main billboard

“Trở ngại lớn nhất là khi một chính trị gia thay đổi lập trường, cử tri sẽ thắc mắc không biết có thể tin tưởng vào người sáng nắng chiều mưa hay không?”

Trong cương vị của người dẫn đầu tất cả những cuộc thăm dò, bà Hillary Clinton là người đứng giữa, bốn ông còn lại chia nhau thành từng cặp đôi đứng 2 bên.

Hình ảnh cả nước Mỹ nhìn thấy tối hôm qua (Thứ Ba, 13 Tháng Mười 2015) là hình ảnh thật quen thuộc, vì đã từng xảy ra hồi 2007 trong những cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Dân Chủ tranh chức tổng thống. Lúc đó, bà Clinton cũng dẫn đầu các cuộc thăm dò, cũng đứng giữa, các ông chia nhau đứng bên phải và bên trái. Ðiều khác biệt duy nhất giữa cuộc tranh luận lần trước và lần này: lập trường của bà Clinton có nhiều thay đổi, hay nói như một số nhà quan sát chính trị: bà Clinton thường xuyên thay đổi lập trường.


hillary clinton 3Bà Hillary Clinton tại buổi tranh luận. (Hình: AP/Photo)

Tám năm trước đây khi xuất hiện lần đầu ở cuộc tranh luận, bà Clinton là chính trị gia không ủng hộ hôn nhân đồng tính, hết lòng bênh vực cho quyền được mua và giữ súng, mạnh mẽ lên tiếng bênh vực lý do tại sao bà bỏ phiếu ủng hộ đưa quân sang Iraq, và không tán thành ý kiến cho người cư trú bất hợp pháp được lấy bằng lái xe. Lần này ở Las Vegas, bà Clinton là chính trị gia đầu tiên lên tiếng hoan nghênh phán quyết của Tối Cao Pháp Viện công nhân hôn nhân đồng tính - chỉ đứng sau Tổng Thống Barack Obama, là người chủ trương chính phủ liên bang phải kiểm soát súng đạn, là người nhìn nhận đã sai lầm khi ủng hộ cuộc chiến Iraq, đồng thời cũng là người đòi hỏi phải sửa đổi luật di trú, để tập thể cư trú bất hợp pháp có cơ hội ở lại nước Mỹ.

Không chỉ thay đổi lập trường ở những khoản nêu trên, bà còn thay đổi cả lập trường đối với bản Hiệp Ðịnh Ðối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hồi 2007 bà ủng hộ hiệp định, đến năm 2008 bà chống đối, giữa năm 2009 khi đang làm ngoại trưởng bà ủng hộ trở lại, nhưng đầu tuần trước chính bà là người... lắc đầu.

Chuyện một chính trị gia thay đổi lập trường là điều khá thường xảy ra trong chính trường, “nhất là khi thay đổi lập trường để đi chung với ý kiến của đám đông,” theo nhận xét của ông David Axelrod, người từng hoạch định đường hướng tranh cử và giữ vai trò cố vấn chiến lược cho Tổng Thống Obama. “Trở ngại lớn nhất là khi một chính trị gia thay đổi lập trường, cử tri sẽ thắc mắc không biết có thể tin tưởng vào người sáng nắng chiều mưa hay không?” Ông chẳng ngần ngại nói thêm “hình như đó chính là một trong những thắc mắc cử tri đang có với bà Clinton, và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cảm tình họ dành cho bà.”

Bà Ann Walker, một thành viên Dân Chủ nòng cốt của tiểu bang Iowa cho rằng chính vì thay đổi lập trường “quá nhanh lẫn quá nhiều” nên uy thế chính trị của bà Clinton giảm sút, đặc biệt “đối với tập thể nữ giới.” “Tôi còn nhớ có những lúc hơn 60% tập thể nữ cử tri toàn quốc cho biết họ ủng hộ bà Clinton, nhưng sau này chính những người từng hết lòng ủng hộ bà cựu ngoại trưởng lại là những người thắc mắc nhiều nhất, không biết có nên tin vào bà (Clinton) hay không.” Bà Walker kể lại có lần gặp một cử tri “ông ta hỏi tôi rằng quý bà có tin bà Clinton hay không. Tôi thắc mắc, hỏi ông ta tại sao ông lại hỏi như thế, ông trả lời rằng muốn biết tập thể phụ nữ nghĩ gì về một người phụ nữ lúc nói thế này, lúc nói thế khác.” Ðiều đó “có thể được hiểu là nhiều người đang thắc mắc, không biết lập trường của bà Clinton là gì?”

Ở cuộc tranh luận đầu tiên của đảng Dân Chủ năm nay, chắc chắn bà Clinton sẽ phải trả lời câu hỏi đó, và cử tri chờ đợi câu trả lời từ chính bà. Theo nhận xét của nhà chiến lược Stephanie Cutter, “cuộc tranh luận sẽ thay đổi cục diện của cuộc tranh cử,” đã tới lúc bà Clinton “không chỉ phải biện hộ cho chính bà mà còn phải cho cử tri thấy được những lý do để họ có thể ủng hộ bà thay vì dồn lá phiếu và sự tín nhiệm cho người khác.”