Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Cộng Sản Việt Nam, chủ nhiệm Ủy Ban Về Người Việt ở Nước ngoài, đã có những phát biểu rất hàm hồ về cuộc biểu tình của người Việt hải ngoại chống chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến công du Mỹ 24-26 tháng 7, 2013.
Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng Ngoại Giao VC
Trả lời TV Phố Bolsa, ông Nguyễn Thanh Sơn nói cộng đồng bà con hải ngoại đi biểu tình là vì “giữ lại trong mình lòng hận thù với đất nước, đi ngược lại lợi ích dân tộc”, có những người “chỉ vì đồng tiền, vì mưu cầu cuộc sống, muốn có một chút thu nhập thêm...” và kêu gọi mọi người hòa giải, đoàn kết vì một nước Việt Nam phát triển và thịnh vượng, “không có lý gì chống đối quan hệ Việt-Mỹ, bỏ đi tất cả để nhìn về về một đất nước Việt Nam được thế giới vị nể”.
Hận thù và quá khứ
Victor Hugo (1802-1885), nhà văn Pháp nổi tiếng, một trí thức dấn thân tiêu biểu của thế kỷ 19, đã nhận định: “Lịch sử là gì? Là tiếng vọng của quá khứ phản ánh tương lai. Là sự phản ánh của tương lai ném vào quá khứ”.
Leszek Kolakowski (1927-2009), triết gia Ba Lan, một trong số ít các triết gia của Ðông Âu giành được sự thừa nhận ở đỉnh cao tri thức ở Châu Âu và thế giới, nói: “Có vẻ như quá khứ là sở hữu của chúng ta. Nhưng trái lại - chúng ta mới là sở hữu của nó, bởi vì chúng ta không có khả năng thay đổi nó, ngược lại nó chứa đầy toàn bộ sự tồn tại của chúng ta”.
Quá khứ là ngưỡng cửa để tới tương lai, đè nặng lên vai, khó có thể quên được, nhất là quá khứ đau thương, quyết định sự sống còn của cả thân phận con người.
Tôi tin rằng, một kẻ nào đó đã cướp đoạt tài sản, giết hại người trong gia đình tôi, đẩy tôi vào sự khốn cùng, để tôi phải đối diện hiểm nguy đi tìm kế mưu sinh ở xứ khác, thì tôi sẽ thù hận kẻ đó suốt đời. Tuy nhiên, tôi có thể cư xử với kẻ đã gây tội ác bằng thái độ hiểu biết, bao dung và văn minh, nhưng tha thứ thì tuyệt đối không.
Chính vì lẽ đó những khẩu hiệu của đảng Cộng Sản Việt Nam rằng, chiến tranh đã trôi qua mấy chục năm, hãy quên đi quá khứ, nhìn về tương lai, hòa hợp hòa giải dân tộc, đoàn kết xây dựng đất nước, là sáo rỗng và không thực tế. Quá khứ, nếu không được giải quyết rốt ráo, chẳng bao giờ có tương lai sòng phẳng.
Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã gây nên nhiều tội ác, phân biệt xử tàn nhẫn với quy mô và mức độ lớn đối với hàng trăm ngàn quân dân cán chính của thể chế Việt Nam Cộng Hòa và dân chúng miền Nam sau 1975, làm tan nát lòng người, tạo ra hận thù, chia rẽ và hiện vẫn tiếp tục gây tội ác với nhân dân trong nước.
Gần 40 năm chiến tranh trôi qua, chưa hề có một chút ăn năn, một lời xin lỗi nào từ phía đảng Cộng Sản Việt Nam. Thay vì cám ơn Tổng Thống Barack Obama về sự chăm sóc đối với cộng đồng người Việt tại Mỹ, những người đã thành đạt, góp phần vào sự phát triển của đất nước Mỹ, phải là một lời xin lỗi chân tình. Ông Trương Tấn Sang đã quên rằng, chính ông và chế độ đã xua đuổi, buộc hàng triệu người vượt biển tìm tự do. Nước Mỹ đã bao dung và che chở họ, cho họ ngày hôm nay.
Khi thấy cộng đồng thành đạt, hàng năm gửi về nước nhiều tỷ đôla, ông Trương Tấn Sang và chế độ đã cho phép mình quên quá nhanh tội ác đã gây ra.
Ðúng như những câu thơ dân gian truyền miệng:
Ngày đi đảng gọi Việt gian
Ngày về đảng lại chuyển sang Việt kiều
Khi đi phản động trăm điều
Khi về thành khúc ruột yêu ngàn trùng.
Thế nhưng dân chúng tới Washington D.C. tham gia không có bất kỳ ai mang hận thù với đất nước, với dân tộc. Ðừng chơi trò đánh lận con đen, nhập nhằng đồng nhất một bên là đất nước, dân tộc, một bên khác là tập đoàn cai trị đảng Cộng Sản Việt Nam. Người Việt hải ngoại chỉ hận thù chế độ Cộng Sản bất nhân, phi đạo lý, chà đạp thô bạo nhân quyền. Và họ chống Trương Tấn Sang vì mục tiêu đó. Họ đòi chế độ Cộng Sản Việt Nam phải tôn trọng pháp lý, tôn trọng các cam kết quốc tế về nhân quyền, yêu cầu trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến tranh đấu ôn hòa.
Một rừng cờ vàng ba sọc đỏ trong cuộc biểu tình cũng không nhất thiết tượng trưng cho sự hận thù với đất nước, là nuối tiếc quá khứ và mong muốn tái lập một Việt Nam Cộng Hòa. Ðơn giản nó là biểu tượng của cộng đồng người Việt tự do tại Mỹ, đã được nhiều bang công nhận chính thức. Nó là biểu hiện của khát vọng tự do và tính liên tục lịch sử của dân tộc.
Cờ vàng có từ thời Hai Bà Trưng. “Ðầu voi phất ngọn cờ Vàng”, Hai Bà Trưng đem quân đánh Tô Ðịnh lập quốc xưng Vương. Cờ Quẻ Ly (cờ vàng có hai sọc đỏ nằm giữa) của chính phủ Trần Trọng Kim (1945) bắt nguồn từ lá cờ vàng thời Hai Bà Trưng, cờ vàng đời Gia Long (1802), và cờ Long Tinh đời Khải Ðịnh (1916). Năm 1948, Quốc Trưởng Bảo Ðại đã thêm một sọc ở giữa và cho hai sọc đỏ nối liền từ cờ Quẻ Ly tạo thành lá cờ có nền vàng ba sọc đỏ. Ba sọc đỏ này có hình Quẻ Kiền (Quẻ Càn) tượng trưng cho trời Nam, tức là nước Việt Nam chúng ta.
Ông Nguyễn Thanh Sơn phải ý thức một thực tế rằng bà con từ khắp nơi về Washington D.C. tham gia biểu tình là hoàn toàn tự nguyện, tự chịu chi phí đi lại, ăn ở, một số nơi mạnh thường quân tài trợ một phần tiền thuê xe bus, họ đã bỏ công bỏ việc. Tham gia biểu tình không phải chỉ có thế hệ già mà có đủ mọi thành phần trong đó có đông đảo giới trẻ.
Trong phản hồi đài BBC về cuộc phỏng vấn, ông Sơn nói “So sánh dân chủ ở Mỹ với dân chủ ở Việt Nam thì chưa biết ở đâu hơn ở đâu. Ở Mỹ không có quyền cãi lại cảnh sát giao thông khi cảnh sát dừng xe anh để hỏi, anh chỉ biết chấp hành và nộp phạt. Nhưng ở Việt Nam thì người dân có quyền chất vấn cảnh sát tôi phạm lỗi gì, luật gì, tại sao dừng xe tôi”.
Ðiều nói trên chứng tỏ ông Sơn không biết gì về luật của giao thông công cộng Mỹ. Khi cảnh sát làm nhiệm vụ, mọi phản ứng chống đối sẽ bị coi là phạm tội, cảnh sát có thể còng tay, vô hiệu hóa. Ở Mỹ, chặn xe lại vì vi phạm luật lưu thông, sau khi hỏi giấy tờ xe, bảo hiểm... cảnh sát sẽ ghi biên bản, người lái xe không nhất thiết phải nhận lỗi tại chỗ, mà chỉ ký biên bản và tự do lên đường. Trong một khoảng thời gian ít nhất một tháng, nếu người lái thấy có lỗi thì gửi trả tiền phạt và mọi chuyện chấm dứt. Nhưng người lái có quyền tranh chấp cáo buộc của cảnh sát bằng cách ra tòa và yêu cầu một phiên xử có mặt cả nhân viên cảnh sát.
Ngoài ra, mang so sánh một thể chế dân chủ tự do của Mỹ với một chế độ độc tài toàn trị mà trong đó xã hội nhiễu nhương và bát nháo như ở Việt Nam, nơi công an thường xuyên đánh chết dân chỉ vì không đội mũ bảo hiểm, là một điều hết sức ngu xuẩn.
Mang danh là thứ trưởng ngoại giao, phụ trách công tác kiều vận mà sao ông Nguyễn Văn Sơn có thể thiếu thông tin, ăn nói dối trá, thiếu cơ sở, xúc phạm cộng đồng người Việt hải ngoại như thế? Sự hàm hồ này chỉ có thể là sự vu khống, thậm chí hồ đồ, ngu xuẩn.
Ðã từng nhiều lần ông Nguyễn Thanh Sơn kêu gọi đối thoại, hòa giải, nhưng cách hành xử của ông tự nó đã phủ nhận tất cả.
Dân chủ là quan điểm của của đời sống dựa trên sự tin cậy lẫn nhau giữa con người với con người và chủ nghĩa nhân đạo. Dân chủ là đối thoại. Nhưng sự đối thoại chỉ có thể diễn ra nơi con người tin cậy nhau và cùng mong muốn tìm ra sự thật.
Vậy làm sao có thể đối thoại, hòa giải với một kẻ ăn gian, nói dối táng tận đến vậy? Những động tác tiếp đón “chân tình” tại Việt Nam mà ông dành cho nghị viên Hoàng Duy Hùng, người mà ông đề cập tới trong cuộc phỏng vấn, khiến ông Hoàng Duy Hùng ngộ nhận, ngay lập tức đã trở nên lừa mị, giả trá. Tâm địa xấu xa của ông đã nhanh chóng bị bóc trần và Nghị quyết 36 về công tác Việt kiều trở thành mớ giấy lộn vô nghĩa.
Người Việt ở Mỹ cũng luôn luôn ý thức rằng, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam cần phải dựa trên cơ sở thực thi song song giữa thương mại và nhân quyền. Làm ngơ trước các vấn đề nhân quyền là làm ngơ các tiêu chuẩn đạo đức của một xã hội tự do và dân chủ mà nước Mỹ là một biểu tượng, trong đó có cộng đồng người Việt.
Kết luận
Không ai không mong muốn một Việt Nam phát triển và thịnh vượng, được thế giới nhìn nhận vị nể hơn nữa, nhưng đất nước Việt Nam phải có tự do, dân chủ, người dân phải được pháp luật bảo vệ các quyền sống, phẩm giá và mưu cầu hạnh phúc của mình. Ðó là ước vọng của người Việt hải ngoại.
Người Việt hải ngoại dấn thân tranh đấu cho Việt Nam dân chủ và tự do không phải với mục đích để về Việt Nam sống, vì hầu hết đã an cư lập nghiệp, gắn bó với nước sở tại. Lòng yêu nước, thương nòi và lương tri của những con người có dòng máu Việt chính là ở đây.
Với người dân trong nước người Việt hải ngoại không có bất cứ điều gì khúc mắc, nên không có nhu cầu phải hòa hợp, hòa giải. Hàng năm hàng trăm ngàn người về thăm quê hương, vẫn sống hòa đồng và bình đẳng với mọi người.