Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bạo động tháng Ba : Miến Điện kết án tù nặng 3 người Hồi giáo

meiktila soldat miendien




Binh sĩ canh gác trên đường phố sau vụ bạo động ở Meikhtila, 23/03/2013.
REUTERS/Soe Zeya Tun

 



AFP, dẫn nguồn tin của báo chí chính thức tại Miến Điện hôm nay 12/04/2013 cho hay 3 người theo Hồi giáo đã bị chính quyền nước này kết án 14 năm tù vì tội đã gây ra vụ ẩu đả để dẫn tới xung đột tôn giáo lớn khiến 43 người thiệt mạng hồi tháng Ba vừa qua tại miền trung Miến Điện.

Ba người bị kết án gồm một chủ cửa hàng cùng với vợ và một nhân viên của ông.

 Họ là những người theo đạo Hồi, tuổi còn trẻ từ 21 đến 24, bị bắt sau các vụ bạo động dữ dội xảy ra tại thành phố Meikhtila.

Các bị cáo bị kết tội vì đã đánh đập thô bạo một khách hàng theo đạo Phật chỉ vì một cuộc cãi nhau bình thường.

 Thế nhưng vài giờ sau vụ xô xát này, cả thành phố Meikhtila nhanh chóng rơi vào cảnh bạo động hỗn loạn. Nhiều khu phố của người Hồi giáo bị đốt phá hoàn toàn.

Nhật báo của chính quyền The Mirror bình luận rằng « chính từ sự kiện đã làm nảy sinh vấn đề dẫn đến vụ bạo động ở Meikhtila » và tờ báo chỉ rõ những bị cáo bị kết tội là thủ phạm cố ý gây bạo loạn.

Một nguồn tin của cảnh sát tại địa phương xác nhận án tù 14 năm cho ba bị cáo, đồng thời cho biết cả ba đều theo đạo Hồi.

Vụ bạo động nổ ra ở Meikhtila hôm 21/3 sau đó còn lan rộng sang nhiều thành phố làm nhiều nhà thờ Hồi giáo khác bị phá hủy. Chính quyền sau đó đã phải ban hành tình trạng khẩn cấp, triển khai quân đội mới vãn hồi được trật tự.

Theo AFP, chính quyền lên án mạnh mẽ những hành động bạo loạn cực đoan mang màu sắc tôn giáo, tuy nhiên sau vụ việc trên, không một người nào theo Phật giáo bị bắt giữ cho dù không ít nhà sư đã có những phát biểu chống Hồi giáo và thậm chí còn tham gia cả vào các vụ đốt phá đền thờ của người Hồi giáo.

Chính phủ dân sự của Miến Điện từ hơn hai năm nay đang tiến hành hàng loạt các cải cách về chính trị cũng như kinh tế.

 Các cuộc xung đột cộng đồng sắc tộc, tôn giáo vẫn luôn là thách thức lớn cho tiến trình cải tổ ở Miến Điện.



Switch mode views: