Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thượng đỉnh Trump-Kim có thể diễn ra ở nơi nào ?

Kim- trump 2


Thượng đỉnh Kim Jong Un và Donald Trump diễn ra ở đâu? Đây vẫn còn là một ẩn số.
REUTERS/KCNA & REUTERS/Lucas Jackson/File Photo

Ngày 18/04/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ là có 5 địa điểm đang được xem xét để chọn làm nơi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh lịch sử giữa ông với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, theo dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 6.

Nhưng tổng thống Mỹ lại không nói rõ đó là 5 địa điểm nào. Giới quan sát một lần nữa có cơ hội thi nhau đồn đoán về những nơi có thể đón tiếp hai ông Donald Trump và Kim Jong Un.

Nơi đầu tiên thường được nhắc đến chính là Bàn Môn Điếm, ngôi làng nằm tại khu phi quân sự giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên.
Đây sẽ là nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vào ngày 27/04/2018 tới.

 Lợi thế của Bàn Môn Điếm là cả hai bên đều có thể đến dễ dàng và an ninh được bảo vệ cao độ.
Thế nhưng, theo các nguồn tin ngoại giao, không chắc là ngôi làng này sẽ được phía Hoa Kỳ chấp nhận.
 Washington vẫn không quên đây chính là nơi mà vào năm 1976, hai quân nhân Mỹ bị lính Bắc Triều Tiên giết chết, trong một vụ gọi là Axe Murder Incident.

Cũng có người mường tượng ra cảnh một vị tổng thống của siêu cường quốc hàng đầu thế giới đặt chân xuống sân bay Bình Nhưỡng, rồi đoàn xe của lãnh đạo nước Mỹ sẽ băng ngang qua Quảng trường Kim Nhật Thành.

Những hình ảnh vô cùng ngoạn mục này rất phù hợp với thói thích biểu hiện đầy kịch tính của cả hai ông Donald Trump và Kim Jong Un.
Thế nhưng, để tổng thống Trump đến thăm Bình Nhưỡng chẳng khác gì Hoa Kỳ tặng cho Bắc Triều Tiên một món quà quá lớn mà chưa biết là họ có xứng đáng hay không.

 Đó là chưa kể Bắc Triều Tiên sẽ nắm quyền kiểm soát nhiều hơn nếu thượng đỉnh diễn ra ở Bình Nhưỡng.
Nhân Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang vừa qua, em gái của lãnh đạo Kim Jong Un, cô Kim Yo Jong, đã đến thủ đô Seoul, vì thế nhiều người đồn đoán rằng thủ đô Hàn Quốc có thể là nơi tổ chức thượng đỉnh Hoa Kỳ-Bắc Triều Tiên.

 Nếu Kim Jong Un đặt chân lên miền Nam, đây sẽ là một chuyến đi mang đầy biểu tượng, nhưng sẽ gây nhiều tranh cãi trong chính giới Hàn Quốc.
Mặt khác, nếu Kim Jong Un đến Seoul, ông sẽ được chú ý nhiều hơn là Trump, điều mà Nhà Trắng vẫn muốn tránh.

Còn nếu chọn Bắc Kinh để đón tiếp thượng đỉnh Hoa Kỳ-Bắc Triều Tiên thì sao ?
 Cả hai ông Donald Trump và Kim Jong Un đều đã từng đến thủ đô Trung Quốc trong vòng 6 tháng qua.

Việc hai ông gặp nhau ở đây có vẻ là hợp lý, nhất là vì lãnh đạo Bắc Triều Tiên có thể đến đây bằng xe lửa một cách an toàn.
Tuy nhiên, tổ chức thượng đỉnh ở Bắc Kinh sẽ cho Tập Cận Bình quá nhiều ảnh hưởng lên cuộc họp giữa hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên, và nếu cuộc họp thành công, Trung Quốc chắc chắn sẽ nói là nhờ công của họ.

Một số nhà quan sát cũng nghĩ đến Ulan Bator, thủ đô Mông Cổ. Quốc gia này có quan hệ tốt với Washington và Bình Nhưỡng, nên có thể đóng vai trò trung gian.
Mông Cổ đã công khai đề nghị được đón tiếp thượng đỉnh Trump-Kim.
Nhưng nếu nói về vai trò trung gian hòa giải thì Mông Cổ chắc không nặng ký bằng Thụy Sĩ, một quốc gia trung lập và cũng là nơi mà Kim Jong Un từng du học.

Cũng có vị thế quan trọng không kém, đó là hai nước Bắc Âu Thụy Điển và Phần Lan.
Đặc biệt Thụy Điển hiện vẫn là nước đại diện cho các lợi ích của Mỹ ở Bắc Triều Tiên và có một truyền thống lâu đời làm trung gian hòa giải giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Khác với cha ông là Kim Jong Il, lãnh đạo Kim Jong Un không hề sợ đi máy bay, vì trong nước ông vẫn thường di chuyển bằng phương tiện giao thông này.
Cho nên không loại trừ khả năng là lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ đáp máy bay đến Helsinski hoặc Stockholm để đạt đến hòa ước với tổng thống Donald Trump, đưa tên tuổi của hai người vào lịch sử nhân loại.

Còn nếu không muốn sang châu Âu, ông Kim Jong Un có thể bay xuống Đông Nam Á, vì trong danh sách những nơi có thể được chọn đón tiếp thượng đỉnh Trum-Kim, có Singapore, nơi mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên gặp một lãnh đạo Đài Loan, tổng thống Mã Anh Cửu vào năm 2015.

Việt Nam cũng được cho là một nơi đang được xem xét, vì quốc gia vẫn duy trì quan hệ tương đối tốt với Bắc Triều Tiên, đồng thời đã cải thiện đáng kể bang giao với quốc gia cựu thù Hoa Kỳ.

Nói chung hiện giờ khó mà nói là phần thắng có thể nghiêng về địa điểm nào, bởi lẽ cả hai ông Donald Trump và Kim Jong Un đều là những người không thể nào đoán trước được hành động.


Switch mode views: