Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Biển Đông : Mỹ làm gì để đối phó hiệu quả hơn với chiến thuật của Trung Quốc ?

USS Theodore Roosevelt


Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt tại Biển Đông, ngày 10/04/2018
REUTERS

Việc Bắc Kinh dồn dập bố trí phương tiện quân sự tối tân tại hai quần đảo tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp phản đối từ phía quốc tế, khiến công luận đặt câu hỏi về chiến lược của Hoa Kỳ và các đồng minh phải chăng đã không có kết quả.

Trong những ngày gần đây, dường như tham vọng quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc bắt đầu vấp phải phản ứng mạnh hơn, đặc biệt với việc, ngày 25/05/2018, Mỹ chính thức rút lời mời Bắc Kinh tham gia RIMPAC, được coi là cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới.

Trước đó một hôm, ngày 24/05, Vụ Khảo Cứu Quốc Hội Mỹ ra một báo cáo về Biển Đông và biển Hoa Đông, nêu ra một số đề xuất cho một chiến lược mới để đối phó hiệu quả hơn với Trung Quốc.
Báo cáo, nhan đề « Các vùng Đặc Quyền Kinh Tế (EEZ) và vùng biển tranh chấp liên quan đến Trung Quốc : Các đề xuất trình Quốc Hội », nêu ra sáu gợi ý của các chuyên gia.

Về Biển Đông, thứ nhất là Hoa Kỳ cần có « các tuyên bố mạnh mẽ hơn », báo động với Trung Quốc « về các hậu quả », nếu Bắc Kinh tiếp tục « các hoạt động đơn phương và mang tính áp đặt », hàm ý việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự tại các thực thể địa lý mà Bắc Kinh chiếm đóng tại Biển Đông, vốn bị nhiều nước láng giềng phản đối.

Thứ hai, Hoa Kỳ cần ra một tuyên bố làm rõ việc Washington đặt một số thực thể địa lý do Philippines kiểm soát trong phạm vi Hiệp Định Phòng Thủ Chung Mỹ-Phi, trong trường hợp các khu vực này bị Trung Quốc xâm phạm.

Các thực thể địa lý nói trên bao gồm Bãi Cạn Scarborough, Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và có thể một số đảo, đá khác.
 Việc bảo đảm an ninh cho các đảo nói trên, đang bị Trung Quốc bao vây hay dòm ngó, là tương tự như điều mà Hoa Kỳ đã làm đối với quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông, theo một hiệp ước hợp tác về an ninh với Tokyo.

Thứ ba, Washington cần đẩy mạnh các hoạt động nhằm giúp cho các đồng minh và đối tác tại khu vực « nâng cao nhận thức trong lĩnh vực hàng hải » (MDA - maritime domain awareness)và năng lực bảo vệ các vùng biển quốc gia « bằng lực lượng tuần duyên hay hải quân ».

Thứ tư, gia tăng các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (gọi tắt là FONOP) « trong các khu vực 12 hải lý của các thực thể địa lý mà Trung Quốc chiếm giữ tại Biển Đông » hiện nay, và tiến hành các tuần tra tại Biển Đông cùng với các quốc gia đồng minh.

Thứ năm, « tăng cường các hợp tác an ninh với các đồng minh và đối tác trong khu vực, và với Ấn Độ, nhằm tạo ra một liên minh, đối trọng lại » sự lấn tới của Trung Quốc.
Gợi ý thứ sáu được nêu ra là Washington cần có một số các biện pháp bổ sung khác, để Bắc Kinh hiểu rằng họ phải trả giá cho các hành động tại khu vực này, ví dụ như mời « Đài Loan tham gia tập trận RIMPAC 2018 ».

Một « mỏ thông tin quý »

Về báo cáo nói trên của Vụ Khảo Cứu Quốc Hội Mỹ, trong một bài viết trên báo mạng The Diplomat hôm 29/05, chuyên gia Bonnie Girard, một người am hiểu về quan hệ Mỹ -Trung Quốc, nhận định toàn bộ báo cáo hơn một trăm trang nói trên là « một mỏ thông tin quý giá ».

Ngoài các gợi ý nhằm cải thiện chiến lược đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông nói trên, báo cáo còn cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về lịch sử tranh chấp Biển Đông những năm gần đây, các chiến thuật lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc, với tên gọi « Salami-Slicing » (cắt lát) hay « Bắp cải » (bóc vỏ từng lớp), việc phối hợp tuần duyên, tàu cá, dân quân, giàn khoan trong các hoạt động bành trướng trên biển…

Tham vọng đòi hỏi chủ quyền đối với bốn quần đảo ở Biển Đông, bao gồm « Đông Sa » (Dongsha, tức Pratas Islands do Đài Loan Kiểm Soát), « Tây Sa » (Xisha, tức Hoàng Sa), « Nam Sa » (Nansha, tức Trường Sa), « Trung Sa » (Zhongsha, tức bãi cạn Macclesfield, là một bãi ngầm nằm cách Hoàng Sa 75 hải lý về phía đông), mà Bắc Kinh gọi chung là « Tứ Sa »…

Sơ kết chiến lược ngăn chặn Trung Quốc thời Obama

Báo cáo của Quốc Hội Mỹ sơ kết lại các hoạt động ngăn chặn Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông dưới chính quyền tiền nhiệm Obama.
Chính quyền Obama bị nhiều chuyên gia chỉ trích là đã hành động không đủ mạnh, để ngăn chặn chiến thuật « cắt lát » của Trung Quốc.
 Tiêu biểu là khá thụ động trước việc Trung Quốc lấn chiếm Bãi Cạn Scarborough năm 2012, hay việc Trung Quốc bồi đắp nhiều đảo nhân tạo với quy mô lớn ở Trường Sa, kể từ năm 2014.

Chính quyền Obama cũng bị phê phán là đã không có các hoạt động truyền thông đủ mức để hậu thuẫn và quảng bá cho các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, được khởi sự từ cuối năm 2015, cũng như không hậu thuẫn đủ mạnh cho phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, bác bỏ yêu sách Đường 9 Đoạn (thường được gọi là Đường Lưỡi Bò) của Trung Quốc, hồi 2016, do bị Philippines khởi kiện.
Phán quyết bị Bắc Kinh làm lơ.

Ngược lại, những người ủng hộ chiến lược ngăn chặn tham vọng Trung Quốc ở Biển Đông, dưới thời tổng thống Mỹ Obama, ghi nhận nhiều kết quả cụ thể như việc Bắc Kinh buộc phải xuống thang trong tham vọng kiểm soát Bãi Cạn Scarborough (1) và cho đến nay chưa dám tuyên bố thành lập Vùng Nhận Dạng Hàng Không (ADIZ) tại Biển Đông, như trước đó đã làm tại biển Hoa Đông.

Chính quyền Obama, phối hợp với nhiều nước trong khu vực, đã buộc Bắc Kinh phải « trả giá đắt về chính trị và uy tín », do các hành động gây hấn tại Biển Đông.

Đưa New Delhi vào trung tâm chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương

Trở lại với hiện tại, trong lúc tham vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế (2) ngày càng lộ rõ, chính quyền Hoa Kỳ đang tiếp tục kết nối các quốc gia trong khu vực nhằm ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc.
Trong chiến lược của Hoa Kỳ, Ấn Độ có vai trò đặc biệt quan trọng.

Theo hãng tin CNN, hôm qua 30/05, Hoa Kỳ thông báo đổi tên BộChỉ HuyThái Bình Dương thành Bộ Chỉ Huy Ấn Độ-Thái Bình Dương (INDOPACOM).

Kể từ giờ, Bộ Chỉ Huy Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, với 375.000 quân nhân và nhân viên dân sự phụ trách một khu vực rộng lớn gấp bội, liên quan đến 36 quốc gia bên bờ hai đại dương.
Quyết định nói trên là một biện pháp nhằm thực thi chiến lược xoay trục mạnh hơn sang châu Á của chính quyền Donald Trump, được chính thức đưa ra hồi cuối năm ngoái, trong đó Ấn Độ được coi là một trụ cột.

Quyết định được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Trung Quốc ồ ạt triển khai hàng loạt tên lửa chống hạm và tên lửa địa đối không tại ba đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa, và đưa oanh tạc cơ chiến lược, có khả năng mang bom hạt nhân tới quần đảo Hoàng Sa.

Hợp tác quân sự giữa Ấn Độ với nhiều quốc gia Đông Nam Á gia tăng. Cách đây mươi hôm, tàu chiến Ấn Độ lần đầu tiên diễn tập với Hải Quân Việt Nam. Ấn Độ cũng vừa thỏa thuận với Indonesia xây dựng cảng quân sự bên bờ eo biển chiến lược Malacca.
 Ngày mai, 01/06, thủ tướng Ấn Độ có kế hoạch tham dự Diễn đàn Đối thoại An ninh châu Á Shangri-La, Singapore.

Ông Narendra Modi sẽ là thủ tướng Ấn Độ đầu tiên tham dự diễn đàn này. Bên cạnh hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, vấn đề Biển Đông chắc chắn là một chủ đề trung tâm của hội nghị.

****
    Theo nhiều nhà quan sát, trước áp lực quốc tế, sau vụ thắng kiện của Philippines, Bắc Kinh mới chỉ tạm thời cho tàu chiến rời khỏi khu vực này hồi 2017, nhưng sẵn sàng trở lại khi có điều kiện.

 Cho đến nay, Hoa Kỳ chưa tham gia vào Công Ước Quốc Tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), hiệp ước quốc tế từng là cơ sở cho phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, bác bỏ yêu sách Đường 9 Đoạn (thường được gọi là Đường Lưỡi Bò), hồi 2016, do bị Philippines khởi kiện.
 Phán quyết của tòa án quốc tế bị Bắc Kinh bác bỏ, trong lúc Trung Quốc cũng là thành viên của công ước UNCLOS.

Báo cáo của cơ quan nói trên của Quốc Hội Mỹ trước hết nêu ra một số lợi ích của việc tham gia vào công ước UNCLOS, sẽ cho phép tiếng nói của Hoa Kỳ có trọng lượng hơn. Nhiều nước Đông Nam Á hy vọng Mỹ trở thành thành viên của UNCLOS, vì đối với các quốc gia này, đây là « khuôn khổ chính để giải quyết các tranh chấp về biển ».
Tuy nhiên, báo cáo cũng dẫn lại một số ý kiến phản đối, cho rằng ở ngoài UNCLOS, Hoa Kỳ có thể hỗ trợ tốt hơn cho các nước ASEAN, bởi không cần UNCLOS, luật pháp quốc tế về biển hiện tại là đủ để làm cơ sở cho các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải màWashington tiến hành trong những năm gần đây.

Switch mode views: