Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Yếu tố Mỹ trong quan hệ Nhật - Trung

trump-asia-japan 2

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhân chuyến công du châu Á của nguyên thủ Mỹ, ngày 06/11/2017.
REUTERS/Kiyoshi Ota/Pool

Vì lợi ích kinh tế, Nhật Bản và Trung Quốc sưởi ấm quan hệ. Nhưng những xung khắc về chiến lược và phản ứng của Hoa Kỳ vẫn thách thức quan hệ Tokyo - Bắc Kinh.

Tại thượng đỉnh Nhật Trung, Shinzo Abe đối thoại với Tập Cận Bình, nhưng vẫn để ý đến phản ứng của Donald Trump ở Washington.

Chính sách ngoại giao khác thường của Nhà Trắng và chủ trương bảo hộ mậu dịch của tổng thống Trump đang góp phần giúp cải thiện quan hệ Nhật - Trung.

Là một đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, thủ tướng Shinzo Abe công du Trung Quốc vào lúc hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đang lao vào một cuộc chiến thương mại và Washington "tấn công" Bắc Kinh trên nhiều mặt trận.

Giới quan sát cho rằng, thủ tướng Nhật cần tìm một thế cân bằng giữa Donald Trump với Tập Cận Bình.
Lần đầu tiên công du Trung Quốc kể từ khi trở lại cầm quyền năm 2012, thủ tướng Nhật Bản không che giấu tham vọng lật sang trang 7 năm quan hệ nguội lạnh với Bắc Kinh vì tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong vùng biển Hoa Đông.

Khoảng 500 doanh nhân Nhật Bản tháp tùng ông Abe tới Bắc Kinh lần này.
Có nhiều tín hiệu cho thấy đối thoại song phương giữa hai ông Shinzo Abe và Tập Cận Bình sẽ suôn sẻ, ít ra là trong vế kinh tế, thương mại.

Đơn giản là vì, thứ nhất, Nhật Bản không thể lơ là với Trung Quốc, thị trường gần 1 tỷ rưỡi người tiêu dùng và cũng là đối tác thương mại và kinh tế hàng đầu của nhiều tập đoàn xứ hoa anh đào.
Thứ hai, Tokyo vẫn còn choáng váng vì bị Mỹ bỏ rơi khi quyết định rút khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP.
Sau cùng, từ mùa xuân năm nay, điểm tựa của Nhật là Mỹ, lại liên tục dùng lá bài kinh tế và thương mại để hù dọa Tokyo.

Trước khi lên đường sang Bắc Kinh, thủ tướng Abe đã liên tục có những tuyên bố chứng tỏ thiện chí thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Thậm chí ông để ngỏ khả năng tham gia dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21. Đây là một sáng kiến của ông Tập Cận Bình kết nối Trung Quốc với các châu lục từ Á sang Phi và cả châu Âu.

Còn Bắc Kinh thì cần đến đối tác và cũng là đối thủ trong vùng Đông Bắc Á này, trong lúc Washington liên tục tăng thuế nhập khẩu nhắm vào hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ.
Để bảo đảm cho tăng trưởng quốc gia, để đối phó với những đòn tấn công liên tục từ phía một tổng thống chủ trương bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ trên hết, ông Tập Cận Bình đang cần có thêm đồng minh trong vùng châu Á, mà Nhật Bản là một yếu tố không thể thiếu.

Trả lời đài CNN của Mỹ, giáo sư Koichi Nakano, giảng dạy tại đại học Tokyo, cho rằng "ông Tập Cận Bình sẽ thuyết phục thủ tướng Abe rằng Trung Quốc và Nhật Bản cùng hội cùng thuyền" : tương tự như Bắc Kinh, Tokyo cũng là nạn nhân của các biện pháp bảo hộ mà chính quyền Trump đang áp dụng.

Một chuyên gia về Nhật Bản thuộc đại học Bắc Kinh, được báo Japan Times trích dẫn, cũng cho rằng "đôi bên cần có nhau" và sưởi ấm quan hệ song phương là điều cần thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh" chính sách của Donald Trump về châu Á gây nhiều lo ngại".
Nhưng xua tan những hiềm khích giữa hai cường quốc đông bắc Á này chỉ trong ba ngày có mặt tại Trung Quốc là nhiệm vụ bất khả thi đối với ông Abe.

Chỉ riêng về mặt kinh tế, Trung Quốc và Nhật Bản là những đối thủ cạnh tranh với nhau.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, Bắc Kinh đang thu hẹp khoảng cách với Tokyo.

Ngoài ra, thủ tướng Abe cũng phải thận trọng, tránh để thái độ thân thiện với Bắc Kinh khiến tổng thống Hoa Kỳ phẫn nộ, bởi đến nay, Donald Trump vẫn treo lơ lửng quyết định đánh thuế nhôm, thép và nhất là xe hơi Nhật bán sang thị trường Mỹ.
Đó là chưa kể an ninh của Nhật được đặt trong tay Hoa Kỳ và Washington có thể dùng lá bài này để chi phối đối thoại Nhật - Trung.

Ngoài hồ sơ kinh tế là lĩnh vực mà Tokyo và Bắc Kinh dễ nói chuyện với nhau, còn lại hiềm khích từ quá khứ lịch sử giữa hai nước và hàng loạt những xung khắc từ quân sự đến chiến lược.

Một ngày trước khi lên đường sang Trung Quốc, thủ tướng Abe nhắc lại quyết tâm thúc đẩy việc cải tổ bản Hiến pháp hòa bình.
Mục tiêu của Tokyo là làm đối trọng với Bắc Kinh trước những tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc với khu vực Biển Hoa Đông lẫn Biển Đông.

Liên quan đến Biển Đông, Nhật Bản liên tục nâng cấp các chương trình hợp tác với nhiều nước trong vùng Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Bắc Kinh.
Báo Japan Times nhắc lại, mới chỉ tháng trước, hải quân Nhật đã ghé thăm cảng Việt Nam và Tokyo đã cho tàu ngầm tham gia một cuộc diễn tập trên vùng biển có nhiều tranh chấp này.

Về phía Trung Quốc, các hoạt động cả trên biển lẫn trên không bị cho là mang tính khiêu khích của nước này trong khu vực ngày càng tăng tốc.
Một chủ đề nhậy cảm khác trong đối thoại giữa thủ tướng Abe với ông Tập liên quan đến chính sách trừng phạt Bắc Triều Tiên.

Nhật chủ trương cứng rắn với Bình Nhưỡng, trong lúc Bắc Kinh vận động quốc tế nhanh chóng xóa bỏ cấm vận Bắc Triều Tiên khuyến khích chế độ Kim Jong Un từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Trong bối cảnh đó, không một ai tin rằng quan hệ Tokyo – Bắc Kinh được cải thiện thực sự trong một sớm một chiều.

Chuyên gia về quan hệ Nhật - Trung tại đại học Harvard của Mỹ, Ezra Vogel kết luận : ông Abe là một nhà lãnh đạo có tinh thần dân tộc chủ nghĩa cao, nhưng lại rất thực dụng, cho nên Bắc Kinh chớ nên kỳ vọng quá nhiều vào chuyến công du, dù là rất quan trọng, của thủ tướng Nhật Bản lần này.

Switch mode views: