Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lãnh đạo quân đội Miến Điện: Quốc tế ''thổi phồng'' hồ sơ Rohingya

birmanie rohingyas

Người tị nạn Rohingya tới Bangladesh, trên đường về trại tị nạn Cox's Bazar, ngày 02/10/2017.
REUTERS/Cathal McNaughton

Tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện hôm nay 12/10/2017 khẳng định cộng đồng quốc tế đã « thổi phồng » số người tị nạn Rohingya bỏ trốn ra nước ngoài.

Tuyên bố này được đưa ra vào lúc Liên Hiệp Quốc lên án nạn thanh lọc chủng tộc nhắm vào người Rohingya, và Hội Đồng Bảo An chuẩn bị họp kín ngày mai về vấn đề này.

Tướng Min Aung Hlang viết trên Facebook :
 « Nói rằng số người Bengali trốn sang Bangladesh rất lớn là phóng đại ».
Ông dùng từ « Bengali » để chỉ người Rohingya, và tố cáo báo chí phương Tây có hành vi « tuyên truyền ».

Tuy nhiên theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, tính đến cuối tháng Tám đã có trên nửa triệu trong số một triệu người Rohingya sống tại Miến Điện, đã phải chạy trốn sang Bangladesh, và còn hàng ngàn người khác đang tìm cách di tản.

Trong một báo cáo công bố hôm qua, thu thập lời kể của 65 nhân chứng, Liên Hiệp Quốc kết luận rằng quân đội Miến Điện đã đàn áp một cách có hệ thống, nhằm ngăn cản người Rohingya quay lại.

Ông Rupert Colville, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève, cho RFI biết thêm chi tiết :
« Những lời kể của các nhân chứng đều tương tự như nhau. Họ thuật lại những vụ tấn công vào làng, binh sĩ nổ súng không cần cảnh báo và đốt cháy làng mạc.

Những người khác cho biết có những ngôi làng hoàn toàn không còn dân cư, và những câu nói thường nghe là :
 « Mấy người không phải ở đây, quay về Bangladesh đi, nếu không sẽ bị tra tấn hoặc giết chết ».
Thế nên, với những gì đã biết được, chúng tôi kết luận rằng, đúng là chúng ta đang đối mặt với một sự đàn áp có tổ chức, có phối hợp và hệ thống.

Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã nêu ra cách đây ba tuần, như một ví dụ điển hình cho nạn thanh lọc chủng tộc.
Chúng tôi cũng thấy vậy, cụ thể là rõ ràng quân đội không chỉ muốn đẩy người Rohingya ra khỏi Miến Điện, mà còn ngăn cản họ quay lại.

Các tổ chức nhân đạo bị hạn chế vào, đa số bị cấm, khiến chúng tôi rất quan ngại. Bởi vì hiện vẫn có từ 200.000 đến 300.000 người Rohingya ở miền bắc bang Arakan, đa số đã phải trốn khỏi nơi cư trú và chúng tôi không biết họ đang sống trong những điều kiện như thế nào ».

Pháp và Anh ngày mai tổ chức một cuộc họp kín không chính thức của Hội Đồng Bảo An về vấn đề Miến Điện, với sự tham dự của cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, tác giả bản báo cáo mới đây về người Rohingya.
Cùng ngày, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jeffrey Feltman sẽ đến thăm Miến Điện trong chuyến công du bốn ngày.

Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm qua loan báo sẽ ngưng tất cả những cuộc tiếp xúc với tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện, và có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt « nếu tình hình không được cải thiện ».

EU cũng kêu gọi chính quyền Miến Điện nhanh chóng mở cửa « hoàn toàn, bảo đảm an ninh và vô điều kiện » cho viện trợ nhân đạo đến bang Rakhine.
Trong bối cảnh đó, hôm nay Hội Đồng Giám Mục Miến Điện loan báo Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ đến thăm nước này vào cuối tháng 11, với tư cách một sứ giả hòa bình.

Switch mode views: