Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Brazil, phép lạ kinh tế hết thiêng

brazil-economy

Lều của người vô gia cư dưới gầm cầu thành phố Sao Paulo, Brazil (Ảnh ngày 03/03/2016)REUTERS/Paulo Whitaker


GDP giảm gần 4 % trong năm 2015, mức tệ hại nhất trong 25 năm qua. Hàng triệu dân Brazil bị đe dọa lại rơi vào cảnh bần cùng khi phải đối mặt với lạm phát 10 %.

Tai tiếng tham nhũng làm rung chuyển cả guồng máy quyền lực. Mô hình phát triển từng làm nên phép lạ kinh tế Brazil đã thuộc về quá khứ.

Bốn tháng trước Thế Vận Hội Olympic, hàng triệu Brazil người liên tục xuống đường trong tháng 3/2016 đòi tổng thống Dilma Rousseff từ chức.
Ông khổng lồ của châu Mỹ La Tinh này với hơn 200 triệu dân như một con tàu không người lái và cùng lúc phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng : chính trị và kinh tế.

Là một quốc gia, nguyên nhiên liệu bảo đảm đến 70 % tổng kim ngạch xuất khẩu, Brazil lao đao khi các mặt hàng này mất giá mạnh từ gần hai năm qua.

Tổng thống Dilma Rousseff kể từ sau khi tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 10/2015, liên tục phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ trong các thành phần xã hội.
Bà còn có thể bị truất phế vì hàng loạt tai tiếng tham nhũng, ít nhiều liên quan đến đảng Lao Động cầm quyền và các đối tác trong liên minh chính phủ.

Bản thân cựu tổng thống Brazil, người đỡ đầu cho bà Rousseff là ông Luiz Inacio Lula da Silva cũng đang phải trả lời tư pháp về tội tham nhũng dính líu đến tập doàn dầu khí Petrobras.
Bị nghi ngờ nhận hối lộ, ít nhiều bao che cho các vụ rửa tiền đã làm xấu đi hình ảnh của cựu tổng thống Lula, người hùng, bảo vệ cho những tầng lớp nghèo khó nhất trong xã hội.

Trong hai nhiệm kỳ từ năm 2003 đến 2011, ông luôn được công luận Brazil xem là người có công đưa 40 triệu dân thoát khỏi bần cùng, tạo dựng một xã hội công bằng hơn.

Uy tín của cựu tổng thống Lula mạnh đến nỗi, cử tri Brazil năm 2011 đã đặt tất cả niềm tin vào bà Dilma Rousseff, lần đầu tiên trao quyền lực vào tay một phụ nữ để điều hành quốc gia lớn nhất của châu Mỹ La Tinh.

Trong cuộc bầu cử vào mùa thu năm 2015, bà Rousseff đã tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ nhì nhưng đó là một thắng lợi rất xít xao và đầy vị đắng.
Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai, đảng đối lập cánh hữu đã tiến hành thủ tục đòi truất phế bà.

Con tàu say

Toàn cảnh kinh tế của nền kinh tế thứ 7 trên thế giới rất u ám.
Tổng sản lượng của Brazil năm 2015 bị giảm mất 3,8 % và đây là thành tích thảm hại thứ nhì trên toàn châu Mỹ La Tinh, chỉ hơn được có Venezuela, nơi GDP đã giảm 10 % trong năm vừa qua.

Trong nhóm BRICS gồm 5 nền kinh tế đang trỗi dậy là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, thì Brazil cầm đèn đỏ.

Brazil hội tụ nhiều nhược điểm của một nền kinh tế đang phát triển. Thứ nhất là quá lệ thuộc vào khu vực khai thác và xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên, quặng mỏ.
Thứ hai là khi giá nguyên nhiên liệu trên thế giới giảm mạnh, tỷ lệ nợ của tư nhân bùng phát.
 Trong 8 năm từ 2007 đến 2015, tỷ lệ nợ tư nhân so với tổng sản phẩm nội địa của Brazil tăng gần 40 %.

Nhược điểm thứ ba của Brazil là đã quá lệ thuộc vào một khách hàng lớn là Trung Quốc. Ông khổng lồ châu Á này là nguồn bảo đảm đến 20 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil.
Điểm yếu thứ tư của nền kinh tế số 1 châu Mỹ La Tinh này, là lợi thế cạnh tranh của Brazil không ngừng giảm sụt trong thời gian gần đây, khi mức lương trung bình tăng lên cao hơn và đồng real tăng giá so với đô la.

Hoạt động công nghiệp của Brazil trong tài khóa 2015 giảm 6,2 % so với năm 2014. Riêng ngành khai thác quặng mỏ, giảm đến 6,6 %.

Yếu tố tiền tệ và tài chính bất thuận lợi

Vào lúc khu vực sản xuất bị chựng lại, vật giá vẫn leo thang. Lạm phát tăng từ 8 đến 10 % tùy theo cách tính toán của các tổ chức nghiên cứu khác nhau.
 Bên cạnh đó, để ngăn chận hiện tượng chảy máu tư bản, Brazil đã phải liên tục tăng lãi suất chỉ đạo để thu hút đầu tư nước ngoài.

Hiện tại, lãi suất ngân hàng dài hạn dao động ở khoảng 15 % và đây là một gánh nặng tài chính đối với các doanh nghiệp, tư nhân và kể cả chính phủ.
Đầu tư trên toàn quốc rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2013. Tổng kim ngạch đầu tư của Nhà nước giảm 40 % trong tài khóa 2015.

Chỉ số tiêu thụ nội địa cũng tuột dốc không phanh trong lúc các tập đoàn sản xuất, từ ngành luyện kim đến công nghệ xe hơi, xây dựng, dược phẩm đều đua nhau sa thải nhân công.

Trong 1 năm, tính đến tháng 11/2015, số người thất nghiệp tăng 40 % so với cùng thời kỳ năm 2014. Hiện có hơn 9 triệu người Brazil trong tuổi lao động không có việc làm.

Brazil trong ngõ cụt chính trị và kinh tế

Trả lời trên đài RFI nhà chính trị học Philippe Faucher, trung tâm nghiên cứu CERIUM, đại học Montréal, Canada gắn liền khủng hoảng chính trị Brazil với những khó khăn kinh tế quốc gia này đang phải đối mặt, đồng thời ông bi quan cho rằng Brazil đang trong ngõ cụt :

« Hiện tại tỷ lệ tín nhiệm bà Dilma Rousseff chỉ còn 11 %. Có thể nói kể từ khi tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, bà luôn trong tình trạng  « thoi thóp về mặt chính trị’ ».
Cùng lúc Dilma Rousseff phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, nghiêm trọng nhất là kinh tế bị đình trệ đúng vào lúc Brazil kỳ vọng « cất cánh».

Giấc mơ xây dựng một tầng lớp trung lưu, tạo nội lực tăng trưởng cho Brazil gần như tiêu tan. Hàng chục triệu người từng thoát khỏi cảnh bần cùng nhờ chính sách trợ cấp xã hội được lập nên dưới thời của cựu tổng thống Lula da Silva đang quay về điểm khởi đầu.

 Đây chính là điều gây nên một làn sóng bất mãn trong xã hội. Những gì từng tạo nên hào quang kinh tế dưới thời ông Lula đang tan chảy như tuyết dưới ánh nắng mặt trời, nếu không muốn nói là cả một mô hình phát triển bị sụp đổ.

Từ năm 2009 Brazil mất dần những lợi thế đã chinh phục được trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Lula, để rồi tổng sản phẩm nội địa năm 2015, bị giảm đi mất gần 4 %.

Cùng lúc lạm phát gia tăng trở lại. Nạn nhân đầu tiên là thành phần trung lưu mới nổi lên. Khi kinh tế dễ dàng tăng trưởng, thì người dân đi vay để mua sắm, bây giờ đến lúc họ phải trả nợ, thì lại gặp khó khăn, vì giá dầu và nguyên liệu giảm mạnh, vì khách hàng quan trọng của Brazil là Trung Quốc mua vào ít dầu và vật liệu hơn …

Nhìn về góc độ chính trị, đảng Lao Động cầm quyền bị đe dọa.
 Thêm vào đó đối lập cánh hữu lại đổ thêm dầu vào lửa mà không thể đưa ra bất kỳ một giải pháp nào để đưa đất nước thoát khỏi bế tắc. Tôi nghĩ là Brazil đang trong tình thế rất đáng quan ngại »

Nhà phân tích Gaspard Estrada thuộc trung tâm quan sát tình hình chính trị châu Mỹ Latinh và khu vực Caribê, trường Khoa học Chính trị Sciences Po Paris, cho rằng, chính sự « chia năm sẻ bảy trên chính trường Brazil » dẫn tới bế tắc ngày hôm nay :

« Bản thân bà Dilma Rousseff có vấn đề với chính đa số cầm quyền, thậm chí là ngay trong nội bộ đảng Lao động.
 Đây là một liên minh với rất nhiều lợi ích chính trị khác nhau. Người duy nhất có thể giữ cho đa số này không bị tan vỡ chính là ông Lula da Silva.

 Đây có thể là một lý do để bà Rousseff mời ông Lula trở lại chính trường. Nhưng, như chúng ta biết, tính toán này kéo theo rất nhiều vấn đề phức tạp khác.

Thứ nhất là lôi thôi của bản thân cựu tổng thống Lula với Tư pháp. Thứ hai là câu hỏi, ông Lula nhập cuộc để làm gì và có thể làm được gì, bởi vì cá nhân ông cũng như đảng Lao Động từ trước tới nay luôn trong tầm ngắm của tầng lớp giàu có.
Giờ thì họ bị cả báo chí lẫn tầng lớp bình dân tấn công ».

Nguy hiểm khi phát triển nhờ đi vay nợ

Theo quan điểm của giáo sư Alfredo Valladao, trường Khoa học Chính trị Paris, sở dĩ tầng lớp bình dân giờ đây đang quay lưng lại với đảng Lao Động, là bởi vì họ đã thất vọng tràn trề trước mô hình phát triển mang tên người hùng Lula :

« Tất cả phép lạ của mô hình Lula được xây dựng trên một nền tảng không có gì là vững chắc. Kinh tế Brazil dưới những năm tháng Lula phát triển nhờ khai thác và xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng về bản chất thì Brazil – từ người tiêu dùng cho tới các doanh nghiệp, các cơ quan hành chính, chính quyền địa phương, đều đã đi vay mượn rất nhiều và họ đã được cấp tín dụng với lãi suất thấp.
Nhờ vậy cựu tổng thống Brazil đã xây dựng được một một tầng lớp trung lưu.

Nhưng khi giá dầu hỏa, khí đốt và nguyên, nhiên liệu nói chung giảm mạnh, thêm vào đó một trong những khách hàng quan trọng của Brazil là Trung Quốc giảm mức nhập khẩu, thì cả nền kinh tế Brazil ngập chìm trong một núi nợ.

Đối với một nền kinh tế đứng thứ 7 trên toàn cầu, mà GDP trong năm qua giảm gần 4 % và sẽ còn giảm thêm từ 5 đến 6 % trong năm 2016 và trong tài khóa 2017, thì đây là kịch bản vô cùng tai hại.

Những thành phần tưởng chừng đã thoát khỏi cảnh đói, nghèo lại bị nợ nần chồng chất, mất việc làm và phải đối mặt với lạm phát khoảng 8 %.
Vì vậy chính số này là tầng lớp phẫn nộ hơn ai hết trong xã hội ».

Nhà chính trị học Philippe Faucher, trung tâm nghiên cứu CERIUM, đại học Montréal, giải thích thêm vì sao, chính những thành phần từng thoát khỏi cảnh bần cùng nhờ chiếc đũa thần của ông Lula, nay lại là những người chống đối mạnh mẽ nhất chính sách của tổng thống Dilma Rousseff :

« Vấn đề quan trọng nhất của Brazil là hố sâu ngăn cách giàu nghèo quá lớn. Dưới những năm tháng của tổng thống Fernando Henrique Cardoso (1995-2003), kinh tế Brazil đã từng bước được ổn định, đó cũng là thời kỳ GDP gần như không hề tăng trưởng trong gần 20 năm, lạm phát thì có lúc lên tới hơn 1.000 %.

Đến cuối nhiệm kỳ, ông Cardoso phần nào đặt nền móng cho một mô hình tăng trưởng lành mạnh hơn, trước khi chuyển giao quyền lực lại cho tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva (2003-2011).

Thế rồi ông Lula đã tận dụng thời kỳ giá dầu hỏa, khí đốt và nguyên nhiên liệu tăng cao, tạo đà cho phát triển.
Nhờ thu nhập dồi dào từ các nguồn nguyên và nhiên liệu mà tổng thống Lula đã đưa được 40 triệu dân thoát khỏi cảnh bần cùng, chu cấp an sinh xã hội cho toàn dân.

Tuy nhiên cũng trong giai đoạn này, đơn vị tiền tệ của Brazil là đồng real đã tăng giá, khiến hàng của Brazil xuất khẩu ra thế giới kém hấp dẫn hơn.

 Kinh tế Brazil đã đạt nhiều thành quả ngoạn mục nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng khát vọng của hơn 200 triệu dân.
Thế rồi với khủng hoảng hiện tại, những người từng tin tưởng vào chiếc đũa thần của đảng Lao Động, của ông Lula, cay đắng nhận thấy là phép lạ kinh tế Brazil có giới hạn của nó. Đó là thực tế phũ phàng của Brazil ngày hôm nay ».

Tê liệt chính trị

Giáo sư Valladao trường Sciences Po Paris tiếc là trong gần 20 năm qua, Brazil đã không cải tổ chính trị và cũng đã không tận dụng được thời cơ để đưa kinh tế quốc gia này lên bệ phóng. Để giờ đây, Brazil phải sớm đẩy lui mô hình xã hội của cựu tổng thống Lula vào quá khứ

« Mô hình phát triển của Brazil đang bước vào giai đoạn cuối.
 Từ gần 20 năm nay, quốc gia này chủ trương cải tổ chính trị, nhưng đó chỉ là những lời nói suông.
Toàn cảnh chính trị tại quốc gia này quá bị chia rẽ. Có tới khoảng 20 đảng phái khác nhau hiện diện ở nghị trường. Nội các hiện tại phải dựa vào đến 16 đảng để điều hành đất nước.

Đáng quan ngại hơn nữa, là phái hữu đối lập không có khả năng đề xuất một mô hình chính trị nào khác nhằm chấm dứt khủng hoảng kéo dài hiện nay.

Trong thành phần chính phủ, ai ai cũng chỉ nghĩ đến chuyện bảo vệ quyền lợi của mình. Liên minh quan trọng nhất của bà Dilma Rousseff muốn từ bỏ con tàu đang mất hướng này.
Bản thân tổng thống Brazil cũng bị tê liệt về mặt chính trị, cho dù bà vẫn muốn tiếp tục chính sách xã hội từng được người tiền nhiệm đề ra. Bà Dilma Rousseff thực sự bị bó tay.

Kinh tế Brazil không thể tiếp tục trông đợi vào thu nhập từ các nguồn nguyên nhiên liệu để phát triển và Brazil cũng không thể tiếp tục các biện pháp trợ giá hay đài thọ các chương trình trợ cấp xã hội tốn kém. Mô hình đó đã thuộc về quá khứ ».

Về phần mình tổng thống đương nhiệm bà Dilma Rousseff hoàn toàn bị bó tay theo như giải thích của nhà chính trị học Philippe Faucher, trung tâm nghiên cứu CERIUM, đại học Montréal :

« Tôi nghĩ là bà Dilma Rousseff muốn tiếp tục chính sách xã hội, muốn bảo đảm mức lương tối thiểu cho người dân, thế nhưng nếu không có tăng trưởng, thì làm sao hoàn thành được mục tiêu đó ?

Tăng trưởng của nước này hiện ở số âm, lạm phát là hơn 8 %. Thế rồi để giữ tư bản ở lại Brazil, Ngân Hàng Trung Ương phải đẩy lãi suất chỉ đạo lên tới 15 %.

Đây là một gánh nặng quá lớn đối với Brazil đang nợ nần chồng chất. Về khả năng cải tổ, thì chính quyền bị bó tay, khi mà các tầng lớp giàu có, những ai đã được hưởng trợ cấp xã hội thì không muốn hy sinh những gì họ đã có.
Cụ thể là Brazil không tài nào thay đổi luật lao động, cũng không thể đụng đến mức lương hưu …

Kinh tế bị đóng băng và tôi nghĩ là bà Rousseff không làm gì khác hơn được là khoanh tay ngồi nhìn, cho dù bà rất muốn tiếp tục con đường đã được người tiền nhiệm là tổng thống Lula phác họa ra ».

Khó có thể đoán trước là bà Dilma Rousseff có giữ được chiếc ghế tổng thống đến cuối nhiệm kỳ hay không, nhưng chắc chắn là trong cuộc bầu cử cấp thành phố vào tháng 10/2016, cánh hữu sẽ tận dụng tối đa công phẫn của đường phố, để biến cuộc bầu cử đó thành một cuộc trưng cầu dân ý, ủng hộ hay chống đảng Lao Động của cặp bài trùng Lula và Rousseff.

Nhìn rộng ra hơn, Brazil là trường hợp tiêu biểu nhất cho những nền kinh tế của châu Mỹ Latinh đã quá ỷ lại vào khu vực xuất khẩu nguyên, nhiên liệu, đặt quá nhiều hy vọng vào một đối tác thương mại.
Không chỉ Brazil mà cả Achentina, và nhất là Venezuela đang trả giá đắt cho bài học này.

Switch mode views: