Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bangladesh lên kế hoạch triệt sản người Rohingya tị nạn

rohingya-bangladesh 9

Người tị nạn Rohingya tại trại Balu Khali, Bangladesh. Ảnh 27/10/2017.
REUTERS/Adnan Abidi

Hãng tin AFP, hôm nay 28/10/2017, cho biết, chính phủ Bangladesh dự kiến đưa ra một chương trình triệt sản tự nguyện tại các trại tị nạn của người Rohingya đang trong tình trạng quá tải.
 Đa số người Rohingya tại các trại tị nạn sống trong tình trạng tồi tệ, với khả năng tiếp cận thực phẩm, vệ sinh và y tế hạn chế.

Chính quyền địa phương lo ngại việc thiếu kế hoạch hóa gia đình sẽ làm dân số các trại tăng lên khiến cho chính quyền không đủ sức đáp ứng nhu cầu ngày một tăng.
Ông Pintu Kanti Bhattacharjee, người phụ trách cơ quan kế hoạch hóa gia đình tại khu vực tập trung các trại tị nạn Rohingya ở thành phố Cox’s Bazar, cho biết : Cộng đồng người Rohingya nhận thức kém về việc kiểm soát sinh đẻ.

Theo ông, người Rohingya rất lạc hậu, do tại Miến Điện, sắc dân Hồi Giáo này bị xem là những người nhập cư trái phép, nên không được tiếp cận với nhiều phúc lợi xã hội, trong đó có giáo dục.
Tại các trại tị nạn, nhiều hộ gia đình Rohingya có quy mô rất lớn, trong đó có những gia đình có tới 19 người con. Rất nhiều đàn ông Rohingya có nhiều vợ.

Cơ quan kế hoạch hóa gia đình tại địa phương đã phát động chiến dịch cung cấp các phương tiện tránh thai, song chính quyền cho biết là cho đến nay họ đã phân phát 549 gói bao cao su để phân phát cho người tị nạn, nhưng những người Rohingya lại dè dặt sử dụng biện pháp này.

Do vậy, chính quyền địa phương đã đề nghị chính phủ Bangladesh ủng hộ kế hoạch sử dụng các biện pháp triệt sản đối với người Rohingya.
Tuy nhiên, kế hoạch này chắn chắn sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người tị nạn.

Trao đổi với hãng tin AFP, rất nhiều người Rohingya tin rằng, gia đình lớn sẽ giúp họ sống sót trong các trại tị nạn, nơi mà những cuộc chiến giành giật thực phẩm và nước uống diễn ra như cơm bữa, và lũ trẻ sẽ là người mang về chiến lợi phẩm.

Trong khi lương thực tại các trại tị nạn ở Bangladesh luôn khan hiếm, lúa trên các cánh đồng của người Rohingya tại bang Rakhine, đã bước vào mùa thu hoạch.
Hôm nay 28/10/2017, truyền thông nhà nước cho biết, chính phủ Miến Điện sẽ thu hoạch lúa trên 71 000 mẫu tại vùng Maungdaw, mà người Rohingya bỏ lại sau cuộc thanh lọc sắc tộc bùng phát hồi tháng 8.

Các quan chức chính phủ từ chối bình luận về việc số lúa sau khi thu hoạch sẽ đi đâu, điều này càng làm gia tăng lo ngại về khả năng hồi hương của sắc dân Hồi Giáo Rohingya.

Switch mode views: