Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nobel Vật lý 2013 : Phát hiện về hạt Higgs, "chìa khóa" để hiểu vũ trụ

NOBEL-PHYSICS


Nhà vật lý Anh Peter Higgs (phải) và nhà vật lý người Bỉ Francois Englert trong một hội nghị khoa học tại Genève hôm 4/7/2012.
REUTERS/Denis Balibouse/Files


Hôm nay, 08/10/2013, giải thưởng Nobel vật lý học được trao cho hai nhà khoa học, ông François Englert người Bỉ, 81 tuổi, và ông Peter Higgs người Anh, 84 tuổi.

Từ Hà Nội, giáo sư vật lý học Cao Chi cho biết một số nét về công trình được giải thưởng này và phản ứng trong giới vật lý Việt Nam.


Giáo sư Cao Chi : Giải Nobel Vật lý năm nay được trao cho công trình do ba nhà khoa học làm. Nhưng vì một nhà khoa học (ông Robert Brout, người Bỉ, sinh năm 1928) đã mất năm 2011, nên giải chỉ được trao cho hai người. Đó là giáo sư François Englert và giáo sư Peter Higgs.

Hạt Higgs này rất quan trọng. 50 năm nay người ta đi tìm, mãi đến năm 2011 mới phát hiện được, nhờ các thí nghiệm ở máy siêu gia tốc LHC.
Việc tìm được hạt này làm cho các lý thuyết mà người ta tìm được từ trước đến nay có được một cơ sở vững vàng.

Trước đây, lý thuyết để thống nhất các hạt tuân theo một đối xứng nhất định, mà khi tuân theo các đối xứng đó, thì các hạt đó không có khối lượng. Mà trong thực tế, các hạt đó có khối lượng. Cho nên một câu hỏi đặt ra là : Khối lượng đó ở đâu ra ?


Các nhà khoa học nói trên đã đưa ra một luận thuyết. Đó là tồn tại một hạt Higgs. Khi các hạt khác tương tác với hạt này, thì các hạt khác thu được khối lượng.
Nói nôm na là thế này : Hạt Higgs trong không gian làm thành một cái trường, một môi trường có nhiều « chất nhớt », nếu các hạt khác lọt vào đây, tự nhiên được chất nhớt đó làm cho có khối lượng.

Higgs AFP

 

 

Giả thuyết về hạt Higgs, được nhà vật lý Anh Peter Higgs đưa ra năm 1964, cùng với hai đồng nghiệp Bỉ Robert Brout et François Englert. (AFP)

 

Cái mô hình thống nhất ba loại « tương tác mạnh », « tương tác yếu », « tương tác điện từ » là mô hình đã được kiểm chứng rất nhiều. Nhưng cái khó khăn nhất, như tôi nói, là trong mô hình đó, các hạt không đúng với thực tế (tức là không có khối lượng, trong khi thực tế là có khối lượng). Nếu không tìm được yếu tố để giải thích được thực tế này, thì mô hình này xem như còn thiếu sót.

Việc tìm ra được hạt Higgs là một thành công lớn làm cho Mô hình Chuẩn về ba loại tương tác kể trên trở nên vững chãi. Và bây giờ, nếu Mô hình Chuẩn thống nhất ba tương tác, mà đã có cơ sở nhờ hạt

Higgs, thì trong tương lai, người ta có thể mạnh dạn tiến đến thống nhất với loại tương tác cuối cùng là « tương tác hấp dẫn ». Cho nên chuyện tìm ra hạt Higgs là một phát hiện vĩ đại.

(…) Vừa rồi chúng tôi nhận được tin này, chúng tôi rất mừng, vì mình đã viết một cuốn sách « Kỷ yếu Higgs ». Cuốn sách đó làm cho người ta thấy là mình cũng có một linh cảm nào đấy về giải thưởng Nobel. Năm tác giả là các giáo sư Pierre Darriulat, Phạm Xuân Yêm, Nguyễn Xuân Sanh, Chu Hảo và tôi.

Ông Pierre Darriulat là một giáo sư người Pháp, tầm cỡ Nobel (người sáng lập phòng thí nghiệm vật lý tia vũ trụ đầu tiên của Việt Nam đặt tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân). Ông đã đứng ra và tập hợp anh em khoa học lại, để viết quyển sách này. Quyển sách về hạt Higgs này sẽ ra mắt trong vòng vài tháng nữa.

Như vậy, điều này chứng tỏ giới khoa học Việt Nam rất quan tâm đến những vấn đề cơ bản như vậy, và dường như họ đã cảm thấy hạt Higgs sẽ là đối tượng của giải Nobel vật lý hôm nay.

RFI : Xin chân thành cảm ơn Giáo sư.

Switch mode views: