Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn...
Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng...
Màu hoa phượng thắm như máu con tim...
Mấy hôm nay nhiệt độ mọi nơi ở Hoa Kỳ đều nóng, như tựa đề cuốn “Mùa Hè Ðỏ Lửa” của nhà văn Phan Nhật Nam. Khi thấy khí hậu nóng bức như vậy, trong nhà đã có lời than, “sẽ lại cháy rừng nữa”!
Nước Mỹ thênh thang, đi đâu cũng thấy rừng và năm nào cũng bị hỏa hoạn. Y như “trời hành cơn lụt mỗi năm” tại miền Trung nước ta trong “Tiếng Sông Hương” của Phạm Ðình Chương. Ngoài nạn động đất, California cũng bị cháy rừng hàng năm, khi nặng khi nhẹ mà thôi. Nhưng tuần qua thì người ta ái ngại nhớ đến nạn cháy rừng tại Arizonia khiến 19 lính cứu hỏa bị gió ngược nổi lên và hy sinh trong vòng vây của bão lửa...
Nhưng người viết xin được trở về Mùa Hè nhiệt đới ở quê nhà và những giai điệu mát rượi trong một mùa nóng bức. Chúng ta có cách gọi văn chương là “Mùa Hạ”, từ chữ “Hạ” của Trung Hoa. Nhưng Mùa Hè mới thật là gần gũi với mọi người, nhất là với đám học trò được mấy tháng nghỉ Hè. Có khi nào chúng gọi là “nghỉ hạ” đâu?
Nếu cần nói cho văn vẻ và đằm thắm thì mùa Hè ở quê nhà thường được gọi một cách hoa mỹ là Hạ Ðỏ? Phải chăng vì sắc hoa phượng rực rỡ trong mùa?
Âm nhạc của chúng ta có không ít ca khúc xưng tụng Mùa Hè, với màu hoa phượng và tiếng ve được nhắc đến nhiều hơn cả. Tiêu biểu trong các ca khúc về Hè, có lẽ bài “Hè Về” của Hùng Lân là đứng đầu danh sách nghệ thuật về cả lời ca và nhạc thuật.
Chỉ vài câu mở đầu, ông đã tả Mùa Hè du dương thơ mộng như sau:
Trời hồng hồng, sáng trong trong
Ngàn phượng ru nắng ngoài song
Cành mềm mềm, gió ru êm
Lọc màu mây bích ngọc qua màu duyên...
Màu trời, màu mây, màu hoa và ánh nắng... tất cả tạo ra bức tranh trong sáng êm ả. Bài này được viết để hát hợp ca nên cần hòa âm cho khéo. Hùng Lân rất mực tài tình, viết đan lượn, lên bổng xuống trầm, uyển chuyển từng câu. Khi cao vút là để giọng nữ trổ lên véo von. Khi trầm hùng là lúc giọng nam đáp lời. Cứ thế từng câu, từng đoạn, cuối cùng thì cả hai giọng nam nữ kết hợp để ca tụng Mùa Hè tươi đẹp.
Hai nhạc sĩ Lê Ðô và Văn Hạnh có bài “Mùa Hoa Phượng” viết theo điệu Blues đầy âm hưởng Tây phương. Nếu diễn tả đúng tinh thần bài hát, ca sĩ nên từ tốn, hát lơi nhịp, và đượm vẻ uể oải lười biếng mới hay! Lười biếng của người nhàn nhã không làm gì hết khi thời tiết oi bức như thế:
Hè sang nắng lên hoa về đỏ tươi
Mùa hoa báo tin ve sầu nhạc vui
Cùng phô sắc tươi hoa thêm mặn mà
Ðồng hòa ca khúc hát yêu đời...
Cuối thập niên 60, nhạc sĩ Thanh Sơn có ca khúc “Nỗi Buồn Hoa Phượng”, khá nổi tiếng qua lối diễn tả của Thanh Tuyền, cũng có tiếng ve và hoa phượng đỏ:
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn...
Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng...
Màu hoa phượng thắm như máu con tim...
Trịnh Công Sơn có bài “Hạ Trắng” mà để gọi nắng Thu, và “Mưa Hồng” mới là ca khúc Mùa Hè. Trong bài này, hình như ông vẽ lên hàng hoa phượng trước cổng trường Ðồng Khánh. Ðẹp như bức tranh:
Ðường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau...
Cái khéo ở đây là chữ “phượng bay”. Ðấy là chim hay là hoa, chúng ta không biết! Chỉ thấy vòm cây che khuất lối vào, ở cận cảnh mới là những hàng cây lá xanh đan kết với nhau. Có ở Huế ta mới thấy cảnh hoa Phượng đỏ ngợp lối, hai hàng cây gần như đan vào nhau thành một vòm. Giữa màu hoa đỏ như thế, những tà áo dài trắng của học trò con gái mới nổi bật và làm con trai xứ Huế nghẹn ngào.
Riêng nhạc sĩ Y Vân có bài hát Mùa Hè thật tân kỳ mà không giống ai. Ông không tả hoa mà chỉ tả người. Tả sự ao ước của mình vào Mùa Hè qua bài “Dung Nhan Mùa Hạ” với tứ thơ rất mới:
Khi em tắm nắng, xin cho tôi hai thước Mặt Trời
Vẻ dung nhan thần vệ nữ ngàn đời
Ôi đôi môi ấy và đôi mắt u hoài
Tôi từ bâng khuâng đến mê say...
Xin cho ngây ngất bên dung nhan đan trắng
Hạ này, và cho xanh giấc ba mươi...
Khi em tắm nắng xin dung nhan hai thước Mặt Trời
Ðể dung nhan thắm trong tôi...
Ca khúc Mùa Hè của nhạc sĩ Y Vân được viết tại quê nhà từ thập niên 70. Nếu nghe lại thì đấy là bài hát của tuổi trẻ hôm nay. Cứ ra bãi biển mà xem, bao nhiêu là ông ba-mươi đang ngắm dung nhan Mùa Hạ và bâng khuâng nghĩ đến trái cấm.