Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Pháp : Càng bị thiệt hại, khách sạn càng khuyến mại

Lutetia -hotel

Khách sạn Lutetia tại Paris nằm trong số các khách sạn bị thất thu.
Flickr /Steve Cadman

Năm tuần lễ sau đợt khủng bố tại Paris, ngành du lịch khách sạn ở Pháp vẫn còn hoạt động rất chậm.

Sau cú chốc ban đầu khiến cho ngành này mất khoảng 10% doanh thu hàng năm, các tập đoàn khách sạn Pháp cũng như quốc tế đã tùy cơ ứng biến, "phản công" với các đợt khuyến mại với giá mềm chưa từng thấy.

Sự kiện các du khách quốc tế lần lượt hủy các chuyến đi thăm Paris nói riêng, du lịch nước Pháp nói chung đã khiến cho ngành khách sạn bị lao đao.
Khách sạn càng có nhiều sao, thì mức thất thu lại càng cao.

Theo thăm dò thị trường của công ty nghiên cứu ngành du lịch khách sạn MKG do báo Huffington Post trích dẫn, các khách sạn hạng sang đã mất từ 30% tới 50% doanh thu trong mùa lễ cuối năm, trong đó có các khách sạn nổi tiếng như Crillon tọa lạc trên quảng trường Concorde, Bristol ở trên đường Faubourg Saint-Honoré hay Plaza Athénée, nằm trên đại lộ Montaigne, nơi có nhiều cửa hàng thời trang sang trọng.

Khách sạn càng nhiều sao, mức thất thu càng cao

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, từ sau đợt khủng bố 11 tháng 9 (năm 2001) tại New York, ngành này đã thành lập những nhóm nghiên cứu, trong đó có cả các giải Nobel kinh tế, để phác họa những tình huống rủi ro nhất để tìm cách đối phó.

Theo ông Georges Panayotis, giám đốc công ty MKG, tác động của đợt khủng bố lần này tuy nặng nhưng sẽ không kéo dài, điều đó dĩ nhiên còn tùy thuộc vào sức trụ vững cũng như đà khôi phục của mỗi tập đoàn khách sạn, thường là từ 3 tháng đến 5 tháng.

Chính cũng nhằm mục tiêu thu hút khách hàng trở lại, mà các tập đoàn khách sạn của Pháp cũng như quốc tế đều lần lượt tung ra các đợt khuyến mại với giá thật mềm.
Thông thường, vào những ngày lễ cuối năm, cũng như vào kỳ nghỉ mùa đông trung tuần tháng Hai, các khách sạn thường bán phòng với giá cao, do mức cung cao hơn cầu.
Trái với thông lệ, các tập đoàn lại áp dụng giá mềm cho những mùa cao điểm, cộng thêm với một số ‘’đặc quyền’’ phụ trội, những dịch vụ ưu đãi mà bình thường ra khách hàng phải bỏ tiền mua thêm.

Các khách sạn nổi tiếng như InterContinental, Hilton, Marriott, Sheraton, Méridien đều lần lượt giảm giá khoảng 30% để ‘’câu khách’’, do các thương hiệu lớn này đều có nhiều khách sạn ở Paris, họ nâng cấp hay tặng thêm điểm tâm, ăn tối hay dịch vụ spa tùy theo số ngày đặt phòng trước.

Chương trình nghỉ dưỡng mùa đông ‘’Les Hivernales’’ của tập đoàn Pháp Accor giảm giá tới 40% cho khách hàng, nếu là thành viên trung thành thì tặng thêm 10%, và như vậy so với cùng thời kỳ năm trước, giá phòng năm nay giảm đi một nửa.

Giá mềm dù đang là mùa cao điểm

Hấp dẫn hơn nữa là các thương hiệu hạng sang của tập đoàn Accor gồm Sofitel, Pullman, MGallery hay Grand Mercure.

 Phòng do khách hàng đặt mua được nâng cấp tự động. Ngoại trừ hai đợt khuyến mại thường niên, thì ít khi nào các loại phòng lớn theo kiểu ‘’suite’’ của các khách sạn này lại được bán với giá mềm.
Các chương trình khuyến mại này cũng kéo dài hơn mọi khi, cho tới tuần lễ đầu tháng Ba năm 2016, tức là dài hơn một tháng so với thường lệ.

Tuy nhiên, có một điều đáng ghi nhận là các chiến dịch khuyến mại này diễn ra một cách kín đáo chứ không có quảng cáo rầm rộ.
Theo công ty nghiên cứu thị trường MKG, điều này là do hai yếu tố. Thứ nhất là các tập đoàn khách sạn tránh làm phật lòng những đối tượng khách hàng nào đã đặt phòng rồi và không hủy các chuyến đi của họ.

Thành phần khách hàng này đã mua phòng với giá cao và họ sẽ thắc mắc là vì sao những người tới muộn lại được hưởng giá mềm cũng như nhiều dịch vụ hơn họ.
 Nếu bạn ở trong trường hợp này thì chỉ cần gửi email và yêu cầu ban quản lý khách sạn một là giảm giá, hai là tặng thêm cho bạn những dịch vụ ưu đãi.

Yếu tố thứ nhì là uy tín và thương hiệu, các khách sạn từ 4 sao trở lên vì muốn bảo vệ hình ảnh có đẳng cấp của mình cho nên họ ít khi nào mà bán đổ bán tháo dựa theo phương châm ‘’tiền nào của nấy’’.

 Chính vì thế mà các đợt khuyến mại thường là trên mạng, đôi khi không xuất hiện trên trang đầu các website chính thức và cũng được gửi ưu tiên cho tầng lớp khách hàng có đăng ký qua thư tin (newsletter).

Ngành nhà hàng cũng buộc phải giảm giá

Đợt khủng bố tại Paris ngày 13/11 vừa qua cũng ảnh hưởng tới các nhà hàng và ngành hàng không dân dụng.
 Đa số các nhà hàng nổi tiếng đều có giảm giá ít nhất là 20% thông qua mạng LaFourchette, bình thường không giảm giá vào những ngày cuối tuần, nhưng do thất thu họ cũng bắt đầu các đợt khuyến mại để thu hút thêm khách hàng vào dịp week-end.

Các nhà hàng thuộc loại có sao theo bảng xếp hạng của sách hướng dẫn Michelin không phá giá để giữ uy tín, nhưng cũng sẽ tặng thêm một ly sâm banh, cho thêm món khai vị hay tráng miệng, với điều kiện là thực khách phải đặt bàn trước, càng đặt sớm thì ưu đãi càng nhiều.

Riêng trong ngành hàng không dân dụng, theo số liệu của cơ quan ADP (Aéroports de Paris) do báo Les Échos trích dẫn, các phi trường quốc tế của Pháp trong tháng 11 đã mất khoảng 150.000 lượt khách.
Cứ theo đà này, thì số lượt khách bị mất trong tháng 12 cũng sẽ tương tự. Tính tổng cộng, các sân bay quốc tế ở Paris năm nay (2015) chỉ đón khoảng 6,7 triệu hành khách thay vì gần 7 triệu so với cùng thời kỳ năm trước (2014).

Theo công ty thăm dò thị trường ForwardKeys, lượng khách quốc tế đặt vé máy bay đến Paris vẫn còn chậm 5 tuần sau đợt khủng bố.
Tính từ trung tuần tháng 11 cho tới giờ, mức giảm là 28%. Nhưng nhìn chung, các công ty hàng không châu Âu đã phản ứng khá nhanh, vì hầu hết các công ty này đều đã áp dụng biện pháp giảm giá.

Các đợt khuyến mại của Air France và KLM đưa ra những giá mềm chưa từng thấy, giảm tới 50% cho hầu như toàn bộ các điểm đến ở châu Âu kể cả Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và thậm chí Hy Lạp.

Ngành hàng không dân dụng gỡ gạc thất thu

Điều đáng ghi nhận là các công ty hàng không Pháp cũng như châu Âu để bù đắp thất thu do ít có người muốn đi Pháp, chuyển sang giảm giá ở nhiều điểm đến khác, bằng cách bán vé mềm hầu như cùng một giá với các công ty low coast như RyanAir, EasyJet, Vueling hay Transavia ….. nhưng họ lại không hạn chế về mặt hành lý hay các dịch vụ ăn uống trên máy bay.

Tác động dây chuyền ấy cũng lan sang các điểm đến khác mà thoạt nhìn chẳng có liên gì tới Pháp.
Đây có lẽ là lần đầu tiên, Air France và KLM áp dụng giá mềm vào mùa cao điểm kể cả cho các chuyến bay sang Hoa Kỳ hay Canada, sang châu Á có Việt Nam, Thái Lan, Hồng Kông hay Bali, sang Nam Mỹ có quần đảo Antilles, Brazil và Mêhicô.

Chỉ có đi Úc và các quốc đảo ở Thái Bình Dương, thì giá vé khứ hồi của Air France và KLM vẫn còn ở một mức tương đối cao.
Một điều quan trọng khác nữa là nếu như thời điểm đặt vé có phần hạn chế, nhưng thời điểm khởi hành đôi khi lại mở rộng cho tới cuối năm 2016.

Nhiều người thích đi du lịch mà biết tính xa có thể đặt vé không phải là cho ngay bây giờ mà là cho mùa hè hay mùa nghỉ lễ cuối năm tới, nếu kết hợp luôn với các đợt khuyến mại khách sạn thì du khách hẳn chắc là có thể đi chơi xa với giá mềm nhất.

Càng bị thiệt hại, ngành du lịch khách sạn càng khuyến mại. Đôi khi họa người lại thành phúc ta.


Switch mode views: