Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ-Philippines tập trận chống xâm lược tại Biển Đông

philippines-usa-wargames

Các sĩ quan chỉ huy quân đội Mỹ-Philippines trong lễ khai mạc cuộc tập trận Balikatan ngày 04/04/2016 tại Quezon, Philippines.
REUTERS/Romeo Ranoco

Tổng cộng 5000 quân Mỹ, 4000 quân Philippines, 80 quân nhân Úc hôm nay, 04/04/2016, khai diễn cuộc tập trận chung thường niên kéo dài 11 ngày tại Biển Đông .

Điểm đặc biệt là bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ đến chứng kiến trận « giải phóng đảo » bằng đạn thật, vào lúc Bắc Kinh yêu cầu « nước ngoài » không nên can thiệp vào ao nhà của Trung Quốc.

Qua cuộc tập trận chung Balikatan ( Vai kề Vai ), Manila chứng tỏ ý chí bảo vệ chủ quyền đất nước với sự ủng hộ của Washington.

Từ Manila, thông tín viên Gabriel Kahn tường thuật :

"Rất yếu về quân sự so với các quốc gia láng giềng, nhưng vì phải đương đầu với tham vọng của Trung Quốc tranh giành biển đảo, nên Philippines củng cố liên minh quân sự với Mỹ, Nhật và Úc trong những năm gần đây.
Manila cũng cho phép quân đội Mỹ sử dụng năm căn cứ quân sự kể từ tháng ba năm nay.

Cuộc tập trận chung Mỹ-Phi khai diễn kể từ thứ Hai (04/04) là cơ hội để quân đội Philippines phô trương vũ khí mới bên cạnh đồng minh Hoa Kỳ.

Chính phủ Philippines khẳng định cuộc tập trận này không nhắm vào Trung Quốc.
 Tuy nhiên, lực lượng Mỹ-Phi thao dượt ở một phần đảo Palawan, gần quần đảo Trường Sa, mà một số bãi đá ngầm đã bị Trung Quốc gia cố thành đảo nhân tạo làm tiền đồn.

Theo kế hoạch, lực lượng Mỹ-Phi sẽ thực hiện một cuộc đổ bộ « tái chiếm » một hòn đảo « bị một đơn vị ngoại nhập chiếm đóng bất hợp pháp ».

Tuần trước, Hoa Kỳ đã gửi đến Philippines rất nhiều xe quân sự và trang thiết bị nặng.
Đại sứ quán Mỹ không nói rõ là các trang thiết bị này dùng để tập trận trong 10 ngày hay sẽ được tồn trữ trong các căn cứ tại chổ.

Theo AFP, Trung Quốc, qua Tân Hoa Xã, lên án Philippines « âm mưu lôi kéo nước ngoài vào cuộc tranh chấp tại biển Đông ».
Tân Hoa Xã kể tên các « cường quốc ngoại nhập » đó là Mỹ, qua chính sách « xoay trục », và hai đồng minh khu vực Nhật và Úc.

Trung Quốc mời phóng viên quốc tế tham quan các đảo nhân tạo

Báo mạng Philippines, Update.ph, ngày 04/04/2016 cho biết  Bắc Kinh chuẩn bị mời phóng viên nước ngoài tham quan các đảo nhân tạo vừa được Trung Quốc hoàn tất ở Biển Đông, mà Manila gọi là vùng biển Biển Tây Philippines.

Theo tờ báo này, nhân buổi họp báo ngày 01/04/2016, khi được hỏi về khả năng Trung Quốc mở cửa các đảo nhân tạo cho báo chí nước ngoài đến thăm, phát ngôn viên bộ ngoại giao Hồng Lỗi tuyên bố :
« Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ xem xét khả năng đưa các phóng viên nước ngoài tham quan các đảo và bãi đá ».

Nhân vật này nói thêm, nhìn chung, tình hình ở Biển Đông là « ổn định ».
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc không quên nhắc lại lập trường cố hữu của Bắc Kinh đối với vùng biển này đó là « Trung Quốc cương quyết bảo vệ chủ quyền và những lợi ích cốt lõi của mình » tại Biển Đông, đồng thời Bắc Kinh chủ trương « giải quyết tranh chấp bằng con đường đối « thoại với » các nước Đông Nam Á » .

Ám chỉ Mỹ đưa tàu tuần tra ở Biển Đông vì quyền tự do  hàng hải, ông Hồng Lỗi không quên kêu gọi « những quốc gia đứng ngoài vùng nên đóng vai trò xây dựng hơn là gây  những mối căng thẳng mới trong khu vực ».

Switch mode views: