Học nhiều như vậy nhưng học sinh Việt Nam có giỏi hơn học sinh các nước khác không? Câu trả lời là không bởi vì giáo dục của Việt Nam quá lạc hậu so với nhiều quốc gia, từ chương trình, sách giáo khoa cho đến phương pháp dạy và học.
Mùa Hè là mùa được trông đợi nhất ở các nước phương Tây, đặc biệt ở những quốc gia có mùa Ðông quá lạnh và quá dài như mấy xứ Bắc Âu hay Bắc Mỹ thì mùa Hè với nắng ấm hiếm hoi quả là thiên đường.
Với lứa tuổi học sinh, mùa Hè càng là khoảng thời gian tuyệt vời.
Mùa Hè của học sinh bậc tiểu học có thể là đi bơi, tắm nắng, đi chơi, đi du lịch... cùng gia đình. Học sinh lớn hơn một chút, bậc trung học, ngoài việc vui chơi với gia đình hay bạn bè, các em có thể tham gia các hoạt động xã hội hoặc đi làm thêm kiếm tiền tiêu vặt.
Các em học trò đến trường bằng xe ngựa ở Hà Nội. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Chuyện học sinh đi làm thêm khi còn đang học trung học ở các nước là chuyện bình thường. Cũng bình thường, phổ biến như thế là chuyện tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội, từ thiện của các tổ chức khác nhau.
Cũng có một số ít các em tham gia những khóa học mùa Hè tại nước khác, như một hình thức để mở mang thêm sự hiểu biết, khả năng hội nhập vào một xã hội khác, quốc gia khác.
Hầu như không có chuyện học sinh vào mùa Hè phải đi học thêm, học trước chương trình năm sau như ở Việt Nam. Với các nước khác, chuyện đi học trước như vậy quả là không sao hiểu được!
Ði học trước rồi khi vào năm học lại học lại, chỉ khiến cho học sinh đâm ra chán ngán hoặc có tâm lý chủ quan vì những điều thầy giảng mình đã biết rồi, những bài tập này mình đã làm qua rồi.
Thế nhưng cái tình trạng phi lý đó vẫn cứ diễn ra ở Việt Nam bao nhiêu năm qua.
Vừa kết thúc xong một năm học dài đầy mệt mỏi với chương trình thường là quá tải, các tiết học thường xuyên phải chạy cho kịp giờ nếu không sẽ bị “cháy giáo án”, với những bài kiểm tra, kỳ thi liên tiếp, đầy áp lực về điểm số, học sinh lại phải chuẩn bị cho “học kỳ 3” trong mùa Hè.
Ngay từ bậc tiểu học cho tới trung học, với nhiều em, “học kỳ 3” thường bắt đầu rất sớm, các em chỉ được phép nghỉ ngơi cao lắm chừng một, hai tuần lễ. Các trung tâm học thêm đã quảng cáo rầm rộ từ khi năm học chưa kết thúc và tranh thủ mở lớp ngay từ đầu mùa Hè.
Trong suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh ở các thành phố lớn, cho con đến lớp học thêm vào mùa Hè cũng là một biện pháp tiện lợi nhiều đường. Cha mẹ bận rộn đi làm không có thì giờ cho con đi chơi, để trẻ ở nhà một mình “nhàn cư vi bất thiện”. Vả lại nếu muốn cho con đi chơi thì cũng chẳng có nhiều chỗ phù hợp với lứa tuổi trẻ em, loanh quanh mấy cái trung tâm văn hóa quận, nhà thiếu nhi thành phố, mấy khu vui chơi... riết rồi cũng chán.
Mà nếu em nào có ở nhà thì cũng buồn vì cha mẹ đi làm, bạn bè đều đi học thêm hết cả, cuối cùng chính các em lại xin đi học để đến lớp còn có bạn. Hơn nữa, nếu không đi học thêm biết trước chương trình thì vào năm học sẽ thua sút bạn bè.
Thế là mùa Hè lịch học lại kín đặc, nào học chữ: Toán, Lý, Hóa, Văn, Sinh, Ngoại ngữ, nếu muốn giải trí thì đến các lớp học bơi, học đàn, học hát, học đánh bóng bàn bóng chuyền... nghĩa là cũng đi học thôi. Ở mấy thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, học cái gì cũng có người dạy và dạy cái gì cũng có người học, lo gì.
Trẻ em ở các thành phố lớn vì vậy cứ như những con robot chỉ biết cắm đầu học và học. Học không có ngày nghỉ, không có Thứ Bảy, Chủ nhật, không có mùa Hè, không có tuổi thơ.
Còn trẻ em ở các tỉnh nhỏ, nông thôn có thể không phải học nhiều (vì không có tiền đi học thêm) nhưng mùa Hè phải lo phụ cha mẹ mưu sinh, làm đủ thứ việc, chứ cũng chẳng phải là mùa để nghỉ ngơi, vui chơi.
Các nước lại càng không hiểu nổi cái chuyện ở Việt Nam học sinh phải đi học thêm từ trước khi vào lớp Một, và học thêm hầu như suốt 12 năm học phổ thông!
Học nhiều như vậy nhưng học sinh Việt Nam có giỏi hơn học sinh các nước khác không? Câu trả lời là không bởi vì giáo dục của Việt Nam quá lạc hậu so với nhiều quốc gia, từ chương trình, sách giáo khoa cho đến phương pháp dạy và học.
Rất nhiều em khi ra nước ngoài đi du học đều nhận ra học sinh Việt Nam có thể rất cần cù, chăm học, ở bậc trung học cũng có thể học giỏi hơn học sinh các nước Âu Mỹ một vài môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa do chương trình của Việt Nam nặng hơn. Nhưng còn các môn khoa học xã hội nhân văn thì kém hẳn, từ số lượng sách văn học đã được đọc, học ở trường cho tới kiến thức về lịch sử thế giới, địa lý thế giới, triết học...
Ðó là chưa nói đến phương pháp tự học, khả năng tranh luận, hùng biện trước đám đông, kỹ năng làm việc theo nhóm, các kỹ năng tham gia các hoạt động cộng đồng, cùng rất nhiều kỹ năng sống khác.
Ða số học sinh Việt Nam do vậy đều phải trải qua một thời gian vất vả làm quen với phương pháp dạy và học mới ở các nước.
Cứ thử làm những cuộc khảo sát trong học sinh Việt Nam về việc đọc sách thôi, có bao nhiêu phần trăm học sinh trung học bây giờ đam mê văn học và đọc những tác phẩm khác ngoài những tác phẩm các em phải học ở trường để đi thi?
Còn âm nhạc, các em sẽ nghe gì ngoài V-pop, K-pop, hoặc có thể sẽ là nhạc trẻ của Anh-Mỹ với những khuôn mặt được giới tuổi teen nhiều nước ưa thích như Justin Bieber, Rihanna, Katy Berry, Miley Cyrus, Lady Gaga...
Em nào thích nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc của miền Nam Việt Nam cũ còn được gọi là “nhạc vàng”, hay nhạc hòa tấu của Kitaro, Kenny G, Richard Clayderman, Yanni... là đã có thể nghĩ mình thuộc loại sâu sắc lắm rồi. Phần đông mù tịt với các thể loại nhạc giao hưởng, nhạc Jazz hay các loại hình nghệ thuật như opera, múa ballet... Với hội họa lại càng mù mờ.
Ðó là phần thưởng thức văn học nghệ thuật, còn những kiến thức tổng quát về các môn khoa học xã hội nhân văn càng nhiều lỗ hổng hơn.
Không phải lỗi của các em. Việc học chữ đã chiếm hết toàn bộ thời gian của các em suốt 12 năm học. Sau đó lên đại học lại miệt mài học để có mảnh bằng đi làm. Ra trường thì lo kiếm tiền. Thì giờ đâu mà đọc sách, trau dồi kiến thức, bồi bổ tâm hồn?
Chỉ riêng mùa Hè, lẽ ra là mùa để cho các em nếu không đi đâu chơi thì ít nhất, có thời gian để đọc sách, cũng đã không có.
Một số bài báo trong nước gần đây cũng đề cập đến vấn đề trẻ em không có mùa Hè. Có báo như Thanh Niên còn mở cả chuyên đề “Mùa Hè của con trẻ” mời bạn đọc cùng tham gia chia sẻ, đóng góp ý kiến xoay quanh vấn đề trẻ nên học hay nên chơi trong mùa Hè.
Nhiều nhà giáo, nhà tâm lý học, nhà văn nhắc lại những mùa Hè thời xa xưa đầy ắp kỷ niệm khi được chơi, được về quê nội quê ngoại tắm sông, câu cá, hòa mình với thiên nhiên...
Nhưng bao giờ mà giáo dục Việt Nam chưa thay đổi, vẫn cứ đặt nặng vấn đề điểm số, thi cử, thành tích, coi trọng kiến thức sách vở mà coi nhẹ phần bồi dưỡng tâm hồn, rèn luyện nhân cách, kỹ năng sống, phần giáo dục con người sống giữa thiên nhiên, giữa cộng đồng, giữa xã hội... Thì cho đến lúc đó, mùa Hè vẫn tiếp tục là mùa học thêm đầy khổ ải đối với học sinh Việt Nam.