màu, tài sản, và tính mạng người dân.... thì pháp luật xử lý như thế nào, người dân có được quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường không? vì hiện nay việc thi hành án có liên quan đến bồi thường vật chất của các vị có chức có quyền, hoặc là cán bộ cố tình để xảy ra vi phạm chỉ được xử phạt tù, còn quyền lợi bồi thường vật chất mặc dù bản án nếu có cũng không thực hiện được do trong quá trình thụ lý vụ án cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm là đánh giá tài sản hoặc các lợi ích có liên quan trong gia đình của người cố tình vi phạm để tịch thu tài sản nhằm bồi thường cho người bị hại, trong đó có người dân và nhà nước?”.
Đúng là các quan tòa đã quên cả quyền lợi tài sản và sinh mạng của người dân. Sự thiệt hại này còn lớn lao hơn nhiều. Sự bỏ quên này vô tình theo kẽ hở của pháp luật hay cố ý?
Và một điển hình nữa là sự lãng phí kỳ quặc diễn ra sờ sờ ngay tại văn phòng làm việc hàng ngày của tỉnh.
Cán bộ suốt 3 năm “ăn không ngồi rồi” vẫn được trả lương
Ông Phan Minh Túc - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Gia Lai - cho biết, cơ quan này đang thanh lý 25 hợp đồng lao động ngoài biên chế (không phải công chức chính thức). Số lao động này được tuyển dụng từ thời kỳ ông Nguyễn Văn Tấn - người tiền nhiệm của ông Túc, nay đã nghỉ việc. Lý do thanh lý hợp đồng là vì theo quy định mới, lao động hợp đồng không được đi kiểm tra, kiểm soát thị trường. Ngoài ra, nhiều người không có bằng cấp, năng lực yếu, chuyên môn không phù hợp... Việc ký hợp đồng lao động tràn lan khiến nhiều người được tuyển về chỉ để ngồi chơi, điển hình như trường hợp lái xe được tuyển nhưng không có... xe để lái; có người đã “ăn không ngồi rồi” suốt 3 năm nay. Trong thời gian ngồi chơi tại Chi cục, những người này được chi trả lương và các khoản bảo hiểm lấy từ nguồn kinh phí thường xuyên của đơn vị với tổng số tiền gần 800 triệu đồng/năm.
Gần 3 năm qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã trả lương cho 25 ông công chức ăn không ngồi rồi. Đây là trụ sở “hoành tráng” của cơ quan này.
Tất cả những lao động trên thuộc diện không có bằng cấp hoặc bằng cấp không phải chuyên môn như ngành điện, lâm sinh, thú y, thủy điện…
Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số các hợp đồng cần phải thanh lý, Chi cục QLTT tỉnh Gia Lai vẫn giữ lại 3 người là Phạm Công P. (chuyên môn không phù hợp), Bùi Cao C. (chuyên môn không phù hợp), Nguyễn Đức T. (năng lực yếu) với lý do: là con em cán bộ!
Lý giải về 3 trường hợp này, ông Túc cho biết: “3 trường hợp trên có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi sẽ xem xét khi nào có điều kiện phù hợp thì tiếp tục cho nghỉ. Liên quan đến sự việc này, ông Dương Tráng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai - phân bua: Sở chỉ quản lý lao động trong biên chế, ngoài biên chế là chuyện nội bộ của từng đơn vị. Việc tuyển nhân sự như trên của cựu Chi cục trưởng Quản lý thị trường Nguyễn Văn Tấn là không đúng. Việc này toàn bộ là trách nhiệm của ông Tấn.
Được biết, ông Nguyễn Văn Tấn nguyên là Chi cục trưởng Chi cục QLTT Gia Lai, đã làm đơn xin nghỉ việc. Sở Nội vụ đã cho ông này nghỉ việc không lương và không bổ nhiệm mới.
Suốt 3 năm, các ông “ăn không ngồi rồi” này vẫn nhởn nhơ trước mắt từ ông chủ tịch, bí thư, phó bí thư tỉnh và tất cả các nhân viên ưu tú của văn phòng tỉnh, vậy mà cá vị công chức gương mẫu ấy vẫn tỉnh bơ coi như không thấy, không nghe, không biết.
Như vậy mọi tội đều đổ lên đầu ông Tấn đã nghỉ việc, coi như huề cả làng, chẳng ai có lỗi cả. Cứ lôi ông nghỉ việc ra mà hỏi. Đến lúc mọi chuyện đổ bể Chi cục QLTT tỉnh Gia Lai vẫn giữ lại 3 người với lý do quái đản họ là con em cán bộ! Thế thì con em cán bộ còn ngồi chơi xơi nước ở những cơ quan nào nữa đây? Chắc là con số đó không ít.
Chưa hết, cán bộ ăn chặn tiền của dân được giảm 16 năm tù
Đó là chuyện vừa xảy ra vào cuối tháng 7 vừa qua tại Bình Dương. Sau ba ngày xét xử, ngày 30-7, Tòa án tỉnh Bình Dương đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Minh - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hội Nghĩa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương - 12 năm tù giam và bị cáo Phan Long Nhi, nguyên chủ tịch UBND, 15 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, bị cáo Nhi và Minh đã cấu kết ăn bớt tiền đền bù đất của các hộ dân bị giải tỏa. Cụ thể, năm 2008, chủ đầu tư đưa mức giá đền bù là 500 triệu đồng/ha nhưng Nhi và Minh đứng ra thương lượng với dân với mức 400- 450 triệu đồng/ha, chiếm đoạt 2,3 tỉ đồng tiền chênh lệch.
Đây là lần xét xử sơ thẩm lần thứ ba đối với hai bị cáo trên. Trước đó, năm 2009 và năm 2011, Tòa án tối cao tại TP Sài Gòn đã 2 lần tuyên hủy bản án sơ thẩm của Tòa án tỉnh Bình Dương. Ở 2 lần trước, lần nào tòa án tỉnh Bình Dương cũng tuyên phạt 2 bị cáo tổng cộng 43 năm tù giam.
Như vậy, sau 2 lần xét xử lại, nguyên chủ tịch và bí thư đảng ủy xã Hội Nghĩa được giảm tổng cộng 16 năm tù.
Nếu xử lại lần thứ tư nữa, số năm tù có thể bớt thêm khoảng chục năm. Thế là “huề”!
Ngay sau đó, dư luận không thể đồng tình với cách giảm án tù cho các quan tham ăn cướp tiền của dân. Bạn Nguyễn cao sơn nói thẳng: - Mấy bác có "cảm tình" với nhau thì xử sao được, luật pháp bị chà đạp quá.
Bạn Sáu Xị: - Vừa lĩnh lương nhà nước vừa được... ăn cò. Cò này chắc là... cò lửa nên được ưu ái giảm đến những 16 năm.
Bạn @Kiệt ròm: - Nên gọi đúng hơn là ăn cướp chứ không phải là ăn cắp. Cái này đúng là "cướp ngày". (câu tục ngữ “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” đúng y boong!).
Hãy để người dân và báo chí tham gia tố cáo những quan chức che giấu tài sản
Nhìn vào vài vụ việc trên đây, người ta hy vọng gì vào việc chống lãng phí và chống tham nhũng đây? VN đã làm ngược hẳn lại với những gì Singapore đã làm. Vậy việc kê khai tài sản lần này có mang lại hiệu quả gì không? Một chủ trương khá chặt chẽ, nhưng còn việc thực hiện như thế nào lại là chuyện khác hẳn. Kê khai gian dối là chuyện không tránh khỏi, nhưng phát hiện ra là việc rất khó. Trông đợi vào người trong cơ quan phanh phui lẫn nhau hầu như vô vọng, đừng để rơi vào tình trạng đánh bùn sang ao. Anh không tố tôi, tôi không tố anh, chúng ta cùng không tố lẫn nhau, chúng nó cũng không tố nhau thế là cơ quan ta êm đẹp cả. Phải thực hiện được phong trào chân thực, thẳng thắn, không sợ trả thù, không sợ thế lực đàn áp.
Và một điều cần thiết hơn cả là hãy để người dân tham gia vào công việc này vì người dân là những người biết rõ mọi đường đi nước bước, mọi ngóc ngách che giấu tài sản của các quan chức, gia đình quan chức và những liên hệ của quan chức với những người sống gần họ. Mặt khác, cần khuyến khích báo chí mạnh dạn hơn tố cáo những gian trá trong việc kê khai tài sản chứ đừng nhất nhất theo lệnh cấp trên chỉ đạo “cứ theo Thông Tấn Xã mà làm” thì chẳng bao giờ tìm ra sự thật được. Kê khai tài sản phải có kết quả thực tế, nếu không thì kê khai để làm gì?