Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tổng thống Miến Điện đề nghị ra luật về hôn nhân khác tín ngưỡng

Birmanie pagode


Chùa Kyaik Khuauk ở Thanlyin phía nam Răngun. Ảnh chụp ngày 22/02/2014.
REUTERS/Chaiwat Subprasom


Tổng thống Miến Điện hôm nay 28/02/2014 yêu cầu Quốc hội xem xét một dự án luật về hôn nhân giữa những người khác tôn giáo do một nhà sư Phật giáo cực đoan đưa ra, với mục đích « bảo vệ » cho những người theo đạo Phật vốn chiếm đa số tại nước này.

Hành động cổ vũ này diễn ra trong lúc Miến Điện đang bị rung chuyển trong hai năm gần đây bởi nhiều đợt bạo động chống người Hồi giáo, với những tuyên bố dân tộc chủ nghĩa của các nhà sư.

Ông Thein Sein từ năm 2011 lên lãnh đạo một chính phủ gần như dân sự sau nửa thế kỷ tập đoàn quân sự cầm quyền, đã gởi dự luật này cho các dân biểu kèm theo một lá thư, sau khi nhận được kiến nghị của các tu sĩ Phật giáo. Lá thư này có vẻ kêu gọi một dạng hạn chế các cuộc hôn nhân khác tôn giáo.

Đề nghị trên bao gồm cả một luật nhằm « bảo vệ người Phật giáo và các quyền khi họ kết hôn » với một người theo tôn giáo khác, đồng thời cấm đa thê và các quy định nhằm « cân bằng tăng trưởng dân số ».

Nhà sư Wirathu, người đề nghị dự luật tỏ ra vui mừng trước sự can thiệp của Tổng thống. Ông nói với AFP : « Chúng tôi không ngừng nỗ lực để có được một luật bảo vệ cấp quốc gia, điều này bắt đầu trở thành sự thực với thông điệp của Tổng thống ».

Năm ngoái, nhà sư này đã đòi hỏi rằng nam giới không theo đạo Phật muốn lấy một phụ nữ Phật giáo phải cải đạo trước, và được phép của cha mẹ cô dâu, nếu không sẽ có nguy cơ lãnh án 10 năm tù.

Thủ lãnh đối lập Aung San Suu Kyi tố cáo dự luật này, cho rằng đây là một sự « vi phạm nữ quyền và nhân quyền ».

Miến Điện đã đưa ra nhiều cải cách từ khi tập đoàn quân sự tự giải thể cách đây ba năm, nhưng bị các nhà bảo vệ nhân quyền chỉ trích về chính sách áp đặt mỗi phụ nữ tại bang Rakhine chỉ được có hai con – một bang mà đại đa số dân cư là người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi.

Khoảng 800.000 người Rohingya, được Liên Hiệp Quốc coi là một trong những sắc dân bị bức hại nhiều nhất trên hành tinh, sống tại bang Rakhine nằm sát biên giới Bangladesh.

Hai đợt bạo động giữa người Rohingya và người thiểu số Rakhine theo đạo Phật tại bang này năm 2012 đã làm cho hơn 200 người chết và 140.000 phải tản cư, chủ yếu là người Hồi giáo.

Bạo lực giữa những người khác tôn giáo mà nạn nhân chính là những người theo đạo Hồi sau đó đã lan rộng ra những địa phương khác.

Các nhà sư cực đoan đã kêu gọi tẩy chay các cửa hàng của người Hồi giáo, một số tu sĩ Phật giáo thậm chí còn trực tiếp tham gia các vụ bạo động.

Switch mode views: