Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bão Harvey : Tổng thống Trump và biến đổi khí hậu

storm-harvey-trump 2

Tổng thống Mỹ Donald Trump nghe báo cáo về hoạt động cứu trợ nạn nhân bão Harvey, tại Corpus Christi, Texas, ngày 29/08/2017.
REUTERS/Carlos Barria

Sau bang Texas, đến lượt bang Lousiana phải đối mặt với lụt lội vì mưa lớn từ cơn bão Harvey, hoành hành từ ngày 25/08/2017.

Tổng thiệt hại về tài sản được ước tính từ 30 tỉ đến 100 tỉ đô la.
Hiện có 33 người thiệt mạng vì bão, con số này ít hơn nhiều so với 1.836 người chết trong cơn bão Katrina, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và liên bang.

Khác với người tiền nhiệm Cộng Hòa Georges W. Bush, tổng thống Donald Trump đã không đánh giá thấp cơn bão Harvey và nhanh chóng đến vùng bị thiên tai để chia sẻ và động viên người bị nạn và lực lượng cứu trợ.

Là người luôn nghi ngờ về biến đổi khí hậu, tổng thống Donald Trump nghĩ gì về cơn bão Harvey, có sức tàn phá hơn do nhiệt độ trên vịnh Mêhicô cao hơn rất nhiều vì hiện tượng trái đất nóng lên ?

Theo xã luận của nhật báo Le Monde (01/09/2017), dù ông Donald Trump tỏ ra sốt sắng xử lý khủng hoảng và nhanh chóng bình luận trên mạng xã hội Twitter về cơn bão Harvey, song vẫn có nhiều thắc mắc chính đáng xung quanh chính sách xử lý thiên tai của người đứng đầu Nhà Trắng.

Trước hết, chính ông Trump, ngày 15/08/2017, đã hủy một sắc lệnh của người tiền nhiệm Barack Obama, nhằm cấm sử dụng ngân sách liên bang để xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng có nguy cơ lụt lội.

Vậy tổng thống Mỹ sẽ phải ra các chỉ thị nào để khôi phục các khu vực bị tàn phá ?
Thực vậy, tổng thống Donald Trump vẫn không ngừng tuyên bố muốn giảm bớt ngân sách của cơ quan đặc trách khắc phục thiên tai và các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn để ưu tiên đầu tư các dự án khác, như tăng cường ngân sách cho quân sự và xây một bức tường dọc biên giới với Mêhicô.

 Liệu sau cơn bão Harvey, tổng thống Mỹ có giảm bớt chi phí cho hai dự án này không ?
Tiếp theo, phải nhắc đến sự im lặng của tổng thống Donald Trump về việc xem nhẹ vấn đề biến đổi khí hậu.

Dù các chuyên gia tỏ ra thận trọng về sự tương quan chặt chẽ giữa một hiện tượng tự nhiên như bão Harvey với việc trái đất nóng lên, nhưng riêng tổng thống Mỹ không đưa ra bất kỳ ẩn ý nào trong những lời bình luận về cơn bão.

Thái độ im lặng của người đứng đầu Nhà Trắng không khiến ai ngạc nhiên. Ngày 04/08/2017, Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris 2015, còn tổng thống Mỹ thì không ngừng ca ngợi « than sạch tuyệt vời ».

Ông Trump vẫn duy trì thái độ nghi ngờ về hiện tượng biến đổi khi hậu và nín lặng trước những hậu quả thiên tai tại Hoa Kỳ.
Thực ra, quyết định rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris của tổng thống Mỹ mang tính chính trị vì ông muốn chứng minh cho những người ủng hộ là đã giữ lời hứa lúc tranh cử.

Trong khi đó, khả năng « tái cam kết » không bị tổng thống Donald Trump ngăn chặn, như nội dung bài diễn văn ngày 01/06, trong đó ông vừa gay gắt lên án hiệp định khí hậu vừa đề xuất « đàm phán lại ».
Nhà Trắng hiểu được các hạn chế của mình vì phải tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận đã được cựu tổng thống Obama phê chuẩn.

Có nghĩa là tổng thống Donald Trump chỉ có thể khởi động tiến trình rút khỏi hiệp định COP 21 sau thời hạn ba năm kể từ ngày văn bản này bắt đầu có hiệu lực.
Nói một cách khác, ông không thể rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Khí hậu trước tháng 11/2019.

Có lẽ cơn bão Harvey, hơn bao giờ hết, mang lại một bài học cần thiết cho chính phủ Mỹ để người dân Houston không trở thành những người lưu vong vì khí hậu.
Thái độ nghi ngờ về biến đổi khí hậu không thể nào ngăn cản mực nước dâng lên.


Switch mode views: