Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tuần lễ quyết định tương lai Ukraina

donestk -ukraina


Đài tưởng niệm Savur-Mohyla, phía đông thành phố Donetsk.
Ảnh ngày 07/12/2014- REUTERS/Maxim Shemetov

Liệu có một tia hy vọng nào hòa bình sẽ vãn hồi ở miền đông Ukraina ?

Vào lúc lệnh ngưng bắn mới bắt đầu có hiệu lực kể từ hôm nay 09/12/2014, hòa đàm song phương dự trù tại thủ đô Belarus giữa chính phủ Kiev và phe ly khai bị dời sang một ngày khác theo thông báo của Matxcơva.

Một cố vấn ngoại giao của tổng thống Nga Vladimir Putin vào chiều hôm qua 08/12 tuyên bố hòa đàm tại Minsk mà tổng thống Ukraina thông báo khai mở vào thứ ba 09/12 sẽ « diễn ra trong tuần ».

Cuộc đàm phán này nhằm mục đích làm sống lại một thỏa hiệp ký kết cách nay hơn ba tháng, vào ngày 05/09 tại thủ đô Belarus, dưới sự bảo trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE nhưng chưa một ngày được tôn trọng.

Lệnh ngưng bắn bị vi phạm hàng ngày làm thiệt mạng hơn 1000 người từ binh sĩ quân đội Ukraina, chiến binh ly khai thân Nga và nhất là thường dân.
Kiev tố cáo Nga đưa khoảng 7500 quân và vũ khí nặng trợ lực cho phiến quân ly khai.

Trong tình hình căng thẳng này, thật ra không thiếu những dấu hiệu hy vọng.
Yuri Ouchakov, cố vấn của tổng thống Nga tuyên bố Nga sẽ cố gắng hết sức để hòa đàm diễn ra.

Tuần trước, trong chuyến công du Kazakhstan trở về, tổng thống Pháp sau khi hội ý với thủ tướng Đức, bất ngờ ghé ngang Matxcơva và hội kiến với chủ nhân điện Kremli ngay tại phi trường quốc tế.

Tuy cuộc tiếp xúc diễn ra ngắn ngủi và không rõ hai bên đã cam kết những gì nhưng tổng thống François Hollande kêu gọi Vladimir Putin phải góp sức, không phải chỉ làm xuống thang căng thẳng mà phải đem lại hòa bình thật sự cho Ukraina, phải có hành động thật sự chứ không phải chỉ qua lời nói.

Chưa biết động thái ngoại giao của tổng thống Pháp, trong bối cảnh Nga bị Tây phương trừng phạt và đồng tiền Nga bị rớt gia, kinh tế Nga bị suy thoái, có làm Kremli xét lại chính sách đối đầu tại Ukraina sau khi đã nuốt chửng Crimée hay không ?.

Hôm nay, lần đầu tiên từ tháng 6, Nga mở lại ống dẫn khí đốt cung cấp nhiên liệu cho Ukraina.
Song song với những dấu hiệu khích lệ này, Nga và Tây phương vẫn tiếp tục đọ sức nhau.

 Thủ tướng Đức Angela Merkel tố cáo Matxcơva luôn tìm cách gây khó khăn cho các nước láng giềng.
Lãnh đạo Tây phương mà Putin tôn trọng nhất khẳng định các biện pháp trừng phạt Nga là chính sách tốt.

Thủ tướng Ukraina Arseni Iatseniouk cảnh cáo Nga một là tôn trọng thỏa thuận Minsk, hai là « trả giá đắt ».
Ông Rob Nicholson, bộ trưởng quốc phòng Canada, thành viên của NATO, tuyên bố tại Kiev là Tây phương cần duy trì áp lực để buộc Nga phải tôn trọng nền độc lập của Ukraina.

Canada viện trợ quân dụng không gây sát thương và quân phục mùa đông cho quân đội Ukraina.

Giới chính trị Nga cũng không thiếu những lời tuyên bố bốc lửa.Trong buổi điều trần tại Hạ viên Douma, thứ trưởng ngoại giao Serguei Riabkov tố cáo Hoa Kỳ muốn lật đổ tổng thống Putin bằng chính sách trừng phạt kinh tế tài chính.

 Serguei Riabkov thẩm định là các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích tạo điều kiện kinh tế xã hội bất lợi dẫn đến sự sụp đổ của chế độ.
Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov cũng khẳng định với chuyên gia và doanh nhân Nga là nhiều người trong giới lãnh đạo Tây phương không phải đòi Nga thay đổi chính sách mà thật ra là muốn thay đổi chế độ.

Nếu tin vào dự đoán của thủ tướng Đức Angela Merkel, người thấu rõ « tim đen » của tổng thống Putin thì một giải pháp chính trị vẫn có thể đạt được nhưng thời gian còn xa lắm, xa hơn bà lầm tưởng lúc ban đầu.


Switch mode views: