main billboard

Cuối cùng bản phúc trình đúc kết cuộc điều tra đã được công bố.


Sau cuộc tranh cãi lần cuối giữa các vị thượng nghị sĩ thành viên của Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, bản tóm lược dày gần 500 trang được phổ biến cho mọi người, trong đó ghi lại những điểm chính của bản phúc trình dầy hơn 6,000 trang nói về những phương pháp mang tính tra tấn mà Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ từng sử dụng sau ngày 11 Tháng Chín 2001 khi thẩm vấn những tên khủng bố hoặc những người bị bắt giữ vì nghi ngờ ủng hộ, tiếp tay với khủng bố.

dianne feinsteinThượng Nghị Sĩ Dianne Feinstein (Dân Chủ-California), chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, trả lời phỏng vấn báo giới. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

Có thể nói những điểm được ghi trong bản tóm lược là những gì người dân Hoa Kỳ đều đã biết qua những buổi điều trần của các viên chức đặc trách an ninh, tình báo Hoa Kỳ trước Thượng Viện và Hạ Viện diễn ra trong 4 năm vừa rồi, để giải thích tại sao lại phải áp dụng những kỹ thuật thẩm vấn như trấn nước, biệt giam, nửa đêm rọi đèn đánh thức tù nhân bắt phải khai báo tin tức, v.v... Trong những buổi điều trần từng gây xôn xao dư luận đó, những viên chức đặc trách ngành tình báo nhất mực cho rằng họ không hề đi quá đà khi làm nhiệm vụ, trong khi những người chỉ trích lại nói rằng các thẩm vấn viên của CIA đã đi quá trớn, đôi khi tới mức không cần thiết, mà không đem lại được thêm kết quả gì hơn những gì tù binh đã khai báo.

Phe ủng hộ không bằng lòng với những lời chỉ trích vừa nêu, nhắc lại “sự kiện không thể chối bỏ” là sau ngày biến cố 11 Tháng Chín 2001 xảy ra, nhờ vào những tin tức thu thập được sau những cuộc thẩm vấn mà Hoa Kỳ dập tan được biết bao nhiều âm mưu phá hoại của quân khủng bố, bảo vệ an ninh không chỉ cho nước Mỹ mà cho toàn thế giới, đồng thời giúp tiêu diệt được kẻ thù số 1 của nước Mỹ là trùm Osama Bin Laden. Một số người ủng hộ còn đi xa hơn, cho rằng giữa lúc an ninh quốc gia đang bị khủng bố đe dọa, trách nhiệm của tất cả mọi người là “phải làm những gì cần làm” để đảm bảo an ninh cho người dân. Quy luật này “được áp dụng cho mọi người, kể cả những nhân viên CIA lãnh trách nhiệm thẩm vấn bọn khủng bố” với mục đích càng tìm được nhiều tin tức do chúng khai càng tốt.

Bất kể những tiếng nói của phía bênh vực lẫn chống đối, một số chi tiết được ghi trong bản phúc trình do Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện công bố cũng khiến người đọc phải giật mình, chẳng hạn như:

1. Những cuộc thẩm vấn do CIA thực hiện đi quá xa so với những điều được Bộ Tư Pháp (dưới thời Tổng Thống George W. Bush) đã chấp thuận và quá xa so với những gì đã được công bố cho dân chúng biết. Thí dụ như thủ lãnh Abe Zubaydah bị thẩm vấn liên tiếp 17 ngày, trong thời gian đó bị trấn nước 183 lần, kể cả một lần hắn ta bị bất tỉnh, và CIA dự tính thiêu xác hắn ta nếu trường hợp hắn chết trong thời gian đang bị điều tra. Những chi tiết này không được nhân viên CIA báo cho cấp trên, Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện tìm thấy trong những email trao đổi giữa nhân viên thẩm vấn và nhân viên đặc trách y tế của CIA.

2. Cơ Quan CIA không báo cáo rõ con số khủng bố bị giam giữ ở những nhà giam bí mật đặt tại Âu Châu và Á Châu. Báo cáo của CIA gửi cho Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia cho hay “số tù binh không quá 100 người” trong khi con số thật sự là 119 người, trong đó khoảng 20 tù binh thuộc diện “tình nghi,” tức không nhất thiết phải áp dụng những biện pháp mạnh khi thẩm vấn. Phúc trình của Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện nhắc lại chuyện chính Phó Tổng Thống Dick Cheney, người ủng hộ việc phải áp dụng mọi biện pháp miễn để moi được tin tức, từng có lần gặp trở ngại về ngoại giao khi lên tiếng khẳng định với một nhà lãnh đạo đồng minh rằng “chúng tôi không hề giam giữ tù binh trên lãnh thổ nước ông,” nhưng sau đó tài liệu tình báo cho thấy quốc gia mà ông Cheney nhất định nói không là một trong những nước CIA bí mật lập trại giam để nhốt khủng bố.

3. Ngay chính Tổng Thống George W. Bush cũng không được báo cáo về những kỹ thuật mà nhân viên CIA đã thực hiện khi thẩm vấn những tên khủng bố bị bắt, cho dù Tổng Thống Bush là người lên tiếng biện hộ cho họ và thẳng thắn nói rằng ông “nhận lãnh mọi trách nhiệm” vì đã chấp thuận cho CIA làm những gì “họ thấy cần thiết phải làm” để “bảo vệ an ninh quốc gia và sự an toàn cho người dân.” Tài liệu được ghi trong bản phúc trình của Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện cho thấy mãi đến năm 2006 ông mới được CIA và nhân viên Tòa Bạch Ốc báo cáo lần đầu tiên về “kỹ thuật thẩm vấn,” ghi thêm trong buổi họp đó, vị nguyên thủ quốc gia lên tiếng than phiền rằng “ông thấy khó chịu, bực bội khi nhìn thấy hình ảnh tù binh bị xiềng xích treo lên tường, tù binh không được mặc quần áo mà chỉ được mang tã (diaper), và tù bình phải tự lê lết vào cầu tiêu, nhân viên điều tra đứng yên không giúp họ.” Một số hình ảnh Tổng Thống Bush nói đến, trước đó, được phổ biến trên mặt báo cũng như trên màn ảnh truyền hình, và tổng thống Hoa Kỳ trông thấy khi đọc báo hoặc xem TV.

4. Ngay chính những nhân vật quan trọng trong chính phủ như ông Ngoại Trưởng Collin Powell hay ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld cũng không được CIA thông báo những chuyện đã làm và đang làm, mãi tới năm 2006 ông Powell và ông Rumsfeld mới được biết. Dẫn chứng được đưa ra là email của ông John Rizzo (đặc trách pháp lý cho CIA) viết rằng “bên Tòa Bạch Ốc nhất định không cho nhiều người biết vì không muốn chuyện này bị lộ ra ngoài.” Trong một email khác, ông Rizzo viết rằng “bên Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia nói đủ cho chúng tôi hiểu rằng họ không muốn cho Ngoại Trưởng Powell biết chuyện” vì Tòa Bạch Ốc “lo ngại ông Powell sẽ nổi giận khi biết chuyện này.”

Trước khi công bố bản phúc trình, Thượng Nghị Sĩ Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Diane Feinstein gọi “những việc CIA đã làm một thập niên trước đây là một vết nhơ cho lịch sử và cho những giá trị cao quý của nước Mỹ.” Trình bày trước diễn đàn Thượng Viện, bà thượng nghị sĩ Dân Chủ đại diện cho tiểu bang California nói thêm rằng công bố bản phúc trình này là “một bước quan trọng” để cho thế giới thấy Hoa Kỳ là một quốc gia “tôn trọng luật pháp” không chấp nhận những hành động mà bà gọi là sai lầm, không chỉ sai lầm về luật pháp mà còn không đúng với cả lương tâm cũng như tìm cách giấu nhẹm không thông báo đầy đủ cho các viên chức thẩm quyền biết. Vẫn theo bà Feinstein, kỹ thuật thẩm vấn tù binh mà CIA thực hiện “kinh hoàng hơn những gì mà (CIA) đã cho người dân biết,” gọi đó là hành động cố ý “cung cấp tin tức sai lạc cho dân chúng.”

Tổng Thống Barack Obama cũng ủng hộ ý kiến công bố những sự thật cho mọi người cùng biết. Tháng Tám vừa rồi, nhà lãnh đạo đương thời của Hoa Kỳ nói thẳng “chúng ta đã tra tấn một số tù binh,” và trong bản tuyên bố do Tòa Bạch Ốc phổ biến sau khi bản phúc trình được công bố, ông cho rằng điều quan trọng nhất “không phải là để tiếp tục tranh cãi (đúng sai)” mà ông hy vọng những điều được trình bày trong bản đúc kết điều tra của Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện giúp mọi người thấy được những sai lầm để không phạm phải. Phó Tổng Thống Joseph Biden cũng đưa ra lời tuyên bố tương tự, cho rằng “không một quốc gia nào làm những điều như nước Mỹ làm” khi nhìn nhận “đây là điều sai và chúng ta sẽ không bao giờ tái phạm,” bảo thêm “chúng ta đã làm sai, chúng ta công khai cho mọi người thấy điều đó” chứ không giấu giếm.

Các viên chức điều hành Cơ Quan Tình Báo CIA cho rằng bản đúc kết điều tra của Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện “quá sơ sài,” chỉ dựa vào những tài liệu trao đổi giữa các nhân viên của Cơ Quan “mà không hỏi trực tiếp những người liên hệ.” Ông Giám Ðốc John Brennan nhìn nhận “quả đã có những sai lầm” khi thi hành công tác thẩm vấn, nhưng đồng thời cũng cho rằng bản phúc trình “không chú trọng đến những tin tức thật quan trọng mà chương trình thẩm vấn tù bình đã thu thập được.”

Về phía Cộng Hòa, Thượng Nghị Sĩ Saxby Chambliss chỉ trích các làm việc của Ủy Ban Tình Báo với đa số thành viên là người của đảng Dân Chủ, nhấn mạnh ở điểm bản đúc kết điều tra “tạo nên cái nhìn sai lạc về vai trò của cơ quan CIA và những nỗ lực chống khủng bố mà các cơ quan khác của chính phủ đã làm” để bảo vệ an ninh cho quốc gia. Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain, người từng bị Cộng Sản Bắc Việt bắt giữ và tra tấn trong nhiều năm trời nói rằng theo kinh nghiệm của chính bản thân ông tra tấn tù nhân chẳng bao giờ đem lại kết quả tốt (nguyên văn: “I know from personal experience that the abuse of prisoners will offer more bad information than good”), nhưng bản tuyên bố chung của 2 thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio (Florida) và Jim Risch (Idaho) lại cho rằng bản phúc trình này “chẳng quan trọng và cũng chẳng hữu ích” (nguyên văn: “This report does not qualify as either serious or constructive.”)

Bản phúc trình đúc kết cuộc điều tra về chương trình thẩm vấn và kỹ thuật thẩm vấn do CIA thực hiện cũng nhắc lại 6 ngày sau biến cố 11 Tháng Chín 2001, Tổng Thống George W. Bush ký sắc lệnh cho phép giam giữ khủng bố nhưng sắc lệnh đó không nói gì về chuyện thẩm vấn những tên khủng bố hoặc những kẻ bị tình nghi ủng hộ khủng bố. Trong quyển hồi ký Tổng Thống Bush cho biết từ năm 2002, ông đã biết chuyện CIA thẩm vấn những kẻ bị bắt và ông “hết lòng ủng hộ điều đó,” nhưng cả 2 vị giám đốc làm việc dưới quyền ông - là ông George Tenet và Porter Goss đều nói mãi đến năm 2006 “mới trình bày cho tổng thống biết những kỹ thuật mà chúng tôi (CIA) sử dụng khi thẩm vấn tù binh.” Chủ Nhật vừa rồi khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình CNN, Cựu Tổng Thống Bush không tiếc lời ca ngợi nhưng nhân viên của cơ quan CIA, gọi là là “những người yêu nước” và nếu bản phúc trình được tung ra hay được sử dụng để kết án họ “thì điều đó có nghĩa là chúng ta đã đi quá xa.”

Chương trình thẩm vấn tù binh được Tổng Thống Barack Obama hủy bỏ hồi 2009, ngay sau ngày ông đặt chân vào Tòa Bạch Ốc.