Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Brexit: Ngờ vực và thất vọng tại Anh sau “nhân nhượng” của Bruxelles

eu-summit 4

Thủ tướng Anh Theresa May rời Hội Nghị Thượng Đỉnh Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles (Bỉ) ngày 20/10/2017.
Reuters

Trong ngày thượng đỉnh cuối cùng tại Bruxelles hôm 19/10/2017, các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đã tỏ ra nhân nhượng với thủ tướng Anh trong vấn đề Brexit, với việc « bật đèn xanh » cho việc khởi sự các thương lượng « nội bộ » về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit.

Về nguyên tắc, thương lượng giai đoạn hai này chỉ bắt đầu sau khi Luân Đôn và Bruxelles đạt thỏa thuận về khoản tiền Anh Quốc phải trả cho Liên Hiệp Châu Âu.

Cử chỉ có vẻ nhân nhượng này được đón nhận tại nước Anh với thái hoài nghi.

Thông tín viên Muriel Delcroix tường trình từ Luân Đôn,

« Nếu thiện chí mà khối 27 nước thể hiện đã cho phép thủ tướng Anh tuyên bố ‘‘lạc quan’’, thì phe ủng hộ Brexit quyết không để bị mê hoặc.
Một người phát ngôn của phe này, nghị sĩ bảo thủ Bernard Jenkin cho rằng thái độ nhân nhượng của các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu chỉ ‘‘là một hình ảnh đánh lừa thị giác’’.

Trên thực tế, nếu như tại thượng đỉnh ở Bruxelles vừa qua, khối 27 nước rõ ràng đã thay đổi giọng điệu, thì về cơ bản vấn đề chính vẫn còn nguyên.
Đó là khoản tiền chung cuộc mà Luân Đôn phải trả để cuộc ly dị giữa Luân Đôn và Liên Hiệp Châu Âu được hoàn tất và hai đối tác có thể chuyển qua các thương thuyết về quan hệ thương mại tương lai.

Có nhiều đồn đại là thủ tướng Anh Theresa May sẵn sàng trả một khoản tiền lớn hơn nhiều so với 20 tỉ euro, mà lãnh đạo Anh đề nghị trước đó tại Florence, Ý.
Bà Theresa May không phủ nhận điều này trước các nhà báo tại Bruxelles.

Tuy nhiên, nếu như việc này xảy ra, thủ tướng Anh sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trả cho Liên Âu một số tiền lớn như vậy là điều không thể chấp nhận được đối với nhiều cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ bà, với hy vọng nước Anh sẽ lấy lại được tiền.

Ngay chính trong hàng ngũ đảng Bảo Thủ, cũng sẽ có nhiều tiếng nói phản đối, trước hết là các bộ trưởng ủng hộ Brexit trong chính phủ.
Vậy là, trong khi chờ đợi vòng đàm phán mới vào tháng 12, thượng đỉnh Bruxelles vừa qua chỉ gây ngờ vực và thất vọng ».

Trong lúc đàm phán Brexit có biểu hiện dẫm chân tại chỗ, việc Anh Quốc và Liên Âu chia tay nhau không « thỏa thuận », sau ngày 29/03/2019, sẽ để lại nhiều hệ quả nặng nề đối với nước Anh.

Thủ tướng Anh cũng để ngỏ viễn cảnh xấu này, trong lúc nội bộ đảng cầm quyền đang rất phân hóa, giữa một bên ủng hộ « ly dị » không nhân nhượng, bên kia muốn đạt được một thỏa thuận bằng mọi giá, để tránh thiệt hại cho kinh tế.

Theo Liên Đoàn Thương Nhân Anh (BREC), giá thực phẩm nhập khẩu từ lục địa trung bình sẽ tăng khoảng 22% (60% thực phẩm Anh phụ thuộc vào châu Âu), hàng hóa sẽ phải mất thêm từ 2 đến 3 ngày để làm thủ tục.
Các hãng hàng không Anh và châu Âu sẽ không được phép tổ chức các chuyến bay trực tiếp.

Ngành điện hạt nhân Anh, chiếm 20% sản lượng toàn quốc, sẽ bị tác động mạnh, do thiếu vật liệu. Ngành tài chính sẽ mất khoảng 70.000 chỗ làm.
Trong khi đó, việc đi lại giữa Bắc Ailen và Ailen của 30.000 người sẽ gặp trở ngại do tái lập kiểm soát biên giới.

Switch mode views: