Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thủ tướng Pháp hoan nghênh vai trò quốc tế của Tokyo

JAPAN-FRANCE 2

Thủ tướng Pháp Manuel Valls (giữa ) và người đồng cấp Nhật Shinzo Abe, tại Kyoto, ngày 04/10/2015.
REUTERS/Kyodo

 Sự kiện Nhật Bản muốn đảm trách vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế là « điều tốt ».
Trên đây là nhận định của thủ tướng Pháp Manuel Valls khi trả lời một câu hỏi về đạo luật quốc phòng mới nới rộng nhiệm vụ của quân đội Nhật bên ngoài lãnh thổ.

Hôm nay, 05/10/2015, ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng công du Nhật Bản, thủ tướng Pháp Manuel Valls đã có hai phát biểu được chú ý.

Trước tiên là liên quan đến chính sách quốc phòng mới của Tokyo qua đạo luật được thông qua ngày 19/09, cho phép quân đội Nhật tham chiến ở nước ngoài để bảo vệ một nước đồng minh lâm chiến.

Thủ tướng Pháp tuyên bố không can thiệp vào chọn lựa nội bộ của Nhật nhưng nguyện vọng của Tokyo muốn đảm đang trách nhiệm quan trọng hơn trong cộng đồng quốc tế thì đó là « điều tốt ».

Thủ tướng Manuel Valls không ngần ngại bình luận như một đại diện thương mại : « cũng tốt cho công nghiệp quốc phòng Pháp ».

Hồ sơ thứ hai là về khí hậu. Tại cố đô Kyoto, nơi mà vào năm 1992 cộng đông quốc tế thông qua nghị định thư Kyoto, thủ tướng Pháp thúc giục khoảng 50 nước còn lại trong đó có Nhật, chưa thông báo nỗ lực đóng góp vào biện pháp làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhân hội nghị COP21, sắp diễn ra tại Paris vào tháng 12/2015.

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles tường thuật :

Tại Kyoto, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cảnh báo rằng Hội nghị Paris về khí thải gây hiệu ứng nhà kính còn được gọi là COP 21 chưa thể nói trước là sẽ thành công.
Khoảng 50 nước thành viên của Hiệp định khí hậu Liên Hiệp Quốc cho đến nay vẫn chưa thông báo cam kết.
Nhật Bản có công bố một số hứa hẹn nhưng còn quá khiêm tốn : Giảm có 26% lượng khí thải từ nay đến 2030 trong khi Liên Hiệp Châu Âu cam kết giảm 40%.

Thủ tướng Pháp đến thăm Kyoto, nơi cách nay 23 năm, thỏa thuận đầu tiên về môi trường được ký kết.
Ông cũng đến Fukushima nơi xảy ra tai nạn hạt nhân. Từ đó đến nay, chỉ có một lò điện hạt nhân duy nhất hoạt động trở lại.

Đi ngược lại xu hướng chung, Nhật đã xây nhiều nhà máy chạy bằng than đá, nguyên liệu gây ô nhiễm, để bù đắp cho số nhà máy điện hạt nhân phải đóng cửa vì hư hại.

Để có thể giữ lời hứa chống biến đổi khí hậu, Nhật Bản muốn tăng cường hợp tác với Pháp trong lãnh vực hạt nhân.
Thủ tướng Pháp tuyên bố sẵn sàng đón tiếp tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi Heavy đầu tư vào tập đoàn hạt nhân Areva của Pháp.
Mitsubishi và Areva đã cùng chế tạo lò phản ứng hạt nhân Atmea.

Switch mode views: