“liệu tôi có hăng say, hứng thú khi ra tranh cử hay không? Liệu tôi có phải là ứng cử viên mà mọi người mong muốn hay không?” và chuyện “cuộc tranh cử sẽ ảnh hưởng thế nào đến đời sống riêng tư của gia đình tôi.”
Vài năm trước đây, Ðệ Nhất Phu Nhân Barbara Bush cho báo chí biết nước Mỹ đã có tới 2 tổng thống mang tên Bush, “quá đủ rồi” không cần phải có thêm một người thứ 3. Ðồn đãi chính trị khắp nơi cho thấy nhận xét của bà Bush có thể không đúng: cảnh bảo thủ ôn hòa của đảng Cộng Hòa đang tìm người để dự cuộc đua chính trị 2016, và nhân vật đứng đầu bảng là Cựu Thống Ðốc Jeb Bush của tiểu bang Florida, con trai của ông Bush “bố,” em trai của ông Bush “con.”
Ông Jeb Bush, cựu thống đốc Florida. (Hình: Andy Jacobsohn/Getty Images)
Mặc dù trong những cuộc phòng vấn gần nhất ông Bush “em” vẫn nói “không hề nghĩ đến chuyện ra tranh cử tổng thống” nhưng tất cả mọi chuyện ông làm đều được các nhà quan sát chính trị chú ý tới, đi kèm với dự đoán cho rằng ông cựu thống đốc Florida “đang âm thầm dọn đường tranh cử.” Qua những email trao đổi giữa các chiến lược gia Cộng Hòa, mọi người biết ông đang phối hợp với ông Thống Ðốc Bobby Jidal của tiểu bang Louisiana để mở cuộc vận động cho ứng viên cùng đảng dự cuộc bầu cử 2014, được mời dự bữa tiệc do nhà tỷ phú Sheldon Adelson để nói chuyện với những cổ động viên sẵn sàng bỏ bạc triệu giúp ông vận động tranh cử, đồng ý trả lời cuộc phỏng vấn của đài truyền hình FOXNews để trình bày quan điểm về tình hình quốc gia và “những điều một nhà lãnh đạo cần phải làm” để đưa nước Mỹ trở lại vị trí số 1 toàn cầu, là người điều hành chương trình đặc biệt đánh dấu 25 năm ngày ông Bush “bố” nhậm chức tổng thống. Theo bình luận gia Damon Linker, tất cả những điều đó chứng tỏ “nhà Bush đang sửa soạn” để “nước Mỹ có thể có vị tổng thống thứ 3 mang tên Bush.”
Giới thạo tin tại Washington D.C. cho biết những nhân vật thuộc thành phần ôn hòa trong đảng Cộng Hòa đã có các cuộc trao đổi, thảo luận “bán chính thức” để xem ai là người họ có thể ủng hộ vào năm 2016. Một cựu viên chức của Văn Phòng Cộng Hòa Trung Ương cho hay theo ông được kể, “ông Jeb Bush luôn luôn được nói tới” và “số người nghĩ ông sẽ đánh bại được bà Hillary Clinton (của đảng Dân Chủ) mỗi ngày một nhiều hơn trước.” Nhân vật này kể thêm theo ông được nghe, “họ khen ông Bush là người không bảo thủ quá cũng chẳng cấp tiến quá, sẽ thu hút được sự ủng hộ của cử tri.” Những người đang âm thầm ủng hộ ông cựu thống đốc còn đồng ý với nhau ở một điểm: ông Bush không có “tì vết chính trị,” tức không sợ bị đối thủ tấn công nếu ông quyết định dự cuộc đua 2016.
Một lý do khác cũng được cánh bảo thủ ôn hòa trong đảng Cộng Hòa nói đến là muốn kiếm phiếu của cử tri, người được chọn phải là người có tầm nhìn rộng hơn về đòi hỏi phải cải tổ di trú, giải quyết tình trạng hơn 10 triệu người đang cư ngụ bất hợp pháp ở Mỹ, trước khi đồng ý với nhau “không ai hơn ông Bush ở điểm này” vì vợ ông là người gốc Mexico, ông đọc và nói thông thạo tiếng Mễ, sẽ giúp đảng Cộng Hòa lấy được số phiếu cần có “của tập thể cử tri Latino.”
Nhưng ông Jeb Bush đang nghĩ gì? Có tính chuyện tranh cử tổng thống hay không?
Theo ông Slater Bayliss, một trong những nhân viên thân cận của ông Bush lúc còn làm thống đốc Florida, “ông sếp cũ của tôi đang ở trong giai đoạn cân nhắc xem có nên ra tranh cử hay không.” Ông Bayliss kể lại trong lần gặp gỡ mới nhất vừa diễn ra hồi Tháng Hai năm nay, “tôi chưa bao giờ thấy ông Bush suy nghĩ và nói nhiều đến chuyện tranh cử như thế. Ông ta nói với tôi về kế hoạch hành động nếu ra tranh cử, cho biết những gì ông thấy cần phải làm trước khi có quyết định cuối cùng.” Nói cách khác và đúng nhất, ông Bush có nghĩ đến chuyện trở thành tổng thống Hoa Kỳ, nhưng “chưa quyết định gì cả.”
Bà Ana Navarro, một nhân vật khác cũng từng làm việc với ông Bush trước khi giữ vai trò cố vấn trong Ủy Ban Tranh Cử của ông “W” cũng xác nhận điều ông Bayliss vừa nói. “Trước đây ông thống đốc không hề nói chuyện muốn trở thành người được đảng (Cộng Hòa) đưa ra tranh cử nhiệm kỳ tới, nhưng bây giờ ông ta nói khá nhiều (về chuyện này) với chúng tôi,” báo cho những người thân cận nhất biết “ông đang nghĩ đến điều đó,” và đương nhiên “quyết định cuối cùng vẫn là quyết định của ông ta,” nhắc lại “trước đây ông ta đóng kín cửa, bây giờ ông ta bắt đầu bàn chuyện đó.” Bà Navarro còn tiết lộ một chuyện quan trọng: nhiều tiểu bang mời ông Bush ghé qua, giúp vận động tranh cử cho các ứng viên của đảng dự cuộc bầu cử giữa kỳ 2014, nhưng “ông chỉ nhận lời có một vài nơi,” không muốn sự xuất hiện của ông tạo nên ồn ào, “ông muốn mọi người chú ý hơn vào những người đang tranh cử” ở cấp địa phương.
Trả lời phỏng vấn trên đài CBS hồi Tháng Giêng năm nay, ông Thống Ðốc Jeb Bush cho biết “chắc phải đến cuối năm nay” mới thông báo quyết định, bảo thêm quyết định của ông dựa vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có cả chuyện “liệu tôi có hăng say, hứng thú khi ra tranh cử hay không? Liệu tôi có phải là ứng cử viên mà mọi người mong muốn hay không?” và chuyện “cuộc tranh cử sẽ ảnh hưởng thế nào đến đời sống riêng tư của gia đình tôi.” Trong cuộc phỏng vấn đó, ông Bush còn nhận định “tình hình quốc gia rõ ràng không sáng sủa, nước Mỹ cần một người có thể vực dậy tinh thần của dân chúng,” trước khi kết thúc bằng câu “vì thế tôi chưa vội tính đến chuyện ra tranh cử ngay lúc này,” ý muốn nói, có lẽ, phải chờ sau ngày cuộc bầu cử giữa kỳ kết thúc (vào đầu Tháng Mười Một 2014) ông mới cho cử tri biết quyết định có dự cuộc đua tiến về Tòa Bạch Ốc không.
Từng có lúc chính trị gia được đảng Cộng Hòa chú ý đến nhiều nhất là ông Chris Christie của tiểu bang New Jersey, nhưng theo đồn đãi, cảm tình của phe ôn hòa dành cho ông đã giảm bớt sau vụ xì-căng-đan giao thông bùng nổ hồi đầu cuối năm ngoái. Phe bảo thủ Cộng Hòa cũng không hài lòng với ông Christie, thường xuyên chỉ trích ông Thống Ðốc New Jersey có lập trường -hay sẵn sàng đổi lập trường để - đi sát với cánh Dân Chủ, vẫn chưa quên chuyện trước ngày bầu cử 2012, ông Christie ca ngợi Tổng Thống Dân Chủ Barack Obama là “một nhà lãnh đạo tài ba,” giúp ông Obama đánh bại ứng viên Cộng Hòa Mitt Romney vào giờ chót. Lỗi lầm tai hại này “là điều chúng tôi chưa quên,” ông Mark Miller thuộc nhóm thành viên nòng cốt của Tea Party ở tiểu bang Arizona nói với giọng giận dữ khi được hỏi về chuyện đã qua.
Cũng phải nói thêm ông Jeb Bush không phải là người duy nhất của tiểu bang Florida được nói tới, vì ngoài ông còn có Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio, một chính trị gia trẻ tuổi sáng giá của đảng Cộng Hòa. Trong cuộc phỏng vấn mới nhất trên đài CNN, ông Rubio cũng nói chưa quyết định gì cho năm 2016, và “chuyện ông Jeb Bush tranh cử hay không tranh cử chẳng ảnh hưởng gì đến quyết định của tôi, cũng như quyết định của tôi chẳng ảnh hưởng gì tới quyết định của ông Jeb Bush.”
Một chuyện lý thú khác là Cựu Ðệ Nhất Phu Nhân Barbara Bush nghĩ thế nào nếu ông con trai của bà gọi điện thoại báo tin sẽ tranh cử tổng thống? Nên nhớ trước đây bà từng nói nước Mỹ đã có tới 2 tổng thống mang tên Bush, “quá đủ rồi” không cần phải có thêm một người thứ 3. Bà Barbara Bush còn bảo nước Mỹ cũng không cần có thêm một vị tổng thống nào tên Clinton vì trong 9 cuộc bầu cử tổng thống gần đây, “có tới 8 cuộc có người tên Bush hoặc tên Clinton.”
Bà cụ Bush muốn nói thì cứ nói, dư luận chính trị Mỹ tiếp tục bàn đến chuyện hầu như chắc chắn bên Dân Chủ sẽ chọn bà Hillary Clinton, và biết đâu đại diện của đảng Cộng Hòa sẽ là con trai của bà, ông Jeb Bush.