Có những ý kiến khác nhau về nghệ thuật chọc cười.
Có người bảo cười và nghệ thuật chọc cười là một khoa tâm lý học. Nói thế cũng không ngoa, sức mạnh của tiếng cười, những câu chuyện cười, hành động mắc cười như những liều thuốc bổ làm thay đổi những trạng thái tâm sinh lý, con người và xã hội. Cười là ngôn ngữ chung của loài người, toàn thế giới. Nó không phân biệt tiếng nói, quốc gia, tôn giáo, màu da, chủng tộc, ngôn ngữ. “Cười khì” một tiếng, mọi khác biệt đều tan biến.
Tất cả chúng ta, ai cũng cười. Các nhà tâm lý học thường gọi tiếng cười vui, cười phá, cười dòn là tiếng nói của lưỡi vì khi cười chúng ta không thể kiểm soát được tiếng cười của chúng ta, và âm thanh tự nó bộc phát từ miệng. Bạn có biết, trẻ em cười 400 lần một ngày, trong khi người lớn chỉ cười khoảng 15 lần. Tiếng cười trẻ thơ trong sáng và vô tư biết bao nhiêu. Đàn bà cười nhiều hơn đàn ông, hơn khoảng 126% theo một bài báo trong tờ Psychology Today.
Cười còn là một hiện tượng xã hội. Bạn có nhận ra rằng, khi bạn ngồi xem một phim hay vở kịch hài cùng một người bạn hay người thân, bạn cười nhiều hơn khi bạn xem một mình. Hiện tượng này gọi là “cái cười hay lây”. Nó truyền đạt sự cảm thông, là tiếng nói không từ ngữ nối kết con người với nhau mà không một quyền lực nào trên thế giới làm được. Từ năm 1950, những nhà sản xuất các chương trình hài của TV đã hiểu những điều này trước tất cả các khoa học gia hay các chuyên gia nghiên cứu về tiếng cười hay lây. Họ đã bỏ những tràng cười giả vào các chương trình hay show diễu chọc cười để người dự thính cười theo. Đó là lý do tại sao các show của Leno, Letterman, and Conan thường được thâu sẵn với nhiều người dự thính trước khi đưa lên truyền hình. Khi xem ở nhà chúng ta thấy các dự thính viên cười, chúng ta phát giác ra rằng chúng ta cũng cười theo. Vì “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” nên ai cũng thích cười và được cười vì có những danh hài biết chọc cười.
Có những ý kiến khác nhau về nghệ thuật chọc cười.
Có người cho rằng, chọc cười(tấu hài), Hài Kịch, Độc Diễn Hài (stand-up Comedy) là một nghệ thuật. Từ thời Hy Lạp Cổ, nguyên thủy, Hài Kịch đã là một trong những thể loại sân khấu dành cho giới trí thức cho tới ngày nay. Nếu bảo Hài Kịch không phải là một hình thái nghệ thuật sân khấu là nói dối vì giống như các hình thái nghệ thuật khác nó cũng là một bộ môn. Bộ môn này chia ra làm nhiều môn phụ như Black Comedy, Blue Comedy, Character Comedy, Surreal Comedy..v..v
Hài Kịch gây cảm hứng, khích động, châm chọc, truyền đạt, cảm thông, giúp vui và đôi khi đi quá đà lấn vào chính trị. Còn một nhánh khác của nghệ thuật choc cười là Hí Hoạ, Biếm Hoạ (Comic) vẫn bị xem như một hình thái nghệ thuật thấp -Low Art- dù rằng tính châm biếm, chọc cười của nó tác dụng rất lớn trên ngành truyền thông, báo chí thế giới.
Người khác lại không chấp nhận Comedy là một hình thái nghệ thuật. Họ nghĩ rằng nếu phân tích sâu vào Hài Kịch thì ai cũng thấy điểm mạnh của sự khéo léo, tài tình, mưu lược trong các hành động, cảnh diễn hay các pha chọc cười làm khán giả cười ngả nghiêng. Bởi vì chúng ta không thể ngờ được những cử chỉ thường ngày mà chúng ta hành động lại là chìa khoá mở ra những kho cười vô tận. Do đó các diễn viên tấu hài thông minh có thể thấy ngay những kiểu cách lố bịch ấy mà đem chúng lên sân khấu diễu cợt, tạo nên các trận cười bể bụng. Tuy nhiên nghệ thuật phải là những gì gây tiếng vang thật sâu, thật xa vào nội tâm con người, những gì có tính hàn lâm. Nhìn xa hơn, Comedy là một bộ môn rất giản dị, hời hợt, không có chiều sâu đằng sau nó và có tính rất thụ động. Mục đích của nó chỉ là mua một trận cười, ngược lại nếu bạn nhìn nó trong con mắt nghiêm trang, bạn sẽ hủy hoại mất mục đích chọc cười của nó. Nghệ thuật thường thường là cái gì rất đặc biệt, và nó chỉ được thưởng lãm bởi những khách thưởng ngoạn rất chọn lọc. Trong khi comedy dành cho đại chúng, ai cũng trải nghiệm và thấu hiểu những hành động, tật xấu, cung cách thường ngày được đem ra để chọc cười, nên không thể xếp nó vào loại nghệ thuật cao được.
Văn hoá và nếp sống con người Hoa Kỳ chuộng tự do, ưa dân chủ, lạc quan, suy nghĩ tích cực và thích cười. Nếu nói rằng Hài Kịch thay đổi thế giới thì nói quá nhưng nó gắn liền với Người Mỹ suốt chiều dài lịch sử. Thật vậy, Jerry Zoltent, Giáo sư khoa học và truyền thông, đã phát biểu trong một khoá dạy về Lịch Sử về Hài Kịch của ông rằng: “Chúng ta chính là những gì chúng ta đã cười nhạo”. Từ thời lập quốc những đề tài để chọc cười hầu như vây quanh sự khác biệt của chủng tộc và màu da. Sau này các vấn đề văn hoá và xã hội thành kiến, kỳ thị chủng tộc, nam nữ, văn hoá, chính trị khác cũng được đưa ra.
Người Nhật có lối “Độc Diễn Tấu Hài” rất đặc biệt được gọi là Rakugo. Rakugo là một loại hình nghệ thuật giải trí truyền thống của Nhật Bản. Người biểu diễn ngồi một chỗ trên sân khấu và độc diễn tấu hài chỉ với những đạo cụ như là chiếc quạt giấy sensu hay một chiếc khăn tay tenugui mà không cần di chuyển. Nó có từ thế kỷ 16 nhưng đến thời kỳ Edo (thế kỷ 17 - 18), loại hình nghệ thuật này mới trở nên phổ biến và được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ thầy giáo đến học trò, như một môn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Người Việt chúng ta cũng có Độc Diễn Tấu Hài, Biếm Hoạ và Hài Kịch sân khấu. Trên các sân khấu, Hát Bội, Cải Lương, Chèo Cổ thời xưa thường có các màn ca diễn của các vai hề chọc cười để khán giả đỡ nhàm chán hay giúp vui trong lúc thay cảnh trí.
Ở Miền Nam Việt Nam, thể loại Hài Kịch phát triển hơn rất nhiều so với miền Bắc. Nhưng theo thời gian, ở phía Bắc, sân khấu Hài Kịch cũng phát triển và sôi động không kém. Có lẽ Hài Kịch được bắt đầu từ Thoại Kịch. Năm 1960, khi Trường Quốc Gia Âm Nhạc được đổi tên thành Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, đã mở thêm phân khoa kịch nghệ tăng cường thêm các bộ môn Hát Bội, Cải Lương, và Thoại Kịch. Các học viên tốt nghiệp sau này đã trở thành các danh hài thường có kinh nghiệm và khả năng diễn xuất từ bên Thoại Kịch mà ra như La Thoại Tân, Xuân Phát, Tùng Lâm, Thanh Hoài,. Còn một số khác xuất thân từ sân khấu Cải Lương như Bảo Quốc, Kim Ngọc, Văn Chung.
Sau thập niên 2000 sân khấu Hài Kịch VN và Hài Độc Thoại hay Độc Diễn Tấu Hài (Stand Up Comedy) phát triển rầm rộ. Những nghệ sĩ gạo cội, nghệ sĩ kịch dài đua nhau diễn tấu hài vì kiếm tiền lẹ hơn. Mỗi đêm có thể chạy sô 3 tụ điểm, tiền thù lao có vài trăm ngàn. Đi tỉnh thì mấy triệu đồng, lại càng hấp dẫn. Cho nên, người ta thấy nghệ sĩ Ngọc Giàu lập nhóm với Anh Vũ, Hoàng Sơn với Phương Anh, Minh Béo với Bình Mập, Cát Phượng - Thái Hòa, Trung Dân - Trung Hải, Thúy Nga - Thanh Long, Phi Phụng - Thanh Tùng, Bảo Trí - Kim Tuyết, Tiết Cương - Phi Nga... Các tụ điểm, quán bar và chương trình đại nhạc hội, gặp gỡ khách hàng, giới thiệu thương hiệu... không khi nào thiếu tấu hài. Tiểu phẩm hài nở ra như nấm, có khi một tiểu phẩm diễn đến 5, 7 năm mà vẫn còn ăn khách, coi như hốt bạc dài dài. Có diễn viên chỉ mới học năm thứ nhất ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM (khoa diễn viên trung cấp) đã có thể lập nhóm đi diễn tấu hài.
Tuy nhiên vì nhu cầu đòi hỏi quá nhiều , dịch vụ cứ đẻ ra cho kịp số cung mà phẩm chất ngày càng kém dần thì cái gì cũng phải đi tới chỗ thất bại. Tấu hài ngày càng đi vào chỗ cẩu thả vì nội dung “tào lao”, thiếu khả năng sáng tác, không dàn dựng trau chuốt, tiết mục thì quá cũ, lập đi lập lại một cách nhàm chán. Khán giả không buồn bỏ tiền ra để mua cười nữa.
Đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận xét “Nếu xét về mặt nghệ thuật, tấu hài là một bộ môn độc đáo, hàm chứa trong nó tính mỹ học khi tiếng cười đạt đến trình độ thâm thúy, mượn hình thể diễn đạt ngôn từ, mượn ngôn từ khơi gợi trí tưởng tượng của hình thể. Lâu nay, các nhóm tấu hài cứ diễn theo tiếng cười sinh học, nghĩa là tạo hiệu ứng tức thời nhưng không đọng được những điều đáng để suy gẫm, để thấm thía về sau cho khán giả. Vì sao giá trị tiếng cười từ tấu hài ngày càng thấp kém, theo tôi, là do tiếng cười không có trách nhiệm, không trách nhiệm với bản thân người nghệ sĩ và không trách nhiệm với đời sống xã hội mà sân khấu hài đã được cuộc sống ban cho. Chính vì thế tính châm biếm cần thiết lại bị xem nhẹ, thay vào đó là những kiểu chọc cười vụn vặt, cù lét".
Nụ cười không mất tiền mua mà nó mang lại nhiều lợi lộc. Nó làm người nhận được vui vẻ, giàu có hơn, lại không làm người nghèo, nghèo hơn. Nó chỉ chiếm một vài giây thời gian của bạn, nhưng sự lưu lại của nó trong ký ức, đôi khi là mãi mãi. Tuy nhiên nụ cười không thể mua hay bán được, cho mượn, xin xỏ hay đánh mất. Tự nó không là gì, không có giá trị gì cho đến khi bạn cho nó đi, gởi nó tới một ai đó. Những người bận rộn không có thì giờ để cười. Những người đau khổ, mệt mỏi, buồn chán không thiết cười. Cho họ một nụ cười của bạn, họ cần hơn ai hết vì họ không còn gì để cho. Tuy nhiên có người cho rằng không phải lúc nào cũng cười mà phải biết cười vì cười là một nghệ thuật sống. Nó phản ảnh cá tính, cảm xúc, tư cách và lối cư xử của bạn. Cười nhạo, mai mỉa, chọc giận người khác là những nụ cười vô ý thức. Do đó khi trao tặng ai nụ cười bạn cũng nên trao tặng một nụ cười có ý thức và thật sự hạnh phúc.