main billboard

"Khi con người ta bị lừa thì cái rác cũng biến thành thiêng liêng".

Ta chỉ có thể thanh toán những điều xấu của quá khứ bằng cách thẳng thắn lôi nó ra ánh sáng của hiện tại, để cùng nhau nhận diện nó, lên án nó, để vĩnh viễn không cho nó tái diễn. Mà quá khứ cách mạng của ta thì đã tích tụ quá nặng nề những di sản xấu ấy.
Trần Đức Thảo

Bên dưới bài viết (“Giới Thiệu Đèn Cù”) của nhà báo Ngô Nhân Dụng, trên trang Dân Luận, có phản hồi này:  

Khách Ngô Văn Gạch (khách viếng thăm) gửi lúc 15:09, 03/09/2014 - mã số 127424

VTV tối qua (2-9) đưa tin có ông cựu chiến binh tên là Suất ở Hà Nội sưu tầm những tư liệu về Hồ và trưng bày tại tư gia, nhiều học sinh ở các trường trung học phổ thông đến đấy tham quan coi như được giáo dục về việc học tập về tư tưởng và đạo đức của Hồ.

Giá ai có điều kiện tặng cho ông Suất một cuốn Đèn cù để bổ sung cho việc sưu tầm của ông ta thì tốt quá. Tôi quả quyết rằng nếu có cuốn đó trong nhà ông ta thì khối người bỏ tiền ra mua vé vào xem để hiểu hơn và sâu sắc về tư tưởng "đạo đức" của vị "cha già đời của dân tộc".

"Khi con người ta bị lừa thì cái rác cũng biến thành thiêng liêng". Dân ta đã và đang bị lừa. Hồ chính là cái rác, lại rước cái chủ nghĩa Mác Lên nin vào gieo rắc tai họa cho dân tộc trong khi cả thế giới đã vứt chủ nghiã Mác Lênin vào sọt rác rồi.

Sau vài phút lò dò trên mạng thì tôi biết thêm rằng ông cựu chiến binh này tên chính xác là Lương Minh Suốt, 67 tuổi, thương binh chống Mỹ, huy hiệu 40 năm tuổi Ðảng, thuộc chi bộ 3, đảng bộ phường Việt Hưng. Ông là người “có kho tư liệu quý về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ,” theo như ghi nhận của báo Nhân Dân – số ra ngày 31 tháng 8 năm 2014.

Ông Lương Minh Suốt cũng cho phóng viên của tờ báo này biết thêm phương cách giáo dục thiếu nhi, bằng hình ảnh:
"Ở gia đình có trẻ nhỏ chưa học chữ, thông qua hình ảnh, các cháu cũng học Bác được. Thí dụ: khi xem ảnh Bác Hồ kính cẩn nhường bát cháo cho cụ già, Bác ngồi tắm rửa cho thiếu nhi ở Việt Bắc... thì các cháu hiểu được Bác Hồ là người kính trọng người già và thương yêu trẻ nhỏ và các cháu có thể kể lại chuyện đó thông qua hình ảnh mà chúng quan sát được."

Công khó, và lòng kính trọng của ông Suốt đối với bác Hồ khiến tôi nhớ đến một bài viết công phu (“Chủ Tịch Hồ Chí Minh Trên Bìa Tạp Chí Times”) của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Ông cũng bỏ thời gian sưu tập, đúc kết những số báo Time viết về “cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu của chúng ta” rồi chuyển dịch sang tiếng Việt Ngữ để chia sẻ với mọi người. Xin được ghi lại vài ba đoạn chính để rộng đương dư luận:

Tạp chí Time của Mỹ ra đời năm 1923. Trong hơn tám mươi lăm năm qua, đã có năm lần hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam xuất hiện trên trang bìa tạp chí này.

hochiminh baotimeLần thứ nhất chân dung Bác Hồ xuất hiện ở bìa số ra ngày 22.11.1954 với chủ đề "Hồ Chí Minh của Đông Dương". Bài viết cho ảnh trang bìa là nói về sự kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, miền Bắc Việt Nam sống dưới chế độ cách mạng của chính quyền Hồ Chí Minh...

Ấn tượng về lãnh tụ Việt Minh được thể hiện qua câu chuyện sau được tác giả bài viết kể lại. Một người dân Việt Nam ở trong thành phố vừa được giải phóng nói rằng mình đã được thấy ông Hồ. "Ông ấy là tấm gương sống của một nhà cách mạng. Ông ấy có một cuộc đời riêng không thể nào chê trách được. Ông ấy ăn mặc giản dị. Ông ấy là một người thông minh. Ông ấy nói tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Việt. Ông ấy rất khéo léo: khi ông ấy nói chuyện với mọi người ông ấy nói thẳng thắn để đứa bé lên tám cũng hiểu được. Ông ấy nhẫn nại vô cùng. Ông ấy đã hy sinh cả cuộc đời riêng của mình cho cách mạng..."
Lần thứ hai chân dung Bác Hồ xuất hiện ở bìa số ra ngày 16.7.1965 với chủ đề "Việt Nam: Miền Bắc không khoan nhượng". Đây là một năm sau ngày đế quốc Mỹ đưa máy bay ra ném bom phá hoại miền Bắc. Bài viết cho ảnh trang bìa mang đầu đề "Bắc Việt Nam: Nhà mác xít trong rừng sâu".

Chiến tranh ngày càng lan rộng, đất nước phải đương đầu với cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới. Nhưng "Hà Nội đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh toàn thể. Hồ Chí Minh là thế, vị thánh râu dài của nước Việt Nam cộng sản, ở tuổi 75, ông là lãnh tụ phe Đỏ già nhất, từng trải nhất...


Lần thứ ba Hồ Chí Minh xuất hiện trên trang bìa của Time là trong bức ảnh chụp chung với nhà ngoại giao Shelepin ở số ra ngày 14.1.1966. Bìa số này đăng hai bức ảnh, phía trên bức này là bức ảnh chụp tổng thống Mỹ Johnson và các cố vấn đang họp bàn tại Ranch. Chủ đề của số này là "Cuộc tấn công hòa bình của Mỹ và sự đáp trả của cộng sản".
Lần thứ tư chân dung Hồ Chí Minh lại xuất hiện trên trang bìa Time là ở số ra ngày 12.9.1969. Lúc này lãnh tụ Việt Nam vừa mất nên chủ đề của số là "Kỷ nguyên mới ở Bắc Việt Nam" cùng với bài viết cho ảnh trang bìa có tên "Di sản của Hồ Chí Minh..."

Cả cuộc đời Hồ Chí Minh là dành để tạo ra một nước Việt Nam thống nhất, thoát khỏi sự đô hộ của ngoại bang. Ông được nhân dân cả hai miền Bắc - Nam gọi là "Bác Hồ". Không một lãnh tụ dân tộc nào còn sống hiện nay ngoan cường đứng vững được lâu đến thế trước mũi súng kẻ thù. Sự qua đời của ông chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng lan xa ở Bắc Việt Nam, ở châu Á và ngoài đó nữa"...
Lần thứ năm chân dung Hồ Chí Minh xuất hiện trên bìa Time là ở số ra ngày 12.5.1975, gần hai tuần sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bức ảnh mang dòng chữ "Người chiến thắng" với chủ đề là "Cái gì tiếp theo ở châu Á?". Bài viết "Lời tạm biệt nghiệt ngã cuối cùng" bình luận về thắng lợi của nhân dân Việt Nam: "Cuối cùng Việt Cộng và Bắc Việt đã tràn vào Sài gòn, giương cao lá cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời, bắt giữ tổng thống Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu của Nam Việt Nam. Đối với nhiều người Mỹ, đây là cái chết đã chờ đợi bao lâu, nhưng khi nó đến thì vẫn bị choáng váng"...

Hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh năm lần được đưa lên trang bìa của tạp chí Time, trong đó bốn lần là chân dung toàn mặt bìa, cho thấy mối quan tâm của dư luận Mỹ nói riêng, thế giới nói chung, đối với cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu của chúng ta, cũng như đối với quá trình lịch sử của nước Việt Nam hiện đại. Ngoài ra, Việt Nam còn là chủ đề xuất hiện trên nhiều số khác của Time.

Phạm Xuân Nguyên – Hà Nội 15.8.2009


sach dencuNăm năm sau, vào ngày 14 tháng 9 năm 2014, thính giả của BBC lại có dịp được nghe nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (Chủ Tịch Hội Nhà Văn Hà Nội) bình luận về tác phẩm Đèn Cù của nhà văn Trần Đĩnh:

"... tôi nghĩ là những cuốn như Đèn Cù là nên có và cần có, ở những người có vị trí như tác giả Trần Đĩnh, thì những thông tin, những sự thực được nói ra nó mang tính khả tín rất cao, và nó được bảo đảm bằng thẩm quyền mà ông đã nói ra."

"Cho nên độ xác thực, đáng tín cậy là sẽ cao, và như vậy nó cần thiết để soi rọi vào nhiều mặt, nhiều góc của lịch sử Việt Nam hiện đại.”

Tôi cũng có cái may mắn được đọc qua tác phẩm này nên vô cùng tâm đắc với quan niệm (phóng khoáng) của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Tuy nhiên, lòng vẫn không khỏi băn khoăn khi nghĩ đến hình ảnh của một ông Hồ Chí Minh chí thánh (“vị thánh râu dài của nước Việt Nam cộng sản”) qua trí “tưởng tượng” của ban biên tập báo Time và một ông Hồ hoàn toàn khác – với “những góc khuất về đời tư” và “nhân cách” – theo như cách diễn đạt của BBC:

Trong cuốn sách mới được xuất bản ở hải ngoại, tác giả Trần Đĩnh đã đề cập nhiều chi tiết được cho là có tính 'thâm cung bí sử' về nội bộ Đảng Cộng sản, trong đó có nhiều thông tin liên quan các 'góc khuất' về nhân cách, đời tư của nhiều lãnh tụ, từ ông Hồ Chí Minh, tới ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ v.v...

Về cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số thông tin trong cuốn sách gợi ý rằng ông Hồ chính là người đã cải trang 'đeo râu' theo dõi vụ đấu tố địa chủ đầu tiên ở Việt Nam. Và chính lãnh tụ này là người đã trực tiếp 'viết báo kết tội đích danh' một nữ địa chủ kháng chiến, bà Nguyễn Thị Năm, cũng như đã đả kích giai cấp địa chủ, chứ không phải là 'vô can', hay 'không hề biết' như vẫn được báo chí và lịch sử đảng Việt Nam 'tuyên truyền', giải thích.”

Một số chi tiết khác gợi ý cố lãnh tụ này có các mối quan hệ với một số phụ nữ, điều chưa bao giờ được các tài liệu, văn kiện, báo chí của Đảng Cộng sản Việt Nam công bố hoặc đề cập.

Khi được hỏi về tính chân thực và căn cứ của các 'sự thực' này, nhà văn Trần Đĩnh nói:

"Tôi sống lúc ấy thì tôi biết chứ, ví dụ như chuyện Cụ có những cái này, cái nọ thì bạn bè tôi nói, thì biết thôi. Chứ còn bây giờ nói lại thì thực là khó.

Quả là “khó” thật! Thí dụ như chuyện “ông Hồ chính là người đã "cải trang" theo dõi vụ đấu tố địa chủ đầu tiên ở Việt Nam” thì Trần Đĩnh không thấy tận mắt mà chỉ nghe nói lại nên độ khả tín, tất nhiên, phải có phần giới hạn.

Nhưng việc ông Hồ Chí Minh “chính là người đã trực tiếp 'viết báo kết tội đích danh' một nữ địa chủ kháng chiến, bà Nguyễn Thị Năm (trên báo Nhân Dân số ra ngày 21 tháng 7 năm 1953) thì đã được kiểm chứng và trở thành một sự kiện hiển nhiên, vô phương chối bỏ.

Bài (“Địa Chủ Ác Ghê”) vỏn vẹn chỉ có 487 chữ (tính luôn cả tựa)  nhưng lột tả được chân dung đích thực nhà cách mạng Hồ Chí Minh rõ hơn 5 bài viết về thân thế và sự nghiệp của Hồ Chủ Tịch – trải dài từ năm 1954 đến 1975 – trên tuần báo Time. Bài báo này cũng làm “nhạt phai” ý nghĩa của (chừng) năm trăm ngàn bài báo khác – tràn ngập trên hệ thống báo chí của Đảng và Nhà Nước, gần hai phần ba thế kỷ qua – về tấm gương đạo đức của bác Hồ.

Thời gian đã hé lộ ra một ông Hồ khác. Và tôi mong ước cũng sẽ có lúc nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên bỏ công sưu tập để chia sẻ  với độc giả về một ông Hồ mới này.

Đây là một ước mong hết sức chân thành và khẩn thiết. Hoạ cộng sản rồi cũng sẽ qua thôi nhưng dân Việt vẫn còn phải sống lâu với di sản Marx, cũng như di sản của Hồ Chí Minh. Nếu những di sản này được “xử lý” một cách đúng đắn thì di hoạ, chắc chắn, sẽ giảm thiểu được rất nhiều.