Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lợi thế của Việt Nam để đón thượng đỉnh Kim-Trump ?

trump kim new meeting


Cuộc gặp lịch sử Donald Trump (phải) Kim Jong Un tại Singapore ngày 12/06/2018.
AFP/Saul Loeb

 

Chưa biết có được chọn tổ chức thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên lần thứ nhì hay không, nhưng Việt Nam có nhiều ưu điểm trong mắt của cả Washington, Bình Nhưỡng lẫn Seoul.

Trên đây là nội dung bài báo "Vì sao Việt Nam có thể là nơi diễn ra thượng đỉnh Trump - Kim ? " của Mike Ives đăng trên trang mạng báo New York Times, ngày 21/01/2019.

Mở đầu bài viết, tác giả ghi nhận, Việt Nam hiện đang được coi là một "ứng viên" có nhiều triển vọng nhất so với Thái Lan hay Hawaii để tổ chức sự kiện ngoại giao sắp tới này, sau cuộc gặp lịch sử giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un tại Sigapore vào tháng 6/2018.

Nếu lần này là Việt Nam, mọi chú ý sẽ dồn về quốc gia đã thoát khỏi nghèo khó và thế bị cô lập sau nhiều thập niên chiến tranh, để trở thành một trong những nền kinh tế năng động của khu vực Đông Nam Á.

Seoul và Washington hoan nghênh giải pháp Việt Nam

Giải pháp chọn Việt Nam dường như được cả Mỹ lẫn Hàn Quốc cùng tán thành.
Trước hết là đối với Hoa Kỳ : Một số các quan chức tại Washington lưu ý, cả về mặt chính trị lẫn kinh tế, Việt Nam là một tấm gương để Bắc Triều Tiên noi theo.

Mike Ives của tờ New York Times nhắc lại, Việt Nam và Hoa Kỳ năm 1995 đã bình thường hóa quan hệ 20 năm sau khi miền Bắc Việt Nam đánh bại Mỹ và chiếm được miền Nam, kết thúc Chiến tranh Việt Nam.

Kể từ năm 1995 đến 2016, Việt Nam bước vào một chu kỳ tăng trưởng ngoạn mục. Tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch với Hoa Kỳ nhảy vọt từ 52 tỷ đô la lên tới 451 tỷ trong hơn một chục năm.
Việt Nam giờ đây là một trong những thị trường có tiềm năng tăng trưởng nhanh nhất đối với khu vực xuất khẩu của Mỹ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo trong chuyến công tác Việt Nam gần đây nhất, là vào mùa hè năm ngoái từng tuyên bố "Việc chúng tôi chọn hợp tác hơn là đối đầu chứng minh rằng, khi một quốc gia quyết định gây dựng cho mình một tương lai tươi sáng hơn cùng với Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ giữ đúng lời hứa".

Với Bắc Triều Tiên và lãnh đạo nước này, ông Pompeo không vòng vo : "Phép lạ đó cũng có thể trở thành phép lạ của các bạn".

Còn đối với Hàn Quốc, Hà Nội và Seoul đã bình thường hóa quan hệ năm 1992.
Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam sau Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều năm ngoái dạt 62,6 tỷ đô la.

Bình Nhưỡng nghĩ gì nếu thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên được tổ chức tại Việt Nam ?

Theo tác giả bài báo trên New York Times, mặc dù Việt Nam và Bắc Triều Tiên cùng đi theo xã hội chủ nghĩa, nhưng điểm khác biệt giữa hai quốc gia này nằm ở chỗ Đảng Cộng Sản Việt Nam có truyền thống lãnh đạo tập thể, quyền lực trên đỉnh cao trong tay một nhóm các lãnh đạo. Còn ở Bắc Triều Tiên quyền lực thuộc về gia đình họ Kim.

Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên là một trong những nước bạn lâu đời nhất của Việt Nam.
Từ năm 1950, tức là bốn năm trước khi Hà Nội giành được độc lập trong tay chính quyền Pháp, Bình Nhưỡng đã công nhận chính quyền cộng sản Việt Nam.

Trong cuộc chiến chống Mỹ, Bắc Triều Tiên từng hỗ trợ Việt Nam cả về vật chất lẫn nhân sự.
Về phía Hà Nội, Việt Nam đã ủng hộ Bắc Triều Tiên tham gia Diễn Đàn Khu Vực ASEAN ARF và đã đóng vai trò hòa giải để Nhật Bản với Bắc Triều Tiên nối lại đối thoại.

Trong những năm tháng Bắc Triều Tiên bị đói kém hồi thập niên 1990, Hà Nội đã tham gia chương trình đổi lương thực lấy vũ khí, bán gạo cho Bình Nhưỡng đổi lấy hai tàu ngầm mini và hỏa tiễn Scud …

Việt Nam có khả năng tổ chức chu đáo thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên ?

Trong bài báo trên New York Times, Mike Ives ghi nhận đến nay, tin này không mấy được các mạng xã hội Việt Nam quan tâm nhiều, nhưng theo báo chí trong nước, Hà Nội muốn nắm bắt lấy cơ hội này để tăng thêm uy tín của Việt Nam.

Tuần qua, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố là nếu được chọn là điểm hẹn lần thứ nhì giữa nguyên thủ Mỹ và Bắc Triều Tiên thì Việt Nam sẽ làm "hết sức mình để tạo thuận lợi cho sự kiện đó".
Tác giả bài báo cũng lưu ý về chính sách đối ngoại không đơn giản của Việt Nam, đứng giữa ba nước lớn là Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Ives trích dẫn chuyên gia Lê Hồng Hiệp thuộc viên nghiên cứu ISEAS Đông Nam Á tại Singapore cho rằng, tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên là cơ hội tốt để quảng bá mô hình kinh tế của Việt Nam và sẽ giúp Hà Nội đóng một vai trò năng động hơn trong khu vực nhằm tăng cường ảnh hưởng kinh tế của Việt Nam.

Kim Jong Un muốn học hỏi Hà Nội ?

Vẫn chuyên gia Lê Hồng Hiệp được trích dẫn trên báo New York Times cho rằng cả phía Mỹ lẫn Hàn Quốc nên thận trọng khi so sánh Bắc Triều Tiên với Việt Nam, bởi theo ông Hiệp, Kim Jong Un là một nhà lãnh đạo có lối suy nghĩ rất độc lập, không chắc rằng ông muốn bị coi là người đi sau, phải học hỏi từ một quốc gia khác- đặc biệt là dưới áp lực của những quốc gia bên ngoài.

Một chuyên gia khác là Eunjung Lim thuộc đại học Ritsumeikan tại Kyoto - Nhật Bản, cũng thận trọng không kém qua nhận định : lãnh đạo Bình Nhưỡng cũng có thể dè dặt với mô hình phát triển của Việt Nam, bởi vì Hà Nội lệ thuộc quá nhiều vào nước láng giềng khổng lồ sát cạnh là Trung Quốc.

Chuyên gia Nhật Bản này không loại trừ khả năng Kim Jong Un thiên về mô hình phát triển của Singapore hơn, bởi dòng họ Lý đã biến đất nước này thành một đối tác chiến lược trên bàn cờ thương mại thế giới, cũng như là về vai trò trọng yếu của Singapore trong các lĩnh vực từ giao thông đến tài chính.

Tương tự như Singapore, Bắc Triều Tiên cũng có thể giữ một vị trí khá tốt giữa Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản, và điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phát triển kinh tế Bắc Triều Tiên sau này.

Đó là chưa kể Kim Jong Un có thể còn muốn sao chép luôn cả mô hình gia đình trị của dòng họ Lý bên Singapore, lãnh đạo đất nước từ năm 1965.
Nhưng có một khác biệt lớn giữa Singapore với Bắc Triều Tiên là tại Singapore có bầu cử dân chủ.


 
 
 
 
Switch mode views: