Họ đã nhảy thẳng từ xã hội chủ nghĩa vào tư bản, nhưng có điều không phải tư bản bình thường mà là tư bản bè phái, tư bản đỏ.
Sau giai đoạn khủng hoảng mà ở trong nước vẫn thường gọi tắt là “Giá, lương, tiền,” cuộc cải tổ nhằm đưa nền kinh tế ra khỏi nguy cơ sụp đổ sau khi Liên Xô quyết định cúp viện trợ, nhưng kết quả là làm cho nền kinh tế thêm suy sụp, trong một cuộc họp ở thành ủy Sài Gòn, một ông đã giơ tay lên hỏi: “Chúng ta nói nhiều đến kinh qua tư bản lên xã hội chủ nghĩa, tại sao ta không tiến thẳng lên tư bản chủ nghĩa, khỏi kinh qua xã hội chủ nghĩa cho nó mất công!”
Lúc đó theo lời kể của một nhân vật hiện diện, mọi người im lặng một giây vì sửng sốt nhưng rồi thì ai cũng vội nói, làm ra nhưng không nghe câu nói của cái ông “lẩm cẩm” đó.
Ấy vậy mà chẳng mấy lâu sau, đó chính là điều đảng Cộng Sản Việt Nam đã làm. Họ đã nhảy thẳng từ xã hội chủ nghĩa vào tư bản, nhưng có điều không phải tư bản bình thường mà là tư bản bè phái, tư bản đỏ.
Nếu quý vị không tin xin thử hỏi có quốc gia nào trên thế giới vừa ra khỏi một vụ scandal khiến bật mí hết tình trạng tham nhũng tệ hại ở ngay tâm não của đảng Cộng Sản không? Hiện ở quốc gia đó đang có một nhu cầu cấp bách để cải tổ hệ thống các công ty quốc doanh, những con thú khổng lồ bất lực, đè nặng bởi bè phái và các nhóm đặc quyền rất hùng mạnh. Trên Internet người ta thấy đầy những bài về các vụ cưỡng chiếm đất đai vô tội vạ, tù nhân lương tâm và những trò chơi ngông khả ố của các con ông cháu cha.
Một số quý vị hẳn nói đó là Trung Quốc. Nhưng thật ra nó cũng đúng cho Việt Nam, một quốc gia độc đảng, và nơi mà những ao ước kinh tế và xã hội của dân chúng đụng độ ồn ào với một thể chế chính trị cứng ngắc, khô cằn và sai lầm từ căn bản.
Dĩ nhiên không người Việt nào muốn so sánh nước mình với Trung Quốc. Toàn thể lịch sử Việt Nam là một chuyện dài không bao giờ chấm dứt đấu tranh chống lại nước láng giềng phương Bắc để duy trì độc lập. Nhưng mặc dầu khác biệt lớn về mức độ, Việt Nam chỉ có 90 triệu dân trong khi Trung Quốc có 1.3 tỷ dân cũng như mức phát triển, với Việt Nam chỉ có lợi tức đầu người $1,500 so với $6,000 của Trung Quốc, nhưng thực ra tuy hai mà một.
Cũng như Bắc Kinh, Hà Nội vừa qua khỏi một giai đoạn ẩu đả nội bộ hết sức gay go vốn đã lần đầu tiên hé mở cho dân chúng một thoáng nhìn về những hoạt động nội bộ của guồng máy đảng. Năm ngoái đảng Cộng Sản Trung Quốc hạ bệ một trong những nhân vật quan trọng của họ, ông Bạc Hy Lai, bí thư thành ủy Trùng Khánh và một ngôi sao đang lên, với triển vọng vào Bộ Chính Trị. Ông Bạc bị bắt, vợ bị đưa ra tòa, ông bị tước hết mọi quyền lực và có lẽ đang chờ ngày ra tòa.
Việt Nam năm ngoái cũng chứng kiến một màn bi hài kịch kiểu “soap opera” không kém ngoạn mục. Ở một khía cạnh nào đó nó ngoạn mục hơn vì nhân vật chính là một kẻ đương kim đầy quyền thế. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã thực hiện được điều mà chưa một nhân vật nào trong đảng có thể làm được, đó là tạo cho bên chính phủ một uy quyền ngang ngửa với đảng, để đưa ông lên trở thành một trong những người quyền hành nhất nước, một việc mà không một thủ tướng nào của chế độ đã đạt được.
Và cũng như ở Trung Quốc, cuộc chiến xảy ra qua hình thức đánh gió, khởi đầu với việc lật tẩy tập đoàn Vinashin, tập đoàn đóng tàu của nhà nước, vốn đã đóng góp cho chế độ một số nợ khổng lồ lên đến $4.4 tỷ. Ông Dũng đã là người đưa ra sáng kiến thành lập những tập đoàn nhà nước khổng lồ theo kiểu Chaebol của Ðại Hàn, mà có thời ông đã say mê nói đến những “tập đoàn mũi nhọn” sẽ là đầu tầu cho phát triển kỹ nghệ và kinh tế. Nhưng các tập đoàn của ông đã chứng tỏ nhiều tài rút tỉa công quỹ để chuyển sang cho các ông bà cán bộ lãnh đạo hơn là đóng tàu. Chủ tịch Vinashin phải làm vật tế thần hy sinh bảo vệ lãnh đạo bị kêu án 20 năm tù.
Cũng đã có những nạn nhân khác trong cuộc chiến gián tiếp này, kể cả một trong những tay nhà giầu nổi tiếng, đồng chủ nhân của ngân hàng Asia Commercial Bank, được sự hỗ trợ của đại ngân hàng Standard Chartered của Anh, ông Bầu Kiên đã tưởng vững như bàn thạch.
Mặc dầu cuộc chiến này có vẻ như chỉ là một cuộc giành quyền, nó đã được mặc áo tô son nói là một cuộc chiến ý thức hệ về tương lai của quốc gia.
Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng
Và có lúc người ta đã đồn là thủ tướng thua. Nhưng ông đã ra khỏi hội nghị trung ương không những không bị sứt mẻ gì mà lại còn trở thành mạnh hơn nữa. Chiến thắng của ông Dũng thấy rõ khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã gần phát khóc đọc bài diễn văn “báo cáo thành quả hội nghị trung ương.” Ông thủ tướng có phải xin lỗi Quốc Hội vì những thất bại này nhưng cũng chỉ là xin lỗi suông.
Chính quyền cũng bày đặt đưa ra một số cử chỉ để hy vọng mị dân. Lần đầu tiên chính quyền hứa sẽ cải tổ toàn diện hệ thống quốc doanh. Ðảng Cộng Sản còn bày trò hề xin ý kiến dân về Hiến Pháp, hứa hẹn cho dân chúng bàn thảo về mọi điều khoản kể cả cải cách ruộng đất và quyền bình đẳng cho người đồng tính. Nhưng nói cho cùng việc lấy ý dân đó rõ ràng là một sự lừa đảo. Dân chủ hay quyền tối thượng của đảng cộng sản đều là những đề tài không được bàn tới. Ai dám bàn thì ngay lập tức nhà tù mở cửa mời gọi ngay.
Nhưng gấu ó nội bộ thật tai hại cho nền kinh tế. Trong một chế độ mọi sự chờ lệnh thượng cấp, chế độ khựng lại. Hốt hoảng, Ngân Hàng Nhà Nước giảm lãi suất liên tiếp 8 lần trong hai năm qua.
Vào cái thời mà Việt Nam được coi như là “cưng” của thị trường năm 2007, kinh tế tăng trưởng ở mức 8% trung bình. Nay xuống chỉ còn có 5%. Mà mức tăng trưởng đó chỉ duy trì được là nhờ xuất cảng. Chỉ một xí nghiệp của Samsung, sử dụng 30,000 công nhân, sẽ sản xuất một trong năm cái điện thoại thông minh cho toàn thế giới. Nhưng trị giá gia tăng cho quốc nội nhờ xuất cảng vẫn còn rất thấp, ngay cả trong kỹ nghệ dệt may. Căn bản, Việt Nam vẫn chỉ đi ráp hàng thuê. Ðến cây kim, sợ chỉ, cái khuy nút và tấm vải cũng được chở tới.
Lạm phát và cái thâm thủng mậu dịch khổng lồ lên đến 12% GDP đã giảm, nhưng không phải nhờ chính sách gì của nhà nước mà chỉ vì nhu cầu nội địa sụt giảm mạnh vì tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, dân chúng sợ thắt hầu bao lại. Hệ thống ngân hàng đầy nợ xấu, di sản của những năm cho vay vô tội vạ cho các ông quốc doanh.
Nhưng Việt Nam vẫn còn có nhiều lợi thế. Dân số vẫn còn trẻ và phải mãi đến năm 2030 mới bắt đầu có nhiều người già hơn là người trẻ, ngược với Trung Quốc, nơi lực lượng lao động bắt đầu giảm hồi năm ngoái. Một quốc gia với lợi khí dân số đó, với một dân tộc đầy khả năng và sáng tạo, tăng trưởng của Việt Nam phải nói là quá bết.
Ðã có người đặt hy vọng vào sự chuyển đổi nhờ tham gia vào Hiệp Ðịnh Ðối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận mậu dịch giữa Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Ðông Á. Tổ chức này nhằm tạo một sân chơi công bằng cho tất cả thành viên, điều hành mọi sự từ bỏ thầu đến công ty quốc doanh. Trên nguyên tắc nó có thể tạo thay đổi.
Trên thực tế, thúc đẩy cho cải tổ toàn diện một nền kinh tế do nhà nước chế ngự phải đến từ chính đảng Cộng Sản. Cái khổ là Việt Nam đã đi thẳng từ tập thể hóa đến tư bản bè phái với chẳng có cái gì ở giữa cả. Và như những tiết lộ trên các blog cho thấy rõ, tham nhũng, đặc lợi đặc quyền và lãng phí đã ăn sâu vào chế độ. Thật khó có thể thấy những người đang cầm quyền hiện nay, vốn được hưởng quá nhiều từ hệ thống này, muốn thay đổi nó. Nhưng nếu họ không muốn thay đổi thì triển vọng kinh tế sẽ còn khó khăn và triển vọng chính trị cũng ngày thêm căng thẳng.