Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Anh Quốc chưa bao giờ mặn mà với Châu Âu

britain-eu brexit 2

Lá cờ Liên Hiệp Châu Âu trở nên lẻ loi trong cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh rời khỏi Liên Hiệp. Ảnh: Phố Downing Luân Đôn ngày 24/06/2016.
REUTERS/Neil Hall

Vậy là thông qua cuộc trưng cầu dân ý  diễn ra ngày 23/06/2016, người dân Anh Quốc đã quyết định nói lời chia tay với Liên Hiệp Châu Âu sau mấy thập kỉ « gắn » mà không « kết » với tổ chức này.

 Ông Tim Olivier, chuyên gia về chính trị của London School of Economics, ngay trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra cũng đã tuyên bố :
« Nhìn chung, nước Anh nhìn nhận Châu Âu từ góc độ thỏa hiệp, tùy xem có thể đạt được điều gì ở đó. Thực tế là người dân Anh chưa bao giờ gắn bó mật thiết với Liên Hiệp Châu Âu ».

Nhìn lại quá khứ, khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nước Anh thuộc phe Đồng minh đã giành chiến thắng.
Nhằm làm hòa dịu giữa các phe chủ chốt đã tham gia vào cuộc chiến đẫm máu này, nước Anh đã bày tỏ mong muốn được gia nhập vào Cộng đồng kinh tế Châu Âu – tiền thân của Liên Hiệp Châu Âu.
Vào lúc đó, nước Anh dành khá nhiều ưu tiên cho đồng minh Mỹ và các cựu thuộc địa của mình trực thuộc khối Thịnh Vượng Chung Commonwealth.

Cụ thể ngày 09/08/1961, thủ tướng đảng bảo thủ Anh Harold Macmillan đã đệ trình hồ sơ xin gia nhập vào Cộng đồng kinh tế Châu Âu.
 Tuy nhiên hồ sơ này đã bị tướng De Gaulle – lúc bấy giờ là tổng thống Pháp – bỏ phiếu phủ quyết lần thứ nhất vào ngày 14/01/1963, và lần thứ hai vào năm 1967, bởi ông không hề tin tưởng vào tinh thần Châu Âu của người dân Anh.

Cuối cùng mãi cho đến 01/01/1973, nước Anh mới chính thức bước chân vào Cộng đồng kinh tế Châu Âu, cùng lúc với Đan Mạch và Irlande.
Cùng lúc đó, trên thế giới diễn ra cơn sốc dầu hỏa. Bởi vậy mà hy vọng về một nền kinh tế chung của Châu Âu sẽ được tăng tốc đã không thành hiện thực.

Ngày 05/06/1975, trong cuộc trưng cầu dân ý được chính phủ của Công Đảng Anh đứng ra tổ chức, trước việc nước Anh trực thuộc Cộng đồng kinh tế Châu Âu, hơn 67% người dân nước này đã bỏ phiếu đồng tình và bày tỏ mong muốn được ở lại trong khối này.

Tuy nhiên, kết quả này không hề loại bỏ được sự mập mờ vốn đã ngự trị trong mối quan hệ giữa Anh và Liên minh Châu Âu. Các cuộc khủng hoảng đã xảy ra sau đó ít lâu.

Đầu tiên là cuộc cuộc khủng hoảng diễn ra vào năm 1979. Lấy lý do bảo vệ đồng tiền quốc gia, Luân Đôn đã từ chối tham gia vào hệ thống tiền tệ chung Châu Âu.
Từ đó trở đi, mọi ý định củng cố sự gắn kết giữa các quốc gia thành viên trong Liên Hiệp đều vấp phải sự khước từ của nước Anh.

Cũng vào năm này, chính xác là vào ngày 30/11/1979, cựu thủ tướng Anh thuộc đảng bảo thủ Margaret Thatcher đã yêu cầu được giảm mức đóng góp của quốc gia này vào ngân sách chung Châu Âu, với lời tuyên bố nổi tiếng « I want my money », tạm dịch là « Hãy trả lại tiền cho tôi ».

Rồi đến năm 1984, yêu cầu này đã được chấp thuận. Tiếp đến, năm 1985, quốc gia này Anh lại từ chối tham gia vào hiệp ước của khối Schengen.

Ngày 20/09/1988, bà Margaret Thatcher, trong một bài diễn văn đọc tại Trường Đại học Châu Âu tại Bruges – Bỉ, đã bác bỏ ý tưởng về một « siêu cường Châu Âu có thể áp đặt các quyền hạn của mình từ trụ sở chính tại Bruxelles».

Ông Thierry Chopin, giám đốc quỹ nghiên cứu Robert Schuman nhấn mạnh rằng người dân Anh luôn có « lối suy nghĩ cho một mô hình tối ưu phục vụ cho lợi ích quốc gia » trước công cuộc kiến thiết Châu Âu.
 Ông cũng khẳng định rằng « Điều đó giải thích vì sao họ rất hăng hái trong việc mở rộng thị trường nội địa ; còn lại, về chính sách tiền tệ hay tư pháp và các vấn đề nội bộ thì họ tìm cách đạt được các thỏa hiệp ưu tiên ».

Ông Tim Olivier, chuyên gia về chính trị của London School of Economics, cũng nhấn mạnh rằng : “Bởi vậy mà cho đến nay, nước Anh vẫn được phép đứng bên ngoài các cuộc tranh luận về cơ cấu của Liên Hiệp Châu Âu, và đặc biệt là ngoài khu vực sử dụng đồng tiền chung euro ».

Sự ngờ vực của nước Anh rõ nét hơn cả kể từ giữa những năm 1990, bằng việc thành lập Ukip, một đảng ủng hộ việc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Những thành công trong bầu cử của Đảng này, đặc biệt là trong cuộc bầu cử Châu Âu vào năm 2014, đã khiến đảng bảo thủ này, mà phần đông vốn đã có thái độ hoài nghi Châu Âu, siết chặt hơn nữa những bài diễn văn của mình.

Sử gia Robert Tombs cho biết :
 « Cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung euro, rồi các cuộc di dân lớn cả về quy mô và số lượng ngay bên trong lòng Liên Hiệp Châu Âu hay cuộc khủng hoảng người tị nạn » những năm vừa qua đã khiến không khí các cuộc tranh luận trong Liên Hiệp ngày càng căng thẳng, bởi « Liên Hiệp Châu Âu bị coi như đã thất bại » trong chính sách chung.

Chính trong khung cảnh này mà vào tháng 01/2013, thủ tướng Anh David Cameron – bản thân cũng luôn nghi ngờ Châu Âu, nhưng vẫn bảo vệ việc nước Anh ở lại trong Châu Âu để đảm bảo quyền lợi kinh tế của đất nước, đã hứa tổ chức cuộc trưng cầu dân ý nếu ông thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào năm 2015.

Sử gia Tombs nói tiếp : « Không phải người dân Anh không yêu quý Châu Âu như những người dân nước khác, nhưng nước Anh thực sự chưa bao giờ lưu luyến dự án của Châu Âu bởi quốc gia này không có chung một lịch sử.
Bởi vậy mà quốc gia này không hề lo sợ về những hậu quả của việc rời Châu Âu ».

Switch mode views: