Vì sao Donald Trump đột ngột nổi giận với đồng nhiệm Pháp ?
- Thứ Tư, 14 tháng Mười Một năm 2018 18:05
- Tác Giả: Trọng Thành
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu bên cạnh đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, nhân lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất. Ảnh ngày 11/11/2018.
Jacques Demarthon/Pool via REUTERS
Ngay sau chuyến công du Pháp dự đại lễ tưởng niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất trở về, sáng hôm qua, 13/11/2018, tổng thống Donald Trump liên tục tung lên nhiều thông điệp Tweet đả kích dữ dội đồng nhiệm Pháp.
Vì sao ? Phải chăng tổng thống Mỹ nổi giận trước hết là vì cặp Pháp-Đức đang có nhiều nỗ lực chưa từng có, đặt nền móng cho một lực lượng phòng vệ độc lập cho châu Âu, với hệ quả là Liên Hiệp Châu Âu sẽ ngày ít phụ thuộc vào vũ khí Hoa Kỳ ?
Kể từ hơn một năm nay, tức từ khi tổng thống Mỹ và phu nhân được đón tiếp trọng thể tại Paris với tư cách khách mời danh dự, nhân lễ Quốc khánh Pháp, có lẽ chưa bao giờ quan hệ giữa Donald Trump và Emmanuel Macron lại căng thẳng đến như vậy.
Mời xem thêm : Macron - Trump: Tình bạn thắm thiết ít ai ngờ
Trước khi đến Pháp dự lễ, tổng thống Mỹ đã gửi Tweet phê phán tổng thống Pháp về dự án phòng thủ riêng của châu Âu.
Trở về Mỹ, Donald Trump lần lượt tung ra 4 thông điệp đả kích, về hàng loạt chủ đề khác nhau, từ ý tưởng lập « quân đội » riêng của châu Âu của tổng thống Pháp, đến việc Emmanuel Macron trong buổi lễ vừa qua đã lên án quyết liệt « chủ nghĩa dân tộc », một chỉ trích gần như là trực tiếp nhắm vào cá nhân ông Trump.
Tổng thống Mỹ cũng bất bình khi cho rằng Pháp đã bất công với Mỹ khi đánh thuế nhập khẩu rượu cao, trong khi Hoa Kỳ lại rộng rãi mở cửa thị trường cho rượu vang Pháp…
Trong đoạn Tweet cuối cùng gửi tổng thống Pháp, ông Donald Trump nhận xét : « Vấn đề là Emmanuel (tên gọi thân mật của tổng thống Pháp) hiện đang khổ vì tỉ lệ được lòng dân rất thấp tại Pháp : 26%, và một tỉ lệ thất nghiệp gần 10% ».
Tổng thống Mỹ tung ra lời hiệu triệu : « Hãy làm cho nước Pháp vĩ đại trở lại! » như một sự mỉa mai.
Hồi năm ngoái, chính tổng thống Pháp đã từng dùng điệp khúc «Hãy làm cho hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại!», để gián tiếp phê phán quan điểm đặt nước Mỹ trên hết và quyết định rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, của ông Donald Trump.
Giương Đông, kích Tây để chinh phục cử tri Mỹ
Ăn miếng trả miếng. Đối lại những lời lẽ hùng biện lên án « chủ nghĩa dân tộc » mù quáng, được ví như « sự phản lại chính lòng yêu nước » của Emmanuel Macron, tổng thống Mỹ khẳng định là « không có quốc gia nào lại dân tộc chủ nghĩa hơn nước Pháp, đó là một dân tộc rất kiêu hãnh. Chính xác là như vậy ! ».
Đáp lại các dòng Tweet dữ dội của tổng thống Mỹ, điện Élysée tỏ ra bình thản. Trả lời báo giới, một cố vấn của tổng thống Macron đánh giá là các thông điệp của ông Donald Trump chỉ có mục tiêu duy nhất là nhắm vào các cử tri Mỹ, và đây là công việc nội bộ của nước Mỹ.
Tuy nhiên, đằng sau những lời lẽ cay nghiệt đối với đồng nhiệm Pháp, có lẽ tổng thống Mỹ đang thật sự lo lắng và bất bình về các nỗ lực chưa từng có của cặp bài trùng Pháp-Đức, đang đặt nền móng cho một lực lượng phòng vệ độc lập cho châu Âu, về quan hệ Pháp – Đức đang ngày càng gắn bó.
Sợ Liên Hiệp Châu Âu tự trị về quốc phòng
Trước mắt Washington đang hiện rõ viễn cảnh một nền công nghiệp châu Âu lớn mạnh, và trong thời gian không xa, thị trường châu Âu sẽ đóng cửa với vũ khí Hoa Kỳ.
Theo quan điểm của ông Donald Trump, các nước châu Âu phải chi tối thiểu là 2% GDP cho quốc phòng, và khoản tiền này chủ yếu sẽ được dùng để mua vũ khí và dịch vụ quân sự của Mỹ.
Tuy nhiên, tổng thống Pháp đã thẳng thừng bác bỏ điều này.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn phát trên kênh truyền thông Mỹ CNN, hôm Chủ Nhật vừa qua, 11/11, ngay vào lúc ông Donald Trump còn ở Paris, tổng thống Macron nhấn mạnh là ông « không muốn thấy các nước châu Âu tăng ngân sách quốc phòng để mua vũ khí Mỹ… Nếu chúng tôi (tức Liên Âu) tăng ngân sách, sẽ là để xây dựng sự độc lập (về quân sự) của chúng tôi ».
Từ một năm nay, Pháp và Đức liên tục có các dự án phòng vệ chung trong lĩnh vực quân sự, về máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, hay thiết giáp.
Một quỹ phòng vệ chung của châu Âu đã ra đời với 13 tỉ euro vốn đầu tiên, cho phép khởi sự kể từ năm tới các nghiên cứu chung trong lĩnh vực quân sự.
Tháng 6 vừa qua, 9 nước châu Âu nhất trí thành lập «Sáng kiến can thiệp châu Âu », nhằm tạo ra một « văn hóa chiến lược chung » trong lĩnh vực quân sự.
Đối với những người ủng hộ dự án xây dựng châu Âu, thì một Liên Hiệp Châu Âu vững mạnh, không thể không độc lập về quân sự.
Sáng kiến một quân đội chung của châu Âu được tổng thống Pháp đưa ra cách nay ít hôm, bị tổng thống Mỹ chỉ trích dữ dội, đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của thủ tướng Đức.
Phát biểu về tương lai châu Âu trước Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, ngày hôm qua 13/11, bà Angela Merkel khẳng định Liên Âu cần một quân đội chung nhằm tăng cường khả năng tự vệ.
Cũng như lãnh đạo Pháp, thủ tướng Đức nhấn mạnh là lực lượng này sẽ phối hợp với Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), sản phẩm của quan hệ đồng minh lâu đời Âu – Mỹ.
Tin mới
- Pháp-Mỹ : "Các đồng minh cần tôn trọng lẫn nhau" - 15/11/2018 23:10
- Nhập cư : Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ thị sát khu biên giới chung Mêhicô - 15/11/2018 23:01
- Cuba rút hàng ngàn bác sĩ khỏi Brazil - 15/11/2018 21:40
- Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung : Bắc Kinh nhượng bộ? - 15/11/2018 21:31
- Phong trào chống xăng dầu lên giá dọa phong tỏa nước Pháp - 15/11/2018 21:23
- Israel: Bộ trưởng Quốc Phòng từ chức, thủ tướng Netanyahu bị suy yếu - 15/11/2018 21:16
- « Quân đội châu Âu » và « Sáng kiến can thiệp châu Âu » - 15/11/2018 21:08
- ASEAN cảnh báo "hiệu ứng domino" của chủ nghĩa bảo hộ - 14/11/2018 23:23
- ASEAN - Trung Quốc : Biển Đông vẫn gây cản trở quan hệ - 14/11/2018 23:13
- Rohingya : Phó tổng thống Mỹ trực tiếp chỉ trích Aung San Suu Kyi - 14/11/2018 18:50
Các tin khác
- Nga dọa tẩy chay Diễn Đàn Kinh Tế Davos - 14/11/2018 17:28
- Ý cứng rắn duy trì dự thảo ngân sách, bất chấp đề nghị của châu Âu - 14/11/2018 17:18
- Vụ nhà báo Mỹ bị rút giấy phép : CNN kiện Nhà Trắng - 14/11/2018 16:55
- Vụ GS Chu Hảo: Giới nghiên cứu Việt Nam trên thế giới phản đối - 14/11/2018 16:45
- Châu Á, miền đất hứa đang được Nga thăm dò - 13/11/2018 22:06
- ASEAN muốn Miến Điện quy rõ trách nhiệm về các tội ác ở bang Rakhine - 13/11/2018 21:46
- Quan niệm mới ''Ấn Độ - Thái Bình Dương'' : Một thách đố với ASEAN - 13/11/2018 20:31
- Trung Quốc: Một nhóm sinh viên mác-xít bị bắt vì ủng hộ công nhân tranh đấu - 13/11/2018 19:48
- Hàn Quốc trấn an về các bức ảnh vệ tinh căn cứ tên lửa Bắc Triều Tiên - 13/11/2018 19:40
- Pháp tưởng niệm các vụ khủng bố Paris ngày 13 tháng 11 - 13/11/2018 19:32