Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Quân đội Trung Quốc: Tập Cận Bình loan báo bước cải tổ thứ hai

sous-marin chinois

Một tầu ngầm của quân đội Trung Quốc.
REUTERS

Với mục tiêu biến quân đội Trung Quốc thành một lực lượng tinh nhuệ có năng lực hợp đồng tác chiến cao hơn, sau khi hoàn thành giai đoạn một là cải tổ các cơ chế chỉ huy, vào hôm qua, 18/04/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã loan báo bước cải cách thứ hai, thiết lập 84 đơn vị cấp trung gian.

Theo giới quan sát, công việc cải tổ này cho phép ông Tập Cận Bình củng cố trong thực tế quyền kiểm soát quân đội.

Trong một bản tin vào tối hôm qua, 18/04/2017 Tân Hoa Xã trích phát biểu của ông Tập Cận Bình với chỉ huy các đơn vị mới tại Bắc Kinh, theo đó công cuộc cải tổ được tiến hành « mang ý nghĩa sâu sắc và quan trọng trong việc xây dựng một quân đội đẳng cấp thế giới ».

Cuộc cải tổ phản ánh nỗ lực trong nhiều năm qua của lãnh đạo Trung Quốc nhằm hiện đại hóa quân đội nước này, nhấn mạnh hơn trên những năng lực mới như chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin và điện tử.

Báo Trung Quốc China Daily cho biết là bước cải tổ này tập trung trên một kiến trúc mới, bao gồm 84 đơn vị quân đội hỗn hợp, với sĩ quan chỉ huy mang quân hàm thiếu tướng hoặc chuẩn đô đốc, và quân số chọn lọc từ các lực lượng có sẵn trong quân đội, vì lẽ Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch ban hành từ năm 2015 nhằm cắt giảm 300.000 quân.

Từ nay cho đến năm 2020, Trung Quốc sẽ xây dựng một cơ chế chỉ huy tác chiến hỗn hợp, sắp xếp lại các quân khu hiện có, đồng thời tiếp tục tinh giản số lượng binh lính, đặc biệt là trong các lực lượng phi chiến đấu.

Trong giai đoạn một của cuộc cải tổ, Trung Quốc đã giảm số lượng 7 quân khu trước đây thành 5 đại quân khu, đồng thời biến 4 tổng cục trong quân đội - bao gồm nhân sự, chính trị, hậu cần và vũ khí - thành 15 cơ quan. 84 đơn vị mới thành lập sẽ trực thuộc 15 cơ quan này.

Trả lời câu hỏi của hãng Reuters, tướng hồi hưu Hứa Quang Dụ (Xu Guangyu), chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Hiệp Hội Giải Trừ Quân Bị và Kiểm Soát Khí Giới tại Bắc Kinh, xác định đây là bước quan trọng thứ hai trong công cuộc cải tổ quân đội mà ông Tập Cận Bình chủ trương, nhắm vào các đơn vị cấp trung, sau khi đã hoàn thành đợt cải cách nhắm vào những cấu trúc cấp cao.

Cải tổ theo mô hình Mỹ ?

Do việc chi tiết về công cuộc cải tổ chưa được tiết lộ nhiều, giới phân tích quân sự nước ngoài chưa thể xác định tác động của tiến trình này đến năng lực chiến đấu của quân đội Trung Quốc.

Richard Bitzinger, chuyên gia nghiên cứu về quân sự tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S.Rajaratnam ở Singapore, cho rằng tác động có thể là tích cực, vì với các đơn vị nhỏ hơn, quân đội Trung Quốc có thể trở nên linh hoạt, nhanh nhẹn hơn.

Dường như Trung Quốc đã lấy ý tưởng từ cách tổ chức của quân đội Mỹ.
 Theo ông Bitzinger, các đơn vị quân đội mới của Trung Quốc có thể được trang bị để tự cung tự cấp, với các bộ phận tình báo pháo binh, công binh của riêng mình.

Tuy nhiên, chuyên gia này thận trọng cho rằng để cho các thay đổi phát sinh hiệu quả, cần phải mất thêm nhiều thời gian nữa.

Song song với việc cải tổ cơ cấu, Trung Quốc cũng đã nhanh chóng nâng cấp các thiết bị quân sự và vũ khí của mình, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng thêm quyết đoán trong việc áp đặt chủ quyền tại Biển Đông, cũng như tìm cách mở rộng sức mạnh quân sự ra nước ngoài.

Hải quân là lực lượng được Bắc Kinh ưu tiên phát triển, như lời thừa nhận mới đây của ông Vương Duy Minh (Wang Weiming), phó tổng tham mưu trưởng hải quân Trung Quốc, bên lề khóa họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh đang tăng tốc phát triển thêm các loại tàu tuần dương, tàu khu trục và sẽ đẩy mạnh tuần tra trên biển, trên không.

Theo ghi nhận của Reuters, báo chí Trung Quốc hiện đang suy đoán là rất có thể quân đội Trung Quốc cho hạ thủy một hàng không mẫu hạm thứ hai, hoàn toàn made in China, vào ngày 23/04 tới đây, nhân kỷ niệm ngày thành lập lực lượng hải quân.

Switch mode views: