Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Án tù cho người H’Mông và Khmer


Nguoi H mong viet poverty 464x261 reuters

Người H'Mông hiện có cuộc sống dưới mức nghèo khổ ở Việt Nam

Ngày 26/9, bị cáo Giàng A Chứ, người H’Mông ở Điện Biên, bị tuyên án 3 năm tù về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Còn ở một phiên tòa khác hôm 25/9, một nhóm người Khmer ở Sóc Trăng nhận mức án từ 10 tháng cho đến 1 năm tù về tội ‘Gây rối trật tự công cộng’.

‘Vương quốc H’Mông’

Theo cáo trạng được truyền thông trong nước dẫn, Giàng A Chứ, 24 tuổi, thường trú tại xã Mường Toong, huyện Mường Nhé là người có vai trò dẫn đến vụ nổi loạn của người H’Mông ở đây hồi năm 2011.

Theo đó, Giàng A Chứ đã tham gia vào một tổ chức vận động cho việc thành lập một nhà nước độc lập của người H’Mông và tham gia ‘sáu cuộc họp để bàn công việc’.

Giàng A Chứ được phân công làm trợ lý cho ‘chủ tịch nước’ của ‘Nhà nước H’Mông’, cũng theo cáo trạng. Người này cũng được cho là đã tàng trữ tài liệu ‘nói xấu Nhà nước’ và ‘truyền Đạo Vàng Chứ’.

Đỉnh điểm của vụ việc là vụ nổi loạn chống chính quyền tại xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên khi hàng ngàn người H’Mông tụ tập cầu nguyện để ‘chờ đón Vua H’Mông’ hồi cuối tháng Tư cho đến đầu tháng Năm năm 2011 khiến chính quyền lúc đó phải triển khai quân đội và công an trấn áp.

121213074013 hmong trial 304x171 baolaichau nocredit

Hồi tháng Ba năm 2011, tám người H'Mông cũng đã bị đưa ra xét xử

Sau đó, Giàng A Chứ trốn sang Trung Quốc nhưng bị công an Trung Quốc bắt lại và giao cho công an Việt Nam.

Thông tấn xã Việt Nam cho biết bị cáo Chứ ‘đã thành thẩn khai báo và tỏ thái độ ăn năn hối cải’ nên tòa đã tuyên mức án thấp nhất trong khung hình phạt là ba năm tù và ba năm quản chế.

Hồi tháng Ba năm 2011, Tòa án tỉnh Điện Biên cũng đã tuyên án tám người H’Mông khác từ hai cho đến hai năm rưỡi tù do có vai trò tích cực trong việc chuẩn bị cho ngày tập hợp của người H’Mông ở Mường Nhé để đòi thành lập nhà nước riêng.

Tám bị cáo này bị truy tối về tội ‘phá rối an ninh’

Buộc hoàn tục

Còn trong vụ việc tại Sóc Trăng, bốn bị cáo Lý Thị Dạnh, Lâm Thị Loan, Lý Minh Hải và Tăng Pho La, đều là người thiểu số Khmer trú tại tỉnh Bạc Liêu, bị cáo buộc đã gây rối tại chùa Preay Chóp ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng hồi tháng Ba năm nay.

Theo cáo trạng, bốn người này đã cầm đầu một đám đông hàng trăm người kéo đến ngôi chùa trên để thị uy và gây áp lực với Ban trụ trì chùa vì đã buộc hoàn tục một tăng sỹ có tên là Lý Chanh Đa do ‘vi phạm giáo luật’.

Sinh hoạt của người Khmer trong một ngôi chùa ở miền Nam Việt Nam

Sinh hoạt của người Khmer trong một ngôi chùa ở miền Nam Việt Nam

Quyết định không cho tăng sỹ này tiếp tục tu hành là do Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng đến chùa Preay Chóp công bố.

Theo cáo trạng thì các bị cáo này đã đến chùa ‘la hét, kích động mọi người xung quanh hô hào, la hét theo’, ‘đánh trống liên hồi’, ‘có lời lẽ kích động mọi người đồng loạt vỗ tay, la hét’ để phản đối quyết định của nhà chùa.

Cũng theo Thông tấn xã Việt Nam thì các bị cáo này đã ‘thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình’ và ‘bày tỏ ăn năn hối cải, mong được giảm nhẹ hình phạt’.

Tuy nhiên, tòa đánh giá hành động của những người này là ‘gây nguy hiểm cho xã hội’ nên tuyên án Lâm Thị Loan và Lý Thị Dạnh đồng mức một năm tù, còn Lý Minh Hải và Tăng Pho La lần lượt nhận mức án là 11 và 10 tháng tù theo Điều 245 Bộ Luật Hình sự.

Hồi tháng Năm, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng ra thông báo rằng Lý Chánh Đa không còn là tu sỹ Phật giáo và buộc phải rời khỏi chùa do đã ‘trả lời phỏng vấn, gửi bài, tin, ảnh để xuyên tạc, vu cáo Đảng và Nhà nước phân biệt đối xử và đàn áp đồng bào sư sãi Khmer’.

Chính quyền Việt Nam bị các tổ chức của người Khmer Krom cáo buộc là đã sử dụng Hội đoàn kết sư sãi do họ kiểm soát để buộc hoàn tục những ai chống đối Nhà nước.

Vị sư bị buộc hoàn tục này bị chính quyền cáo buộc là đã hoạt động cho Liên minh Khmer Kampuchia Krom, một tổ chức vận động cho quyền lợi của người Khmer ở miền Nam Việt Nam.

Switch mode views: