Vì vậy, câu trả lời của ông Phạm Bình Minh rằng nhà nước "bảo vệ ngư dân bằng mọi biện pháp" phải được hiểu chính xác với thực tế là đảng và nhà nước đã dùng mọi biện pháp rồi và không biết làm gì hơn nữa. Thôi thì ngư dân ráng mà chịu.
Mỗi năm đến hè máu ngư dân Việt lại đổ nhiều hơn trên Biển Đông, tàu ngư dân Việt lại bị bắn, bị ủi, bị đâm chìm vì lệnh cấm bắt cá ngang ngược của Bắc Kinh. Trong khi các vụ ngư dân bị bắt giam đòi tiền chuộc, bị thương, bị chết vì hải quân Trung Quốc xảy ra gần như hàng tuần dọc theo các tỉnh miền Trung, thỉnh thoảng mới có một vụ xuất hiện trên báo đài nhà nước như trường hợp của tàu ông Trần Văn Quang tại Quảng Ngãi vào ngày 25/5/2013. Tàu của ông bị tàu Trung Quốc đâm nhiều lần, "gãy be tàu, 4 đà ngang và ca bin, ba bóng đèn pha bị vỡ toác. Thiệt hại ước tính 100 triệu đồng“. Và đây là một trường hợp rất may mắn vì không ai bị mất mạng.
Trong không khí u ám, đầy đe dọa và mỗi năm thêm trầm trọng đó trên biển Đông, người ta chỉ thấy điệp khúc đã lập lại quá nhiều lần như đoạn tin ngắn gọn ngày 29/5/2013 trên báo VNExpress: "Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã gặp đại diện đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trao công hàm phản đối hành động nói trên của các tàu Trung Quốc". Ban Tuyên Giáo Trung Ương không dám cho đăng cả nội dung bản "công" hàm phản đối đó; chẳng dám nói gặp ở Bộ Ngoại Giao VN hay phải sang gõ cửa Sứ Quán Trung Quốc; và chẳng dám nói cấp bộ nào của 2 phía đã gặp -- cậu đánh máy gặp cô thư ký chăng?
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
Nhân dân cả nước lại càng chán chường khi đọc bài phỏng vấn của báo Việt Nam Net với chính Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 29/5 bên hành lang Quốc Hội. Đọc xong cả bài, người ta chỉ có thể kết luận: các câu hỏi của ký giả quá hay.
Còn câu trả lời tiêu biểu của Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh là: "Nguyên tắc của ta là bảo vệ ngư dân. Những hành vi cản trở ngư dân như vậy là rất nghiêm trọng, khi sự việc xảy ra thì ta phản đối."
Và có vẻ trách nhiệm của ông Minh chỉ đến đó là hết. Ông bảo: " Còn trên ngư trường, nếu có những vi phạm vào vùng biển của ta thì các lực lượng chức năng sẽ có trách nhiệm bảo vệ." Người dân có thể khẳng định chính ông Minh cũng không biết các lực lượng chức năng đó là ai. Ngư dân kêu cứu đã gần 10 năm qua nhưng chẳng thấy lực lượng nào cả.
Còn các câu trả lời khác của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh chỉ để lại ấn tượng đây là chuyện của "chính phủ" và "quốc hội" -- như thể chính phủ không bao gồm Bộ Ngoại giao và như thể mỗi đại biểu quốc hội là một bộ trưởng "lo tất cả các vấn đề của đất nước, trong đó có vấn đề Biển Đông". Có lúc ông Minh còn núp bóng người phát ngôn Bộ Ngoại giao khi được hỏi trước việc Trung Quốc phủ nhận thư phản đối và vu cáo ngược như vậy thì giải quyết thế nào.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên có sự vắng trách nhiệm kỳ lạ của các lãnh tụ tối cao cả bên đảng và bên nhà nước mỗi khi Biển Đông dậy sóng. Trong những năm gần đây, cứ mỗi lần Trung Quốc sỉ nhục Việt Nam với những vụ vi phạm lãnh hải, cắt cáp, bắt giữ, tra tấn, bắn giết ngư dân, người ta lại thấy Ba Đình vắng tanh, đặc biệt là 2 bộ trưởng liên hệ: Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh và Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh. Thay vào đó, chỉ thấy người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao lại chạy dĩa hát "đã phản đối" và Thứ trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh lại lên tiếng đòi đánh cho chừa ... đến người biểu tình cuối cùng.
Vì vậy, câu trả lời của ông Phạm Bình Minh rằng nhà nước "bảo vệ ngư dân bằng mọi biện pháp" phải được hiểu chính xác với thực tế là đảng và nhà nước đã dùng mọi biện pháp rồi và không biết làm gì hơn nữa. Thôi thì ngư dân ráng mà chịu.
Thật vậy, cả hai biện pháp đối phó chính đều đã bí lối. Biện pháp ngoại giao chỉ tới mức "phản đối" là hết và lại chỉ phản đối chủ yếu cho người Việt nghe. Đặc biệt khi Bắc Kinh phủ nhận các phản đối, vu cáo ngược, và hỗn láo đòi phải "giáo dục lại" ngư dân Việt, thì Bộ Ngoại giao Việt Nam lại càng im lặng hơn nữa.
Riêng biện pháp quân sự thì đã bị gạt ra hẳn từ năm 1990, khi các lãnh tụ Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười đến Hội nghị Thành Đô xin làm chư hầu trở lại và thề hứa tuyệt đối không bao giờ dám hỗn với Bắc Triều như thời 1979-1989 nữa. Vì vậy, tất cả những hình ảnh, tin tức rình rang về việc mua tàu ngầm, sắm máy bay, tậu hỏa tiễn chỉ là những màn vừa để biểu diễn lòng yêu nước của đảng vừa để một số đảng viên cao cấp kiếm ăn (như vụ mua tàu Ukrana) chứ chẳng đời nào Bộ Chính Trị dám ra lệnh cho quân đội dùng những vũ khí đó.
Ngoài biện pháp quân sự và ngoại giao như vừa nêu là một lô những biện pháp ... đóng kịch khác: từ những tuyên bố của Quốc hội yêu cầu chính phủ giải trình tình hình Biển Đông như thể các đại biểu quốc hội không biết đọc và vẫn chưa biết chuyện gì đang xảy ra trên Biển Đông; đến những quyết định cho đóng thuyền ngư chính như thể quân đội và công an hiện giờ chưa có thuyền để ra khơi; đến những buổi hội thảo quốc tế về Biển Đông nhưng không dám bàn tới bức công hàm Phạm Văn Đồng; v.v....
Nhưng cái ác nhất giữa các màn kịch nêu trên là chính sách "động viên" ngư dân Việt TIẾP TỤC RA KHƠI BÁM BIỂN ĐỂ GIỮ BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG, trong khi công an vẫn không dám rời bờ và hải quân Việt chỉ khoe được đi tuần tra với hải quân Tàu ... ở vùng biển khác (vịnh Bắc Bộ).
So với các lãnh tụ đảng và nhà nước khác, người ta có vẻ thất vọng nhiều hơn ở ông Phạm Bình Minh. Có lẽ vì người dân trông chờ nhiều hơn ở ông sau khi được biết sự xót xa của thân phụ ông, tức Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (tên thật Phạm Văn Cương) tại Hội Nghị Thành Đô năm 1990. Nói cách khác, nhiều người tin rằng dân chúng thất vọng nơi ông Phạm Bình Minh một thì bố ông nếu còn sống chắc phải thất vọng mười. Ít ra, ông Nguyễn Cơ Thạch tại Thành Đô còn đau lòng đến độ bật lên lời than thở khá nguy hiểm "Họa Bắc Thuộc mới đã bắt đầu". Còn ông Phạm Bình Minh cho đến nay vẫn nhất quyết ngậm miệng để giữ ghế.
Với bộ phận lãnh đạo đảng CSVN nay đầy những người như ông Phạm Bình Minh và tệ hơn, ngư dân Việt sẽ vẫn tiếp tục phải chống chỏi và đổ máu trong cô đơn trên Biển Đông, trong lúc mọi nỗ lực của đảng và nhà nước được tập trung đối phó với những người Việt yêu nước, đang sẵn sàng đứng lên đòi quyền bảo vệ quê hương và đồng bào của mình.