main billboard

Chuyến đi chưa diễn ra mà mọi người đều nghĩ chắc chỉ mang tính biểu tượng, chứng tỏ sự ủng hộ của Washington dành cho Ukraine chứ chưa giải quyết được điều gì cả.


joe biden 2Phó Tổng Thống Joseph Biden

“Tôi chưa có tin gì thêm về chuyến đi Kiev của Phó Tổng Thống Joseph Biden”, ông phát ngôn viên Jay Carney trả lời câu hỏi của một ký giả làm việc cho đài MSNBC. “Tuần trước chúng tôi có nói là phó tổng thống sẽ sang bên đó để thảo luận với các nhà lãnh đạo nước bạn về những biến chuyển đang xảy ra và quan trọng nhất là để chứng tỏ cho mọi thấy quyết tâm ủng hộ người dân và chính phủ Ukraine mà Hoa Kỳ đã thể hiện ngay từ lúc đầu, khi người dân mới biểu tình đòi chính quyền cũ phải đi với Tây Phương, không tiếp tục chính sách thân Nga.”

Mặc dù ông Carney nhất định không cung cấp thêm chi tiết, nhưng tin rò rỉ từ những nguồn khác nhau - cũng từ Tòa Bạch Ốc - cho hay chuyến đi của Phó Tổng Thống Biden “sẽ được thực hiện nội trong tuần này- (có tin nói là ông phó sẽ rời Washington D.C. vào chiều thứ Ba) và chỉ ở Kiev có 3 tiếng đồng hồ.

Thời gian ngắn ngủi đó “đủ để cho ông Biden nghe những báo cáo mới nhất, đưa ra những ý kiến mới nhất” mà chính phủ Hoa Kỳ muốn trình bày với chính phủ lâm thời Ukraine, kể cả “những ý kiến Washington nghĩ rằng có thể giải quyết căng thẳng chính trị nội bộ của Ukraine, giải quyết cả những căng thẳng đang xảy ra giữa thế giới Tây Phương với một nước Liên Bang Nga hung hăng,” theo giải thích của một viên chức Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia.

Nhưng chuyến đi chỉ kéo dài có 3 tiếng đồng hồ đó “chắc cũng chỉ là biểu tượng thôi” chứ không giúp giải quyết được gì cả, các nhà báo săn tin ở thủ đô đưa mắt ngó nhau, không muốn nói ra nhưng hầu như ai cũng nghĩ như thế. Lý do: cho đến chiều Thứ Hai (14 Tháng Tư 2014) Washington và NATO vẫn không nói đến sử dụng giải pháp quân sự để cứu Ukraine, trong lúc cả Hoa Kỳ, Liên Minh Âu Châu (EU) lẫn Nga đều lớn tiếng nói sẽ có thêm những biện pháp kinh tế và chế tài nếu tình hình không sớm được giải quyết. Ðiều đó có nghĩa là 2 phe sẽ lậm hơn vào trận chiến với những biện pháp chế tài, trong lúc chờ đợi đi tìm một giải pháp chính trị.

“Tôi e giải pháp chính trị sẽ không sớm đến với Ukraine đâu,” kinh tế gia Herve Van Caleon nổi tiếng Âu Châu được tờ The Wall Street Journal trích dẫn trong bài viết cuối tuần trước nói về tình hình Ukraine và cách giải quyết. Hiện đang điều hành công ty tư vấn Belpointe Asset Management, ông Van Caleon nói điều các nhà lãnh đạo Tây Phương không muốn nghe: Putin đã thắng hiệp đầu khi thu tóm Crimea, đã dàn trận cho hiệp thứ nhì bằng 40,000 binh sĩ dàn trận dọc theo biên giới phía Ðông của Ukraine, đặt điều kiện buộc chính phủ lâm thời Kiev phải tuân theo nếu muốn được tiếp tục mua nhiên liệu “trong lúc những quốc gia lên tiếng ủng hộ Kiev đều chưa sẵn sàng để đối phó” ngoại trừ lời hứa cho vay 38 tỷ dollars, “cuối cùng, nếu không khéo, số tiền này cũng lọt vào tay Nga.”

Không chỉ ông Van Caleon, hầu như các nhà phân tích chiến lược từng làm việc với chính phủ Obama và các chính phủ tiễn nhiệm đều nghĩ chuyện tìm giải pháp chính trị cho Ukraine là điều không dễ làm. “Nói cho đúng, chưa ai thấy ánh sáng giải pháp chính trị lóe lên cả,” ông Mike McGuire từng đảm trách mảng Ðông Âu thời Ngoại Trưởng Hillary Clinton nói trong cuộc thảo luận bàn tròn do Viện Nghiên Cứu Brookings Institution tổ chức hồi tuần trước. “Ngay lúc này chúng vẫn đang đánh vòng ngoài chứ chưa đánh được vào yếu huyệt của Nga,” có nghĩa “trận chiến này sẽ còn dai dẳng” chưa biết khi nào mới kết thúc.

“Ðiều đó không sai,” phân tích gia Heather Conley của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược CSIS gật đầu tán thành. Nhân vật từng làm cố vấn quốc phòng cho những quốc gia Ðông Âu sau ngày ra khỏi Liên Bang Sô Viết cho rằng những gì Hoa Kỳ và Tây Phương đang làm “chỉ mới nhắm vào những người thân cận với Tổng Thống Putin chứ chưa gây thiệt hại cho kinh tế Nga.” Bà Conley cũng tỏ vẻ ngần ngại khi cho hay “không biết Washington và EU có thể làm thêm gì nữa trong lúc này” giải thích khi vẫn muốn đi tìm một giải pháp chính trị, ngoại giao cho vấn đề Ukraine, “điều đó có nghĩa là Tổng Thống Obama và các nhà lãnh đạo Tây Phương biết họ không thể làm mạnh hơn được.” Do đó, “chúng ta vẫn phải lên tiếng đe dọa sẽ có biện pháp cứng rắn hơn với Nga, kể cả đe dọa sẽ tẩy chay, cô lập họ nếu họ không tuân theo luật pháp quốc tế, nhưng đồng thời vẫn phải nói cho Nga hiểu là cánh cửa đàm phán lúc nào cũng mở rộng.”

Chuyên gia Alan Rubenfeld - tác giả nhiều bài viết nói về quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và Nga sau thời kỳ Chiến Tranh Lạnh - e rằng cánh cửa đàm phán vẫn còn mở “nhưng đề tài thảo luận, nếu có, sẽ không còn rộng như trước nữa.” Ông giải thích “Hoa Kỳ và EU từng có lúc đòi hỏi Nga phải nói chuyện trực tiếp với chính phủ lâm thời Kiev, một vài tuần nay người ta không nói tới điều này nữa, chứng tỏ ai cũng nhìn thấy Nga đang chiếm thế thượng phong, bằng chứng là ngay trong hàng ngũ các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ và EU đã có những người nói chuyện Crimea xem như xong, đừng mong Nga trả lại, bây giờ chỉ tìm cách để ngăn cản Nga không đưa quân vượt biên giới vào Ukraine thôi.”

Như vậy, chuyến đi Kiev kéo dài chỉ dăm ba tiếng đồng hồ mà phó tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden sẽ thực hiện nay mai mang ý nghĩa gì? Chuyến đi chưa diễn ra mà mọi người đều nghĩ chắc chỉ mang tính biểu tượng, chứng tỏ sự ủng hộ của Washington dành cho Ukraine chứ chưa giải quyết được điều gì cả.

Ðiều này làm mọi người nhớ lại cảnh báo mà chuyên gia Angela Stent của Ðại Học Georgetown đã nói từ đầu mùa hè năm ngoái, cảnh báo mọi người rằng “ông Putin nghĩ rằng vai trò của Hoa Kỳ đang xuống dốc, vai trò của EU cũng đang xuống dốc, tạo cơ hội cho ông ta muốn làm gì thì làm,” không đếm xỉa gì tới những lời chỉ trích hay hành động đến từ thế giới Tây Phương.