Tokyo đón mừng năm mới 2017
- Chúa Nhật, 01 tháng Giêng năm 2017 02:25
- Tác Giả: Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel
Sau khi Minh Trị Thiên Hoàng lên ngôi vào năm 1868, ông có tham vọng chạy đuổi theo sự tiến bộ của thế giới phương Tây bằng mọi giá, ông làm một cuộc duy tân nước Nhật mà sau này lịch sử gọi là “Minh Trị Duy Tân.”
Một trong những nét duy tân đó, ông cho đổi ngày Tết Âm Lịch (Tết Nguyên Đán) thành Tết Dương Lịch theo lịch của người phương Tây để các cơ quan hành chính, thương mại, tài chính ngân hàng của nước Nhật có thể làm việc nhịp nhàng theo “lịch” làm việc của Âu Châu.
Kể từ đó, nước Nhật đón mừng “Tết Nguyên Đán” đầu năm Dương Lịch vào ngày mùng Một Tháng Giêng mỗi năm.
Tất cả các điểm văn hóa, phong tục dân gian của Tết Âm Lịch đều được “chuyển sang” thời gian Dương Lịch.
Có lẽ trong một vài thập niên khởi đầu sự thay đổi, người dân Nhật cũng gặp rất nhiều khó khăn trong sự chuyển đổi một tập tục đã có từ lâu đời, nhất là chuyển đổi cả một “không gian đón mừng Tết” không phải là một sự dễ dàng.
Những người dân vùng quê ngày xưa, họ thường ăn mừng luôn cả hai ngày Tết, Tết Âm Lịch và Tết Dương Lịch. Bây giờ “không gian đón mừng Tết Âm Lịch” dần dần cũng đã tan loãng với thời gian.
Phố Ginza Tokyo đón mừng năm mới đến. (Hình: ATNT Tours)
Một trong những trọng điểm văn hóa thay đổi mà người ta nhận thấy là trong khi văn hóa Tây phương đón giao thừa bằng giây phút countdown thì người dân Đông Kinh đón giao thừa bằng cách tối giao thừa họ đi viếng thăm đền Minh Trị Thần Cung, một ngôi đền được dân Nhật xây để tưởng nhớ đến vị Thiên Hoàng đã đưa nước Nhật từ vị trí thấp kém tủi nhục trở thành một đất nước hùng mạnh, có vai vế sánh ngang hàng với các đế quốc phương Tây.
Ông đã làm cho người phương Tây không còn dám khinh thường giống dân da vàng Châu Á (trận hải chiến Nga-Nhật năm 1905 xảy ra và kết quả hải quân Nga thua trận đã chứng minh điều đó).
Ngôi đền Minh Trị Thần Cung nằm gần khu vực nhà ga tàu điện Harajuku, bên cạnh khu Olympic nơi Tokyo được tổ chức Thế Vận Hội vào năm 1964.
Đền tương đối lớn và uy nghiêm nếu phải so với các ngôi đền Thần Đạo khác. Nhưng khác với những ngôi đền Thần Cung khác, đền Minh Trị được người ta giới thiệu chút ít về lịch sử triều đại của vị Thiên Hoàng này bằng hai ngôn ngữ Nhật và Anh.
Dĩ nhiên lịch sử đất nước nào cũng thường nói hay nói tốt về lịch sử của họ.
Chỉ nội trong một đêm giao thừa thôi, hàng năm có hơn cả triệu người dân Nhật đi cả đêm đến viếng đền.
Nếu bạn có chứng kiến cảnh một ngôi đền nhỏ như thế mà phải tiếp nhận một số lượng người kinh khủng như thế (trong một đêm) mà cảnh sát Nhật vẫn kiểm soát được một cách trật tự thì người ta mới ngưỡng mộ hết tài năng của ngành cảnh sát Nhật.
Những ai đã từng sống ở Tokyo lâu năm thì thế nào cũng có dịp một lần đón giao thừa ở đền Minh Trị.
Chỉ có tham dự bạn mới cảm nhận hết được những cảm xúc “đêm giao thừa ở đền Minh Trị Thần Cung.”
Đây cũng là thời điểm mà du khách có thể xem tận mắt những lễ nghi và phong tục của một ngôi đền Thần Cung tại Tokyo, từ cung cách người dân Nhật đi qua các cổng “tori” của đền đến cung cách “rửa tay, rửa miệng, làm sạch thân” trước khi vào đền viếng “Thần.”
Ngay cả khi cầu nguyện, cách người Nhật cũng có cung cách cầu nguyện khác hẳn các dân tộc khác.
“Kadomatsu” dựng trong một Hotel chào mừng Thần Năm Mới. (Hình: ATNT Tours)
Người Nhật không ăn mừng lễ Giáng Sinh, nhưng người ta có thể hình dung ra được rằng thời gian từ dịp lễ Giáng Sinh đến đêm giao thừa là thời gian người Nhật nhộn nhịp cho thời gian đón Tết.
Các cửa hàng lớn cạnh tranh quảng cáo “on sale” khắp mọi nẻo đường phố. Tokyo vốn là thành phố luôn luôn đông kín người, kể cả mùa Đông. Không có mùa nào mà thủ đô Tokyo vắng người vắng shoping.
Nhưng đặc biệt, vào Tháng Mười Hai là tháng mà người ta nhận thấy tất cả các gian hàng, cửa hàng đều được trang trí rực rỡ, các khu phố nổi danh như Ginza, Shinjuku, Shibuya, Harajuku, Ikebukuro… đâu đâu cũng thấy trang trí hình dáng “cây thông giáng sinh” và đèn đuốc cho những ngày lễ hội.
“Cây thông Giáng sinh” được trang trí quanh thành phố không có nghĩa là người Nhật theo đạo Công Giáo nhiều.
Đây có lẽ chỉ là một dấu mốc báo hiệu cho dân Nhật biết “năm mới” sắp đến.
Trong tuần lễ này, người ta bắt đầu thấy trong các khu nhà ga, các gian hàng đã bày bán các loại cây như “cây nêu,” các loại cây được nối kết lại theo phong tục Tết của người Nhật như “kadomatsu” (*), “shimenawa” (**), hay “wakazari” (***) là các loại cây được được kết nối lại với mục đích trừ tà đuổi quỷ hay mang lại mọi điều tốt làng trong ngày đầu năm mới được bày bán khắp mọi nơi.
Giá cả của các “kadomatsu, shimenawa, hay wakazari” tùy theo kích thước lớn hay nhỏ nhưng hoàn toàn không rẻ chút nào.
Nếu bạn có thích thú với một ít điểm văn hóa Nhật ngày xưa, bạn nên đến thăm một vài phố thị như phố Asakusa với ngôi chùa nổi tiếng Sensoji vì ở đây bạn có thể bắt gặp những điểm văn hóa còn sót lại của thời Giang Hộ (Edo), đây là tên cũ của thủ đô Tokyo dưới thời Mạc phủ Tokugawa kéo dài hơn 250 năm.
Sensoji là một ngôi chùa rất cổ xưa nhưng nổi tiếng linh thiêng của vùng Edo.
Ngày nay chùa đã được trùng tu lại rất nhiều lần và điểm đặc biệt ở ngôi chùa này, bạn có thể xin “xăm.”
Trước khi xin “xăm,” nhà chùa xin bạn tự giác bỏ vào thùng “phước sương” 100 Yen (tương đương $1) cho một quẻ xăm.
Nếu bạn xin được quẻ xâm tốt thì không sao cả, nhưng nếu không may gặp quẻ xăm xấu thì bạn nên gửi quẻ xâm lại chùa, nhờ Thần Phật giữ hộ bạn nên “bổn mạng” của bạn luôn luôn được tốt và vững bền, tai họa (nếu có) thì trời phật lo cho mình cả.
Tôi thường hay đùa nghịch gọi đây là “văn hóa huề vốn” của các quẻ xâm! Ai là người hưởng lợi nhất thì bạn đã biết ngay rồi!
Shimenawa và Wakazari. (Hình ATNT Tours)
Trong tuần lễ cuối năm, Tokyo có rất nhiều điểm lôi cuốn du khách, vì thế không vì thời tiết mùa Đông se lạnh mà thiếu vắng du khách.
Người dân vùng Đông Nam Á và Trung Quốc đến du ngoạn và mua sắm ở đây rất đông. Số lượng du khách hòa mình vào trong số lượng người dân thành phố chuẩn bị đón Tết tạo thêm phần nhộn nhịp cho phố xá thủ đô Tokyo.
Một phần vì người Nhật ăn Tết trước, trong khi các nền văn hóa khác thì lại đón Tết Âm Lịch nên người ta đã không bỏ lỡ cơ hội vừa đi thưởng ngoạn vừa mua sắm “giá rẻ” ở Osaka hay Tokyo.
Tôi không nghĩ rằng mua sắm ở Nhật quá mắc nếu đem so sánh với những món hàng “cùng hiệu, cùng loại, cùng phẩm chất” ở khắp nơi trên thế giới.
Thậm chí tôi còn nhận thấy rằng có nhiều thiết kế nhiều mẫu hàng “hiệu” nổi tiếng như Channel, Louis Vuitton mà chỉ có ở Nhật bạn mới có thể tìm thấy.
Các cửa hàng lớn ở Ginza hay Shinjuku cũng đông nghẹt người mua sắm, sắp hàng lấy “tax refund.”
Đây cũng là một ưu điểm khác của các cửa hàng lớn của Nhật, khách hàng không cần phải ra đến phi trường mới lấy lại được tiền “tax refund,” các cửa hàng Nhật đều có các chỗ cho bạn lấy lại tiền thuế ngay tại nơi mình mua, rất tiện lợi cho du khách.
Nếu bạn mua sắm ở khu nhà ga Shibuya, thế nào bạn cũng có dịp thăm con chó đá “Hachiko” được dựng ở ngay trước cửa nhà ga.
Tuy nhiên, vào những ngày cuối năm, tượng Hachiko cũng có khác đôi chút! Thời gian gần Tết, người ta cũng đeo “một yếm thần” vào cổ Hachiko.
Tôi nghĩ con chó trung thành “Hachiko” cũng rất xứng đáng được tôn vinh lên hàng “Thần” trong dân gian Nhật Bản. (Hachiko, con chó trung thành trong suốt chín năm trời ngày nào cũng đúng giờ đến nhà ga Shibuya ngồi đợi đón chủ về.
Nó không biết người chủ đã chết từ lâu và vẫn mòn mỏi đợi người chủ cho đến ngày Hachiko chết gục trên một con đường nhỏ ở Shibuya.
Câu chuyện đã được người Nhật tôn sùng, làm tượng đá Hachiko con chó trung thành được dựng kỷ niệm ở đây).
Sau cùng, nếu bạn không phải là mẫu người thích mua sắm thì Tokyo vẫn có nhiều cảnh mùa Đông để bạn có thể thưởng ngoạn vào dịp đón mừng ngày Tết.
Bạn nên đến con phố Marunouchi, con phố Parthenon Odori, Shinjuku Kabukicho, khu Asakusa với tháp Sky Tree cao nhất thế giới, hay bạn đến khu phố mới Odaiba thưởng thức những nét rực rỡ về đêm của thủ đô Đông Kinh.
Giao thừa đã đến rồi, xin được nói một câu chúc Tết mà người Nhật sẽ nói với bạn “Shinnen Akemashite Omedeto Gozaimasu” (Xin chúc mừng một năm mới tươi sáng).
--------------------------------------------------
(*) Kadomatsu: biểu tượng cho sức sống bền vững qua mọi thời tiết. Kadomatsu được làm từ cành thông, tre và nối kết với một vài loại hoa để chào đón Thần vào năm mới. Kodomatsu thường đặt cạnh hai bên cửa nhà, cơ sở thương mại, công ty…
(**) Shimenawa: treo trước cửa nhà với ý nghĩa trừ ma đuổi quỷ.
(***) Wakazari: là một vòng tròn bện bằng dây thừng và kết hoa trên đầu. Tượng trưng cho đời sống ấm no và lúc nào cũng được an toàn.
Tin mới
- Hàn Quốc: Con gái "quân sư" Choi bị câu lưu tại Đan Mạch - 02/01/2017 17:10
- Tên lửa đạn đạo: Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng tránh khiêu khích - 02/01/2017 17:03
- Merkel: Hồi Giáo quá khích là thử thách lớn nhất cho Đức - 01/01/2017 21:53
- Ohio: Máy bay chở 6 người mất tích - 01/01/2017 21:46
- Tây ba lô đón ‘Tết Tây’ ở Sài Gòn - 01/01/2017 21:11
- Hội Đồng Bảo An thông qua nghị quyết hưu chiến tại Syria của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ - 01/01/2017 20:09
- Hàn Quốc : Bà Park Geun Hye "phản pháo" vụ bê bối quân sư - 01/01/2017 20:02
- Kim Jong Un : Bắc Triều Tiên đã sẵn sàng thử tên lửa liên lục địa - 01/01/2017 19:32
- Tập Cận Bình : Không để « chủ quyền biển đảo » bị xâm phạm - 01/01/2017 19:23
- Chào năm 2017 với hy vọng mới - 01/01/2017 03:26
Các tin khác
- Putin gửi lời chúc tới Trump, không nhắc đến Obama trong thông điệp năm mới - 31/12/2016 22:18
- Trung Quốc sẽ cấm kinh doanh ngà voi - 31/12/2016 18:34
- Thái Anh Văn : Đài Loan sẽ không khuất phục trước Trung Quốc - 31/12/2016 18:26
- Philippines muốn dời địa điểm tập trận với hải quân Mỹ - 31/12/2016 18:18
- Phó đại sứ Bắc Hàn đào tẩu tiết lộ về vũ khí hạt nhân - 30/12/2016 23:13
- Donald Trump gặp báo chí, thảo luận nhiều vấn đề - 30/12/2016 19:02
- Thổ Nhĩ Kỳ: Nhà văn Asli Erdogan được tự do có điều kiện - 30/12/2016 17:08
- Trung Quốc hứa mở thêm nhiều lãnh vực cho đầu tư nước ngoài - 30/12/2016 17:01
- Miến Điện: Nhiều giải Nobel Hòa Bình đòi LHQ giúp dân Rohingya - 30/12/2016 16:42
- Trung-Hàn giận dữ vì bộ trưởng Nhật viếng đền Yasukuni - 30/12/2016 16:34