Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đức ngạc nhiên trước cử chỉ hòa dịu của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

turkey-germany

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan (P) tiếp thủ tướng Đức Angela Merkel, tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 18/10/2015
REUTERS/Umit Bektas

Các tuyên bố mới đây của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về quan hệ tốt đẹp với Đức, nhân một chuyến công du nước ngoài, gây ngạc nhiên tại Đức, bởi năm 2017 sắp qua là một năm đầy căng thẳng trong quan hệ song phương.

Công luận Đức đặt nhiều câu hỏi về các diễn biến tiếp theo. Liệu đây là một bước ngoặt, quan hệ Đức – Thổ sẽ được cải thiện từ nay?
Nói chuyện với báo giới, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không loại trừ khả năng công du châu Âu trong năm tới 2018.

Thông tín viên Pascal Thibault tường trình từ Berlin,

«Nhật báo Frankfurter Allgemeine, trong số ra hôm nay, đã chế giễu thái độ của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, khi gọi các nước châu Âu như Đức là ‘‘bạn cũ’’.

Những người ‘‘bạn cũ’’ từng bị gọi là ‘‘phát xít’’chỉ mới vài tháng trước trước, khi họ không cho phép nhiều lãnh đạo trong chính quyền Thổ nhập cảnh, để tổ chức các cuộc mít-tinh vận động cử tri Thổ Nhĩ Kỳ, tại nước mình.

Trên một chuyến phi cơ đến Tunisia mới đây, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhắc đến các quan hệ - mà theo ông - thường xuyên tốt đẹp với thủ tướng Đức Angela Merkel, hay tổng thống Frank-Walter Steinmeier.

Năm 2017 tuy nhiên lại là năm đầy căng thẳng giữa Berlin và Ankara.
Ngoài việc các cuộc mít-tinh vận động cử tri bị cấm tại Đức, Ankara cũng nhiều lần cáo buộc đối tác, bị tình nghi bảo trợ cho những kẻ bị coi là khủng bố.

Cụ thể là trường hợp những người ủng hộ giáo sĩ Gulen, bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính hụt tháng 7/2016.
Về phần mình, Berlin nhiều lần phê phán tình trạng nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ, lên án việc Ankara cầm tù nhiều công dân Đức, những người mà Berlin coi là ‘‘tù nhân chính trị’’.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho ba người Đức trong những tuần gần đây được coi như một cử chỉ hòa dịu từ phía Ankara.
Nổi tiếng nhất trong số họ là thông tín viên Denis Yucel, người từ 10 tháng nay vẫn đang chờ cáo trạng».

Chiến tranh visa Mỹ - Thổ chấm dứt

Về quan hệ, Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ, AFP dẫn lại thông báo hôm qua của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Ankara, theo đó các hoạt động cấp visa sẽ trở lại bình thường.

Khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước bùng lên sau khi chính quyền Ankara bắt giữ nhân viên ngoại giao Mỹ mang tên Metin Topuz, hồi tháng 10. Ông Metin Topuz bị tình nghi có liên hệ với giáo sĩ Gullen, một đối thủ của tổng thống Erdogan.
Washington quyết định ngừng cấp visa kể từ đó. Ankara lập tức trả đũa.

Về lý do của việc cấp visa trở lại bình thường, bộ Ngoại Giao Mỹ giải thích, do phía Thổ Nhĩ Kỳ đã «có các bảo đảm ở cấp cao», Washington tin tưởng là điều kiện an ninh đã đủ cải thiện.
Theo đại sứ quán Mỹ, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ thông báo trước» với Hoa Kỳ, nếu trong tương lai có ý định bắt giữ các nhân viên lãnh sự địa phương.


Switch mode views: